Tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2021 đạt nhiều kết quả tích cực

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Có được kết quả này là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
Toàn cảnh họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 (Ảnh: Thảo Nguyên).

 Về tình hình kinh tế

Theo thông cáo báo chí của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 ngày 29/9/2021: Tổng sản phẩm trong nước GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%. Hoạt động thương mại và dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Ảnh minh họa (Nguồn: https://vov.vn).

Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những khó khăn, thách thức, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa  thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Sản xuất công nghiệp trong quý III/2021 gặp nhiều khó khăn. Giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020 (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%).

Dịch Covid -19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số DN đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9/2021, số DN đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 DN, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số DN thành lập mới đạt 85,5 nghìn DN, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số DN rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn DN, tăng 15,3%.

Hoạt động vận tải, thương mại trong tháng 9 tăng so với tháng trước, khi dịch Covid -19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương. Tuy nhiên, khách quốc tế đến nước ta đạt thấp do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng của hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt 1.034,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm (thu ngân sách Trung ương bằng 73,6%; thu ngân sách địa phương bằng 81,1%), trong đó thu nội địa đạt 836,2 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8%; thu từ dầu thô 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 118%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 170 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2021 ước tính đạt đạt 975,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó: Chi thường xuyên đạt 689,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6%.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng 8. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước tính đạt 53,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%.

Giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.

Số liệu về một số vấn đề xã hội 9 tháng năm 2021 (Nguồn: https://vov.vn).
Về tình hình xã hội

Số liệu về một số vấn đề xã hội 9 tháng năm 2021 (Nguồn: https://vov.vn).Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân trương đối ổn định. Tính đến ngày 21/9/2021 tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tiếp tục tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu trong những tháng cuối năm, cụ thể:

Một là, trước nhất cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam. Nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19. Xây dựng và thực hiện khung y tế để sống chung với dịch, hướng tới thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Hai là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, DN chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm: “không để ai bị bỏ lại” từ đó, tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi địa phương, nơi làm việc, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động tại các địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài.

Ba là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát vừa bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng. Từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân, mở rộng hợp tác công tư.

Năm là, theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Cần có các chính sách hỗ trợ các DN sản xuất hàng xuất khẩu dùng đầu vào trong nước. Tăng cường công tác xuất khẩu, nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng có nguồn cung trong nước dồi dào để vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa cải thiện tình hình nhập khẩu. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho DN chịu chi phí tăng cao trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2021. Hà Nội, ngày 29/9/2021.
2. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
3. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 4) cho khách hàng sử dụng điện.
5. Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

ThS. Lương Ban Mai
Học viện Hành chính Quốc gia