Hội thảo khoa học: Khoa học Hành chính trong điều kiện hội nhập

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 06/10/2022, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Khoa học hành chính trong điều kiện hội nhập”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua phần mềm Zoom Meeting, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Học viện.
PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía các chuyên gia, nhà khoa học ngoài Học viện, có PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Uỷ viên chuyên trách Thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, TS. Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV; các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường, học viện: Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Khu vực IV,…

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có sự tham gia của: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Phạm Quang Huy, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; Lãnh đạo, viên chức các Khoa, các đơn vị, Phân viện thuộc và trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia.

Tham dự tại Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh có PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện, chủ trì hội thảo; lãnh đạo các phòng, bộ môn, các viên chức, giảng viên của Phân viện.

Hội thảo đã nhận được 36 tham luận và 17 ý kiến phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, khẳng định khoa học hành chính từ khi ra đời cho đến nay đã có nhiều đóng góp cho quá trình cải cách, đổi mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều vấn đề liên quan đến khoa học hành chính cần được nghiên cứu, thảo luận để định vị rõ hơn vị trí, vai trò khoa học hành chính. Vì vậy, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh mong muốn Hội thảo này sẽ là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến khoa học hành chính đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Trong tham luận: “Vai trò tư vấn chính sách của khoa học hành chính về cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, khẳng định, khoa học hành chính đã có những đóng góp quan trọng ở Việt Nam, là bệ đỡ nâng tầm tư duy và tư vấn, tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định các chính sách về cải cách hành chính nhà nước, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Vì vậy, khoa học hành chính xứng đáng có một vị trí nhất định trong hệ thống các ngành khoa học xã hội.

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan, khẳng định quá trình cải cách nền hành hành chính ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập có những đặc thù cần sự luận giải dưới góc độ của khoa học hành chính, nhằm cung cấp cơ sở lý luận để tiếp thu, vận dụng tinh hoa của quá trình cải cách hành chính ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Tiếp tục luận bàn về cách tiếp cận khoa học hành chính, TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Bộ môn Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nghiên cứu khoa học hành chính có các cách tiếp cận từ góc độ quản lý và pháp lý. Do đó, khoa học hành chính giao thoa với nhiều ngành khoa học xã hội, là ngành có nhiều chuyên ngành nhỏ, có nhiều học thuyết và khái niệm phát triển từ chính trị học, luật học, quản trị học và một số ngành khác, giữa chúng có đối tượng nghiên cứu vừa tương đối độc lập vừa có sự thẩm thấu lẫn nhau.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, cho rằng, ở nước ta khoa học hành chính chưa được công nhận đầy đủ và đúng tầm. Do đó, trong bối cảnh hiện nay cần tiếp tục khẳng định vị trí và những đóng góp của khoa học hành chính bên cạnh các ngành khoa học khác. Khoa học hành chính có đối tượng nghiên cứu tích hợp, giao thoa với nhiều ngành khoa học, gắn với bối cảnh Học viện Hành chính Quốc gia, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học hành chính để hình thành trường phái về hành chính học đặc trưng của Học viện Hành chính Quốc gia để làm rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của nền hành chính Việt Nam.

ThS. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế.

Trong tham luận: “Phương pháp nghiên cứu trường hợp và gợi ývận dụng trong nghiên cứu khoa học hành chính” ThS. Nguyễn Ngọc Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế cho rằng, phương pháp nghiên cứu trường hợp (Case Study) là một phương pháp nghiên cứu khoa học dựa trên một đối tượng nghiên cứu là sự vật, hiện tượng hay một trường hợp cụ thể vận dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp trong nghiên cứu khoa học hành chính, nhất là ở Học viện Hành chính Quốc gia.

TS. Hà Quang Thanh, nguyên Q. Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trong tham luận: “Yêu cầu phát triển khoa học hành chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập ”khẳng định, khoa học Hành chính là một ngành khoa học ra đời tương đối muộn so với các ngành khoa học khác, là một ngành khoa học liên ngành. Trong điều kiện hội nhập khoa học hành chính phải nghiên cứu để hướng đếntư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính nhằm phát triển quốc gia phù hợp với từng giai đoạn;nghiên cứu các quy luật, nguyên tắc để triển khai thực hiện các tác nghiệp hành chính nhằm biến ý tưởng chính sách, luật pháp thành sản phẩm cụ thể cho xã hội.

PGS.TS. Lưu Ngọc Tố Tâm, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực II.

PGS.TS. Lưu Ngọc Tố Tâm, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Khu vực II chia sẻ khoa học hành chính có sự giao thoa, đan xen với các ngành khoa học, tuy nhiên dưới góc độ pháp luật thì ở nước ta luật hành chính được xem xét là một ngành luật, tuy nhiên dưới góc độ khoa học thì chưa có sự phân định một cách rõ ràng về khoa học hành chính và các ngành khoa học khác.

Trong tham luận: “Bàn về phương pháp liên ngành trong nghiên cứu khoa học hành chính” ThS. Lê Đức Hiền, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong nghiên cứu khoa học việc sử dụng phương pháp liên ngành là hết sức quan trọng. Các ngành khoa học cần phải có sự gắn kết, phối hợp để giải quyết những vấn đề đặt ra. Do đó, phải tăng cường sử dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu nhằm khám phá các nội dung lý luận của khoa học hành chính và đánh giá thực tiễn của việc vận dụng các lý luận này vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia.

Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu đổi mới và hội nhập hiện nay ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, khoa học hành chính cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Tuy nhiên ở Việt Namkhoa học hành chính trong nước nhìn chung còn khoảng cách khá xa so với các nghiên cứu khoa học hành chính trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới; hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách về nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học hành chính nói riêng còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học và ứng dụng kết quả khoa học vào thực tiễn cải cách nền hành chính nhà nước ở Việt Nam. Do đó, rất cần nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển khoa học hành chính trong thời gian tới như hoàn thiện hành lang pháp lý trong phát triển khoa học hành chính; đầu tư thoả đáng cho việc nghiên cứu khoa học hành chính…

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển chia sẻ bối cảnh hội nhập đặt ra những yêu cầu trong tiếp cận khoa học hành chính, đặc biệt cách tiếp cận mối quan hệ giữa chính trị và hành chính ở các quốc gia và đặc thù của điều kiện, bối cảnh của Việt Nam.

Trong tham luận: “Một số hướng nghiên cứu của khoa học hành chính trongbối cảnh xây dựng Chính phủ số”, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định, khoa học hành chính cần được định vị là một ngành khoa học độc lập. Trong bối cảnh hiện nay đặt ra một số hướng nghiên cứu của khoa học hành chính ở Việt Nam: nghiên cứu các khả năng ứng dụng công nghệ số, các đặc điểm và nguyên tắc của mô hình chính phủ số; nghiên cứu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong chính phủ số; nghiên cứu về sự tham gia của người dân và xã hội trong chính phù số; nghiên cứu khung năng lực số và giải pháp phát triển năng lực số của công chức; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, thách thức và rủi ro trong xây dựng chính phủ số; nghiên cứu đánh giá mức độ phát triển chính phủ số; nghiên cứu các mô hình và kinh nghiệm thế giới trong xây dựng Chính phủ số; nghiên cứu giải pháp, lộ trình thực hiện; nghiên cứu chuyển đổi về thể chế hướng tới xây dựng Chính phủ số.

TS. Nguyễn Trọng Bình, Học viện Chính trị Khu vực IV tham luận tại Hội thảo chủ đề: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại và một số gợi mở đối với nghiên cứu lý luận hành chính công ở Việt Nam”. Tác giả khẳng định, nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại ở nước ta đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với nghiên cứu lý luận nói chung, nghiên cứu lý luận hành chính công nói riêng: thay đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận “quản lý” sang “quản trị”, kết hợp hài hòa các góc độ quản lý, chính trị, pháp luật và hành chính để nghiên cứu toàn diện, hệ thống, sâu sắc lý luận hành chính công; bám sát yêu cầu của đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại để có những nghiên cứu mang tính “đón đầu”, cung cấp luận cứ, luận chứng cho việc hoàn thiện thể chế đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; coi trọng việc nghiên cứu có chọn lọc các lý thuyết mới, tiến bộ trên thế giới, tăng cường nghiên cứu so sánh và xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực khoa học hành chính công…

ThS. Nguyễn Thanh Bình, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong tham luận: “Tăng cường nghiên cứu hành chính so sánh trong điều kiện hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay”, ThS. Nguyễn Thanh Bình, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh đề xuất nghiên cứu hành chính so sánh cần quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng cường nhận thức về vai trò nghiên cứu hành chính so sánh trong điều kiện hội nhập quốc tế…

TS. Phạm Quang Huy, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Quang Huy, cho rằng, hiện nay khoa học hành chính vẫn chưa được định vị đầy đủ trong hệ thống các ngành khoa học. Do đó, cần có những nghiên cứu để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khoa học hành chính ở Việt Nam; cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học hành chính ở nước ta nói chung, ở Học viện nói riêng để góp phần định vị và thúc đẩy sự phát triển khoa học hành chính.

TS. Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong tham luận của TS. Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh: “Một số giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hành chính nước ta hiện nay” đã đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hành chính ở nước ta hiện nay: thống nhất xác định rõ phạm vi nghiên cứu của khoa học hành chính, để từ đó có định hướng cho các nghiên cứu hành chính công; dựa trên sự thống nhất phạm vi nghiên cứu của khoa học hành chính, cần tiến hành rà soát, bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung trong tài liệu, giáo trình nghiên cứu; đẩy mạnh việc nghiên cứu các lý thuyết mới về hành chính công trong đó ưu tiên đảm bảo tính kế thừa và phát triển; cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội Khoa học hành chính trong việc tạo diễn dàn để các nhà nghiên cứu tham gia giao lưu và chia sẻ về khoa học hành chính.

Tại Hội thảo, ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng phòng Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư việnPhân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, trình bày tham luận: “Thách thức chuyển đổi kỹ thuật số khu vực công: nhận định qua chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngành hành chính công”, tác giả khẳng định, cần xác định đúng những thách thức chuyển đổi kỹ thuật số khu vực công trong bối cảnh cụ thể, qua đó kịp thời điều chỉnh, cập nhật nội dung đào tạo bồi dưỡng năng lực kỹ thuật số, chuẩn bị lực lượng giảng viên, tài liệu, cơ sở vật chất tương ứng góp phần tạo nên đội ngũ nhân sự đủ khả năng giải quyết các thách thức chuyển đổi kỹ thuật số khu vực công.

ThS. Trần Đức Tuấn, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Đánh giá tác động, dự báo, tư vấn nghiên cứu chính sách-định hướng mới trong nghiên cứu khoa học hành chính hiện nay”. Trong tham luận tác giả khẳng định nghiên cứu khoa học hành chính cần chuyển sang nghiên cứu thực chứng, lựa chọn những vấn đề của thực tiễn để xác định vấn đề chính sách. Đồng thời, xây dựng các luận cứ cơ bản trên cơ sở những dữ liệu hiện có, dự báo tức là tiên liệu vấn đề của tương lai để nhận được sự ủng hộ của công chúng và trở thành chủ trương, chính sách của Đảng cầm quyền và Chính phủ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới khẳng định những tham luận, ý kiến trình bày tại Hội thảo có giá trị lý luận, thực tiễn quý báu trong việc phân tích, luận giải, làm sáng tỏ nhiều phương diện quan trọng về khoa học hành chính gắn với thực tiễn Việt Nam. Những đóng góp tâm huyết, thảo luận sôi nổi, đa chiều, sâu sắc đã làm nên thành công của Hội thảo; kết quả trao đổi, thảo luận của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, phục vụ cho việc làm sáng tỏ hơn lý luận và thực tiễn về khoa học hành chính, góp phần định vị vững chắc vị trí khoa học hành chính trong hệ thống các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới, cũng như phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Các đại biểu dự Hội thảo trực tiếp chụp ảnh lưu niệm.
Phương Truyền