Huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đạt nhiều kết quả trong cải cách hành chính

(Quanlynhanuoc.vn) – Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Để làm được điều đó, đòi hỏi cần có sự tham gia vào cuộc có hiệu quả của các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Bài viết tập trung trình bày những kết quả đạt được trong cải cách hành chính của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: baolangson.vn
Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là huyện vùng cao miền núi, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 75km, cách Hà Nội 170 km theo hướng Tây Bắc. Huyện có 52.689 người, gồm 5 dân tộc chính là: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng sinh sống trong tổng số 19 đơn vị hành chính cấp xã. Người dân huyện Bình Gia chủ yếu sinh sống bằng nghề nông lâm nghiệp1.

Là một huyện miền núi với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) và sự điều hành của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 11,2% (mục tiêu trên 10%). Năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp đạt 40,17%, công nghiệp – xây dựng 17,82%, ngành thương mại – dịch vụ 42,01% trong tổng sản phẩm của huyện. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 17,6 triệu đồng/người/năm, đến hết năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm2.

Để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Chương trình hành động số 06-CTr/HU ngày 06/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo, điều hành quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao, luôn chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, chú trọng tiếp tục thực hiện cải cách hành chính (CCHC). UBND huyện đã triển khai hiệu quả các nội dung văn bản của trung ương và của tỉnh về CCHC, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện CCHC ở từng cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, lãnh đạo huyện quan tâm, đánh giá đúng thực trạng công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đánh giá những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để xác định nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu công tác CCHC.

Những kết quả đạt được

Thứ nhất, về cải cách thể chế. UBND huyện đã ban hành các kế hoạch về việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2022, đã thẩm định 4 văn bản (quyết định) của UBND huyện; ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND huyện ban hành, trong đó: 20 nghị quyết thuộc lĩnh vực ngân sách; 11 quyết định, thuộc các lĩnh vực như: 1 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND và UBND huyện; 9 quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn; 1 quyết định ban hành Quy chế làm việc của UBND huyện Bình Gia, nhiệm kỳ 2021 – 20263.

Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền được thực hiện bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của văn bản, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn có liên quan và UBND cấp xã đã niêm yết công khai TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã. Việc niêm yết công khai các TTHC theo từng lĩnh vực được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã cập nhật các quyết định công bố TTHC, các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã trên cổng thông tin điện tử của huyện. Qua đó, tạo điều kiện thuận tiện cho việc tra cứu TTHC của cá nhân, tổ chức khi cần liên hệ giải quyết công việc.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC cấp huyện được kiện toàn và bố trí phòng làm việc tại trụ sở HĐND và UBND huyện, vị trí thuận tiện cho việc đón tiếp các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Các TTHC được thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, trong đó nhiều TTHC được cung ứng trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện các giao dịch hành chính ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết các hồ sơ hành chính nên quy trình giải quyết công việc theo cơ chế một cửa được vận hành tốt và công khai minh bạch trong suốt quá trình giải quyết từ lúc tiếp nhận đến lúc trả kết quả. 100% hồ sơ thực hiện tiếp nhận trực tuyến trên các lĩnh vực đã được quan tâm giải quyết đúng hạn và trước hạn, đem lại sự hài lòng cao đối với các tổ chức và cá nhân khi liên hệ, thực hiện các giao dịch hành chính.

Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính. UBND huyện đã thực hiện rà soát các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện để sửa đổi, bổ sung theo quy định. Do đó, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị hoạt động ổn định, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và công chức cấp xã được thực hiện đúng theo quy định. Tiếp tục thực hiện Đề án tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, khối phố trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vịthực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, đối tượng, các chế độ, chính sách đối với các trường hợp tinh giản biên chế.

Thứ tư, về cải cách chế độ công vụ. Trong năm 2022, huyện tiếp tục rà soát  hoàn thiện Đề án vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp. Đội ngũ CBCCVC hành chính được bố trí, sắp xếp vị trí việc làm có trình độ chuyên môn bảo đảm, phù hợp. Công tác quản lý CBCCVC tiếp tục được triển khai, thực hiện theo kế hoạch đề ra, cơ bản bảo đảm tiến độ công việc.

UBND huyện xây dựng, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về chế độ trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phong cách, lối sống, quy tắc ứng xử đối với CBCCVC; xây dựng hệ thống chuẩn mực ứng xử trong các mối quan hệ giữa CBCCVC với doanh nghiệp và Nhân dân. Công chức, viên chức luôn có ý thức, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, thực hiện phương châm “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng được UBND huyện quan tâm triển khai thực hiện các chương trình đào tạo do các sở, ngành, UBND tỉnh chỉ đạo. Đăng ký nhu cầu đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch hằng năm. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho CBCCVC các nội dung về CCHC, văn thư – lưu trữ, văn hóa công vụ, kiểm soát TTHC.

Thứ năm, về cải cách tài chính công. UBND huyện tích cực nghiên cứu, chỉ đạo việc giao thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2021 – 2023. Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước theo quy định. Từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường công tác quản lý nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị.

Các phòng, ban, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đều thực hiện nghiêm túc các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công khai, dân chủ và đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường tự kiểm tra nội bộ thường xuyên tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Thứ sáu, về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trọng tâm là sử dụng hiệu quả các phần mềm, như: quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, một cửa điện tử và các dịch vụ công trực tuyến. Duy trì 100% văn bản đi, đến được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản điều hành, hướng đến xử lý toàn bộ công việc bằng văn bản điện tử, trên môi trường mạng

Huyện triển khai áp dụng hệ thống tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong kiểm soát các TTHC. Thực hiện tốt hệ thống Văn phòng điện tử iOffice trong công tác quản lý, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Trang thiết bị phục vụ hệ thống Văn phòng điện tử iOffice được tăng cường. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyền truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cách lập tài khoản, tiếp nhận và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Chỉ đạo các đơn vị cập nhật đầy đủ thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, triển khai thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 11.413 hồ sơ, trong đó cấp huyện 754 hồ sơ; cấp xã 10.659 hồ sơ; trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 103 hồ sơ. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thực hiện đúng hạn, không có ý kiến kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp về giải quyết TTHC4.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động quản lý, điều hành, xử lý công việc. Hệ thống phòng họp trực tuyến tiếp tục được duy trì, hoạt động ổn định, cơ bản đã đáp ứng tốt về trang thiết bị, điều kiện ánh sáng, đường truyền, bảo đảm phục vụ tốt cho các cuộc họp trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức. Trang thông tin điện tử của huyện thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo điều hành, các thông báo, giấy mời của UBND huyện; nội dung giới thiệu về tổ chức bộ máy của HĐND và UBND, các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện; lịch và quy chế tiếp công dân; một số văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn TTHC thuộc phạm vi quản lý, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và các tin, bài phản ánh các hoạt động trên các lĩnh vực chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh.

Từ sự chỉ đạo sát sao đó, chỉ số CCHC được đánh giá ở 9 chỉ số thành phần, trong đó có điểm mới là chỉ số thành phần “kết quả đo lường hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”. Theo đó, ở bảng xếp hạng UBND cấp huyện, Bình Gia bứt phá vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng với 87,99%, tăng 10 bậc so với năm 2021. Đây là bước đột phá của huyện Bình Gia trong 3 năm gần đây (năm 2019 xếp thứ 8; năm 2020 và năm 2021 đều xếp thứ 10 trong 11 huyện, thành phố). Năm 2022, UBND huyện Bình Gia là đơn vị xếp thứ nhất trong 11 huyện, thành phố về chỉ số CCHC theo bảng xếp hạng của UBND tỉnh công bố, tăng 10 bậc so với năm 2021. Năm 2022, đã có 5 sáng kiến (một sáng kiến cấp tỉnh) về CCHC được triển khai áp dụng trên địa bàn huyện. UBND huyện cũng thường xuyên kiểm tra việc triển khai, thực hiện công tác CCHC trên địa bàn, trong năm 2022, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra tại 11/30 cơ quan, đơn vị hành chính hoàn thành 100% kế hoạch đề ra5.

Một số giải pháp tăng cường cải cách hành chính trong thời gian tới

Một là, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, của tỉnh Lạng Sơn về tổ chức bộ máy.

Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai thực hiện theo đúng quy định. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn cần rà soát, bổ sung quy chế làm việc, trong đó cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác bằng các quy chế cụ thể. Thực hiện tốt mối quan hệ công tác với các ngành cấp trên và cơ sở, từ đó phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, cũng như những vấn đề hành chính tại địa phương, đơn vị mình. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC thông qua việc thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ CBCCVC. Thực hiện nghiêm việc bố trí công chức, viên chức theo bản mô tả công việc và khung năng lực theo vị trí việc làm được phê duyệt. Thường xuyên xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức…

Hai là, làm tốt công tác cải cách tài chính công của huyện.

Để thực hiện nhiệm vụ này, hằng năm, UBND huyện ban hành các quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể, đối với các xã, thị trấn và đối với  các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện. Việc thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được huyện thực hiện vừa bảo đảm đúng theo các nghị định của Chính phủ, vừa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, tăng cường sự giám sát của CBCCVC trong việc sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy cải cách TTHC trong khâu phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về CCHC trên địa bàn huyện.

Để góp phần hạn chế các thiếu sót, chậm trễ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, UBND huyện cần phải thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện, từng bước thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ công vụ, tạo lòng tin trong Nhân dân vào bộ máy công quyền các cấp tại địa phương.

Bốn là, duy trì, cải thiện và nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của huyện. Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức doanh nghiệp làm thước đo của hiệu quả chất lượng công tác CCHC, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Rút gọn, giảm thời gian, chi phí trong quy trình giải quyết các thủ tục; niêm yết công khai các vấn đề liên quan đến TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.

Chú thích:
1. Giới thiệu chung huyện Bình Gia. Cổng thông tin điện tử huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
2. Huyện Bình Gia: Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. https://vccinews.vn, ngày 10/5/2021.
3. Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND huyện Bình Gia về việc công bố kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân Ủy ban nhân dân huyện rà soát năm 2021.
4, 5. Báo cáo số 788/BC-UBND ngày 30/11/2022 của UBND huyện Bình Gia về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 03/01/2022 của UBND huyện Bình Gia về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn huyện Bình Gia năm 2022 .
2. Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 17/02/2022 của UBND huyện Bình Gia về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn huyện Bình Gia.
3. Quyết định số 3134/QĐ-UBND ngày 20/9/2022 của UBND huyện Bình Gia về việc phê duyt nhân s đến làm vic ti B phn tiếp nhn và tr kết qu thuc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện
TS. Nguyễn Đức Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia