Thừa Thiên Huế tham gia “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế và chương trình liên minh đổi mới, hợp tác sáng tạo”

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 30/9, sự kiện “Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam kết nối quốc tế và chương trình liên minh đổi mới, hợp tác sáng tạo” đã diễn ra tại 5 điểm cầu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và trực tuyến quốc tế tại 2 điểm cầu Pháp và Hàn Quốc.

Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà đầu tư cá nhân, nhà tài trợ, đại diện các đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, quỹ đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là chuỗi chương trình hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo mở tại Việt Nam.

Sự kiện là một bước tiến trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 884), góp phần kiến tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế, liên kết mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, kiến tạo các điểm kết nối toàn cầu…

Ảnh: Đồng chí Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phát biểu tại điểm cầu Huế.

Tham gia sự kiện tại điểm cầu Huế, đồng chí Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã một số tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và triển khai thành công các dự án như “Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh”, “Hệ thống xe đạp thông minh”,  “AIQuant – đầu tư tài chính thông minh”, “Bacsi 24×7 Chatbot giúp đặt lịch hẹn, tư vấn thông minh cho phòng khám bác sĩ gia đình”, “Hệ thống hỗ trợ người dân với công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để tiếp cận dịch vụ hành chính công trực tuyến trong chính quyền điện tử tại tỉnh Thừa Thiên Huế”,… Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI chưa nhiều, chưa có thành tựu đột phá, ứng dụng AI giải quyết các vấn đề cuộc sống còn khiêm tốn.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dịch chuyển xu hướng từ “đổi mới sáng tạo” sang xu hướng đổi mới sáng tạo “mở” gắn với AI nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. “Mở” trong sự kiến tạo môi trường để phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp; “mở” để thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế; “mở” để mở rộng hơn nữa các đối tượng khởi nghiệp không chỉ các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn thu hút các đối tác có năng lực, mong muốn đồng hành đến Huế để khởi nghiệp, để lan tỏa, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Huế, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trở thành một phần động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký kết với các doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành ký kết với các doanh nghiệp về hình thành làng Công nghệ AI-Huế tham gia vào mạng lưới làng công nghệ quốc gia; Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin, AI…

Sự kiện gồm nhiều hoạt động, trong đó có hội nghị khởi nghiệp sáng tạo tại 5 tỉnh, thành phố Việt Nam, kết nối online các hội nghị khởi nghiệp sáng tạo giữa các tỉnh thành với nhau và với các nước: Pháp, Hàn Quốc, Australia, Singapore; diễn đàn “Thị trường vốn quốc tế cho đổi mới sáng tạo mở”; ký kết và công bố hợp tác đầu tư; triển lãm khởi nghiệp giới thiệu các sản phẩm, dự án khởi nghiệp…

Thu Hương, Đình Quý