Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/2021/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó tập trung vào 6 nội dung lớn. Điều này thể hiện rõ quan điểm, định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 của Đảng ta nhằm: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”1 đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định cụ thể và đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này một cách thông suốt, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: noichinh.vn.
Đặt vấn đề

Cải cách hành chính (CCHC) là “một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế – xã hội”2. Thời gian qua, công tác CCHC được Chính phủ, các bộ, các ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện vào 6 nội dung trong Nghị quyết số 76/2021/NQ-CP, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Đến nay, việc thực hiện này đã đem đến những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai CCHC theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-CP của một số bộ, ngành và các địa phương còn chậm; một số nơi chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin nhằm để đánh giá và đo lường sự hài lòng của người dân; đặc biệt là việc hoàn thiện phần mềm Hệ thống quản lý, sử dụng văn bản điện tử đối với cán bộ, công chức, viên chức nên kết quả đạt được chưa cao so với mục tiêu đề ra.

Một số kết quả đạt được trong thực tiễn triển khai cải cách hành chính

Theo Báo cáo số 128/2021/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030, đến nay, đã có trên 40 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý. Việc đánh giá đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế công lập phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời được tiếp tục đẩy mạnh hơn trong công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, trách nhiệm triển khai CCHC, các bộ, ngành và địa phương đã có báo cáo kế hoạch tổng hợp số liệu; nhất là báo cáo Chỉ số CCHC của năm 2020. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá CCHC, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát diện rộng trên cả nước, song việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hình thức học trực tuyến, tổ chức triển khai các lớp học trực tuyến cho công chức thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phương cũng đã đem lại hiệu quả rất cao. Các hình thức, nội dung tuyên truyền CCHC, những kinh nghiệm cách làm hay về CCHC của các bộ và của từng địa phương được chia sẻ. Kết quả thực hiện công tác CCHC được thể hiện trên các mặt sau đây:

Một là, về cải cách thể chế. Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/2020/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Chương trình này được tiếp cận theo cách làm mới, mang tính tổng thể, có hệ thống, công khai, minh bạch, theo đó, các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời tiến hành cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành một số lượng lớn các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC. Trong đó, “các bộ, ngành đã ban hành khoảng 1.846 văn bản; các tỉnh, thành phố ban hành khoảng 1.916 văn bản”3. Cũng tại Báo cáo số 128/2021/BC-CP cho thấy: “Giai đoạn 2011 – 2020, đã có khoảng hơn 12.172 VBQPPL tại các bộ, ngành và 83.758 VBQPPL tại các tỉnh được đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới sau rà soát. Trong khi đó, số lượng VBQPPL đã được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sau rà soát tại các bộ là 7.249 văn bản, tại các tỉnh là 54.012 văn bản”.

Hai là, về cải cách TTHC. Chương trình thực hiện cải cách TTHC và cắt giảm quy định hằng năm của các bộ, ngành và địa phương được triển khai mạnh mẽ. Điển hình như Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; tiếp tục thực hiện tốt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Chính phủ cũng đã “ban hành 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trên các lĩnh vực quản lý để phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.097 thủ tục, với 992 mẫu đơn và 399 tờ khai được quy định tại 332 VBQPPL”4; đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và TTHC đã được cắt giảm, đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc công bố, niêm yết, công khai TTHC, đăng tải đầy đủ nội dung trên Cổng thông tin điện tử và tại bộ phận Một cửa; đã tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị trong giải quyết TTHC được chú trọng thực hiện nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Kết quả cải cách này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới, cụ thể, như: xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 – 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 – 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư5.

Ba là, cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Thực hiện nghiêm việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, đã có nhiều văn bản hướng dẫn và tiến hành thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Đặc biệt, triển khai thực hiện chủ trương tinh giản biên chế tại các bộ, ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Tiếp đến, Nghị quyết số 653/2019/ UBTVQH ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, theo đó, có 45 tỉnh, thành phố xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, đến tháng 12/2020, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 20216.

Bốn là, cải cách chế độ công vụ, công chức. Đây là một trong những nội dung quan trọng của CCHC; nhất là đã làm tốt trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý và điều động, biệt phái công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị; có xây dựng các danh mục vị trí việc làm, thời hạn định kỳ chuyển đổi các vị trí công tác của công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Các bộ, ngành, địa phương đều chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức. Kết quả cho thấy, “Giai đoạn 2016 – 2020 (tính đến tháng 3 năm 2020), cả nước đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 5,4 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức”7.

Năm là, cải cách tài chính công. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; triển khai nhanh, quyết liệt công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành chặt chẽ ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; hạn chế mua sắm các trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo. Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch giải ngân kinh phí, đặc biệt chú trọng thẩm định dự toán và phân bổ kinh phí bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ CCHC và tuyên truyền CCHC theo đúng kế hoạch đề ra.

Sáu là, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Các bộ, ngành, địa phương luôn xác định hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính, do đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số nói riêng là một trong những nội dung trọng tâm, góp phần đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nhiều nội dung về xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được cụ thể hóa thành các kế hoạch để thực hiện, trong đó có hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số theo lộ trình, trong đó tập trung hoàn thiện khung pháp lý và các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng ứng dụng nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống chuyển sang điện tử và dựa trên dữ liệu số, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức trên môi trường số.

Những hạn chế, bất cập trong triển khai cải cách hành chính

Bên cạnh những kết quả nêu trên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong cải cách thể chế, các văn bản pháp luật hiện hành vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập. Đó là:

(1) Công tác kiểm tra CCHC còn hình thức. Việc thông tin, tuyên truyền CCHC ở một số bộ, ngành, một số địa phương chưa thật sự tạo ra sức lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng xã hội nhận thức về CCHC, kết quả, tác động của CCHC. Việc nhân rộng những mô hình, sáng kiến, cách làm hay về CCHC còn hạn chế.

(2) Thời gian giải quyết TTHC còn kéo dài, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tại nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, sát sao; chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về cải cách TTHC dẫn đến người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết.

(3) Hệ thống bộ máy hành chính còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp,…; phân công, phân cấp, phân quyền chưa coi trọng hiệu quả kinh tế, trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Hiện vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn.

(4) Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: đất đai, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội… Nhiều nơi, vẫn còn tình trạng thiếu trách nhiệm, đội ngũ công chức còn chưa thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân, chưa thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi xảy ra vi phạm giải quyết trễ hẹn.

(5) Dữ liệu giữa các phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan đến việc giải quyết TTHC còn hạn chế, phổ biến nhất là tình trạng các phần mềm chuyên ngành, ngành dọc không kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin một cửa điện tử và cổng dịch vụ công của địa phương…

Một số đề xuất giải pháp

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về CCHC trong giai đoạn 2021 – 2030, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả công tác CCHC năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2030.

Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo nhiệm vụ được giao, không để phát sinh nợ đọng mới. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo quy định của Chính phủ. Cần triển khai có hiệu quả các quy định mới của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định về quản lý công chức, viên chức; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và gắn kết chặt chẽ với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, bảo đảm đúng với điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm được phê duyệt.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn, tăng cường năng lực công chức thực hiện CCHC; kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC cho từng năm.

Thứ ba, triển khai kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cần có kế hoạch xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC một cách hiệu quả; đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác CCHC.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa trong giải quyết TTHC.

Thứ sáu, tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình. Tăng cường đầu tư tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương; chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng điện toán đám mây. Tiếp tục tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc…

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 332.
2. Chỉ thị số 23/2021/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
3, 4, 6, 7. Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030.
5. Kết quả cải cách hành chính góp phần nâng vị thế Việt Nam trong xếp hạng thế giới. https://ictvietnam.vn, ngày 30/9/2020.
Lê Huỳnh Lai
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai