Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội góp phần bảo đảm quyền cho phụ nữ nông thôn Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Phụ nữ ở nông thôn là một lực lượng đông đảo trong cơ cấu dân cư và cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay. Với đặc thù là đa số lao động ở khu vực phi chính thức nên họ chủ yếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bài viết tập trung khái quát những ưu điểm, hạn chế của chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trong bảo đảm quyền của phụ nữ ở nông thôn, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay

Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội luôn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về ASXH không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho việc bảo đảm quyền con người. Trong đó, bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống ASXH, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội, đời sống của Nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Ngày 01/6/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, Nghị quyết chỉ rõ, “hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”1. Ngay sau đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 – 2020 tiếp tục đưa ra quan điểm “Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” và xác định mục tiêu: “… tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp…”2.

Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về các vấn đề chính sách xã hội cho người dân, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT và các mục tiêu mà Nghị quyết số 21/NQ-TW đã nêu ngày 20/11/2014  tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Có thể khẳng định, Luật BHXH năm 2014 đã khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật về BHXH thời gian qua; tiếp cận một cách đầy đủ hơn mô hình BHXH của khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn quyền được bảo đảm ASXH cho người dân theo nguyên tắc Hiến định.

Một trong những điểm mới nổi bật và thể hiện tính ưu việt của Luật BHXH năm 2014 là mở rộng độ bao phủ BHXH theo nhiều hướng tiếp cận nhằm gia tăng hơn nữa số người tham gia theo các loại hình BHXH một cách ổn định và bền vững, như: bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng và tạo điều kiện hơn nữa số người tham gia BHXH tự nguyện bằng việc không khống chế tuổi trần của người tham gia BHXH tự nguyện (khoản 4 Điều 2) và quy định chính sách hỗ trợ người dân tham gia loại hình BHXH tự nguyện (khoản 1 Điều 87); gia tăng tính tuân thủ việc tham gia BHXH của người lao động bằng nhiều biện pháp thông qua các quy định về quyền và trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH từ Trung ương tới địa phương và các cơ quan có liên quan (các điều trong Chương 1 và Chương 2); quy định rõ thẩm quyền xử phạt cũng như gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về BHXH (Điều 121 và Điều 122 Chương 3)… Như vậy, Luật BHXH năm 2014 đã có những bước phát triển mới theo hướng tích cực và ngày càng hoàn thiện hơn so với các quy định trước đây và chính điều đó vừa là tiền đề, vừa là cơ hội cho sự tham gia BHXH của phụ nữ ở nông thôn (PNNT).

Sau một thời gian triển khai thực hiện, các chính sách, pháp luật về BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH. Diện bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng, số người được hưởng BHXH không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ lệ tham gia BHXH còn khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đặt ra. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH chậm được khắc phục; chưa có chính sách phù hợp cho lao động khu vực phi chính thức (KVPCT) – nơi người lao động dễ bị tổn thương. Đặc biệt là còn thiếu vắng chế độ, chính sách về thai sản, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Phụ nữ ở nông thôn và tình hình tham gia bảo hiểm xã hội của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam hiện nay.

PNNT là cộng đồng người phong phú và đa dạng về sắc tộc, tôn giáo, lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau và sinh sống ở những vùng nông thôn khác nhau. PNNT hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, các ngành, nghề thủ công truyền thống.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến tháng 4/2019, tổng dân số của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, nam giới là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và nữ giới là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Dân số thành thị 33,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 35%. Dân số nông thôn 62,7 triệu người, chiếm 65%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt 55,8 triệu người, trong đó lao động thành thị chiếm 32,8%, lao động nông thôn chiếm tỷ lệ 67,2%3. Theo ước tính, hiện nay lực lượng lao động nữ 15,052 triệu người.

