Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Hậu Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Với “tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, năm 2022, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ấn tượng, đạt 13,94%, đứng thứ 4 cả nước. Bên cạnh đó, Hậu Giang đã tổ chức thành công nhiều sự kiện nổi bật, như: Hội nghị xúc tiến đầu tư chủ đề “Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui”; “Giải Marathon quốc tế”, tuần lễ “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”… Phóng viên Tạp chí Quản lý nhà nước có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Hậu Giang. Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Hậu Giang.
PV: Được biết, những năm qua, tỉnh Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, xin ông cho biết những chỉ số nổi bật trong kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh?

Ông Đồng Văn Thanh: Trong 5 năm qua, PCI của tỉnh Hậu Giang được cải thiện và tăng hạng liên tục so với cả nước đã chứng minh cho những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong tỉnh quyết tâm đổi mới và khát vọng phát triển. Cụ thể: năm 2017, kết quả công bố chỉ số PCI, tỉnh Hậu Giang đạt tổng điểm là 60,14 điểm, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; năm 2018, chỉ số PCI đạt 61,87 điểm (tăng 1,73 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2017), xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, chỉ số PCI, đạt 64,14 điểm (tăng 2,27 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2018), xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố; năm 2020 chỉ số PCI đạt tổng điểm là 63,11 điểm (giảm 1,03 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2019), xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố; năm 2021 chỉ số PCI đạt tổng điểm là 63,80 điểm (tăng 0,79 điểm và tăng 01 bậc so với năm 2020), xếp hạng 38/63 tỉnh, thành phố.

Nếu so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Hậu Giang cũng tăng hạng liên tục trong 4 năm liền. Cụ thể: năm 2017 xếp thứ 12/13 tỉnh trong khu vực; năm 2018 xếp thứ 10/13; năm 2019 xếp thứ 8/13 (đây là năm đạt điểm số tăng trưởng tốt nhất, thuộc vào nhóm “khá”; năm 2020 xếp thứ 7/13; năm 2021 xếp thứ 9/13 giảm 2 bậc so với năm 2020 (thuộc nhóm trung bình).

Tuy nhiên, khi so sánh điểm số của 10 chỉ số thành phần từ năm 2017-2021, trong tổng số 10 nhóm chỉ số, qua 5 năm có sự thay đổi, như sau: (1) Tăng liên tục trong 5 năm liền: chi phí không chính thức. (2) Tăng liên tục trong 3 năm liền: tiếp cận đất đai. (3) Tăng so với năm 2020: gia nhập thị trường, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. (4) Giảm liên tục trong 3 năm liềntính minh bạch. (5) Giảm so với năm 2020, gồm: cạnh tranh bình đẳng, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tính năng động của chính quyền tỉnh.

Hậu Giang xác định nhiệm vụ đột phá trong thời gian tới là những nỗ lực trong xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số,… để góp phần tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; lấy trọng tâm phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

PV: Định hướng tập trung ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Đồng Văn Thanh: Ngày 02/12/2020 Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Tiếp đó, để thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/12/2020, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND về thông qua Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 – 2025” và chủ trương vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể hóa các Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27/4/2021 về xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 28/4/2022 về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang năm 2022; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 04/7/2022 về phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 30/5/2022 về thành lập và tổ chức hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 01/11/2022 phê duyệt Đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh Hậu Giang và nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về nội dung này.

Tuần lễ “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
PV: Xin ông cho biết rõ hơn các bước thực hiện định hướng trên?

Ông Đồng Văn Thanh: Việc triển khai đánh giá chỉ số chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá bắt đầu từ năm 2020, Hậu Giang được xếp hạng như sau:

(1) Xếp hạng DTI, năm 2020: Hậu Giang đạt thứ 28/63 tỉnh, thành phố; năm 2021: đạt thứ 17/63 tỉnh, thành phố.

(2) Họp không gặp mặt trực tiếp: tỉnh đã triển khai gần 100 điểm cầu từ tỉnh xuống đến xã là một hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh, chạy trên đường truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm chất lượng họp và việc quản trị vận hành đơn giản, thuận tiện, trung bình hiện nay tần suất sử dụng phòng họp trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh gần 2 lần/tuần.

(3) Xử lý văn bản không giấy: thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đến tháng 9/2022, gần 500 đơn vị sử dụng thuộc 3 cấp chính quyền với hơn 5.600 cán bộ tham gia sử dụng; tỷ lệ văn bản được ký số trên hệ thống: 99,9%.

(4) Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc: Cổng dịch vụ công tỉnh (DVC) tỉnh thực hiện từ tháng 6/2020 tại địa chỉ: https://dichvucong.haugiang.gov.vn, đến nay, đã và đang cung cấp 1.482 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên tổng số 1.867 dịch vụ (đạt 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp mức độ 3, 4); tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 đã tích hợp và công khai trên Cổng DVC quốc gia là 945/1.482 dịch vụ (63,77%); tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 (chỉ thống kê đối với các TTHC mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ) là 77%. Hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh tiếp nhận 236.013 hồ sơ trực tuyến/418.455 tổng số hồ sơ nộp, đạt tỷ lệ 56,4%. So với thời điểm trước tháng 6/2022, là: 19.216 hồ sơ trực tuyến/102.254 tổng số hồ sơ nộp đạt tỷ lệ 25%. Hộ gia đình có cài đặt tài khoản dịch vụ công trực tuyến 104.864 đạt 52%.

(5) Thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt: Cổng DVC tỉnh đã tích hợp thanh toán trực tuyến với Cổng DVC quốc gia và các bộ ngành có liên quan để thực hiện các DVC trực tuyến có thu phí. Người dân có thể sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, Mobile money… để dễ dàng mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, viện phí, thanh toán thủ tục hành chính… Kết quả, có 74.003 đạt 36,8% gia đình cài đặt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (mobile money, ví điện tử, tài khoản ngân hàng…).

Hiện nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN); 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan từ tỉnh đến huyện (trừ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc của các cơ quan, đơn vị và địa phương). 100% cán bộ, công chức (CBCC) tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện được trang bị máy tính; tỷ lệ CBCC tại UBND cấp xã được trang bị máy tính đạt 98%. Hệ thống thư điện tử, tỉnh đã cấp được 10.979 tài khoản, trên 80% CBCC, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trao đổi công việc.

(6) Hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai Kế hoạch tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), kết quả trong vòng 14 ngày đã phối hợp các đơn vị liên quan thành lập các tổ CNSCĐ, trong đó có 75 tổ CNSCĐ cấp xã; 525 tổ CNSCĐ ấp, khu vực; với 3.470 thành viên và Hậu Giang hoàn thành 100% thành lập các tổ CNSCĐ.

(7) Đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử: hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, như: “voso.vn”, “postmart.vn”… mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương mình. Kết quả có 904 sản phẩm được phê duyệt đăng bán trên trang “voso.vn”, “postmart.vn”. Có 8.572 lượt giao dịch và có hơn 58.910 tài khoản truy cập trên sàn thương mại điện tử (voso, postmart). Hộ kinh doanh cá thể, Hợp tác xã, cơ sở có 105 sản phẩm OCOP trên địa bàn có đăng bán trên trang “voso.vn”, “postmart.vn”.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn cần vượt qua và định hướng, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới là gì?

Ông Đồng Văn Thanh: Những khó khăn, thách thức của tỉnh Hậu Giang chủ yếu là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội chưa được hoàn thiện; nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu, trong đó có cả nguồn nhân lực và vật lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, với “tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang xác định vẫn sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phục hồi sản xuất – kinh doanh; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp.

Những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh xác định chú trọng mục tiêu cải thiện nhanh thứ hạng xếp loại chỉ số CCHC, duy trì và tiếp tục nâng cao các chỉ số tăng điểm. Đồng thời, tập trung phân tích, đánh giá các nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch, giải pháp khắc phục, cải thiện tối đa điểm số các tiêu chí, chỉ số thành phần.

PV: Xin ông cho biết cụ thể các giải pháp?

Ông Đồng Văn Thanh: Chúng tôi tập chung vào 9 giải pháp chính, đó là:

Thứ nhất, phân công chỉ tiêu, kế hoạch và trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách các chỉ số hành chính. Coi kết quả các chỉ số đánh giá về sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ; tăng trọng số điểm CCHC trong các chỉ tiêu thi đua của các đơn vị và người đứng đầu đơn vị, gắn với đánh giá, xếp loại cán bộ và thực hiện các chính sách cán bộ.

Thứ hai, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu sớm ban hành quy định, quy trình giải quyết TTHC, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hướng đến thực hiện mục tiêu giảm 50% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục cho các nhà đầu tư tiềm năng (không giảm cơ học mà giảm do cải cách quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số); ban hành nghị quyết về cải cách hành chính, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, nhất là xử lý nghiêm các cán bộ có hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện TTHC. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về bản chất, tầm quan trọng và ý nghĩa của các chỉ số cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hoàn thiện các cơ chế, giải pháp khuyến khích người dân sử dụng DVC trực tuyến; đầu tư trang thiết bị, phần mềm để nâng cao chất lượng giải quyết, luân chuyển hồ sơ trên môi trường điện tử; nâng cấp cổng DVC, tăng cường triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử và sử dụng các tiện ích trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức.

Thứ sáu, thường xuyên khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các TTHC, kịp thời tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, cải thiện, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, với quyết tâm chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, thống nhất nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, đó là cùng một tuyên ngôn và cùng hành động làm mục tiêu chung. Tiếp tục tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nghiên cứu đổi mới cà phê doanh nhân theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Thứ bảy, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ CBCC, viên chức. Mở lớp tập huấn cho CBCC giao dịch một cửa về kỹ năng. Xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển tư duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”.

Thứ tám, tăng cường phân cấp, phân quyền CCHC trong bộ máy chính quyền các cấp; gắn với cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu về kết quả CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh của đơn vị, địa bàn. Sớm kiện toàn nhân sự bộ máy triển khai các nhiệm vụ CCHC, nhất là các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ.

Thứ chín, nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện chỉ số cạnh tranh của tỉnh liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực; đồng thời, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thuý Vân – Hồng Ngọc thực hiện