Phương hướng và giải pháp chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Chính phủ hướng tới phát triển bền vững, ngày 16/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải1. Với mong muốn chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ, bài viết làm rõ phương hướng và giải pháp chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Chính phủ Việt Nam

Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy, với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) góp phần thực hiện mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh.

Tăng tổng các nguồn NLTT sản xuất, sử dụng. Tăng diện tích hấp thụ của các dàn nước nóng năng lượng mặt trời. Tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Chuyển đổi việc sử dụng năng lượng sinh khối truyền thống trong nấu ăn tại hộ gia đình và trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương từ các bếp truyền thống và thiết bị có hiệu suất thấp bằng các bếp, thiết bị chuyển hóa năng lượng sinh khối tiên tiến, hiệu suất cao.

Tăng sản lượng nhiên liệu sinh học. Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ NLTT và các ngành công nghiệp, xây dựng hệ thống công nghiệp NLTT, đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực NLTT: đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên đến 60% vào năm 2020; đến năm 2050, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới2.

Làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất. Tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 – 20253.

Các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh. Các giải pháp thu hồi và lưu giữ các – bon từ các nguồn phát thải lớn được nghiên cứu, áp dụng rộng rãi. Xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút các nhà đầu tư, đưa một số dự án điện gió ngoài khơi vào hoạt động ở các khu vực có tiềm năng. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn NLTT bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát; giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch; tham gia các tổ chức năng lượng quốc tế.

Phát triển các dự án năng lượng mới không phát thải, như: sản xuất nhiên liệu hydro xanh, amonia xanh… phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng gồm pin tích năng, thủy điện tích năng, trữ nhiệt và lưới điện thông minh, bảo đảm độ ổn định và tích hợp NLTT trong hệ thống điện với tỷ lệ cao.Xây dựng, tham gia quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (CĐNL) công bằng, công lý; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu và các sáng kiến quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng4.

Phương hướng chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

Phương hướng chuyển đổi năng lượng theo các giai đoạn

– Giai đoạn từ nay đến năm 2030

Phát triển và sử dụng nguồn NLTT độc lập nhằm đáp ứng mục tiêu điện khí hóa nông thôn: xây dựng các chương trình phát triển hệ thống điện độc lập từ NLTT và điện quy mô gia đình cho khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội để đạt mục tiêu năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện, năm 2030 hầu hết các hộ dân nông thôn được sử dụng nguồn năng lượng sạch, hợp vệ sinh.

Đầu tư phát triển các nhà máy phát điện sử dụng NLTT nối lưới. Phát triển và sử dụng nguồn NLTT để cung cấp nhiệt năng. Phát triển và sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học; hỗ trợ đầu tư các dự án thí điểm sản xuất nhiên liệu sinh học thế hệ 2 và thế hệ 3, sử dụng nguyên liệu không phải là lương thực5.

Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, DN. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại. Đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa. Xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh.

Thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng của ngành hàng không để giảm phát thải CO2. Mục tiêu từ năm 2027, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không. Đến năm 2030, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng năng tượng và tiêu thụ nhiên liệu của các DN hàng không. Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng của các tỉnh, thành phố cần đạt là: Hà Nội đạt 45% – 50%; TP. Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% – 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% – 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%6.

– Phương hướng đến năm 2050

Tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng NLTT trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội và môi trường.Phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ NLTT, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung cấp dịch vụ NLTT trong nước. Tăng cường mạnh tiềm lực cho nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các dạng NLTT mới7. 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, DN.

Chuyển đổi sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Tùy thuộc điều kiện công nghệ, lượng phát thải còn lại được thực hiện bằng cách bù đắp cac-bon để đạt phát thải ròng bằng “0”. 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%8.

Phương hướng chuyển đổi năng lượng theo các lĩnh vực

Một là, phát triển thủy điện.

Phát triển nguồn thủy điện truyền thống góp phần vào phát triển kinh tế –  xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện. Phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ của các địa phương, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường (các dự án thủy điện nhỏ nối lưới; phát triển nguồn thủy điện tích năng).

Hai là, phát triển nguồn năng lượng sinh khối.

Ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khí sinh học, sinh khối viên sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu và nhiên liệu sinh học lỏng. Nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng. Nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Ba là, phát triển nguồn điện gió.

Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên đất liền; nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa từ sau năm 2030. Sản lượng điện sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ khoảng 180 triệu kwh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kwh vào năm 2020; khoảng 16 tỷ kwh vào năm 2030 và khoảng 53 tỷ kwh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5,0% vào năm 2050.

Bốn là, phát triển nguồn năng lượng mặt trời.

Phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Phát triển các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nhiệt cho các hộ gia đình; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tổng năng lượng mặt trời cung cấp nhiệt tăng từ 1,1 triệu TOE năm 2020 lên khoảng 3,1 triệu TOE năm 2030 và 6,0 triệu TOE năm 20509.

Giải pháp chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển và sử dụng NLTT.

Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý thống nhất về phát triển và sử dụng NLTT trong cả nước. Các bộ có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình, thực hiện việc quản lý phát triển và sử dụng NLTT trong lĩnh vực có liên quan. Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về năng lượng tại các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là các tỉnh) có trách nhiệm thực hiện việc quản lý phát triển và sử dụng NLTT tại địa bàn quản lý của mình.

Thứ hai, điều tra tài nguyên nguồn NLTT.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn NLTT trong cả nước; hướng dẫn nội dung công tác điều tra, đánh giá. Đánh giá, nhận diện các tác động môi trường (ô nhiễm tiếng ồn, âm thanh, sóng tần số thấp, các loại sóng điện từ, sóng nhiệt…) của các dạng năng lượng mới (như: điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời)10.

Các bộ, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, thực hiện việc điều tra nguồn NLTT có liên quan thuộc phạm vi quản lý, gửi kết quả điều tra cho Bộ Công Thương để tổng hợp.

Thứ ba, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn NLTT.

Bộ Công Thương: (1) Trên cơ sở dự báo nhu cầu năng lượng và khả năng cung cấp của nguồn NLTT trong cả nước, xây dựng quy hoạch phát triển các nguồn NLTT quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (2) Căn cứ vào quy hoạch quốc gia về phát triển và sử dụng các nguồn NLTT, xây dựng và công bố phát triển ngành công nghiệp NLTT và danh mục các dự án trọng điểm, cần ưu tiên thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có tiềm năng phát triển nguồn NLTT, tổ chức lập quy hoạch phát triển các nguồn NLTT cấp tỉnh, trình Bộ Công Thương phê duyệt. Các bộ có liên quan có trách nhiệm lập kế hoạch có liên quan của Bộ mình, tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu quốc gia phát triển và sử dụng các nguồn NLTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch, kế hoạch về phát triển và sử dụng các nguồn NLTT toàn quốc và cấp tỉnh bao gồm các mục tiêu phát triển, nhiệm vụ chủ yếu, địa điểm các dự án trọng điểm, tiến độ thực hiện, xây dựng mạng lưới điện liên quan, hệ thống dịch vụ, biện pháp an toàn,…

Thứ tư, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia.

Bộ Công Thương xây dựng để áp dụng hoặc công bố áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho lưới điện đồng bộ với các nguồn điện sử dụng NLTT và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các công trình, thiết bị khác liên quan đến NLTT mà cần phải có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.Các bộ, ngành có liên quan chủ động xây dựng hoặc công bố để áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở có liên quan đối với những vấn đề chưa có trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia11.

Rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cất giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh của các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, CĐNL, sản xuất nhiên liệu xanh, sạch. Ban hành các quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với phương tiện giao thông vận tải12.

Thứ năm, các giải pháp nâng cao tỷ lệ phát triển và sử dụng các nguồn NLTT.

Giải pháp phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời: (1) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển và sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để đun nóng nước, hệ thống sưởi, làm lạnh sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống phát điện sử dụng năng lượng mặt trời. (2) DN phát triển bất động sản có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu về sử dụng năng lượng mặt trời khi thiết kế và xây dựng các tòa nhà, phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành. (3) Đối với một tòa nhà đã được hoàn thành, người sử dụng có thể lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan và các tiêu chuẩn sản phẩm, với điều kiện không gây ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn của tòa nhà.

