Khai thác di sản cho phát triển du lịch ở tỉnh Luông-pha-băng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

(Quanlynhanuoc.vn) – Luang Prabang (Luông-pha-băng) là cố đô của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào – một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến đất nước Lào. Địa danh này không chỉ thu hút du khách bởi không khí trong lành với những khu danh thắng nổi tiếng mà bởi các di sản. Tuy nhiên, bảo tồn và khai thác du lịch hợp lý các di sản để phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tại tỉnh Luông-pha-băng là vấn đề đang đặt ra hiện nay.
Bảo tàng cung điện Hoàng gia Luông-pha-băng, Lào.
Khái quát các di sản của tỉnh Luông-pha-băng và công tác bảo tồn, khai thác di sản để phát triển du lịch

Nằm bên bờ sông Mê Kông, Luông-pha-băng là một trong những tỉnh có cuộc sống nhộn nhịp của Lào và là địa điểm thú vị để du khách khám phá những di tích lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc Lào. Cố đô Luông-pha-băng là di sản thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Lào vào năm 1995. Luông-pha-băng còn nguyên vẹn cố đô cổ kính với những con phố và có hơn 30 ngôi chùa cổ được lưu giữ đến ngày nay với nét kiến trúc độc đáo, trong đó ngôi chùa được xem là biểu tượng của thành phố là chùa Xiêng-thông. Đến Luông-pha-băng, một di sản đặc biệt là Bảo tàng Cung điện Hoàng gia Lào. Cung điện được xây dựng vào năm 1904, là hoàng cung của vua Sisavangvong. Bảo tàng Cung điện được gìn giữ và bảo quản khá nguyên vẹn với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Ngoài những hiện vật của hoàng cung, còn có khá nhiều hiện vật cho thấy tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào. Đặc biệt là bức trướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho Chính phủ và Nhân dân nước bạn Lào vào năm 1963 cũng được trưng bày tại Bảo tàng.

Tuy nhiên, các di sản đều ở dạng vật chất cụ thể và đã tồn tại hàng nghìn năm. Những tác động của môi trường như ô nhiễm không khí, bụi mịn, sự thay đổi của thời tiết do biến đổi khí hậu là những yếu tố tác động xấu đến chất lượng các di sản. Trước tình trạng trên, sau gần 20 năm được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, chính quyền và người dân Luông-pha-băng đã và đang thực hiện tốt công tác duy tu và bảo tồn để những nét kiến trúc đặc sắc của tỉnh không bị mai một trước những thay đổi của xã hội và môi trường cũng như khai thác có hiệu quả các di sản nhằm phát triển du lịch bền vững.

Nhờ sự đầu tư và bảo tồn di sản văn hóa, năm 2018, Luông-pha-băng đã xuất hiện trong ấn bản “52 địa điểm nên đến” của New York Times trong mục du lịch, thu hút thêm sự quan tâm của khách du lịch đến Lào. Luông-pha-băng cũng xếp thứ 11 trong danh sách hằng năm của Architectural Digest về 20 địa điểm du lịch hàng đầu vào năm 2020. Khu phố cổ của thị trấn đã được UNESCO công nhận là di sản Thế giới vào năm 1995. Thành phố Luông-pha-băng có 97 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, 394 nhà nghỉ, 421 nhà hàng và 97 công ty lữ hành. Có rất nhiều điểm du lịch được chỉ định chính thức bao gồm 111 địa điểm dựa trên thiên nhiên, 78 địa điểm văn hóa và 39 di tích lịch sử1.

Theo báo cáo thống kê lượng khách du lịch của Sở Văn hóa và Du lịch Luông-pha-băng, lượng du khách quốc tế đến tỉnh từ năm 2010 – 2019 không ngừng tăng lên, từ hơn 1,8 triệu người vào năm 2010 lên gần 4,7 triệu người vào năm 2015, đóng góp vào nền kinh tế Lào hơn 725 triệu USD. Riêng năm 2019, Lào đã đón gần 4,8 triệu du khách, trong đó hơn 860.000 người đã đến thăm Luông-pha-băng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Luông-pha-băng chỉ ghi nhận 257.647 lượt khách trong năm 2020, giảm 68% so với năm 2019. Trong đó, 142.435 là khách du lịch quốc tế và 133.212 là khách du lịch nội địa. Kể từ khi mở cửa du lịch sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 vào ngày 09/5/2022, công tác phát triển, quảng bá du lịch đã dần phục hồi và Luông-pha-băng là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là du lịch bằng máy bay, kết nối các nước láng giềng và các khu vực trên thế giới. Trong năm 2022, Luông-pha-băng đã đón 435.794 khách du lịch, doanh thu từ du lịch lên tới hơn 200 triệu đô la Mỹ2.

Nhìn chung, sự bảo tồn, duy tu, tái tạo nguyên mẫu của các di sản là công việc mà tỉnh Luông-pha-băng đã có chủ trương từ lâu và luôn cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, các hoạt động đó đòi hỏi thời gian, công sức, trí tuệ và tốn kém về mặt chi phí.

Một số kiến nghị phát triển du lịch tại tỉnh Luông-pha-băng trong thời gian tới

Để tiếp tục bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di sản trên địa bàn tỉnh Luông-pha-băng, trong thời gian tới tỉnh cần thực hiện hài hòa các quan hệ lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân, đó là:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý địa phương ở tỉnh Luông-pha-băng cần có đầu tư hợp lý cho các việc bảo tồn, tôn tạo di sản, có các quy định chặt chẽ trong việc khai thác di sản cho kinh doanh du lịch, quy định an ninh, vệ sinh môi trường cho các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch và những người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch.

Thứ hai, xây dựng chính sách về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, về bảo tồn di sản một cách linh hoạt, hiệu quả. Chủ động phân cấp quản lý di tích cho chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương phù hợp với thực tiễn. Xây dựng chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người đóng góp vốn trùng tu tôn tạo, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di tích. Xây dựng các quy định về quản lý các loại quỹ minh bạch, công khai, khoa học và hiệu quả.

Thứ ba, các địa phương trên địa bàn tỉnh Luông-pha-băng cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, du lịch di sản, không để người dân tự phát, tự xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch lưu trú tại gia (homestay). Cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ tư, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân về lợi ích phát triển du lịch tại chỗ, đồng thời, tạo cơ chế để người dân có thể chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những cách thức nhằm hạn chế các sai phạm của những người dân gây ra cho du khách, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch, từ đó, phá hủy tài nguyên du lịch tự nhiên, thương mại hóa tài nguyên du lịch nhân văn.

Thứ năm, cần phát huy sự kết hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch di sản. Theo đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản một cách hài hòa nhất.

Đối với người dân ở địa phương có di sản là chủ nhân của các điểm du lịch cần được khuyến khích tự nguyện tham gia hoạt động du lịch di sản một cách sáng tạo. Tiếp tục triển khai các ban quản lý du lịch di sản, có quy chế hoạt động thiết thực, dân chủ để bảo đảm hoạt động du lịch hiệu quả; người dân địa phương được hưởng lợi phù hợp, góp phần xóa đói, giảm nghèo đa chiều bền vững. Đặc biệt, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải đề cao vai trò của chủ nhân di sản. Hiện nay, có tình trạng là ở các địa phương có di sản, nhưng người dân nghèo, thiếu vốn để kinh doanh du lịch, nên thường dựa vào hoặc hợp tác với các doanh nghiệp và được hưởng tỷ lệ lợi nhuận chưa cao, không ổn định. Sự chia sẻ lợi ích chưa công bằng giữa một số doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch bền vững, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay.

Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch. Nhờ có doanh nghiệp, điểm du lịch di sản mới phát triển được. Doanh nghiệp đóng vai trò cung cấp du khách, đồng thời cũng đóng vai trò hỗ trợ vốn cho cộng đồng, tập huấn cho cộng đồng về cách thức tổ chức, kinh doanh hoạt động du lịch di sản, do đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch di sản.

Các nhà tư vấn là các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu về văn hóa, dân tộc, di sản…, đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình du lịch di sản hoạt động hiệu quả và bền vững.

Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các điểm du lịch di sản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời, giữ vai trò điều hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong khai thác các di sản cho phát triển du lịch ở tỉnh Luông-pra-băng, nhận thức của dân cư có ảnh hưởng rất lớn. Sự thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi ý thực và hành động của người dân. Trước đây người dân chỉ có quan niệm đối với các di sản do các bậc tiền bối và thiên nhiên tạo nên cần được gìn giữ nguyên vẹn để các thế hệ con cháu chiêm ngưỡng và tôn thờ, mọi sự xâm phạm, phá hoại các di sản đều bị lên án. Trong nhiều năm gần đây, họ nhận thức được vấn đề, với sự phát triển của kinh doanh du lịch và nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu các di sản đã mang lại những quyền lợi kinh tế của dân cư và địa phương, người dân có thêm việc làm, thu nhập chính đáng từ lượng du khách tham quan di sản. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân từ nhận thức chỉ biết gìn giữ chuyển sang nhận thức biết khai thác hợp lý các giá trị di sản cho phát triển du lịch làm thay đổi quan hệ lợi ích giữa người dân, địa phương, doanh nghiệp trong khai thác các di sản của địa phương. Đó là sự thay đổi rất tích cực và hợp quy luật trong điều kiện đất nước đang hội nhập nền kinh tế thế giới.

Chú thích:
1.  85% of tourists visit Luang Prabang travel via Laos-China Railway. https://kpl.gov.la, 22 November, 2022.
2. Sở Thông tin – Văn hóa và Du lịch tỉnh Luang Prabang. Báo cáo thống kê du lịch của tỉnh Luang Prabang từ năm 2010 – 2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Mạnh. Để du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững sau khi gia nhập WTO. Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 115/2017.
2. Nguyễn Năng Nam. Phát triển du lịch làng nghề ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 228 (tháng 01/2018).
3. Vụ Phát triển du lịch Lào, Bộ Thông tin – Văn hóa và Du lịch, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Báo cáo thống kê du lịch. Viêng Chăn, 2017.
4. Đảng bộ tỉnh Luang Prabang. Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Luang Pra Bang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019 – 2020, Luang Prabang, 2018.
5. Sở Thông tin – Văn hóa và Du lịch tỉnh Luang Prabang. Báo cáo tổng kết tổ chức thực hiện công tác xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh trong gian đoạn năm 2014 – 2019. Luang Prabang, 2018.
Somchay Yathotou
NCS. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh