Phát huy vai trò của nông dân Bến Tre trong phong trào xây dựng nông thôn mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp chung của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của nông dân. Ngày nay, nông dân Bến Tre đang có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần quan trọng đưa phong trào XDNTM đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Ảnh minh họa (internet)

Tính đến nay, Bến Tre có 58 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; huyện Chợ Lách trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên, thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ Xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Điểm sáng của nông dân Bến Tre về văn hóa, xã hội và môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Đến nay, nhiều nét văn hóa được bảo tồn, phát huy, như: trong các loại hình nghệ thuật (đờn ca tài tử, hát sắc bùa (di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia), các bài dân ca, bài lý về quê hương và con người Bến Tre…); nhiều lễ hội (lễ hội nghinh Ông gắn với truyền thống tín ngưỡng dân gian ở ba huyện biển, nhất là huyện Bình Đại); lễ hội cây trái ngon, an toàn tổ chức hằng năm của huyện Chợ Lách; lễ hội Dừa là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bến Tre; lễ hội Kỳ Yên (nét văn hóa gắn với cư dân nông nghiệp lúa nước)…

Thông qua lao động, nông dân kết hợp làm du lịch để đạt được mục tiêu kép đó là: vừa tạo ra thu nhập, vừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa. Ở mô hình này, nông dân Bến Tre tập trung vào hai lĩnh vực: (1) Sản xuất kết hợp du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn homestay như tham quan vườn cây ăn trái và trồng hoa cây cảnh, trải nghiệm trong rừng ngập mặn gắn với nuôi thủy sản tại các địa bàn nổi tiếng (huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú…). (2) Sản xuất kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống rất đa dạng, phong phú tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc.

Trong các hoạt động xã hội, nông dân tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phần đông người nông dân nhận thức được tầm quan trọng của tri thức, của việc học là để bảo đảm cho sự phát triển bền vững không chỉ cho cuộc sống hiện tại mà còn hướng đến tương lai.

Về công tác bảo vệ môi trường ngày càng được người nông dân quan tâm, đặc biệt, những năm qua, nhiều mô hình hiệu quả, hình thành nên các phong trào và đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn nông thôn, như: mô hình sản xuất sạch “ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm” (phải sử dụng giống có xác nhận; giảm giống, giảm nông dược, giảm phân đạm, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch); mô hình “Ruộng lúa – bờ hoa” – mô hình “Công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa” đạt hiệu quả cao, được nông dân thực hiện khá phổ biến trên địa bàn các xã ở huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri; phong trào xây hầm khí sinh học Biogas, nuôi heo trên đệm lót từ chế phẩm sinh học (hỗn hợp từ trấu, mùn cưa, men vi sinh Balasa) đang được nhiều nông dân (nhất là ở huyện Mỏ Cày Bắc) áp dụng vì tiết kiệm đáng kể chi phí về điện, nước và công lao động; phong trào “vườn xanh, nhà đẹp”.

Nhiều mô hình nông dân có những suy nghĩ sáng tạo và tự đầu tư xây dựng các công trình nước ngọt phục vụ sản xuất khá quy mô, kể cả xây đập có cống kiên cố, gia cố đê bao; chủ động tích trữ nước mưa, nước ngọt bằng xây các giếng lộ thiên (ống hồ), xây hầm trữ nước hoặc sẵn sàng góp vốn xây dựng các nhà máy nước nhỏ. Đây là một trong những lý do góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,4%, trong đó tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 72,6% tính đến năm 20201.

Nhận diện một số hạn chế của nông dân Bến Tre về văn hóa, xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới

XDNTM ở Bến Tre là dịp đem đến những vận hội mới làm cho nông thôn từng bước rút ngắn khoảng cách với thành thị; nền nông nghiệp có điều kiện phát triển nhanh, bền vững; nông dân có nhiều cơ hội thoát khỏi trạng thái trì trệ, lạc hậu, đồng thời, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, dễ dàng tiếp cận các yếu tố văn minh hiện đại và hưởng thụ các phúc lợi xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, những vấn đề về văn hóa, xã hội lại nảy sinh theo chiều hướng tiêu cực gây nên những tác hại xấu mà bản thân nông dân là người trực tiếp chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề.

Thứ nhất, vai trò của nông dân trong giáo dục và đào tạo vẫn chưa thực sự được phát huy tốt. Hiện nay, mặc dù xã hội có sự phát triển đáng kể trên nhiều phương diện khác nhau hướng đến nền kinh tế tri thức, tuy nhiên, ở Bến Tre vẫn còn không ít nông dân chưa thực sự quan tâm đến việc coi trọng học hành do nhận thức không nhất thiết bắt buộc con em mình học cao, thậm chí, nhiều gia đình muốn con em nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình mưu sinh kiếm sống.

Thứ hai, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống có dấu hiệu mai một. Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều các trò chơi game online, nhất là các game mang tính chất bạo lực, cờ bạc…

Thứ ba, mối quan hệ cộng đồng có phần trở nên lỏng lẻo. Những toan tính vụn vặt, thói ích kỷ, tính tư hữu và hám lợi có cơ hội trỗi dậy thay cho tình làng, nghĩa xóm, “tương thân tương ái” vốn từ lâu là nét văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cộng đồng dân cư nông thôn và những xung đột, mâu thuẫn trong sản xuất… dẫn đến, mối quan hệ xóm giềng, kể cả ngay trong gia đình dòng họ bị xói mòn, rạn nứt…

Thứ tư, tệ nạn xã hội – vấn đề nhức nhối ở nông thôn ngày nay. Đó là mặt trái tiêu cực của xã hội đang ào ạt tấn công vào địa bàn nông thôn làm cho “tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy”, trong khi đó, “việc tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm của một bộ phận người dân chưa được nâng cao”2. Cụ thể hơn, một bộ phận nông dân lười biếng trong lao động, sa vào rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác, nguy cơ tái nghèo ở bộ phận nông dân này là khó tránh khỏi.

Thứ năm, bất cập về môi trường từ sản xuất và sinh hoạt của nông dân khi vẫn còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép so với hướng dẫn sử dụng trên chai nhãn; đổ các hóa chất dư thừa vào các thửa, mương hoặc phun vào các loại cây trồng khác… Những việc làm này tác động tiêu cực rất lớn đến nền sản xuất xanh và bền vững, một xu thế mà thế giới đang hướng đến. Khuynh hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP được nói nhiều nhưng trên thực tế không được nông dân thực hiện nghiêm túc. Ở tiêu chí 17 về môi trường, có nội dung xây nghĩa trang tập trung tại xã cũng thực sự khó thực hiện được do tập quán an táng của người dân Bến Tre là chôn ở đất nhà…

Một số đề xuất nhằm phát huy vai trò của nông dân Bến Tre tham gia xây dựng nông thôn mới

Một là, đối với nông dân.

XDNTM nhằm phát triển kinh tế – xã hội đem lại những lợi ích thiết thực cho nông dân. Do đó, mỗi người nông dân tỉnh Bến Tre luôn nêu cao tinh thần cách mạng, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhất là cần thay đổi nhận thức và hành vi trên hai vấn đề cốt lõi: (1) Nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt qua những rào cản tâm lý, tập quán cũ kỹ và lạc hậu; không trông chờ ỷ lại, cần xóa bỏ tư tưởng thích nghèo bền vững để được Nhà nước và xã hội chăm lo. (2) Xây dựng và bồi dưỡng tinh thần làm chủ, nêu cao ý chí tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo, phát huy nội lực, nỗ lực vượt khó khăn vươn lên không ngừng tự bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, tri thức, kỹ năng và thái độ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao từ thực tiễn của cuộc sống.

Hai là, đối với hệ thống chính trị.

Để phát huy được vai trò của nông dân trong XDNTM, cần có sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, hướng về địa bàn nông thôn, lấy nông dân làm đối tượng cần được quan tâm, chia sẻ bằng những chương trình hành động, việc làm thiết thực. Trong đó, tập trung vào: (1) Công tác giáo dục và đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân là giải pháp căn bản, nền tảng, có tính chiến lược của sự phát triển lâu dài và bền vững. (2) Huy động, phát huy có hiệu quả các nguồn lực về vốn, khoa học – công nghệ và nhất là nguồn nhân lực trong quá trình XDNTM phải được chú trọng tăng cường. (3) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi phù hợp với từng địa phương trong bối cảnh Bến Tre đang tăng tốc hội nhập, đồng thời phải thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách. (4) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, đặc biệt là giao thông và thủy lợi nhằm tạo động lực cho nông dân trong sản xuất và sinh hoạt.

Chú thích:
1. Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bến Tre. Báo cáo số 40/BC-BCĐ ngày 22/01/2021 về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 và kế hoạch thực hiện năm 2021.
2. Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài viết nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Quốc gia, mã số C2019-46-01.
2. Báo cáo số 357/BC-UBND ngày 26/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Bến Tre (giai đoạn 2011 – 2020).
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng
ThS. Phạm Nhựt Cường
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh