Công tác cán bộ quyết định hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền, trong hoạt động thi hành nhiệm vụ và công vụ, đặc biệt nếu có được đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên sẽ quyết định đến phần lớn kết quả và hiệu quả của nền công vụ.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Noichinh.vn.
Vai trò của công tác cán bộ

Để bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước cần những yếu tố cơ bản sau: thể chế pháp lý phù hợp, bảo đảm mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế – chính trị – văn hóa trong thời kỳ quá độ; tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan và các cấp chính quyền; tài chính công rõ ràng, có nguyên tắc. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công vụ nói riêng và hệ thống chính trị nói chung xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Có thể nói đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong suốt quá trình từ khi xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đến nay.

Trong nhiều Văn kiện của Đảng đều khẳng định, vai trò của cán bộ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII đã khẳng định: “Cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới. Cán bộ nói chung có vai trò rất quan trọng, cán bộ cơ sở nói riêng có vị trí nền tảng ở cơ sở. Mạnh hay yếu một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ1.

CBCC góp phần không nhỏ trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Không có đội ngũ CBCC đủ mạnh thì chủ trương, đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước không thể thực thi hiệu quả. Họ vừa là người tuyên truyền, vừa là cầu nối về mặt pháp lý giữa Nhà nước với nhân dân. Thông qua những công việc cụ thể, quá trình giải quyết mâu thuẫn và tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong đời sống thường ngày giữa các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… đòi hỏi người CBCC phải xử lý linh hoạt, khéo léo và hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Đồng thời, sẽ có những kiến nghị, đề xuất để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cách thực hiện nội dung đường lối, chính sách pháp luật tại cơ sở sao cho đúng và phù hợp với thực tiễn.

Đội ngũ CBCC có vai trò quan trọng trong việc quản lý và tổ chức công việc của chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương. Nhiệm vụ của họ là thực thi công vụ, mang tính tự quản theo pháp luật và bảo toàn tính thống nhất của thực thi quyền lực nhà nước đặc biệt là ở cơ sở. Thông qua hoạt động của đội ngũ CBCC trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh lại cơ sở, nhân dân thể hiện được quyền làm chủ và trực tiếp thực hiện quyền tự quản của mình. Do đó, đầu tư xây dựng đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức và năng lực ngang tầm sự nghiệp đổi mới mang ý nghĩa như sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở trong công tác cán bộ (tinh thần Nghị quyết TW7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ).

Trong năm 2021, với sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thể hiện vai trò tiên phong của đội ngũ CBCC lãnh đạo đã đưa đất nước từng bước tháo gỡ được những khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, từng bước ổn định, an sinh xã hội, đưa nước ta sang giai đoạn “trạng thái bình thường mới”. Hiệu quả của công tác cán bộ với vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ chủ chốt thể hiện rõ nhất trong đánh giá về “Hạnh phúc”, dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là sự hài lòng của người dân, của cộng đồng khi họ được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report – WHR) 2022 công bố ngày 18/3/2022, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77 so với vị trí 79 năm 20212.

Một chỉ số khác, theo công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, ngày 25/01/2022, chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 là 39/100 điểm, theo đó Việt Nam tăng 3 điểm từ mức 36/100 điểm năm 2020, xếp thứ 87/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng chỉ số CPI cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn từ 2012-2021. Trong 10 năm này, nhìn chung chỉ số CPI của Việt Nam được cải thiện từ mức thấp nhất là 30 điểm trong năm 2012 lên 39 điểm trong năm 2021.3

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn ở mức trầm trọng. Trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân; nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 03 tập đoàn, tổng công ty.4

Thực tế, tại các cơ quan chính quyền địa phương có hiện tượng cán bộ lãnh đạo sử dụng người nhà, bà con, họ hàng… tìm cách đưa vào bộ máy hành chính. Chính vì vậy, vẫn còn tồn tại hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho những sai phạm của một số CBCC. Hậu quả có một bộ phận CBCC suy đồi về đạo đức, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, làm mất lòng tin của người dân địa phương.

Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta”. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi”5.

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác cán bộ để Đảng, Nhà nước tạo được niềm tin với nhân dân, thực sự là Đảng của dân, do dân và vì dân, để hoạt động của bộ máy nhà nước thực sự hiệu quả nhằm phục vụ nhân dân. Đây cũng là mục tiêu trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.6

Những yêu cầu cơ bản xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay

Thứ nhất, yêu cầu về phẩm chất của CBCC. Mỗi người CBCC phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, luôn thực hiện đúng, có hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có những phẩm chất đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là cần – kiệm – liêm – chính – chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật, không cơ hội, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh với tham nhũng; gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân lên trên hết, trước hết trong việc giải quyết mọi vấn đề phát sinh; luôn được nhân dân tín nhiệm, tin yêu; có khả năng thuyết phục quần chúng nhân dân để bảo đảm đúng tính chất phục vụ của mục tiêu cải cách hành chính hiện nay; nắm chắc những căn cứ pháp lý trong quá trình giải quyết công việc; có trình độ văn hóa chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; có khả năng tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách pháp luật, thuyết phục và tổ chức cho nhân dân thực hiện; có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với tác phong dân chủ, khoa học.

