Quản trị truyền thông trong cơ quan nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 31/10, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học“Quản trị truyền thông trong cơ quan nhà nước”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, chủ trì Hội thảo.

Tới tham dự Hội thảo, có các đại biểu, khách mời: TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ (trực tuyến); nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Công thương; TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; cùng một số đại biểu, khách mời của Bộ Tài nguyên – Môi trường.

TS. Nguyễn Thị Hà, Phó Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính giới thiệu đại biểu, chương trình Hội thảo.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Thâm, nguyên Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên của khoa. Hội thảo trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Huế và Khu vực Tây Nguyên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh, quản trị truyền thông chính sách là hoạt động có định hướng, có tổ chức và có kế hoạch nhằm mục đích thiết lập, duy trì truyền thông hai chiều đối với chính sách để thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, đạt được sự hiểu biết, chấp nhận và hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với công dân và xã hội; tạo dựng và phát triển mối quan hệ gắn bó và bền vững giữa các thành viên trong nội bộ tổ chức.

Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổ chức Hội thảo với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn cùng chia sẻ, trao đổi, luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới quản trị truyền thông trong cơ quan nhà nước, nâng cao trình độ, cập nhật thực tiễn cho giảng viên của Khoa và của Học viện giúp nâng cao chất lượng bài giảng chuyên đề về quản trị truyền thông.

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngành truyền thông và quản trị truyền thông.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của ngành truyền thông và quản trị truyền thông trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Quản trị truyền thông vừa là hoạt động khoa học, vừa là hoạt động thực tiễn. Khoa học bởi người làm truyền thông, báo chí cần phải có năng lực, trình độ trong phát hiện chủ đề, vấn đề, có phương pháp tư duy nghiên cứu và sử dụng công cụ, phương tiện truyền thông phù hợp, hiệu quả với đối tượng truyền thông, bối cảnh truyền thông.

Học viện Hành chính Quốc gia đã và đang triển khai chuyên đề bài giảng về truyền thông và quản trị truyền thông trong chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tạo dựng hình ảnh, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với học viên, đối tác, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời, thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao xuống các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp tạo sự gắn kết, tin tưởng của người dân với dịch vụ công, nền hành chính công, với các cơ quan nhà nước. Thông qua các diễn đàn, hội thảo, tăng cường phản biện xã hội; gia tăng trách nhiệm giải trình, sự tương tác, hiểu biết giữa chính quyền với người dân, về tổ chức, bộ máy, về đội ngũ, về hệ thống quy trình, thủ tục, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi mà nền công vụ đang theo đuổi, giúp cho Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hoạt động trách nhiệm, hiệu quả hơn.

TS. Lê Doãn Hợp đã khái quát đặc điểm và vai trò của báo chí Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Tại Hội thảo, TS. Lê Doãn Hợp đã khái quát đặc điểm và vai trò của báo chí Việt Nam trong tiến trình phát triển. Ông nêu thực trạng hoạt động của các cơ quan báo chí hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, như: tính chuyên nghiệp chưa cao (vẫn còn nặng yếu tố báo chí hành chính); nội dung tin, bài chưa sâu, còn hời hợt; Luật Báo chí có nhiều điều, khoản nhưng chưa đủ và chưa sát với thực tiễn cuộc sống; tiêu cực báo chí xảy ra nhiều nhưng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển truyền thông, báo chí còn manh mún, phân tán… Từ những hạn chế này, ông đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động báo chí, truyền thông trong các cơ quan nhà nước như: (1) Cần trẻ hóa đội ngũ làm báo với những tư trưởng tiến bộ kết hợp học hỏi kinh nghiệm của thế hệ làm báo đi trước; (2) Chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm báo chí, truyền thông về cả công nghệ và trình độ chuyên môn; (3) Xây dựng một nền báo chí với 4 chữ T “Tâm – Trí – Tín – Tình”, phải xây dựng báo chí với tính gương mẫu, dân chủ và có văn hóa. Đội ngũ làm báo hiện nay cần có cả tài và đức mới bảo đảm được tính tiên phong, hiện đại và nhân văn trong báo chí ngày nay.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Công thương tham gia diễn đàn hội thảo bằng một số tình huống khủng hoảng truyền thông xảy ra trong thực tế.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Công thương tham gia diễn đàn hội thảo bằng một số tình huống khủng hoảng truyền thông xảy ra trong thực tế tại các cơ quan nhà nước. Ông nêu nguyên nhân để xảy ra khủng hoảng truyền thông là từ: phát ngôn của các nhà lãnh đạo, quản lý; từ vấn đề bảo mật thông tin; từ các xung đột tại hội nghị, hội thảo và từ mạng xã hội… Từ đó, đưa ra một số giải pháp đi cùng nhằm hạn chế, khắc phục hậu quả của khủng hoảng truyền thông gây ra, như: cần xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn, trung hạn và ngắn hạn về xử lý khủng hoảng truyền thông. Mỗi cơ quan, đơn vị cần có kế hoạch truyền thông cụ thể ngay từ đầu để giảm thiểu tối đa những sự cố truyền thông không đáng có; xây dựng lực lượng làm công tác quản trị tuyền thông tinh nhuệ, gọn, mạnh; xây dựng được các cơ quan báo chí trực thuộc thành cánh tay nối dài cho Đảng và Nhà nước trong việc nắm bắt thông tin của đời sống, kinh tế, văn hóa – xã hội…

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước trao đổi, làm rõ hơn vai trò của báo chí trong truyền thông.

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước trao đổi với quan điểm, làm rõ hơn vai trò của báo chí trong truyền thông. Báo chí là một phương tiện của truyền thông. Các phương tiện truyền thông đại chúng gồm có: sách (in và điện tử), báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), các sản phẩm in ấn, điện ảnh, quảng cáo, internet… Trong truyền thông đại chúng, các loại hình báo chí có vị trí trung tâm, có vai trò nền tảng, chi phối sức mạnh, bản chất và khuynh hướng vận động của truyền thông đại chúng. Quản trị truyền thông trong cơ quan nhà nước là một việc làm rất rộng, bao trùm, do đó người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước cần phải hết sức quan tâm đến nội dung này.

GS.TS. NGND. Nguyễn Văn Thâm nêu rõ, giá trị thông tin phụ thuộc vào các yếu tố: phương tiện, phương thức truyền tin, khả năng của người truyền tin…

“Các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị thông tin trong truyền thông và thực trạng hiện nay” là nội dung tham luận của GS.TS. NGND. Nguyễn Văn Thâm. Ông nêu rõ, giá trị thông tin phụ thuộc vào các yếu tố: phương tiện, phương thức truyền tin, khả năng của người truyền tin; khả năng tiếp thu thông tin và ảnh hưởng của các mối liên hệ. Từ thực trạng truyền thông trong các cơ quan nhà nước thời gian qua, ông đề cập một số giải pháp cần quan tâm thực hiện, như: truyền thông đầy đủ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; truyền thông cần tạo được sự liên kết với bạn bè quốc tế để thế giới biết đến và ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thông thêm nhiều thương hiệu và các giá trị di sản của Việt Nam ra thế giới…

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện đánh giá cao chủ đề Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc điều hành Học viện đánh giá cao chủ đề Hội thảo và gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã tham dự Hội thảo. Hội thảo được Học viện giao cho Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính tổ chức nhằm xây dựng và phát triển các môn học, chuyên đề mới liên quan đến công tác quản trị truyền thông, như: kỹ năng quản trị truyền thông trong quản lý nhà nước; kỹ năng phát triển quan hệ truyền thông; quan hệ công chúng và lễ tân công vụ. Với vai trò và ý nghĩa đó, Hội thảo luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới quản trị truyền thông trong cơ quan nhà nước; thông qua hội thảo, các giảng viên, nhà khoa học của Học viện có dịp cập nhật kiến thức, thông tin, nâng cao trình độ nhờ các gợi ý từ tình huống thực tiễn về quản trị truyền thông được các diễn giả trao đổi tại hội thảo và áp dụng vào trong công tác giảng dạy thời gian tới.

Hội thảo đã nhận gần 20 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung: vai trò của truyền thông chính sách trong quy trình chính sách công; truyền thông trong tình huống khẩn cấp của cơ quan hành chính nhà nước; một số kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước hiện nay; ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong quản trị truyền thông tại các cơ quan nhà nước; mối quan hệ của truyền thông và văn hóa…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trân trọng gửi lời cảm ơn các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý đã dành sự quan tâm, tham dự Hội thảo và đóng góp nhiều ý kiến rất có giá trị, cung cấp và gợi mở những vấn đề khoa học lý luận và thực tiễn giúp cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Hành chính Quốc gia cập nhập, bổ sung, hoàn thiện kiến thức chuyên môn, chuyển tải trong các bài giảng các chương trình bồi dưỡng trong bối cảnh truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm.
Thu Hương