Hoàn thiện khung quản trị doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam theo “thông lệ tốt” quốc tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản trị doanh nghiệp nhà nước ở nước ta đã thay đổi căn bản, ngày càng đổi mới theo yêu cầu của quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. So với thông lệ quốc tế, toàn bộ 39 nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện với các mức độ khác nhau, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhà nước là công ty cổ phần đa sở hữu. Bài viết nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện khung quản trị doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam so với các tiêu chí theo “thông lệ tốt” quốc tế.
Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 30/9/2018 (Ảnh: dangcongsan.vn).

 

Đặt vấn đề

Quản trị doanh nghiệp nhà nước (QTDNNN) là một thách thức lớn ở nhiều nền kinh tế đòi hỏi có một chuẩn mực quốc tế giúp các Chính phủ đánh giá và cải thiện cách thức thực hiện quyền sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động của DNNN, Chính phủ cần tập trung cải cách các thể chế chính sách hỗ trợ áp dụng đầy đủ khuôn khổ QTDNNN hiện đại theo “thông lệ tốt” quốc tế của (OECD). Đây là bộ nguyên tắc cung cấp các tiêu chuẩn không bắt buộc và là “thông lệ tốt” hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia và khu vực. OECD sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của quá trình quản trị, nhận dạng các xu thế và tìm kiếm giải pháp cho các thách thức mới. Đây cũng là một trong những ưu tiên của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay với các yêu cầu về minh bạch và nâng cao chất lượng QTDNNN.

Theo quan niệm quốc tế phổ biến, quản trị doanh nghiệp (DN) là tập hợp các mối quan hệ giữa hội đồng quản trị (hoặc cơ quan quản lý tương đương của DN), ban điều hành, chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan trong việc xây dựng mục tiêu, thực hiện mục tiêu và giám sát kết quả thực hiện mục tiêu của DN1. Theo Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD), QTDNNN là tập hợp các cơ chế, thể chế điều chỉnh mối quan hệ giữa DNNN với các bên có lợi ích liên quan bao gồm: chủ sở hữu nhà nước (CSHNN), các cổ đông, nhà đầu tư, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng mục tiêu, thực hiện mục tiêu và giám sát kết quả thực hiện mục tiêu của DN2.

“Thông lệ tốt” quốc tế về khung quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước

Khung QTDNNN được hiểu là tập hợp có hệ thống các giải pháp hướng tới giải quyết có hiệu quả các vấn đề QTDNNN. Lý luận và thực tiễn quốc tế đã chỉ ra, quản trị tốt là điều kiện để tăng giá trị của DN nói chung, DNNN nói riêng, thu hút đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Việt Nam, kết quả hoạt động của các công ty niêm yết năm 2019 – 2020 cho thấy, các công ty thuộc nhóm quản trị tốt có tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn so với các công ty thuộc nhóm có điểm số quản trị trung bình và thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các tài liệu về thể chế kinh tế đối với DNNN của WB thường liệt kê các mô hình và chính sách đang triển khai có hiệu quả trong thực tiễn các nước và khuyến nghị các đối tác của WB xem xét, áp dụng. Theo cách tiếp cận này, tài liệu “Công cụ quản trị doanh nghiệp nhà nước” của WB năm 2014 đã cung cấp thông lệ phổ biến về 8 nhóm vấn đề liên quan, bao gồm: tạo sân chơi bình đẳng; đổi mới mô hình thực hiện chức năng CSHNN; thiết lập hệ thống giám sát rõ ràng và hiệu quả; tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với DNNN; chuyên nghiệp hóa Hội đồng QTDNNN; tăng cường công khai và minh bạch hóa hoạt động của DNNN; chú trọng bảo vệ cổ đông nhỏ tại DNNN đa sở hữu; thể chế hỗ trợ tổ chức thực hiện3.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), các định chế của EU như Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về thực hiện cải cách hệ thống quản trị DN, ngân hàng, tổ chức tài chính. Trong đó, Bản Kế hoạch hành động năm 2003 của Ủy ban châu Âu về cải cách Luật DN và tăng cường cải thiện quản trị DN đã đề ra định hướng, giải pháp tăng cường công khai thông tin, bảo đảm quyền và lợi ích của các chủ sở hữu, hiện đại hóa mô hình hội đồng quản trị để các nước thành viên EU xem xét, hoàn thiện pháp luật của mình4.

Theo OECD thì ban hành hướng dẫn về QTDNNN (Bộ hướng dẫn) bao gồm, các khuyến nghị dành cho các chính phủ về cách để bảo đảm cho DNNN hoạt động hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Đây là những chuẩn mực được thống nhất chung về cách thức các chính phủ nên thực hiện chức năng CSHNN để tránh việc nhà nước thực hiện quyền sở hữu thụ động cũng như nhà nước can thiệp quá mức. Theo đó, các tổ chức quốc tế như WB, IMF cũng sử dụng Hướng dẫn QTDNNN của OECD làm cơ sở để xây dựng các báo cáo đánh giá và tư vấn chính sách cải cách DNNN cho các quốc gia đối tác của mình. Các nguyên tắc QTDNNN của OECD theo Bộ hướng dẫn năm 2015 gồm  39 nguyên tắc với 7 nhóm nội dung: (1) Mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào DNNN; (2) Thực hiện vai trò CSHNN đối với DNNN; (3) Bảo đảm cho DNNN hoạt động cạnh tranh, bình đẳng; (4) Bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số tại các DNNN đa sở hữu; (5) Bảo đảm quyền của các bên lợi ích liên quan của DNNN; (6) Công bố thông tin của DNNN; (7) Trách nhiệm của Hội đồng quản trị5.

Thực trạng quản trị doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam

Những kết quả tích cực

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào DN. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng qua các kỳ Đại hội, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tại DN năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết danh mục lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước vào DNNN (DN 100% vốn nhà nước và DN do Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ), cơ bản bao gồm 4 lĩnh vực là cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; trực tiếp phục vụ quốc phòng – an ninh; độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Về phương diện quy định pháp luật, mục tiêu đầu tư vốn nhà nước vào DN ở Việt Nam khá tương đồng với thông lệ quốc tế về vai trò của DNNN cũng như vai trò của vốn CSHNN đầu tư vào các DN.

Hai là, việc thực hiện chức năng đại diện CSHNN được đổi mới ngày càng năng động, minh bạch, chuyên nghiệp và trách nhiệm hơn. Trong cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong các DN đã phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, người đại diện phần vốn, kiểm soát viên; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước đối với DNNN; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DN; có chế tài đồng bộ buộc các DNNN phải thực hiện nghiêm các quy định quản lý, sử dụng vốn, tài sản để đầu tư sản xuất – kinh doanh; xác định rõ lộ trình và đề ra các giải pháp thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ba là, cơ chế, chính sách có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thị trường đã được giảm thiểu nhằm tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm tính trung lập trong cạnh tranh của các DNNN; thu hẹp ngành, lĩnh vực tham gia của Nhà nước; cơ cấu lại một số ngành độc quyền nhằm thêm cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả. Từ xu hướng mở rộng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực với hàng trăm công ty con, công ty liên kết, tạo “lãnh địa” kinh doanh khép kín từ huy động vốn, đầu tư, xây dựng, sản xuất tiêu thụ sản phẩm, các tập đoàn kinh tế tổng công ty nhà nước đã thoái vốn để tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Theo báo cáo của Bộ Tài chính (năm 2021), lũy kế từ năm 2016 – tháng 6/2021, đã có 183 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 489.943 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng. Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2020 đã thoái vốn 27.312 tỷ đồng tại các DN, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, các DN đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng6. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành được triển khai tích cực.

Bốn là, pháp luật về bảo vệ cổ đông khác tại DNNN đa sở hữu đã tiến gần tới chuẩn mực quốc tế; cơ chế bảo đảm quyền của các bên lợi ích liên quan được quy định cụ thể hơn. Hệ thống Luật DN và Luật Chứng khoán đã quy định rõ ràng hầu hết các nguyên tắc quan trọng về bảo vệ cổ đông khác tại DNNN đa sở hữu theo Hướng dẫn QTDNNN của OECD. Cơ chế và phương thức bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở Việt Nam theo tinh thần Luật DN năm 2014 và Luật DN năm 2020 đã có nhiều quy phạm tiến bộ, bước đầu đã có sự tương thích với thông lệ quốc tế và nguyên tắc về quản trị công ty của OECD; có sự bổ sung các quy định nhằm định hình cơ chế bảo vệ các quyền của cổ đông, trong đó có cổ đông thiểu số.

Năm là, quy định về công bố thông tin, chế độ kế toán và kiểm toán của DNNN tiệm cận với thông lệ quốc tế. Luật DN, Luật Quản lý và sử dụng vốn sản xuất – kinh doanh tại DN, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định chi tiết về chế độ báo cáo, công bố thông tin của từng loại hình DNNN. Trong đó, nội dung công bố thông tin của DNNN Việt Nam cơ bản đã bao gồm các thông tin cần công bố theo nguyên tắc QTDNNN của OECD. DNNN Việt Nam áp dụng chung chế độ kế toán như DN khu vực tư nhân theo quy định của Luật Kế toán và văn bản hướng dẫn và phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm.

Sáu là, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của Hội đồng thành viên, Hội đồng QTDNNN đã được quy định rõ ràng tại văn bản luật, trong đó có việc quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; giám sát, chỉ đạo giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty…

Những mặt còn tồn tại, hạn chế

DNNN cho đến nay vẫn chưa hoàn thành mục tiêu “đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp”tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. So với thông lệ tốt quốc tế, những vấn đề vướng mắc, bất cập chủ yếu của QTDNNN hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, mục tiêu đầu tư của CSHNN và mục tiêu hoạt động của nhiều DNNN chưa rõ ràng trên thực tế, ảnh hưởng không tốt đến thực hành QTDNNN theo thông lệ chung, nhất là trong việc thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người quản lý DN và người đại diện vốn nhà nước.

Thứ hai, tổ chức thực hiện vai trò CSHNN trong QTDNNN còn nhiều vướng mắc, hiệu quả và hiệu lực chưa đáp ứng yêu cầu. Việc duy trì quá nhiều DN 100% vốn nhà nước là rào cản để CSHNN áp dụng các thông lệ tốt về quản trị DN. CSHNN còn quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của DN 100% vốn nhà nước. Trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện CSHNN chưa đủ rõ.

Thứ ba, thực thi cơ chế cạnh tranh bình đẳng của DNNN còn hạn chế so với yêu cầu của đổi mới QTDNNN trong kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, thể hiện ở một số vấn đề như: chưa tách bạch triệt để chức năng CSHNN và chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN dẫn tới xung đột lợi ích trong quản lý DNNN; cơ quan CSHNN chưa có điều kiện tốt để vận hành cách thức quản trị hiện đại đối với DNNN, đồng thời khó áp đặt DNNN vào cơ chế thị trường cạnh tranh trong tiếp cận tài chính và các nguồn lực sản xuất – kinh doanh.

Thứ tư, hiệu quả thực thi cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ và các bên có lợi ích liên quan còn thấp. Theo báo cáo của WB, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh mẽ: xếp thứ 169 (năm 2013), 117 (năm 2014) và 89 (năm 2019), nhưng vẫn kém hơn so với nhiều nước trong khu vực (In-đô-nê-xi-a xếp hạng 51; Thái Lan: 15; Xinh-ga-po: 7; Ma-lai-xi-a: 2), cho thấy việc bảo vệ cổ đông nhỏ và các bên có lợi ích liên quan tại các công ty cổ phần còn nhiều hạn chế, bao gồm cả DNNN và khu vực tư nhân7.

Thứ năm, thực hiện quy định pháp luật về công bố thông tin của DNNN còn yếu. Nhiều cơ quan đại diện CSHNN chưa thực hiện trách nhiệm công bố thông tin theo quy định. Về chế độ kiểm toán, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ và bắt buộc tất cả các DNNN phải thực hiện kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính năm.

Thứ sáu, một số nội dung liên quan đến cơ chế hoạt động của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị có nhiều điểm khác biệt so với thông lệ quốc tế về QTDNNN. Trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị do Nhà nước đề cử chưa được quy định rõ ràng. Hội đồng thành viên DN 100% vốn nhà nước bị hạn chế về quyền tự chủ quyết định những vấn đề mang tính chiến lược của DNNN do quy định pháp lý đặc thù về phân cấp thực hiện thẩm quyền giữa cơ quan đại diện CSHNN và Hội đồng thành viên. Việc tuyển chọn thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng QTDNNN theo nguyên tắc cạnh tranh chưa được áp dụng phổ biến ở Việt Nam.

Các giải pháp hoàn thiện khung quản trị doanh nghiệp nhà nước theo “thông lệ tốt” quốc tế

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ hỗ trợ trực tiếp cho DNNN, chấm dứt các hành vi ưu đãi cho DNNN tiếp cận tài chính trên thực tế. Đối với việc hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc cung cấp các dịch vụ phi thương mại, cần áp dụng cơ chế chung đối với mọi thành phần kinh tế trên nguyên tắc minh bạch hóa, tạo sự gắn kết giữa các khoản hỗ trợ ngân sách với kết quả hoạt động, thể hiện bằng các tiêu chí như: mức độ phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, trình độ đổi mới và sáng tạo, đóng góp cho tiến bộ xã hội và phát triển kinh tế…

Hai là, nâng cao trách nhiệm, sự chuyên nghiệp, hiệu quả và tính năng động trong thực hiện chức năng đại diện CSHNN. Thực hiện triệt để nguyên tắc DNNN có quyền tự chủ đầy đủ để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao. Tiếp tục hoàn thiện mô hình cơ quan đại diện CSHNN tách bạch với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đổi mới cách thức và công cụ tổ chức thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện CSHNN trên nền tảng công nghệ quản lý mới.

Ba là, xây dựng và áp dụng khung quản trị DN với các nguyên tắc phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các DNNN đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của cán bộ và tạo lập môi trường quản trị DN lành mạnh, hiệu quả. Thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, rủi ro, xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực, tham nhũng.

Bốn là, hoàn thiện các hệ thống khuyến khích, đòn bẩy kinh tế đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai minh bạch, giải trình của DNNN. Thực hiện cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý của DNNN phù hợp với cơ chế thị trường, có tính cạnh tranh cao dựa trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời, bảo đảm công bằng theo mức độ đóng góp và trách nhiệm. Nghiên cứu, triển khai cơ chế trả lương, thưởng, theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của DN. Áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả lao động đối với từng vị trí việc làm để đánh giá mức độ hoàn thành, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ. Tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điểu hành và các vị trí công việc khác trong DN.

Năm là, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và bên có lợi ích liên quan. DNNN là công ty cổ phần áp dụng các chuẩn mực về đối xử công bằng giữa các cổ đông, việc bảo đảm quyền lợi của cổ đông và các bên có lợi ích liên quan tương tự như công ty đại chúng theo quy định của pháp luật; DNNN niêm yết thực hiện theo quy định pháp luật về tổ chức niêm yết.

Đối với DNNN là công ty TNHH một thành viên thì quy chế QTDNNN và điều lệ của từng DNNN phải quy định rõ trách nhiệm bảo đảm lợi ích của các bên có lợi ích liên quan.

Sáu là, tiếp tục nâng cao tính minh bạch về hoạt động của DNNN. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy định về công bố thông tin của DNNN trên nguyên tắc tương đồng với quy định pháp luật về công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN trong thực hiện quy định pháp luật về công bố thông tin; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về xử lý vi phạm trong trường hợp không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không bảo đảm yêu cầu kịp thời, đầy đủ, tin cậy. Triển khai áp dụng công nghệ mới, trước hết là công nghệ điển hình của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống giao nhiệm vụ, đo lường và đánh giá hiệu quả đối với từng vị trí công việc trong DN làm cơ sở trả lương, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí và đề bạt cán bộ DNNN.

Bảy là, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành của DNNN. Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành của DNNN, đặc biệt là DNNN tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên.

Tám là, để nâng cao hiệu quả hoạt động, DNNN cần đổi mới sản xuất – kinh doanh trong thời đại công nghiệp 4.0. Căn cứ đặc thù ngành nghề, quy mô và năng lực nội tại, DNNN xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch chuyển đổi sản xuất – kinh doanh, nâng cấp công nghệ, áp dụng mô hình kinh doanh mới, mở rộng thương mại điện tử, tham gia chuỗi giá trị kinh tế số… Đối với các DN quy mô lớn có sẵn tiềm lực về công nghệ và mức độ sản xuất tập trung cao như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngành viễn thông, điện lực, dầu khí… cần tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế quy mô và khả năng tập tập trung hóa sản xuất trên cơ sở đầu tư nâng cấp công nghệ, nâng cao khả năng nghiên cứu tạo công nghệ mới, nâng cao tỷ trọng tự động hóa cho toàn bộ dây chuyền công nghệ ngành kinh doanh chính. Đối với các DNNN có mức độ sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 còn thấp, cần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ sản phẩm dịch vụ và lao động trên nền tảng các công nghệ mới, nâng cao tỷ trọng kết nối thiết bị – sản phẩm, nghiên cứu và chuẩn hóa kỹ thuật toàn chuỗi sản xuất sản phẩm, triển khai hệ thống kiểm soát máy móc, thiết bị bằng công nghệ thông tin hiện đại, gia tăng tỷ trọng đầu tư cho lao động tay nghề cao…

Chú thích:
1. G20/OECD. Principles of Corporate Governance, OECD publishing, 2015.
2, 5. OECD. OECD Guidelines on Corporate Governance of State-Owned Enterprises, OECD publishing, 2015.
3. World Bank. Corporate Governance of State-Owned Enterprises – A Toolkit, Publishing and Knowledge Division (The World Bank), Washington, DC, 2014.
4. Baums, Theodor. European Company Law Beyond the 2003 Action Plan, ECGI – Law Working Paper No. 81/2007, European Business Organization Law Review, Vol. 8, 2007.
6. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Kinh tế nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 – 2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021 – 2030. H. NXB Thanh niên, 2019.
7. World Bank. Doing business 2019 Report. World Bank Publications, The World Bank Group, 1818 H Street NW, Washington, DC, 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2019 – 2020.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam. H. NXB Thống kê, 2020.
3. OECD. OECD Guidelines on Corporate Governance of State-Owned Enterprises, OECD publishing, 2005.
4. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Doanh nghiệp nhà nước và méo mó thị trường. H. NXB Tài chính, 2015.
ThS. NCS. Nguyễn Thùy Linh
Trường Đại học Kỹ thuật Sydney, Australia