Pháp luật và thực tiễn bảo đảm quyền văn hóa ở Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa là nền tảng tinh thần, có vai trò và vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người; đồng thời, văn hóa là bản sắc, cốt cách của mỗi dân tộc. Mọi người đều có quyền về văn hóa và đã được pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế ghi nhận. Bài viết khái quát những quy định của pháp luật về quyền văn hóa, đưa ra những vấn đề thực tiễn, qua đó đưa ra những giải pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền văn hóa của con người ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Khái niệm quyền văn hóa

Đối với mỗi quốc gia, dân tộc: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”1. Văn hóa còn là giá trị cao quý chung do cộng đồng gìn giữ, phát huy, hun đúc và mọi người đều được thụ hưởng. Đối với mỗi người, văn hóa là nhu cầu thiết yếu, là yếu tố không thể thiếu, cho sự sinh thành và phát triển trong suốt cuộc đời của mỗi người.

Hiểu theo nghĩa rộng, quyền văn hóa (QVH) là các quyền con người liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Mục tiêu của các quyền này là nhằm bảo đảm các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận những khía cạnh của đời sống văn hóa và nghệ thuật theo lựa chọn của họ cũng như hưởng thụ các quyền này trong điều kiện bình đẳng, được tôn trọng về nhân phẩm và không phân biệt đối xử2.

Quy định của pháp luật về quyền văn hóa

Điều 41 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Đồng thời, khẳng định rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước cũng như để người dân thực sự là chủ nhân của quyền này được ghi cụ thể tại Điều 60 Hiến pháp năm 2013.

Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo lập một hành lang pháp luật rộng mở, thuận lợi cho các hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa và tự do hoạt động văn hóa; bảo vệ quyền tác giả, khuyến khích, cổ vũ sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân, như: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Điện ảnh năm 2006, Luật Di sản văn hóa năm 2009, Luật Xuất bản năm 2012, Luật Quảng cáo năm 2013…

QVH là cơ sở pháp lý tạo cho mọi người được hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, được sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Theo Điều 17 Luật Di sản văn hóa ghi nhận: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Điều 9 Luật Di sản văn hóa năm 2009 xác định trách nhiệm của Nhà nước: “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”.

Với hệ thống pháp luật về QVH đã được ban hành và đi vào triển khai thực hiện, có thể khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng thể chế và bảo đảm thực thi những nội dung về lĩnh vực quyền con người nói chung và quyền trong lĩnh vực văn hóa nói riêng.

Một số kết quả về bảo đảm quyền văn hóa

Để bảo đảm QVH, Nhà nước đã triển khai nhiều đề án, chương trình khác nhau. Trong đó, Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ triển khai sâu rộng, tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Thực hiện Đề án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành việc rà soát, thống kê và hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, đặc biệt là 10 dân tộc, gồm: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo, Bố Y, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao3.

Thời gian qua, chúng ta đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về văn hóa, nghệ thuật tại các cuộc thi, triển lãm, liên hoan quốc tế. Cùng với lực lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, lực  lượng đông đảo hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng của các tổ chức và đoàn thể cũng đã góp phần làm phong phú, đa dạng sự giao lưu văn hóa của nước ta cả trong nước và ngoài nước4. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Công tác sưu tầm, bảo trì và tôn tạo di tích luôn được các cơ quan chức năng quan tâm và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Giai đoạn từ 2010 – 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016). Khách du lịch nội địa tăng gấp 2,6 lần, từ 28 triệu lượt năm 2010 lên 73,2 triệu lượt năm 2017, tăng trung bình 14,6%5.

QVH có nội hàm phong phú, đa dạng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân quan tâm thúc đẩy trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhận định: “Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học – nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng… Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của Nhân dân được quan tâm”6.

Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Kết luận số 76/KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ghi nhận: “Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hóa của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Một số chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động”7.

Hạn chế và những giải pháp trong bảo đảm quyền văn hóa

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo đảm QVH còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như: bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một, vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa cao; hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp; việc toàn cầu hóa và làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những bước tiến nhảy vọt về kinh tế – xã hội là điều không thể phủ nhận. Trong đó, đáng kể là: “Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”8.

Sự va chạm giữa văn hóa bản địa và văn hóa ngoại nhập là điều không thể tránh khỏi; bên cạnh đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hóa. Để giải quyết những bất cập này, cần thiết phải có những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như đặc thù về kinh tế, văn hóa – xã hội nước ta để bảo đảm QVH cho con người.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong giai đoạn mới nhằm bảo đảm QVH của con người, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, để bảo đảm tốt hơn QVH, cần xác định rõ mục tiêu: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”9.

Thứ ba, trong xu thế phát triển của khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự học tập, tự đào tạo của người dân, xây dựng xã hội học tập nhằm: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách…Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”10.

Thứ tư, tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn giữ gìn giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa, như: lễ hội, dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng tủ sách, thành lập các câu lạc bộ…

Mặt khác, cần “Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng. Tạo điều kiện, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, nâng cao tính chuyên nghiệp; đồng thời, phát triển sâu rộng văn học, nghệ thuật quần chúng”11.

Thứ năm, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Nhà nước cần đầu tư cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đầu tư của Nhà nước phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy, phát triển các truyền thống văn hóa dân tộc; đào tạo cho các thế hệ sau những giá trị riêng của dân tộc mình và xây dựng ý thức bảo tồn chúng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập.

Chú thích:
1, 11. Kết luận số 76/KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, ngày 08/10/2021.
2. What we mean by cultural rights? https://culturalrights.net, ngày 08/10/2021.
3. Đảm bảo quyền phát triển văn hóa của người dân tộc thiếu số. https://vovworld.vn, ngày 11/02/2020.
4. Gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. http://tuyengiao.vn, ngày 19/02/2020.
5. Di sản văn hóa với phát triển du lịch. http://vietnamtourism.gov.vn, ngày 17/02/2020.
6, 7, 8, 9, 10. Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. https://dangcongsan.vn, ngày 31/8/2020.
PGS.TS. Hoàng Hùng Hải
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh