Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm gần đây, ngành bán lẻ ở Việt Nam ngày càng bắt nhịp được với xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ mà còn bảo đảm các sản phẩm dịch vụ ra mắt có tỉ lệ thành công cao hơn, đồng thời, mang đến trải nghiệm riêng cho mỗi người tiêu dùng. TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế – thương mại lớn nhất cả nước, do vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là điều kiện cần thiết để thúc đẩy loại hình kinh doanh bán lẻ phát triển mạnh mẽ.
Ảnh minh họa (internet).
Giới thiệu

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021đạt 4,789 triệu tỷ đồng, tăng 121% so với năm 20171. Điều này có thể giải thích là do Việt Nam có những yếu tố căn bản cho sự phát triển nhanh, như: quy mô dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao, liên tục trong nhiều năm, cùng đời sống người dân không ngừng được cải thiện,… là điều kiện cho các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại nhanh chóng phát triển.

Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu: đến năm 2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) chiếm khoảng 38 – 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế.Hiện tại, sự phát triển siêu thị, trung tâm thương mại dường như bị chững lại, vì việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh để phát triển siêu thị, trung tâm thương mại giữa trung tâm các thành phố trong điều kiện các khu vực quy hoạch đã được lấp đầy là rất khó khăn. Trong khi đó, với ưu thế diện tích nhỏ và phù hợp thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thì cửa hàng tiện lợi vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển trong những năm tới.

Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế – thương mại lớn nhất nước, đồng thời, cũng là thành phố có cơ cấu dân số trẻ, năng động,… là điều kiện cho các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại nhanh chóng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giai đoạn 2013 – 2021 của TP. Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (chiếm từ 21 – 23% so với cả nước).

Các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện nay

Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, kể từ ngày 11/01/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50%. Bên cạnh đó là sự hấp dẫn bởi xu thế tiêu dùng của người dân đã tạo sức hút các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tạo ra các chuỗi siêu thị, đại siêu thị với đủ sự có mặt của nhiều ngành hàng, mặt hàng của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Mỹ,… Sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần nâng cao văn minh thương mại, văn minh đô thị… Có thể chia các loại hình kinh doanh bán lẻ này như sau:

– Đại siêu thị: là loại hình kinh doanh với diện tích bán hàng trên khoảng 2.500m2, với ít nhất 35% diện tích dành cho những sản phẩm không thiết yếu. Đại siêu thị thường ở vị trí xa trung tâm hoặc đóng vai trò trung tâm trong một khu mua sắm hay khu trung tâm mua sắm. Hình thức kinh doanh này rất phổ biến tại các nước phát triển, vì sự tích hợp đầy đủ các mặt hàng kinh doanh, khách hàng dễ dàng mua sắm với số lượng lớn cho 1 tháng hay 1 tuần.

– Siêu thị: diện tích bán hàng từ 400m2 đến 2.500m2 với ít nhất 70% hàng hóa là thực phẩm và các hàng hóa thường xuyên khác. Theo dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam (Q&Me) năm 2008 cả nước có 386 siêu thị, đến năm 2012 tăng lên khoảng 713 siêu thị, năm 2021 con số này giảm và ổn định với tổng số 349 siêu thị2. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người dân ở các thành phố đã dần quen với sự tồn tại của các siêu thị và thích nghi với sự tiện lợi, hiện đại của nó.

Trung tâm thương mại: có diện tích kinh doanh thương mại từ 2.500m2 trở lên bán chủ yếu là các hàng hóa phi thực phẩm và có ít nhất năm nhóm ngành hàng bố trí trong các khu vực khác nhau, thông thường là ở các tầng khác nhau.

Trung tâm mua sắm: đặc điểm nổi bật của loại hình này là có diện tích rất rộng, rộng hơn cả so với siêu thị hay trung tâm thương mại. Bên trong trung tâm mua sắm có thể bao gồm: đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị chuyên doanh…

– Cửa hàng chuyên doanh: cửa hàng này chỉ kinh doanh duy nhất một mặt hàng hay nhóm hàng hóa nhất định, ví dụ, như các cửa hàng điện thoại di động, laptop, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, điện máy…

Kinh doanh chợ truyền thống: tính đến năm 2017, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 8.000 chợ, trong đó có 83 chợ là chợ đầu mối3 chủ yếu là chợ đầu mối nông sản. Các chợ đầu mối này được phân bố tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính và các thị trường tiêu thụ lớn, như: đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Nam Trung bộ.

Tạp hóa: so với mô hình cửa hàng tiện ích của các nước tiên tiến, các cửa hàng bán tạp hóa ở Việt Nam có những đặc thù và lợi thế khác biệt dù mục đích phục vụ giống nhau. Cửa hàng tạp hóa được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, vì vừa tiện lợi, gần nhà, giá sản phẩm có khi rẻ hơn so với siêu thị lớn hay cửa hàng tiện ích. Với đặc điểm sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, đa phần người dân vẫn có thói quen ghé các tiệm tạp hóa ven đường hoặc gần nhà để mua các vật dụng thiết yếu chứ không vào siêu thị, các kiốt tạp hóa.

– Cửa hàng tiện ích: là một trong những loại hình bán lẻ hiện đại, văn minh phát triển mạnh mẽ trên thế giới bên cạnh các hình thức bán lẻ hiện đại khác như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa… Cửa hàng tiện ích là loại cửa hàng nhỏ bán giới hạn những mặt hàng tiện ích có tỷ lệ luân chuyển cao, tập trung ở nơi đông dân cư. Sức tăng trưởng mô hình này trong cả nước rất tốt năm 2019 có 3.007 cửa hàng, năm 2020 có 5.228 cửa hàng, đến năm 2021 tăng 5.489 cửa hàng. Mô hình này đã ghi nhận những tác động tích cực khi gia tăng được 30% số lượng khách hàng trên mỗi cửa hàng, tăng trưởng doanh thu 40% và dự kiến tiếp tục cải thiện trong giai đoạn tới4.

Các loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại gặp không ít khó khăn trước các loại hình kinh doanh truyền thống. Siêu thị dù phát triển rất mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự thay thế được chợ truyền thống, các cửa hàng tiện ích gặp thách thức, khó khăn do các cửa hàng tạp hóa vốn đã trở thành nơi mua sắm tiện lợi, nhanh gọn của người dân Việt Nam. Việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng không dễ dàng, do đó cần phát huy lợi thế để các cửa hàng tiện ích sẽ trở thành loại hình kinh doanh bán lẻ hiện đại phổ biến tại Việt Nam và có thể thay thế cho các loại hình kinh doanh bán lẻ khác.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành bán lẻ.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, thói quen mua sắm tiêu dùng của khách hàng cũng dần thay đổi. Khách hàng có thói quen xem xét và lựa chọn hàng hoá trực tuyến trước khi đặt mua hoặc tới mua tại cửa hàng, bên cạnh đó là sự đa dạng sản phẩm từ các nhà bán lẻ trên toàn cầu. Các yếu tố này đòi hỏi nhà bán lẻ luôn phải tối ưu nguồn lực của mình và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển, ứng dụng công nghệ mới như: Big Data, AI, IoT… doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số hoạt động. TP. Hồ Chí Minh đã triển khai quản lý các nội dung như sau:

(1) Quản lý theo thời gian thực.

Thay vì dành thời gian đi đến từng địa điểm kinh doanh để xem xét tình hình thì giờ đây chỉ với một đường truyền internet, nhà quản lý đã có thể quản lý mọi hoạt động của cửa hàng 24/24 cho dù đang ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời gian nào chỉ với vài thao tác đơn giản thông qua điện thoại di động, máy tính bảng hay máy tính xách tay…

(2) Quản lý đội ngũ bán hàng.

Dựa vào công nghệ, các nhà quản lý ngành bán lẻ biết chính xác được hiệu xuất bán hàng của từng cá nhân, tiến độ triển khai bán hàng hoặc kết quả truyền thông của từng đội. Từ đó, việc đánh giá một cá nhân bán hàng hay đội ngũ bán hàng được chính xác và khách quan nhất. Để khen thưởng khích lệ tinh thần làm việc tạo động lực cho nhân viên và xây dựng môi trường làm việc công bằng, hiệu quả.

(3) Quản lý tình trạng sản phẩm.

Áp dụng công nghệ trong ngành bán lẻ sẽ giúp việc quản lý sản phẩm đơn giản hơn bao giờ hết. Số lượng sản phẩm hiện tại còn lại trên các giá kệ siêu thị, số lượng hàng hóa trên các giá kệ đa năng trong kho trung tâm, thông tin chi tiết của sản phẩm… đều được thể hiện rõ thông qua phầm mềm quản lý theo thời gian thực.

Đội ngũ nhân viên bán hàng có thể truy cập các thông tin sản phẩm, chương trình khuyến mại, chính sách bán hàng, chính sách bảo hành… mới nhất của từng sản phẩm thông qua điện thoại hoặc máy tính. Từ đó, vấn đề quản lý kinh doanh được đơn giản hóa, nhiều khoản chi phí cho việc truyền thông được tiết kiệm, giúp chi phí giảm đi, hiệu quả tăng lên.

(4) Chăm sóc khách hàng.

Áp dụng công nghệ trong ngành bán lẻ với hệ thống quản lý chuyên nghiệp được tích hợp nhiều chức năng, trong đó có chức năng chăm sóc và quản lý khách hàng. Thông qua chức năng này nhà quản lý biết được tần xuất mua sắm, trung bình đơn hàng, số lượng sản phẩm… của từng khách hàng. Dựa vào các số liệu này có thể đưa ra các chương trình khuyến mại để tăng độ thân thiết hoặc đáp ứng các yêu cầu của khách hàng được tốt nhất.

(5) Các số liệu thống kê.

Công nghệ giúp nhà quản lý nắm được các số liệu thống kê chính xác ngay lập tức. Các số liệu liên quan đến doanh thu, lợi nhuận, chi phí hoạt động, chi phí hàng hóa, chi phí lương hoặc khen thưởng… đều thể hiện một cách rõ ràng theo thời gian thực. Các số liệu thông kê còn được xem là một chỉ báo tích cực giúp nhà quản lý, đưa ra các chính sách bán hàng ưu việt nhất, trong một thời gian ngắn.

Áp dụng công nghệ trong ngành bán lẻ là rất cần thiết và cần được xem xét áp dụng một cách nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ mà mất đi sự nhạy bén có sẵn của mình. Cần kết hợp hài hòa giữa công nghệ và quản trị để phát triển doanh nghiệp.

Một số giải pháp tăng cường tỷ lệ bán lẻ của các cơ sở bán lẻ hiện đại

Để tăng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung thì các nhà quản lý cần áp dụng một số biện pháp sau:

Một là, cần có phần mềm bán hàng. Phần mềm bán hàng là cách thức quản trị bán hàng một cách tốt nhất từ khâu nhập hàng, xuất kho, hàng tồn cho đến quản lý nhân viên. Nếu một cửa hàng kinh doanh truyền thống thường gặp phải những vấn đề bất cập như thất thoát hàng hóa, rủi ro về tài chính khi quản lý sổ sách thì việc lựa chọn và sử dụng phần mềm bán hàng là việc cấp thiết, khắc phục được những khó khăn này.

Chỉ với những thiết bị như điện thoại di động thông minh, máy tính bảng… có tích hợp phần mềm bán hàng, toàn bộ hoạt động kinh doanh sẽ được cập nhật liên tục theo thời gian thực một cách chính xác. Phần mềm bán hàng là giải pháp quản lý hiệu quả cho các chủ kinh doanh bán lẻ với những tính năng nổi bật: quản lý hàng tồn kho, giúp thực hiện báo cáo tổng kết mỗi ngày, thanh toán không dùng tiền mặt… So với các phương pháp truyền thống như sổ sách hoặc Excel, chủ cửa hiệu tạp hoá thường mất nhiều thời gian và dễ gặp rủi ro trong sai sót số liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới tính chuyên nghiệp và sự đo lường chính xác kêt quả của doanh nghiệp. Thì đối với phần mềm bán hàng hiện đại sẽ cập nhật kết quả bán hàng cuối ngày hoặc bất kỳ thời điểm nào, giúp người quản lý có thể xem báo cáo chi tiết, trực quan.

Hai là, tiếp thị điện tử. Quảng cáo trực tuyến hay tiếp thị điện tử (e-marketing) là một trong những hình thức quảng bá sản phẩm, dịch vụ ít tốn kém. Về cơ bản thì e-marketing cũng giống như phương pháp tiếp thị truyền thống, tức là cũng đi theo trình tự: sản phẩm – giá thành – xúc tiến thương mại – thị trường tiêu thụ.

Trên cơ sở dữ liệu về người tiêu dùng, người làm marketing có thể gửi hàng loạt email hoặc có thể tự động gửi email cho từng nhóm hay từng khách hàng tiềm năng với nội dung phù hợp, làm tốt công tác phân tích định hướng tiêu dùng của khách hàng. Trong kỷ nguyên số, vai trò của big data, giúp tối ưu hóa chiến lược truyền thông marketing. Cần tận dụng tối đa các loại hình truyền thông, zalo, viber, instagram, các diễn đàn, mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông mới nổi khác để lan tỏa thông tin marketing.

Ba là, sử dụng phương thức thanh toán thông minh. Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phổ biến liên kết với các ngân hàng, thông qua sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, như: ví điện tử, mã QR, mobile banking, internet banking,… thanh toán trực tuyến thực hiện các giao dịch tài chính, giao dịch mua bán hàng hoá một các an toàn và tiện lợi. Sau dịch Covid-19, nhiều khách hàng đã quen và yêu thích việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí, một số người còn chia sẻ “sẽ chỉ mua hàng ở những nơi cho phép thanh toán qua thẻ hoặc chuyển khoản”.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức phân phối, tiếp cận khách hàng. Lựa chọn các mô hình bán lẻ trực tuyến phù hợp theo nguồn lực và khả năng như xây dựng website bán hàng; mở rộng bán hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Sendo… để phát triển cửa hàng trực tuyến. Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có thể tích hợp website với các trang mạng xã hội, diễn đàn hoặc bán hàng trên nền tảng di động để tăng số lượng khách hàng xem website, tăng doanh số bán hàng.

Chú thích:
1. Tổng doanh thu thương mại dịch vụ năm 2021. https://thoibaotaichinhvietnam.vn, ngày 11/1/2022.
2, 4. Thống kê bán lẻ Việt Nam năm 2021. https://qandme.net.
3. Cả nước có tới hơn 8.000 chợ đầu mối. https://cafef.vn, ngày 27/6/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19/10/2012 của Bộ Công Thương quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.
2. Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Li., X. (2009). Analysis on the Value of Integrated Marketing Communication of New Media[J].East China Economic Management (10), 271- 277.
4. Liu., Z., Zhang., Q. (2013). Review of Big Data Technology Research [J]. Journal of Zhejiang University (Engineering Science) (06), 85- 112.
5. Viktor Mayer-Schonberger and Kenneth Cukier. (2019). Dữ liệu lớn. NXB Trẻ, 2019, 6(4), 102 – 118.
ThS. Hồ Thanh Trúc
Trường Đại học Tài chính – Marketing