Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 29/6, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng chủ trì cuộc họp báo.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê công bố tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022.

Tại buổi Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương đã công bố những vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II/2021 là 0,99%. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2021. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa… Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực 6 tháng đầu năm 2022 như sau:

Infographic tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%, khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,70% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ 2019 (là 8,38%).

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 76,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 882,1 tỷ đồng (giảm 6,4% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện chương trình phục hồi kinh tế – xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%). Thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.202,82 điểm, giảm 7% so với cuối tháng trước và giảm 19,7% so với cuối năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.649 tỷ đồng/phiên, tăng 0,2% so với bình quân năm trước.

Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.301,2 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm từ 2018 -2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD. Đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022. Đáng chú ý, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn được triển khai với 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 300,9 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 44,9 triệu USD, giảm 88,9% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 345,8 triệu USD, giảm 36,8% lần so với cùng kỳ 2021.

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp song cũng đã được kiểm soát, do đó, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Về chỉ số giá, do giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người, tăng 358,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,3 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước quý II/2022 ước tính là 2,32%; 6 tháng là 2,39%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 – 24 tuổi) của cả nước quý II/2022 ước tính là 7,63%; 6 tháng là 7,78%; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của cả nước quý II/2022 ước tính là 1,96%; 6 tháng là 2,48%.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 15/6/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 đã triển khai được hơn 43,5 nghìn tỷ đồng, cho 36,7 triệu lượt người lao động và gần 381,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 với tổng mức hỗ trợ gần 38,4 nghìn tỷ đồng cho gần 13 triệu lượt lao động và gần 346,7 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 với mức hỗ trợ đạt 14,1 tỷ đồng cho 25.660 lao động của 487 đơn vị sử dụng lao động.

Các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý III, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu,… Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng với các biến thể mới có thể còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Do đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm đời sống của Nhân dân, cần sự chung sức, đồng lòng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 – 2023). Đồng thời, tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”; tích cực triển khai tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em từ 5 – 12 tuổi và mũi bổ sung tăng cường cho người lớn. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường do kháng thể giảm sau một thời gian tiêm vắc-xin và việc xuất hiện các biến chủng mới; ứng phó kịp thời với các loại dịch bệnh theo mùa, như: sốt xuất huyết, chân tay miệng…; nguy cơ từ các dịch bệnh trên thế giới có thể xâm nhập vào Việt Nam, như bệnh đậu mùa khỉ. Bảo đảm nguồn cung thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch.

Hai là, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 – 2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng.

Ba là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ… Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án đảm bảo điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu thô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch; chuẩn bị tốt các hạ tầng để đón các đoàn khách du lịch quốc tế dịp cuối năm.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai…, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm… Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Tin, ảnh: Thu Hương