Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – động lực phát triển và phục hồi kinh tế

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa là mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh.

Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định, xây dựng văn hóa trong kinh tế là quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Do đó, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ đã luôn đề cập và nhấn mạnh điều này. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định, thường xuyên quan tâm đến xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp gắn với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản, cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Tư tưởng nói trên là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, bởi lẽ, doanh nghiệp chính là trái tim của nền kinh tế và là động lực thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi cộng đồng doanh nghiệp phát triển hài hòa trên các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, trong đó văn hóa chính là yếu tố cốt lõi, nền tảng dẫn dắt, tác động và điều chỉnh các trụ cột khác…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các doanh nghiệp trong thời gian qua không tránh khỏi những khó khăn, ngưng trệ, nhưng dòng chảy văn hóa không hề ngừng lại, nó vẫn luôn vận động và là nguồn sức mạnh để gắn kết, thúc đẩy mỗi con người, mỗi tổ chức hành động vì mục tiêu chung cùng vượt qua khó khăn. Khi cả xã hội ứng phó, thích nghi cùng dịch bệnh, từng bước tiến tới giai đoạn bình thường mới, những giá trị văn hoá được vun đắp trong khó khăn sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và vươn lên.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp chú trọng bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp thì khi đó, uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng lên và được khách hàng ghi nhận. Đồng thời, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là liều “vắc-xin” bảo vệ doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.
Văn hóa doanh nghiệp là liều “vắc-xin” bảo vệ doanh nghiệp

Trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, bên cạnh sự phát triển của xã hội và xu thế thời đại, các doanh nghiệp sẽ trải qua chặng đường tiếp biến văn hóa. Quá trình tiếp biến văn hoá là quá trình tiếp thu và phổ biến những giá trị văn hoá để phát triển, quá trình tiếp thu này không máy móc mà có sự tiếp nhận và phát triển các giá trị khác biệt có chọn lọc để phù hợp với quá trình sản xuất – kinh doanh, phát triển doanh nghiệp bền vững trong sự biến đổi không ngừng của sự vận động liên hoàn của nền kinh tế thế giới.

Những tác động của tiếp biến văn hóa có thể giúp doanh nghiệp xây dựng quá trình sản xuất, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp, từ đó có sự gắn kết trong sản xuất, vượt qua khó khăn, ứng phó khi xảy ra khủng hoảng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp cận các giá trị văn hóa dựa trên các giá trị mở. Quá trình tiếp cận và tiếp biến văn hóa đúng hướng sẽ tác động tới những đối tượng liên quan như: bạn hàng, đối tác và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp kinh doanh phát triển bền vững hơn.

Hiện nay, xu hướng tiếp biến văn hóa tại Việt Nam theo những mô hình quản trị doanh nghiệp, giúp hoạt động kinh doanh diễn ra tốt hơn, chẳng hạn như xây dựng thương hiệu, quan hệ khách hàng phù hợp với những điều kiện, yếu tố gắn với kinh doanh hiện đại. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống Việt Nam với bản sắc vốn có, được tích hợp giữa hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc. Điều này giúp doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu riêng, được khách hàng tin tưởng, sản phẩm kinh doanh tốt hơn, mang giá trị riêng, giữ được bản sắc dân tộc.

Văn hóa doanh nghiệp còn là những liều “vắc-xin” cho doanh nghiệp để bảo vệ và duy trì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản lượng, giảm lao động… Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp khác, công nhân vẫn đồng lòng lao động dù bị giảm lương, thưởng. Qua đó chứng minh rằng, để có được sự đồng lòng giúp doanh nghiệp đứng vững, văn hóa doanh nghiệp chính là tấm lá chắn, là “vắc-xin” giúp doanh nghiệp không bị chảy máu chất xám, hay hụt hẫng khi người lao động bỏ việc.

Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là nghệ thuật của doanh nghiệp trong lựa chọn loại hình văn hóa phù hợp với năng lực, trình độ của nhân lực hiện có, việc xem trọng nhân viên chính là bảo vệ “trái tim” của doanh nghiệp. Thành công của doanh nghiệp chính là tạo được kháng thể tốt và để làm được điều này, doanh nghiệp phải có/nắm giữ được “trái tim khoẻ”, một bộ phận rất quan trọng để có thể duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, ban đầu, đối với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sức khoẻ của người lao động. Đến thời điểm bị phong tỏa, người lao động lo lắng về thu nhập bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin đến người lao động về tình hình phát triển, tiềm lực của doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần cố gắng bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, sản xuất – kinh doanh dần khôi phục thì lúc này doanh nghiệp cần thông tin tích cực, động viên, khuyến khích người lao động, đồng thời, thúc đẩy họ tích cực làm việc để bảo đảm tương lai của chính người lao động và của chính doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp là mối quan hệ biện chứng, tồn tại của bên này cũng chính là sự phát triển của bên kia.

Có thể khẳng định, những giá trị văn hóa, như: tạo dựng niềm tin, tình nghĩa trong lúc khó khăn, tạo thuận lợi cho người lao động trong công việc, việc ứng xử có trước có sau với người lao động là những yếu tố cốt lõi, quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp hơn. Văn hóa vì vậy chính là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp. Điều này mô tả những giá trị lõi để cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin vào sự phát triển của từng con người, từng bộ phận và của cả doanh nghiệp. Niềm tin đó đến từ sự kiên tâm ở lãnh đạo và tin tưởng tuyệt đối, sự kiên cường của người lao động, từ đó doanh nghiệp có thể vượt qua mọi cuộc khủng hoảng để phát triển bền vững.

Thuý Vân