Về đặc điểm của PNNT, tỷ lệ lao động nữ ở KVPCT cao, thu nhập thấp và không ổn định; điều kiện làm việc của đa số PNNT không bảo đảm, chủ yếu là lao động ngoài trời nên chịu tác động trực tiếp của thời tiết, phải tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất bảo vệ thực vật…

Một nghiên cứu về “Thực trạng và đề xuất chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng chỉ ra, hiện nay có tới 90% PNNT mang thai không được hỗ trợ từ Nhà nước. Trong đó, có đến gần 50% phụ nữ nông thôn phải trở lại làm việc, lao động, sản xuất khá sớm sau khi sinh, điều này dẫn đến sự hạn chế về điều kiện nghỉ dưỡng, chăm sóc sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ; trên 60% PNNT mang thai có nguồn thu nhập chính của gia đình là từ người chồng, chỉ có 3,4% có thu nhập chính từ bản thân…4. Bên cạnh đó, PNNT khi bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp, cũng chưa có chính sách hỗ trợ dẫn đến cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi sức lao động bị mất hoặc giảm sút.

Kể từ khi Luật BHXH năm 2014 ban hành và có hiệu lực, đặc biệt là khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) Về cải cách chính sách BHXH được quán triệt và đi vào thực tiễn, số người tham gia BHXH tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2017, cả nước đạt 25,8% so với lực lượng lao động; năm 2018 đạt khoảng hơn 29%; năm 2019 số người tham gia BHXH là 15,2 triệu người đạt 32,2%: năm 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19 giảm còn còn 14,404 triệu người. Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng nhanh5. Trong đó, sự tham gia của PNNT ước tính khoảng 45.480 người, so với lực lượng lao động nữ ở nông thôn thì con số này còn rất khiêm tốn và ít ỏi.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do chính sách, pháp luật về BHXH chưa linh hoạt, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ trong KVPCT nói chung, PNNT nói riêng. Vì vậy, để bảo đảm quyền của PNNT Việt Nam hiện nay, góp phần bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện  chính sách, pháp luật về BHXH, theo đó cần có những chính sách đặc thù để mở rộng sự tham gia BHXH đối với PNNT.

Một số đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội góp phần bảo đảm quyền của phụ nữ ở nông thôn

Một là, rà soát, thống nhất một số quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan.

Để thống nhất về đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giữa Luật Việc làm; Luật BHYT và Luật BHXH, nhằm thuận lợi hơn cho NSDLĐ cũng như cơ quan BHXH trong tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền lợi của NLĐ, cần sửa đổi theo hướng: thống nhất đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN đồng nhất về thời gian có hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên; NLĐ đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ thì NLĐ có quyền lựa chọn tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo hợp đồng lao động có tiền lương cao nhất; thống nhất mức đóng tối đa giữa các luật và giữa các đối tượng lao động để thuận lợi cho quản lý cũng như sự công bằng quyền lợi các đối tượng.

Hai là, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm và đa dạng các gói đóng BHXH tự nguyện phù hợp với điều kiện của PNNT.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều PNNT và phụ nữ làm việc ở KVPCT chưa quan tâm tới việc tham gia đóng BHXH tự nguyện chủ yếu là do thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí khá dài, 20 năm trở lên và phải đủ 55 tuổi. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề cập đến vấn đề giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm. Tuy nhiên, để đáp ứng linh hoạt nhu cầu và điều kiện tham gia BHXH tự nguyện của phụ nữ ở KVPCT, với mục tiêu mở rộng độ bao phủ, Luật BHXH nên quy định các gói đóng theo nhu cầu với mức hưởng khác nhau, chính sách cho từng gói khác nhau: gói 10 năm, gói 15 năm và gói 20 năm (tối thiểu là 10 năm và tối đa là 20 năm), theo cách tính gói nhiều năm hơn sẽ được hưởng nhiều chính sách hơn, mức hưởng cao hơn.

Thực tế cho thấy, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tự nguyện là 20 năm, phụ nữ ở KVPCT phải bắt đầu đóng từ năm 35 tuổi (trong trường hợp không muốn đóng bù). Lo lắng cho khả năng bảo đảm tài chính để đóng bù cho những năm còn thiếu và khi ngoài 50 tuổi, phụ nữ KVPCT thấy mình già yếu, sức khỏe giảm sút, thu nhập mất ổn định nên nhiều phụ nữ trên 35 tuổi sẽ ngại ngần tham gia BHXH tự nguyện. Chính vì vậy, việc giảm thiểu thời gian đóng bảo hiểm và đa dạng các gói đóng là hình thức linh hoạt phù hợp với đối tượng phụ nữ KVPCT và dễ cho họ lựa chọn gói đóng thích hợp.

Ba là, linh hoạt thời gian đóng, mức đóng BHXH tự nguyện và tính hưởng linh hoạt, dễ hiểu hơn đối với người lao động.

Quy định về mức đóng BHXH hiện nay dựa vào công thức tính ra số tiền mà người lao động phải đóng góp khá phức tạp, khó hiểu, nhiều người hiểu nhầm với số tiền phải đóng góp, dẫn đến lo ngại về hạn chế việc tham gia BHXH tự nguyện. Để khắc phục hạn chế này, Luật BHXH nên quy định mức đóng tối thiểu và tối đa, người lao động tùy chọn bất kỳ mức đóng nào mà họ cho rằng phù hợp với khả năng trong hiện tại và tương lai. Nghiên cứu để tính số tiền hưởng các chế độ BHXH có thể dựa trên số tiền đóng bình quân theo tháng của số tiền mà họ đã đóng góp. Với quy định đóng, hưởng nêu trên vừa đáp ứng khả năng đóng góp, vừa mang tính công bằng trong đóng, hưởng BHXH, người lao động dễ dàng kiểm soát dữ liệu đóng góp, tích lũy và không phụ thuộc vào việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ sở hay thu nhập khác. Mặt khác sẽ khuyến khích người lao động đóng góp cao để hưởng lương hưu cao sau này.

Các quy định về chế độ hưởng BHXH tự nguyện cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức và trình độ của người lao động KVPCT nói chung của PNNT nói riêng. Thủ tục tham gia bảo hiểm và giải quyết chi trả cũng phải đơn giản, nhanh chóng.

Bốn là, bỏ quy định khống chế chỉ tham gia duy nhất một loại hình BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện.

Hiện nay Luật BHXH quy định đối tượng của loại hình nào thì chỉ được tham gia một loại hình BHXH, điều này đã hạn chế rất lớn đến nhu cầu tham gia BHXH của người dân. Trong thời gian tới, Luật BHXH nên sửa quy định này, cho phép đối tượng của BHXH tự nguyện tham gia có điều kiện vào loại hình BHXH bắt buộc, tức là khi người lao động có đủ điều kiện cần thiết (thu nhập, ngành, nghề, nơi làm việc…) thì có thể tự nguyện tham gia đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc để hưởng các quyền lợi như những người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay.

Việc nới lỏng quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động nhiều lựa chọn hơn, phù hợp hơn với nhu cầu, qua đó sẽ làm tăng số người tham gia BHXH nói chung. Ngược lại, Luật BHXH nên mở ra cơ hội cho đối tượng của BHXH bắt buộc cũng được tham gia đóng góp vào loại hình BHXH tự nguyện nhằm tăng mức hưởng lương hưu sau này cho người lao động. Đối với những người này chỉ được tham gia chế độ hưu trí, còn các chế độ khác họ đã tham gia ở loại hình BHXH bắt buộc rồi thì không phải tham gia. Người lao động cũng có thể lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng nhưng có khống chế tối đa bằng 20 lần tháng lương cơ sở như quy định hiện nay. Với quy định mở này sẽ làm tăng đối tượng tham gia, tăng mức lương hưu chung của xã hội.

Năm là, bổ sung chế độ hưởng BHXH tự nguyện đáp ứng cả trước mắt và lâu dài cho nhu cầu ASXH đối với PNNT.

Hiện nay, khi tham gia BHXH tự nguyện, PNNT chỉ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất 1 lần, như vậy so với những người tham gia loại hình BHXH bắt buộc là rất hạn chế, thiệt thòi, trong khi họ có quyền được Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện để thực hiện thiên chức của người phụ nữ, nên nhu cầu được hưởng chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trợ cấp ốm đau là rất lớn. Vì vậy, cần bổ sung, mở rộng các chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện: như chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp tử tuất hằng tháng.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
2. Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.
3. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê năm 2019. H. NXB Thống kê, 2020.
4. Khoảng trống trong chính sách thai sản đối với phụ nữ nông thôn. https://phunubinhphuoc.org.vn, ngày 13/10/2018.
5. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam còn quá thấp. https://tuoitre.vn, ngày 31/3/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2. Luật Bình đẳng giới năm 2006.
3. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
4. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
ThS. Đỗ Phương Anh – Trịnh Xuân Trường
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa