Thái Nguyên vững vàng trong đại dịch Covid-19, bảo đảm ổn định lao động, việc làm

(Quanlynhanuoc.vn) – Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép “vừa đẩy mạnh công tác phòng, chống, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh”, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cùng với sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm lao động, việc làm của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: baothainguyen.vn

Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, chính trị – xã hội của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nơi đây được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với quy mô tổng cộng hàng chục trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Thái Nguyên bảo đảm ổn định lao động, việc làm trong đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và bắt đầu lây lan rộng trên địa bàn cả nước từ cuối năm 2020, đỉnh điểm những tháng giữa năm 2021 và gây nhiều thiệt hại. Tại Thái Nguyên, các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt và phát huy hiệu quả. Do đó, Thái Nguyên giữ vững là vùng xanh an toàn, trở thành hậu phương hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch hiệu quả.

Những tháng đầu năm 2022, số ca nhiễm Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn cả nước tăng mạnh, tỉnh Thái Nguyên không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại tỉnh, số ca nhiễm bệnh tăng cao nhưng số ca tử vong thấp. Tính đến ngày 02/3/2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 53 bệnh nhân tử vong có liên quan đến Covid-19. Những ca bệnh tử vong tập trung vào các trường hợp chưa tiêm vắc xin, có bệnh nền và bệnh nhân cao tuổi. Tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 tại Thái Nguyên khoảng 0,04% trên tổng số ca nhiễm Covid-19  trên địa bàn tỉnh, trong khi đó tỷ lệ này bình quân ở Việt Nam là 1,17%1. Có được kết quả này, tỉnh đã có những quyết sách sáng tạo, phù hợp, linh hoạt, cùng với phương án, giải pháp thích ứng kịp thời, vững vàng trong đại dịch và tự tin tiếp tục vượt qua khó khăn để duy trì đà tăng trưởng kinh tế – xã hội và bảo đảm ổn định lao động, việc làm cho người lao động.

Theo số liệu thống kê cuối năm 2020, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là 769. 900 người (khu vực thành thị là 214. 600 người, chiếm 27,8%; khu vực nông thôn là 555.300 người, chiếm 72,1%)2. Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi tích cực, kết quả công tác lao động, việc làm tại tỉnh vẫn cơ bản ổn định. Cụ thể như sau:

Một là, thị trường lao động và việc làm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng tới việc làm của người lao động của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Một số ngành, như: giao thông vận tải, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa – thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp tại thời điểm 01/7/2021 giảm 8,71% so với cùng thời điểm năm trước3. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch, các DN trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất cơ bản ổn định nên số lượng lao động bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ thấp.

Chính quyền địa phương cùng các DN đã tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm phục hồi phát triển sản xuất – kinh doanh, kích cầu lao động bằng chính sách tiền lương, phúc lợi lao động để thu hút nguồn lực lao động, đồng thời, đáp ứng tối đa nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết nối cung cầu lao động giữa DN và người lao động, như: tổ chức tuyển dụng lao động bằng các hình thức trực tuyến; phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông phổ biến, giới thiệu thông tin về thị trường lao động tới người dân; tổ chức các sàn giao dịch trực tuyến để kích cầu việc làm đối với người lao động. Tổ chức “Ngày hội việc làm tỉnh Thái Nguyên năm 2021”4, tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm năm 2021. Việc thực hiện chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm ở địa phương, công tác đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng được tích cực triển khai.

Bên cạnh đó, để đáp ứng cung – cầu trong thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các DN thông tin về vị trí việc làm trống. Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền, khảo sát về nhu cầu việc làm của người lao động. Ứng dụng công nghệ thông tin, làm nhịp cầu nối tiện ích, hiệu quả trong thị trường lao động thông qua mạng xã hội: zalo, facebook, các fanpage, website của Trung tâm… Bảo đảm cung cấp thông tin thị trường lao động, thông tin về lao động – việc làm trong và ngoài nước, đào tạo nghề đến đông đảo người lao động và người sử dụng lao động trong, ngoài tỉnh nhanh nhất.

Hai là, tình hình quản lý, sử dụng lao động nước ngoài.

Để kịp thời giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, UBND tỉnh đã ủy quyền cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận những vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát toàn bộ các cơ sở, DN đang sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, DN; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương đúng quy định.

Ba là, bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số người tham gia bảo hiểm bắt buộc 210.491 người, đạt 93,5% kế hoạch của tỉnh đề ra; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 20.500 người, chiếm 95,3%; có 5.216 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020; 4.595 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020; 15.127 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và 68 người được hỗ trợ học nghề5.

Bốn là, công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, tình hình tai nạn lao động.

Các ngành chức năng đã tích cực triển khai các hoạt động Tháng hành động hưởng ứng về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, về công tác an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ tại các DN; thăm tặng quà cho các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 69 vụ tai nạn lao động làm 70 người bị nạn6. Các lĩnh vực hay để xảy ra tai nạn lao động là cơ khí, may mặc…, với nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn.

Năm là, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3183/UBND-KGVX ngày 09/7/2021, Công văn số 3228/UBND-KGVX ngày 13/7/2021 và Công văn số 3444/UBND-KGVX ngày 23/7/2021 chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực hướng dẫn, triển khai; tổ chức tuyên truyền rộng rãi tới cơ sở, đối tượng thụ hưởng về các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Kết quả cụ thể: (1) Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đạt 100%, tổng số tiền được giảm lũy kế tính đến tháng 10/2021 là hơn 19,8 tỷ đồng, ước số tiền giảm đóng tổng 12 tháng là 57,86 tỷ đồng. (2) Tỉnh hỗ trợ 741 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 797 người lao động ngừng việc hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly trên 930 triệu đồng; hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất – kinh doanh hơn 3,2 tỷ đồng… (3) Quyết định về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn hơn 200 triệu đồng. Có 3.019 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán công việc với các cơ sở giáo dục công lập năm học 2020 – 2021 cũng được hỗ trợ hơn 5,6 tỷ đồng7.

Cùng với đó, là chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề… Cho tới thời điểm hiện tại, các sở, ngành, địa phương đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, rà soát, bảo đảm người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh để bảo đảm các chính sách được triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

Một số đề xuất nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Đến thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc bệnh. Tỉnh Thái Nguyên, với một số kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế; diện bao phủ vắc xin…, giúp chủ động hơn trong phòng, chống dịch. Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần: xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Thời gian tới, tỉnh cần tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm, an toàn lao động, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tranh chấp lao động trong các DN. Rà soát, nắm tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các DN; thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động và tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện chuyển đổi số; duy trì nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, triển khai các nền tảng số nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực lao động, việc làm, chính sách đối với người có công và trật tự an toàn xã hội.

Chú thích:
1. Thái Nguyên vững vàng trong đại dịch Covid-19. https://thainguyen.gov.vn, ngày 03/3/2022.
2, 5, 6. Tác giả tổng hợp từ số liệu báo cáo tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Thái Nguyên (khóa XIV), nhiệm kỳ 2021 – 2026, từ ngày 8/12 – 10/12/2021 tại trụ sở đoàn ĐBQH-HĐND-UBND tỉnh.
3. Báo cáo số 512/BC-CTK ngày 26/7/2021 của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên.
4. Ngày hội thu hút gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh với hơn 22.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động và tuyển sinh học sinh học nghề.
7. Thái Nguyên tích cực thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19. https://ncov.vnanet.vn, ngày 17/11/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.   
2. Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định  tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
3. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
4. Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 27/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
5. Thái Nguyên. http://wikipedia.org.
ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
Trường Cao đẳng Thái Nguyên