Thứ hai, yêu cầu về trình độ, năng lực của đội ngũ CBCC. Trong bối cảnh của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, sức mạnh của công nghệ mới, nhờ các phương tiện, thiết bị hiện đại và thông minh giúp nhà nước có thêm công cụ hữu hiệu để gia tăng kiểm soát xã hội. Vai trò của nhà nước cũng thay đổi một cách căn bản, chuyển từ vai trò cai trị và quản lý xã hội sang hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo dự báo, tốc độ thay đổi và tác động rộng khắp của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ví dụ, với sự xuất hiện công nghệ mới, internet vạn vật giúp cho Chính phủ triển khai nhiều dịch vụ tự động, trực tuyến như: điều tra dân số, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh… Điều này vừa tăng tính công khai, minh bạch với các dịch vụ công, vừa làm thay đổi cơ bản tổ chức bộ máy nhà nước. Nó cũng đặt ra những thách thức mới cho đội ngũ CBCC, đòi hỏi đội ngũ CBCC phải nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ bayêu cầu về cơ chế sử dụng, quản lý, đãi ngộ CBCC. Nhà quản lý cần có chiến lược phát triển và thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực công một cách thiết thực, hiệu quả. Trước hết, mỗi đơn vị, tổ chức phải chủ động phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cùng với thu hút nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là những vị trí liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cần chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với những người có tài năng để họ phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, yên tâm cống hiến cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới và trong nước đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường bởi dịch bệnh đã đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân, công tác cán bộ trở thành nhân tố quan trọng, cấp bách để Đảng và Nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ có những hành động thiết thực nhất, đặt vị trí “trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”7Sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, bằng lương tâm, trách nhiệm, sự quả cảm, sự đồng tâm, hiệp lực, thống nhất của đội ngũ cán bộ từ trung ương tới địa phương là những yêu cầu và đòi hỏi về xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong giai đoạn hiện nay.

Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay

Thứ nhất, lựa chọn cán bộ. “Cán bộ là những người quản lý đất nước ở nhiều cấp, nhiều ngành, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, giữa Chính phủ với nhân dân, giữa các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội với đồng bào”8. Tuyển chọn cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ nhằm tìm kiếm, sàng lọc, lựa chọn những cán bộ xứng đáng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực và uy tín để đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc vị trí việc làm trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Làm tốt việc lựa chọn cán bộ là tiền đề để bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ được giao, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, hoàn thành mục tiêu phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ngược lại, nếu việc tuyển chọn cán bộ không được thực hiện tốt, nhất là đối với lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu, sẽ dẫn đến hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hoạt động của bộ máy và sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị; làm triệt tiêu chí tiến thủ của cán bộ thực tài, khao khát cống hiến; thậm chí tiếp tay cho những tiêu cực trong công tác cán bộ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn cán bộ: 1. Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc trong lúc đấu tranh. 2. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ là người lãnh đạo của họ. 3. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. 4. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật9.

Thứ hai, đào tạo CBCC. Nếu như công tác lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong công tác cán bộ, thì công việc huấn luyện và đào tạo cán bộ cũng vô cùng cần thiết và quan trọng. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng và Nhà nước, do đó phải được tiến hành một cách khoa học, thận trọng, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thời cơ mới trong xây dựng chính phủ điện tử nhưng cũng đặt ra thách thức trong đào tạo và tự đào tạo của đội ngũ CBCC để có khả năng vận hành, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính.

Để đào tạo đội ngũ CBCC ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức, đặc biệt là CBCC lãnh đạo, quản lý về vai trò của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Hai là, đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo hướng chú trọng các kiến thức chuyên môn về cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với đặc thù công tác của từng đối tượng. Thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CBCC chất lượng cao, gắn với việc sẵn sàng tiếp nhận và ứng phó với những tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào phát triển kinh tế, quản lý xã hội…

Thứ ba, sử dụng, quản lý cán bộ. CBCC là những con người, có lợi ích, nhu cầu, tình cảm cho nên việc sử dụng cán bộ phải làm sao cho hợp lý, cho đúng chỗ. Vì sử dụng con người liên quan đến tâm lý, lợi ích, danh dự, tình cảm nên vô cùng phức tạp. Nếu đặt cán bộ ngồi đúng vị trí, hợp với năng lực thì chắc chắn sẽ phát huy được hết tài lực, phẩm chất của mình. Nhưng cũng không có ít trường hợp bố trí sử dụng không đúng đã gây ra mất đoàn kết nội bộ, tạo ra sự chia bè, chia phái với nhau. Cho nên, khi cất nhắc sử dụng cán bộ, phải có sự xem xét, tìm hiểu vì để thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của từng người. Bên cạnh đó cũng phải căn cứ vào tình hình, hoàn cảnh cụ thể để sắp xếp cán bộ cho đúng, cho hợp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng những thành tựu tri thức, khoa học công nghệ của nhân loại, thực hiện việc “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, yếu tố xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; có tính chuyên nghiệp cao trở thành nhân tố quyết định đến xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Hội Nghị Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 1997.
2. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022: Việt Nam tăng 2 bậc. https://baochinhphu.vn, ngày 20/3/2022.
3. Việt Nam tăng điểm trong xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng 2021. https://laodong.vn, ngày 26/01/2022.
4. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”. https://noichinh.vn, ngày 20/01/2022.
5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII, Tập 1. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2021, tr. 93-95.
6,7. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII. Tập 2. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2021, tr. 119, 51.
8. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2008, tr.278.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2008, tr. 494-495.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội Nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 1997.
2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2018.
3. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII. H. NXB Chính trị Quốc gia sự thật, 2021
ThSNguyễn Thị Hồng
Học viện Hành chính Quốc gia