Các giải pháp đẩy mạnh phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối: (1) Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than cần nghiên cứu phát điện kết hợp sử dụng năng lượng sinh khối với nhiên liệu than. Bộ Công Thương quy định cụ thể tỷ lệ năng lượng sinh khối tối thiểu đối với từng nhà máy điện phù hợp với địa bàn các địa phương và theo từng giai đoạn. (2) Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đốt than cũ, hiệu suất thấp cần nghiên cứu, cải tạo công nghệ chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh khối. Khuyến khích phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học sạch, hiệu quả cao và phát triển cây trồng năng lượng: Nhà nước khuyến khích việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu lỏng sinh học. Các DN kinh doanh xăng dầu phải kết hợp bán nhiên liệu lỏng sinh học đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia trong hệ thống bán nhiên liệu tại địa phương; hằng năm, Bộ Công Thương ban hành quy định cụ thể tỷ lệ nhiên liệu lỏng sinh học tối thiểu các DN kinh doanh xăng dầu phải kết hợp bán trên địa bàn các địa phương.

Khuyến khích việc phát triển và sử dụng các nguồn NLTT ở các khu vực nông thôn: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khác, trên cơ sở sự cần thiết của việc phát triển kinh tế và xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái và kiểm soát toàn diện các điều kiện vệ sinh, xây dựng quy hoạch phát triển nguồn NLTT tại các khu vực nông thôn, phù hợp với các điều kiện địa phương, phổ biến việc sử dụng khí sinh học và chuyển đổi khác của nguồn năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và thủy điện quy mô nhỏ13.

Thứ sáu, hỗ trợ tài chính cho phát triển và sử dụng NLTT.

Thành lập quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích phát triển ngành năng lượng trên phạm vi toàn quốc.

Ưu tiên cho các nghiên cứu liên quan đến phát triển và sử dụng tài nguyên NLTT trong lĩnh vực phát triển khoa học – công nghệ và phát triển công nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất – kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các hoạt động: sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, chiếu sáng công cộng, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình…

Thứ bảy, phát triển nguồn nhân lực.

Nâng cao năng lực quản lý phát triển nguồn NLTT ở các cấp. Khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học, các cơ sở dạy nghề phát triển giáo trình và giảng dạy các môn học mới liên quan tới NLTT. Khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển NLTT trong các tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt đối với việc nghiên cứu sâu các công nghệ NLTT đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn và dài hạn với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về NLTT.Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các dịch vụ và các tổ chức tư vấn trong lĩnh vực NLTT.

Thứ tám, hỗ trợ hình thành thị trường và công nghệ NLTT.

Xây dựng chương trình quốc gia về NLTT để thúc đẩy sử dụng NLTT trong lĩnh vực phát điện, sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học cho các hộ gia đình; triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ NLTT, phổ biến thông tin, tuyên truyền cộng đồng trong lĩnh vực phát triển NLTT.

Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLTT, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng NLTT. Hình thành và phát triển thị trường công nghệ NLTT, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ NLTT.

Thứ chín, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng NLTT.

Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường to lớn của việc phát triển và sử dụng NLTT trong quá trình phát triển bền vững để từ đó có những hành động thiết thực đóng góp của việc phát triển và sử dụng NLTT. Khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân, cộng đồng triển khai và mở rộng quy mô các mô hình phát triển và sử dụng NLTT trong các hộ gia đình, DN.

Khuyến khích và hỗ trợ các cộng đồng phát triển mô hình phát triển và sử dụng NLTT, thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình ngôi nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn (làng, xã) xanh. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án truyền thông, bao gồm việc thiết lập các trang thông tin về tăng trưởng xanh, CĐNL xanh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu14.

Thứ mười, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NLTT.

Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực NLTT. Chủ động tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thành tựu khoa học mới trong lĩnh vực phát triển và sử dụng nguồn NLTT trên thế giới để phát triển nhanh, mạnh và bền vững ngành NLTT ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác song phương, mở rộng hợp tác đa phương với các nước có ngành công nghiệp NLTT phát triển, với các tổ chức, cá nhân nước ngoài giàu tiềm lực để học hỏi kinh nghiệm trong việc phát triển NLTT. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác quốc tế để tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về kinh nghiệm, trí tuệ, sự tài trợ về vốn, trang thiết bị và thu hút đầu tư nhằm phát triển sản xuất và sử dụng NLTT15.

Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, NLTT… Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Triển khai các chương trình điều tra, nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, xây dựng các điểm điển hình sử dụng NLTT; hợp tác với các nước có tiềm năng, thế mạnh về năng lượng biển trong nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng và phát triển NLTT ở biển; phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp NLTT, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị.

Chú thích:
1. Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
2, 5, 7, 9, 11, 13, 15. Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương đến năm 2030”.
4. Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu.
6, 8, 12. Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải.
10. Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn năm 2020 – 2025.
11. Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 2030. 
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
TS. Đỗ Thu Hiền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền