Thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Thượng tôn pháp luật là đặt pháp luật ở vị trí cao nhất trong đời sống xã hội. Mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm Nhà nước, các tổ chức và cá nhân phải đặt mình trong giới hạn của luật pháp. Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định và tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”1. Trên cơ sở quan điểm của Đảng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật ở Việt Nam hiện nay. 
Quan điểm của Đảng về thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”2. Vì vậy, “tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp”, “kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”“tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”cũng được Đảng coi là nhiệm vụ trọng tâm, là đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Thượng tôn pháp luật có nghĩa là cả Nhà nước với tư cách là chủ thể ban hành pháp luật và các chủ thể khác trong xã hội đều chịu sự ràng buộc của pháp luật, đặt mình trong giới hạn của pháp luật.

Trước hết, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, những người nắm giữ quyền lực nhà nước nghiêm chỉnh thực hiện. Pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là giới hạn của quyền lực nhà nước. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật” là nguyên tắc hiến định. Vì vậy, từ việc thiết kế bộ máy nhà nước đến việc tổ chức các hoạt động quản lý phải được đặt trong giới hạn của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong thực thi quyền lực nhà nước đều là sự lạm quyền, lộng quyền, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ.

Tinh thần thượng tôn pháp luật còn phải được thể hiện trong hành vi ứng xử hằng ngày của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội; để mọi tổ chức, cá nhân dựa vào pháp luật mà hành động nhằm bảo đảm tính đúng đắn hoặc tự phát hiện ra những lệch chuẩn của chính mình hay của mọi người xung quanh mà có thể dẫn đến vi phạm pháp luật và kịp thời điều chỉnh các hành vi đó. Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, thực hiện pháp luật một cách đầy đủ và chính xác. Tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, vai trò pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 101 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ ban hành khoảng 600 nghị định5. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật giảm và chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của đời sống kinh tế – xã hội, là điều kiện quan trọng để thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi cá nhân, tổ chức có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận pháp luật và các thông tin liên quan đến thực thi pháp luật nên hiểu biết về luật pháp, từ đó, nghiêm chỉnh tuân thủ theo pháp luật và tránh được vi phạm pháp luật, đồng thời, có thể thực hiện được quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, như: việc chấp hành pháp luật chưa thật sự nghiêm; kỷ cương phép nước có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ, việc xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 vừa qua, có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về đưa thông tin không đúng sự thật hoặc chống người thi hành công vụ do không hiểu biết về pháp luật; thậm chí là lợi dụng việc chống dịch để trục lợi trái pháp luật khi mua bán các thiết bị chống dịch. Trong đó, có những trường hợp đến khi cơ quan nhà nước giải thích mới biết mình vi phạm pháp luật như đăng tin trên trang cá nhân về việc mình bị mắc Covid-19 với mục đích đùa cợt vào ngày cá tháng Tư ở Bắc Giang hay trường hợp đăng tin về việc nhân viên công ty sẽ được nghỉ 2 ngày để phun thuốc khử khuẩn với mục đích: “trêu đùa đồng nghiệp”, dẫn đến cả công ty nghỉ việc như ở Quảng Nam6

Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Thực tiễn cho thấy, không ít những trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật mà dẫn đến vi phạm pháp luật đáng tiếc, làm mất đi cơ hội phát triển, thậm chí mất đi cả quyền sống của mình. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp có trình độ hiểu biết pháp luật cao nhưng lại cố tình vi phạm pháp luật hoặc tìm kẽ hở của pháp luật để “lách luật”. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã tổng kết: “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 126 vụ án (637 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với 3 án tử hình, 13 án chung thân…”7. Điều này, Đảng ta đã chỉ ra: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”8. Vì vậy, cần nghiên cứu nhằm phát hiện và hoàn thiện các giải pháp thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật theo quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”9.

Ảnh: vov.vn
Một số giải pháp cơ bản nhằm thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật theo quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Để pháp luật thực sự đi vào đời sống, tôn vinh tinh thần thượng tôn pháp luật, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chỉ có thể thực thi tinh thần thượng tôn pháp luật khi pháp luật được hiện thực hóa thông qua hành vi của mọi chủ thể trong xã hội – mọi chủ thể luôn tôn trọng, tự thực hiện pháp luật một cách đầy đủ và chính xác. Điều đó chỉ có thể có được khi có hệ thống pháp luật hoàn thiện, khả thi.

Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, khả thi không chỉ giúp cho các cơ quan nhà nước dễ dàng triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng “lách luật” mà còn tạo niềm tin của người dân vào pháp luật, từ đó, tôn trọng và tự giác thực hiện. Trong khi đó, ở Việt Nam, “chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp”10 “hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn”11. Vì vậy, cần “kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng”12; “Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”13.

Hai là, nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật

Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm thực thi pháp luật của họ. Chỉ khi người dân hiểu một cách đầy đủ, chính xác pháp luật thì họ mới biết được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình trong các mối quan hệ để ứng xử phù hợp với chuẩn mực mà pháp luật quy định. Sự hiểu biết pháp luật còn giúp họ có khả năng thể hiện vai trò chủ thể của quyền lực nhà nước, nâng cao năng lực tham gia quản lý nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với yêu cầu “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”14. Để thực hiện mục tiêu này, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; nội dung phải chính xác, thiết thực với hình thức và phương pháp đa dạng, phong phú, hấp dẫn và hiệu quả.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát và xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật.

Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi từ hai nhóm chủ thể: những người nắm quyền lực nhà nước người dân. Vì vậy, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm được thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng nhóm chủ thể.

Cần tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm ngăn ngừa và kịp thời phát hiện sự lộng quyền, lạm quyền, thiếu trách nhiệm trong hoạt động thực tế, giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với xã hội, bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi trong giới hạn pháp luật. Kiểm soát còn là biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, ngăn ngừa hiện tượng tham nhũng trong quản lý, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, cần “tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả”15 và “Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”16. “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành dộng mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn… không có vùng cấm, không có ngoại lệ”17.

Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện nguyên tắc hiến định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, “tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”18.

Chú thích:
1, 2, 4,5,6, 8, 9, 10, 12, 13, 15, 16, 17, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 174, 53, 202, 31, 93, 209, 118, 80, 89, 180-181, 51, 190, 288 – 289, 193 – 194, 119.
3. Để người dân không vô tình vi phạm chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật. https://laodong.vn, ngày 09/11/2020.
14. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
TS. Vũ Ngọc Hà
Học viện Chính trị khu vực I