Khái niệm “sự nghiệp thứ hai” trong quản lý chức nghiệp

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhà nghiên cứu nổi tiếng về lãnh đạo, quản lý Peter Drucker – người Áo, cho rằng: để gia tăng tính hiệu quả, mỗi người lao động tri thức phải trở thành vị giám đốc điều hành cho chính bản thân mình. Họ hoàn toàn có thể tự ra quyết định về nơi làm việc, biết được thời điểm thay đổi con đường đi của mình và tạo dựng cho mình sự gắn bó với công việc và khả năng làm việc có năng suất cao trong suốt “cuộc đời làm việc” có thể kéo dài đến 50 năm. Trong tác phẩm “Managing Oneself”, P. Drucker đã đưa ra khái niệm mới: “Sự nghiệp thứ hai”. Bài viết xin được giới thiệu về khái niệm này.

Trong lĩnh vực quản trị nhân sự, người ta đã bàn nhiều về khái niệm “khủng hoảng trung niên” của các nhà quản trị. Ở độ tuổi 45, hầu hết các nhà quản trị đều đã lên tới đỉnh cao trong sự nghiệp. Sau 20 năm làm cùng một loại công việc, họ đã rất thành thục, do vậy, họ không nhận được thử thách mới và sự thỏa mãn từ công việc. Và, họ vẫn đối mặt với 20 năm làm việc nữa. Đó là lý do tại sao quản trị bản thân ngày càng hướng họ đến việc bắt đầu một “sự nghiệp thứ hai”. Peter Drucker đưa ra ba cách để phát triển một “sự nghiệp thứ hai”.

Cách thứ nhất là bắt đầu một sự nghiệp khác. Thông thường thì việc này đơn giản chỉ là chuyển từ kiểu tổ chức này sang kiểu tổ chức khác. Chẳng hạn, một nhân viên kiểm soát bộ phận trong một tổ chức lớn trở thành nhân viên kiểm soát trong một bệnh viện cỡ vừa, nhưng càng ngày càng có nhiều người chuyển sang các công việc hoàn toàn mới. Ví dụ, có những nhà quản trị của doanh nghiệp chuyển sang làm việc trong khu vực công,tham gia vào các cơ quan chính quyền ở tuổi 45, hay có những nhà quản lý cấp trung rời khỏi công ty sau 20 năm làm việc để nộp đơn vào học ở một trường luật và trở thành luật sư. Thực tế, nhiều người chuyển qua sự nghiệp thứ hai bởi vì họ chỉ thành công khiêm tốn trong công việc đầu tiên. Những người này đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng và họ đã thành thạo cách làm việc. Họ cần một cộng đồng làm việc và họ cũng cần có thu nhập. Nhưng quan trọng hơn cả, họ cần có thách thức.

Cách thứ hai là phát triển song song một sự nghiệp khác. Có nhiều người đã rất thành công trong sự nghiệp thứ nhất và vẫn tiếp tục làm những việc mình đã làm, có thể là toàn thời gian, bán thời gian hay đóng vai trò tư vấn. Nhưng thêm vào đó, họ tạo thêm một sự nghiệp thứ hai, thông thường là trong một tổ chức phi lợi nhuận. Công việc này có thể chiếm thêm khoảng 10 tiếng làm việc mỗi tuần. Chẳng hạn, họ có thể tham gia vào công việc quản trị của một cơ sở tôn giáo, hoặc tham gia vào một tổ chức xã hội ở địa phương, làm quản lý trong một thư viện công cộng dành cho trẻ em, hay tham gia vào hội đồng của một trường học…

Và sau cùng, cách thứ ba trở thành các doanh nhân hoạt động xã hội. Thông thường đây là những người đã rất thành công trong sự nghiệp thứ nhất. Trong đa số các trường hợp, họ vẫn làm những gì họ đã làm nhưng với thời gian ngày càng ít đi. Họ cũng khởi động những hoạt động mới, thông thường là những hoạt động phi lợi nhuận. Bill Gates là một ví dụ. Ông đã xây dựng được một tập đoàn công nghệ rất thành công. Nhưng ông cũng đã thành lập và xây dựng một số tổ chức phi lợi nhuận thành công khác, như Quỹ Bill – Melinda Gates.

Có rất ít người quản lý nửa sau của cuộc đời mình. Đa số mọi người “nghỉ hưu trong lúc đang làm việc” và đếm từng năm cho đến khi họ thực sự được nghỉ hưu. Nhưng cũng có một số người nhìn nhận thời gian làm việc trong đời dài hơn như là một cơ hội cho chính họ và cho xã hội sẽ trở thành những nhà lãnh đạo và những hình mẫu.

Điều kiện tiên quyết trong việc quản trị sự nghiệp thứ hai của cuộc đời họ là họ cần phải bắt đầu rất sớm trước khi họ tham gia. Thực tế tại Hoa Kỳ, từ thập kỷ 70 thế kỷ XX trở đi, thời gian làm việc trong cuộc đờingười lao động được gia tăng rất nhanh. Nhiều người tin rằng những người nghỉ hưu sẽ tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức phi lợi nhuận với vai trò những tình nguyện viên. Nhưng điều này đã không xảy ra. Nếu một người không trở thành tình nguyện viên trước khoảng 40 tuổi thì người đó cũng sẽ không trở thành tình nguyện viên khi vượt qua tuổi 60.

Có một lý do khác để phát triển “sự nghiệp thứ hai”, đó là, không ai có thể biết chắc chắn rằng mình sẽ không phải trải qua những đợt thoái trào nghiêm trọng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Có những kỹ sư có năng lực nhưng không được thăng tiến ở tuổi 45; có những giảng viên đại học có năng lực nhưng nhận ra rằng, ở độ tuổi 45 mình không thể trở thành giáo sư của một trường đại học; có những bi kịch xảy ra trong đời sống gia đình, chẳng hạn sự tan vỡ trong hôn nhân… Và, trong những trường hợp như vậy, một mối quan tâm thứ hai (không đơn giản là một sở thích) sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, người kỹ sư đã nhận ra rằng, mình không thành công trong việc thăng tiến, nhưng trong các hoạt động bên ngoài, như tham gia quản trị viên cho một quỹ từ thiện, anh ta lại là một người thành công. Một mối quan hệ gia đình có thể tan vỡ, nhưng thông qua các hoạt động bên ngoài, họ vẫn còn cả một cộng đồng để quan tâm.

Trong xã hội tri thức, mỗi người đều mong muốn thành công, nhưng thực tế, không phải ai cũng làm được điều này. Bất cứ chỗ nào có thành công thì chỗ đó cũng có thể có thất bại. Do đó, người lao động tri thức và thân nhân của họ cần thiết phải có một lĩnh vực mà họ có thể cống hiến, tạo ra sự khác biệt và để được trở thành người được cộng đồng tôn trọng. Điều đó có nghĩa là phải tìm kiếm một lĩnh vực hoạt động thứ hai (tạo dựng một sự nghiệp thứ hai), một sự nghiệp song song để có cơ hội được trở thành lãnh đạo, được tôn trọng và thành công trong công việc.

Tài liệu tham khảo:
1. Peter F. Drucker. Những thách thức của quản lý trong thế kỷ XXI. TP. Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 2003.
ThS. Nguyễn Hồng Hoàng
Học viện Hành chính Quốc gia