Vai trò của nhà nước đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Bởi nông nghiệp công nghệ cao đem đến năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn gặp không ít những khó khăn về công nghệ sản xuất, thiếu đất với quy mô lớn, thị trường tiêu thụ còn hạn chế, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh hoạ (internet).
Vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay

Việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạc hậu sang nền nông nghiệp hiện đại công nghệ cao (CNC), ngoài nhân tố năng lực nội tại của ngành Nông nghiệp, Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo tiền đề phát triển ngành. Từ đó, tạo động lực cho việc tái cấu trúc nền nông nghiệp trong nước, chuyển sang nền nông nghiệp ứng dụng CNC, vừa là “bà đỡ” thông qua đầu tư công, vừa là người định hướng, chỉ đạo và quản lý quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách:

Thứ nhất, tạo điều kiện cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất, đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất.

Để có đất đai  quy mô lớn, Nhà nước đóng vai trò “kiến tạo” trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể, tuân theo quy luật thị trường, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng đất nông nghiệp, ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, trục lợi từ việc sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể: Nhà nước định hướng các hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất, như: (1) Các hộ nông dân liên kết ruộng đất với nhau để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; (2) Sang nhượng đất đai của hộ này cho hộ khác có thời hạn hoặc lâu dài; (3) Hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp (DN) theo hình thức cho thuê hoặc chuyển quyền sử dụng lâu dài; (4) Tích tụ đất đai cho các DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo các dự án phát triển nông nghiệp của quốc gia, địa phương hoặc của ngành.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ về vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp CNC.

Xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng CNC là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 – 1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch theo quy định1. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp CNC, cụ thể: khách hàng có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh trong khu nông nghiệp CNC, vùng nông nghiệp CNC được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án; DN chưa được cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng có dự án, phương án sản xuất – kinh doanh ứng dụng CNC trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Điều này cho thấy, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các đối tượng tham gia phát triển nông nghiệp CNC nhằm hỗ trợ tối đa về vốn, từ đó sẽ giảm bớt khó khăn và tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân phát triển trong quá trình sản xuất – kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông  thôn đã quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo ngành Nông nghiệp từ 2010 – 2020 tăng từ 15,5% lên khoảng 50%2. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và đã thực hiện được 75% mục tiêu kế hoạch với số lao động được đào tạo là 2,3 triệu lao động3.

Thứ tư, hỗ trợ và tạo điều kiện nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN).

Nhà nước hỗ trợ việc nghiên cứu và ứng dụng phát triển KHCN thông qua cho vay ưu đãi hoặc thành lập các quỹ, như: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện, Chương trình quốc gia phát triển CNC giai đoạn 2021 – 2030 thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp CNC tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những năm gần đây, viện nghiên cứu và nhiều trung tâm đã nghiên cứu chuyển đổi theo hướng thị trường, lai tạo ra nhiều giống cây mới với năng suất chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường, tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu cần bám sát thực tiễn hơn trong các khâu đánh giá, thực hiện các đề tài nghiên cứu tránh lãng phí, thất thoát kinh phí.

Thứ năm, hỗ trợ và tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Nhà nước đã nỗ lực, trong việc hỗ trợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp nhằm thu thập, xử lý thông tin thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, từ đó, có những hướng dẫn, điều chỉnh trong khâu sản xuất, chế biến nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, giữ vai trò kiến tạo và kết nối giữa DN của Việt Nam với các DN trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030” đã được triển khai phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, như: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu… đã hỗ trợ nông dân và DN Việt Nam tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.

Một số hạn chế đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Một là, việc tích tụ đất đai chưa đáp ứng được quy mô sản xuất ứng dụng CNC.

Diện tích đất dồn điền, đổi thửa vẫn chưa cao, chưa đủ lớn để ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, khả năng tiếp cận thông tin về đất đai của người dân còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ. Do vậy, thiếu đất với quy mô lớn để đầu tư ứng dụng KHCN theo vùng sản xuất tập trung, đó là những rào cản cho việc phát triển nông nghiệp CNC.

Hai là, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Việc ứng dụng KHCN, đặc biệt là CNC trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó, hiện nay lao động trẻ có trình độ văn hóa nhất định dễ tiếp thu các tiến bộ KHCN thì thường lên thành phố làm việc, còn lại lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi. Chính vì vậy, việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế.

Ba là, về tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản đang gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nông sản nước ta luôn phải gặp tình cảnh “được mùa mất giá”. Điều này xuất phát từ nguyên nhân lớn nhất là sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ yếu tự phát, chưa gắn với thị trường, với chuỗi giá trị ngành hàng.

Các DN kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp cũng chưa phát triển theo hướng bền vững, chưa mạnh dạn xây dựng các vùng nguyên liệu vì không có thị trường ổn định.

Các DN sản xuất hàng nông sản đang phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường xuất khẩu chủ yếu, như: Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… mà chưa mở rộng tới các thị trường cao cấp khác như các nước trong khối Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ…

Thực tế sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giữa DN và người nông dân thường xảy ra tình trạng “bội tín lẫn nhau”. Người nông dân thường chỉ bán hàng nông sản qua thương lái mà ít làm việc trực tiếp với các DN nông sản vì sợ bội tín. Điều này dẫn tới tình trạng tư thương, thương lái ép giá nông sản của nông dân.

Bốn là, các chính sách hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản của Nhà nước được đánh giá là chưa có tính tổng thể, chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Các chính sách của Nhà nước cũng chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ DN, vì vậy, người nông dân chưa được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách này.

Giải pháp cần thiết để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi rất nhiều các điều kiện mang tính tiền đề. Ở nước ta, xuất phát điểm từ một nền nông nghiệp “tiểu nông”, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, thói quen canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm…,  do vậy, việc chuẩn bị các điều kiện để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cần:

Thứ nhất, tích tụ và tập trung ruộng đất.

Muốn ứng dụng CNC trong nông nghiệp, điều kiện đầu tiên phải có diện tích đất canh tác phù hợp áp dụng được thiết bị máy móc trong tất cả các khâu từ làm đất, quy mô chuồng trại, nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Vì vậy, tích tụ và tập trung đất đai với quy mô lớn có thể coi là một nhân tố quan trọng mang tính tiền đề đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại.

Thứ hai, cần tập trung nguồn vốn.

Vốn là điều kiện có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Muốn thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp cần phải có đất đai, công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, lao động… tất cả những nhân tố này đều cần sử dụng vốn với số lượng lớn. Vì vậy, tập trung vốn cần thực hiện trước khi tiến hành thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp CNC.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhân lực là yếu tố quan trọng đối với bất cứ ngành nghề nào, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp trong tất cả các khâu từ nghiên cứu, thực hành nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Điều này khác hoàn toàn với nhân lực phục vụ cho nông nghiệp truyền thống, chủ yếu canh tác dựa vào kinh nghiệm, quy mô nhỏ.

Thứ tư, phát triển ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp.

KHCN là yếu tố then chốt của phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đổi mới tư duy về các hoạt động KHCN phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất – kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế.

Tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, chủ lực và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Các DN nông nghiệp CNC muốn ứng dụng công nghệ trước hết, cần xác định chính xác nguồn công nghệ chuyển giao. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện một cách đồng bộ với tất cả các khâu của quy trình ứng dụng thì mới đạt hiệu quả ứng dụng cao.

Thứ năm, thị trường tiêu thụ nông sản.

Thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước đều hết sức quan trọng đối với ngành Nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp ứng dụng CNC với năng suất cao, sản lượng lớn, nông sản có giá trị dinh dưỡng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn xanh, sạch sẽ có giá thành cao hơn. Những đặc điểm này đòi hỏi thị trường tiêu thụ nông sản phải có những thay đổi để khai thác tối đa thị trường trong nước; đồng thời, xuất khẩu nông sản qua đường chính ngạch nhằm bảo đảm sự ổn định và gia tăng giá trị nông sản.

Vì vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc nâng cao chất lượng nông sản cần đẩy mạnh khâu tiêu thụ, như: ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ nông sản cả trong nước và ngoài nước, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế…, khai thác tối đa sức tiêu thụ nội địa và ổn định xuất khẩu, từ đó, đầu tư xuất khẩu nông sản chế biến để tăng giá trị hàng hóa nông sản Việt.

Kết luận

Những năm qua, Nhà nước đã triển khai rất nhiều các biện pháp, hỗ trợ người dân và DN về tích tụ đất đai, tạo điều kiện về vốn, nhân lực, KHCN và thị trường tiêu thụ cũng như một số yếu tố khác tác động đến phát triển ứng dụng CNC. Tuy nhiên, nền nông nghiệp CNC ở nước ta còn nhiều hạn chế, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, như: nông dân, DN nông nghiệp, các hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội và chính những người tiêu dùng trong nước…, tập trung nguồn lực mới để phát huy sức mạnh, tạo đà cho phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1. Hơn 100.000 tỷ đồng dành cho đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. https://tapchitaichinh.vn, ngày 29/3/2022.
2. Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
3. Đào tạo nghề lao động nông thôn góp phần tái cơ cấu nông nghiệp. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 19/8/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
2. Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030”.
3. Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu. https://moit.gov.vn, ngày 11/01/2022.
4. Nhà nước tạo lập tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 10/6/2020.
5. Vấn đề tích tụ – tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa. http://hdll.vn, ngày 21/5/2021.
TS. Đặng Thị Hoài
Trường Đại học Thương mại