(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách cho vay ưu đãi đến giảm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 -2020 đã đưa đến thành quả nhất định đối với đời sống xã hội của Nhân dân trên địa bàn. Đánh giá những tác động từ chính sách này là cần thiết để tìm ra được những thành công, hạn chế, nguyên nhân của những thành công, hạn chế đó. Từ đó có những khuyến nghị hợp lý để tiếp tục áp dụng các chính sách này trong giai đoạn tiếp theo.
Tổ chức nghiên cứu thực trạng
Nghiên cứu “Tác động của chính sách cho vay ưu đãi đến giảm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020 theo phương pháp tiếp cận đa chiều” được tác giả tiến hành vào năm 2021, sử dụng phân tích bộ dữ liệu hộ nghèo, kết quả cho vay từ Quỹ xóa đói, giảm nghèo từ năm 2016 – 2020 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và khảo sát thông tin của 469 hộ nghèo đầu năm 2016 (giai đoạn 2016 – 2020) tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và phường 12 quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu được thực hiện bằng 2 phương pháp: (1) Thảo luận nhóm để xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của các hộ nghèo của TP. Hồ Chí Minh, các yếu tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách cho vay ưu đãi giảm nghèo, tiến hành phỏng vấn sâu 30 người. (2) Nghiên cứu định lượng: thực hiện bằng phương pháp thống kê mô tả và sử dụng một số phương pháp kiểm định sự khác biệt giữa 2 hay nhiều nhóm bằng T-test và Anova – test.
Thực trạng kết quả giảm nghèo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Kết quả giảm nghèo
Kết quả giảm nghèo từ 2016 – 2018 cho thấy: năm 2018 có tốc độ giảm nghèo mạnh nhất. Mặc dù hộ nghèo nhóm 2 chiếm đa số, nhưng về tỷ lệ giảm hộ nghèo lại thấp nhất là – 92,75%, trong khi nhóm hộ nghèo nhất, nhóm 1 lại có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất là – 99,43%, tỷ lệ giảm hộ nghèo của nhóm hộ nghèo đa chiều, (nhóm 3) là 99,39%.
Như vậy, khi phân nhóm hộ nghèo cụ thể, hộ nghèo theo thu nhập số lượng lớn hơn nhiều lần so với hộ nghèo đa chiều. Nhưng khi thực hiện tác động bằng các chính sách, giải pháp giảm nghèo thì các chính sách tác động giảm nghèo đa chiều (giảm chiều thiếu hụt) mang ý nghĩa hiệu quả và bền vững hơn giải pháp chính sách giúp cho hộ nghèo tăng thu nhập. Điều đó giải thích những giai đoạn trước đây đo lường theo thu nhập, khi bước qua giai đoạn mới, nâng chuẩn thu nhập thì những hộ nghèo giai đoạn trước đã thoát nghèo lại tái nghèo theo chuẩn nghèo mới.
Chiều việc làm và bảo hiểm xã hội không giảm mà còn gia tăng số lượng thiếu hụt tại thời điểm khảo sát (ngày 31/12/2018) là 1,61% hộ nghèo có thiếu hụt; chiều giáo dục và đào tạo kéo giảm được 1,51% hộ nghèo có thiếu hụt; chiều điều kiện sống kéo giảm được 38,45% hộ nghèo có thiếu hụt; chiều y tế kéo giảm mạnh nhất được 95,25% hộ nghèo có thiếu hụt; chiều tiếp cận thông tin kéo giảm được 86,48% hộ nghèo có thiếu hụt.
Sau 3 năm (2016 – 2018) triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ của chương trình giảm nghèo, Thành phố còn lại 3.767 hộ nghèo, tỷ lệ 0,19% tổng hộ dân và 22.882 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,15% tổng hộ dân.
Sau khi hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 vào cuối năm 2018, Thành phố điều chỉnh ngưỡng thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng người/năm và tiêu chí nghèo đa chiều vẫn giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số để phấn đấu kéo giảm các chỉ số thiếu hụt có tỷ lệ cao, khó thực hiện. Đến cuối năm 2019, còn lại 9.668 hộ nghèo (hộ nghèo nhóm 1: 20 hộ; nhóm 2: 9.640 hộ; nhóm 3a: 7 hộ; nhóm 3b: 1 hộ), chiếm tỷ lệ 0,39% tổng hộ dân thành phố. Như vậy, sau khi nâng tiêu chí thu nhập đầu năm 2019 và thực hiện Chương trình giảm nghèo trong năm, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2019 – 2020 và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (khóa X) trước hạn 1 năm (mức thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 3,5 lần so đầu năm 2011)1.
Về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều:
Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của TP. Hồ Chí Minh là 3,36%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung của vùng Đông Nam Bộ là 5,6% là hợp lý2, bởi so với các tỉnh thành khác trong khu vực Đông Nam Bộ, thu nhập và đời sống của người dân có điều kiện tốt hơn, do đó tỷ lệ hộ nghèo cũng thấp hơn. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 thấp, do 2 nguyên nhân sau: (1) Tỷ lệ hộ nghèo thấp là do cách thức thực hiện chỉ đạo, triển khai khảo sát, lập danh sách hộ nghèo của cấp chính quyền địa phương (phường – xã và quận – huyện); (2) Tỷ lệ và số lượng hộ nghèo đa chiều thấp là do kỹ thuật điều tra, khảo sát của điều tra viên hoặc người dân (nếu tự kê khai), khảo sát chưa đúng (chưa hiểu rõ tiêu chí) và chưa nắm rõ thông tin của người dân kê khai hoặc người dân tự kê khai chưa đúng với thực tế, do đó, có thể bỏ sót đối tượng.
Kết quả thực hiện giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 chưa thực chất, phản ánh chưa đúng tình trạng kéo giảm thiếu hụt các chiều thiếu hụt của hộ nghèo là do xây dựng đo lường chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 còn chú trọng vào thu nhập để phân loại, lập danh sách hộ nghèo, việc đo lường thiếu hụt xã hội không còn mang nhiều ý nghĩa.
Về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo
Tỷ lệ và số tiền vay của hộ nghèo vay vốn thấp hơn hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn nghèo, càng ở trong lõi nghèo, nhu cầu vay vốn càng thấp. Hộ nghèo ở khu vực đô thị có nhu cầu vay vốn cao hơn khu vực nông thôn.
Về tác động của chính sách tín dụng ưu đãi đến giảm nghèo: nếu xét trong 1 năm thì không có sự khác nhau về khả năng thoát nghèo giữa hộ nghèo có vay vốn và hộ nghèo không vay vốn; còn trong giai đoạn 2016 – 2019 thì có sự khác nhau về khả năng thoát nghèo giữa hộ nghèo có vay vốn và hộ nghèo không vay vốn, trong đó hộ nghèo có vay vốn có tỷ lệ thoát nghèo cao hơn (100%) so với hộ nghèo không vay vốn (98%); không có sự khác biệt về khả năng thoát nghèo của hộ nghèo vay vốn theo giới tính, độ tuổi của chủ hộ vay vốn; mục đích vay vốn, số tiền vay, thời hạn vay. Như vậy, giả thiết trong điều kiện các yếu tố khác không đổi (hay không tính sự tác động của các yếu tố khác) thì chính sách cho vay ưu đãi chỉ có tác động giảm nghèo trong dài hạn và đó không phải là giải pháp chủ yếu giúp cho hộ nghèo thoát nghèo.
Tất cả hộ nghèo vay vốn đều giúp tăng thu nhập cho hộ; nhưng tăng đến ngưỡng vượt chuẩn nghèo thì đạt 45,45% đối với vay vốn để sản xuất – kinh doanh và 63,63% đối với vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt. Trong khi, tỷ lệ hộ nghèo vay vốn để sản xuất – kinh doanh cao nhất, chiếm 62,29% tổng số hộ vay.
Tất cả các khoản vay để kéo giảm chiều thiếu hụt xã hội đều không có tác dụng kéo giảm. Tuy nhiên, 100% hộ vay vốn để sửa nhà, cải thiện chiều điều kiện sống đều vượt chuẩn nghèo; 75% vay vốn để cải thiện việc làm bảo biểm xã hội vượt chuẩn nghèo và 25% vay vốn để cải thiện giáo dục vượt chuẩn nghèo.
Như vậy, chính sách vay vốn cho vay ưu đãi không có tác động kéo giảm đến chiều thiếu hụt xã hội, trong ngắn hạn. Muốn kéo giảm hay xóa bỏ thiếu hụt các chiều xã hội, dùng các giải pháp chính sách khác. Tuy nhiên, trong dài hạn, những hộ nghèo đa chiều (thiếu hụt chiều xã hội) đều thoát nghèo, nghĩa là khi cho vay cho vay ưu đãi, thu nhập của hộ nghèo sẽ tăng trong dài hạn, từ đó cải thiện dần các điều kiện phúc lợi. Vì vậy, nên tập trung đầu tư cho hộ nghèo để cải thiện điều kiện sống việc làm và giáo dục đó mới là tiền đề và động lực quyết định để hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Khuyến nghị chính sách
Từ kết quả nghiên cứu nhận định về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Thành phố, nhận thấy: để bảo đảm số lượng, tỷ lệ hộ nghèo được khảo sát, lập danh sách phản ánh đúng, thực chất và không bỏ sót hộ, cần phải chú trọng hơn nữa hai nội dung:
Thứ nhất, về công tác thông tin, tuyên truyền: (1) Thông tin, tuyên truyền đến toàn bộ người dân, không phân biệt thường trú, tạm trú để dần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân hướng đến việc người dân chủ động kê khai thông tin. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm ngân sách cho tổ chức bộ máy và chi phí tổ chức khảo sát điều tra và nâng cao được sự tham gia của người dân thực hiện các chính sách của Nhà nước; (2) Thông tin về Chương trình giảm nghèo của Thành phố đến các cấp, các ngành để tạo được sự đồng thuận và nhận thức đúng đắn, phối hợp tốt giữa các ngành để thực hiện các chính sách một cách đồng bộ; (3) Biện pháp, phương tiện thông tin tuyên truyền cần thực hiện đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và tận dụng các điều kiện hiện có tại địa phương.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện lập danh sách hộ nghèo để bảo đảm không bỏ sót hộ do chủ quan, quan liêu của địa phương.
Thứ ba, về chính sách cho vay ưu đãi: (1) Nguồn vốn cần đa dạng, không trông chờ bổ sung từ ngân sách, cần phát huy hiệu quả từ tiết kiệm trong dân, từ chính người vay và người dân trên địa bàn. NHCSXH nên mở rộng cách thức giao dịch điện tử, qua thẻ, qua ATM, qua app ứng dụng… với số tiền gửi phong phú phù hợp với khả năng mỗi người để khuyến khích tiết kiệm cho các mục đích cụ thể, như mua sắm tài sản có giá trị cao, học tập… (2) Để bảo đảm tính công bằng và hiệu quả của khoản vay, tác giả cho rằng nên điều chỉnh lãi suất cho vay phù hợp đối với từng đối tượng hoặc có hỗ trợ lãi suất cho những hộ nghèo hơn. Cụ thể sẽ chia thành hai nhóm: nhóm người nghèo nhất và có nguy cơ tổn thương cao sẽ được vay vốn từ quỹ xóa đói, giảm nghèo (với mức lãi suất hỗ trợ bằng 0) và nhóm người nghèo còn lại và hộ cận nghèo, hộ thoát chuẩn hộ cận nghèo vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Lãi suất cần được điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời kỳ; đồng thời, trong tình hình khó khăn đột xuất hay đặc thù của từng nhóm đối tượng cần có chính sách hỗ trợ bù lãi suất. Nguồn bù lãi suất có thể được tính toán từ phần lãi cho vay thu được trích lại hoặc từ ngân sách; các nguồn huy động, vận động khác. (3) Cần tăng cường cho vay ưu đãi trung hạn và dài hạn để tạo điều kiện cho người vay kéo dài thời gian trả nợ, giảm trả góp vốn định kỳ, sẽ giảm áp lực trả nợ cho người vay, nhất là đối với những khoản vay lớn. (4) Mức vay không nên giới hạn ở mức cụ thể, mà nên theo từng nội dung vay và đánh giá khả năng của hộ vay, dần dần chuyển đổi từ tài chính vi mô (khoản vay nhỏ) sang tài chính theo nhu cầu.
Thứ tư, về triển khai thực hiện chính sách cho vay ưu đãi: chú trọng công tác tư vấn người vay năng lực quản lý vốn vay, cụ thể là tính toán kỳ hạn vay, số tiền định kỳ trả nợ vốn và lãi vay hợp lý, để người vay vừa chủ động trong việc sử dụng đồng vốn, vừa bảo đảm có tích lũy. Đồng thời, tư vấn cho người vay cách thức sử dụng vốn vay bằng cách thông tin giới thiệu các mô hình, các dự án làm ăn hiệu quả để hướng dẫn cho người vay ý tưởng làm ăn. Bên cạnh đó, tổ chức giao lưu, liên kết giữa các dự án, tổ hợp tác cùng ngành nghề, để một mặt kiểm soát duy trì chất lượng sản phẩm của làng nghề, mặt khác, giúp người nghèo liên kết, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để ngày càng hoàn thiện sản phẩm, tạo dựng giá trị cao. Hỗ trợ người vay vốn tổ chức sản suất – kinh doanh, dịch vụ hạ tầng và các khâu liên quan trong quá trình sản xuất – kinh doanh, như: các giải pháp khuyến nông, khuyến ngư, tiếp cận thị trường, giới thiệu sản phẩm, bảo lãnh chất lượng và thương hiệu sản phẩm, nhất là các sản phầm đặc trưng của vùng.
Thứ năm, về tạo lập cho người nghèo khả năng tự vươn lên thoát nghèo: để nâng cao được ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân, Thành phố cần tập trung hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền. Đầu tư tài liệu tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với trình độ hiểu biết và chú ý sự quan tâm của người dân, tài liệu tuyên truyền cần phù hợp với đặc điểm dân cư, như tài liệu bằng tiếng dân tộc đối với cộng đồng người dân tộc đang sinh sống trên địa bàn; ngôn ngữ cần dễ hiểu để mọi tầng lớp nhân dân đều dễ dàng tiếp cận. Phương pháp truyền thông cần phải đa dạng và bao phủ bởi các phương tiện thông tin bằng các hình thức khác nhau: băng rôn, đài phát thanh tại địa bàn, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố, các web điện tử, các trang mạng xã hội, tổ chức dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng mà người dân tham gia. Tập huấn thường xuyên cho lực lượng làm công tác giảm nghèo các cấp, đồng thời là lực lượng làm công tác truyền thông các nội dung về chương trình giảm nghèo cho đơn vị hay địa bàn dân cư của mình.