Tư tưởng của V.I.Lênin về văn hoá lãnh đạo và ý nghĩa đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa lãnh đạo là một phương diện của văn hóa, là quá trình thẩm thấu văn hoá thấm sâu vào lĩnh vực lãnh đạo, người lãnh đạo, tạo ra văn hóa hóa lãnh đạo. Trước yêu cầu xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay, việc quán triệt, vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về văn hóa lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng.
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn.
tưởng của V.I.Lênin về văn hoá lãnh đạo

V.I.Lênin là lãnh tụ, người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô, với cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, Người đã trực tiếp xây dựng nhiều nguyên lý nền tảng của văn hóa vô sản và ứng dụng vào thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Tư tưởng của V.I.Lênin rất sâu sắc, sinh động trong hệ thống quan điểm về văn hóa vô sản và quá trình xây dựng văn hóa lãnh đạo ở nước Nga Xô Viết. V.I.Lênin khẳng định: “Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”1. V.I.Lênin coi văn hóa xã hội chủ nghĩa là toàn bộ trình độ phát triển cao của xã hội loài người, là kết quả sự phát triển liên tục của các nền văn hóa, nó không phải tự nhiên mà có. Văn hóa là toàn bộ những giá trị mà loài người tạo ra và được biểu hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người; khi nói đến văn hóa lãnh đạo, đó là toàn bộ những giá trị mà con người hoạt động tạo ra trên lĩnh vực chính trị.

Theo tư tưởng của V.I.Lênin lãnh đạo là chỉ đạo, định hướng, đề ra ý chí cho người khác: “lãnh đạo là chỉ dẫn, là điều khiển, là ra lệnh và đi trước”2. Nội dung của văn hóa lãnh đạo mà Người nói tới biểu hiện ở nhận thức, bản lĩnh, hành vi của các chủ thể lãnh đạo tạo ra trong quá trình hoạt động.

Chủ thể lãnh đạo mà V.I.Lênin nhắc tới là những người cán bộ, đảng viên và chính đảng của giai cấp công nhân. Từ đó, nhận thức của chủ thể lãnh đạo về việc đề ra các chủ chương, quan điểm, đường lối, sách lược, chiếm lược…phải xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân, quần chúng nhân dân lao động, lợi ích quốc gia và dân tộc, không có lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng, người lãnh đạo phải có bản lĩnh kiên quyết và một bước quá độ khéo léo để có định hướng đúng, cương lĩnh hành động tích cực, quá trình lãnh đạo chủ thể phải phát huy được sức mạnh của tổ chức và tận dụng được trí tuệ của cả tập thể, đó là biểu hiện của văn hóa lãnh đạo.

Hành vi văn hóa trong lãnh đạo theo tư tưởng của V.I.Lênin, phải có sự liên hệ với quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của tập thể, nhân dân. Chủ thể lãnh đạo không những chịu trách nhiệm về năng lực lãnh đạo, mà còn phải chịu trách nhiệm về hành động của người dưới quyền mình. Lãnh đạo là phải biết thừa nhận sai lầm và cũng phải biết sửa sai: “Công khai và thành thực thú nhận sai lầm chính trị của mình, bản thân việc đó đã là một hành vi chính trị lớn rồi”3. Hành vi văn hóa đó sẽ tạo được niềm tin của quần chúng đối với chủ thể lãnh đạo; đồng thời giúp họ sáng suốt hơn trong việc đề ra các chủ trương, biện pháp để tránh những sai lầm có thể mắc phải. Đối với một đảng lãnh đạo, hành vi đó càng chứng tỏ văn hóa của đảng, bên cạnh đó, đường lối đúng là kết quả của quá trình hoạch định của đảng, cụ thể là của người lãnh đạo đảng thông qua cương lĩnh, các văn kiện, nghị quyết của đảng. V.I.Lênnin khẳng định khi đánh giá văn hóa lãnh đạo phải căn cứ vào các văn bản ấy như là kết quả của trình độ, hành vi lãnh đạo, qua đó, cho thấy sự sáng suốt, đúng đắn, đúng hướng hay sai lầm của chủ thể trong quy trình lãnh đạo.

Tư tưởng của V.I.Lênin về lãnh đạo là việc sử dụng quyền lực và uy tín của chủ thể tác động tới khách thể nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức. Lãnh đạo là hoạch định, tổ chức thực hiện, dẫn dắt (chỉ huy hay điều hành, thúc đẩy) và kiểm soát. Công việc lãnh đạo phải bảo đảm được: khả năng tạo tầm nhìn; khả năng truyền cảm hứng, động lực hoạt động; khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng đi theo. Trong quá trình hoạt động lãnh đạo còn là “áp đặt” được ý chí của chủ thể lãnh đạo cho khách thể của lãnh đạo chứ không phải là đề ra ý chí. Do vậy, văn hóa lãnh đạo còn thể hiện ở nhận thức hành vi của chủ thể lãnh đạo trong thực hiện nội dung này và kết quả của quá trình đó. Hành vi văn hóa đó biểu hiện ở khía cạnh nêu gương, thuyết phục, thu phục bằng văn hóa của người lãnh đạo mà không phải bằng hành chính, quản lý để quần chúng thực hiện nghị quyết của đảng. V.I.Lênin khẳng định: nhiệm vụ của Đảng Công nhân là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và phương thức lãnh đạo bằng thuyết phục là một hành vi văn hóa lãnh đạo.

Ý nghĩa, vai trò của vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về văn hóa lãnh đạo đối với cán bộ, đảng viên hiện nay

Thời gian qua có tình trạng các đảng viên của một số tổ chức đảng vi phạm, dẫn đến: “cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Các cấp ủy đã giám sát 193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp giám sát 124.469 tổ chức đảng và 185.731 đảng viên”4. Trước vấn đề trên, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tổ chức thực hiện Nghị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng… thì vấn đề nghiên cứu tư tưởng văn hóa lãnh đạo của V.I. Lênin có ý nghĩa sâu sắc cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Văn hoá lãnh đạo giúp họ phát triển trí tuệ lãnh đạo, bản lĩnh, hành vi lãnh đạo và tạo ra uy tín cho cán bộ, đảng viên trước quần chúng và xã hội. Vì vậy, để nâng cao văn hóa lãnh đạo theo tư tưởng của V.I.Lênin cho cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện các yêu cầu sau:

Một là, nâng cao tri thức về lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên hiện nay. V.I.Lênin khẳng định: “Người ta chỉ có thể trở thành cộng sản sau khi đã làm giàu trí tuệ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra”5. Học vấn lãnh đạo là hệ thống kiến thức về quan điểm chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dạy: “Chủ nghĩa Mác – Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sang con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”6. Tri thức lãnh đạo giúp chủ thể lãnh đạo có phương thức lãnh đạo, cơ chế quản lý, đề xuất chủ trương, đường lối, biện pháp xử lý các tình huống phức tạp trong quá trình lãnh đạo; do đó các chủ thể cần có những biện pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh giáo dục pháp luật, xây dựng và rèn luyện hành vi pháp luật đúng đắn; thực hành các giá trị, chuẩn mực thựchành dân chủ trong lối sống, hành vi, ứng xử chính trị của họ.

Hai là, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất đạo đức và lối sống văn hóa cho cán bộ, đảng viên. Vì, muốn xây dựng văn hóa lãnh đạo thì điều kiên quyết của người cán bộ, đảng viên phải tiêu biểu về ý thức tổ chức, về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”7. Theo Người: Đức đi đôi với tài nhưng đức phải là gốc. Có đức mới làm được những điều đúng đắn, nhân nghĩa, hướng tới những khát vọng “chân, thiện, mỹ”. Do vậy, người cán bộ, đảng viên phải có lối sống trung thực, mang lại niềm tin, tình bạn với quần chúng, đồng chí và tập thể đơn vị; biết tôn trọng và bảo vệ chân lý, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền, lợi ích của tập thể, thực sự truyền cảm hứng và tạo động lực thúc đẩy cơ quan, đơn vị phát triển. Những giá trị, chuẩn mực đạo đức này sẽ có tác động, chi phối mạnh mẽ đến đơn vị, đến tinh thần và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ chung đơn vị.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải tích cực nêu gương, dùng uy tín cá nhân để lãnh đạo đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Lấy gương người tốt việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau là một cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”8. Theo Người, mọi lúc, mọi nơi cán bộ đều phải làm gương. Những tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức là “mệnh lệnh không lời”, khơi dậy ý thức tự giác, nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện để quần chúng, Nhân dân noi theo. Đó là thước đo văn hóa lãnh đạo, thể hiện mẫu mực về việc làm, hành động đúng, hành vi văn hóa chuẩn; lấy gương cán bộ, đảng viên để lãnh đạo, giáo dục đơn vị; tránh đạo đức giả trong công việc và đóng giả thái độ có văn hóa đối với quyền lực lãnh đạo.

Bốn là, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng cho cán bộ, đảng viên ở đơn vị cơ sở hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng và là yêu cầu khách quan để nâng cao văn hóa lãnh đạo chính trị ở đơn vi cơ sở hiện nay.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cơ sở thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng: “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 sẽ thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả hơn, sâu rộng hơn.

Để thực hiện tốt giải pháp này cần tập trung vào: (1) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên thấy được sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; (2) phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tự tu dưỡng, rèn luyện văn hóa lãnh đạo, coi đây là việc làm thường xuyên, hàng ngày của họ; (3) kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua của đơn vị; (4) các cấp ủy đảng và mọi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, tự giác cao, tránh việc đánh giá sai sự thực, tô hồng thành tích, che giấu khuyết điểm và thực hiện nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao phải gương mẫu. Đồng thời, thường xuyên thực hiện tốt các cuộc vận động trên và đấu tranh với những biểu hiện những biểu hiện sai trái, tiêu cực ở đơn vị. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi sai trái”9. Chỉ khi thực hiện có hiệu quả nội dung trên mới giúp họ nâng cao phẩm chất, nhân cách, năng lực hoạt động lãnh đạo, quản lý thực tiễn ở đơn vị.

Kết luận

Nhận thức sâu sắc và toàn diện quan niệm văn hóa lãnh đạo của V.I.Lênin có ý nghĩa quan trọng xác định phương hướng và giải pháp cụ thể để xây dựng văn hóa chính trị thời kỳ hội nhập quốc tế và nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiện nay. Đặc biệt, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên; cũng là mục đích xây dựng văn hóa lãnh đạo và con người trong hệ thống chính trị là chủ thể của văn hóa lãnh đạo.

Chú thích:
1,4,5. V.I.Lênin. Toàn tập, Tập 4. NXB Tiến bộ, M.1974, tr.596, 41, 361.
2. V.I.Lênin.Toàn tập, Tập 37. H NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr.225.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, tr. 200.
6. Hồ Chí Minh.Toàn tập, Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 563.
7,8. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2011, tr. 292, 293.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 15. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 672.
Trung tá, TS. Nguyễn Xuân Đại
Thiếu tá Nguyễn Rạng Đông
 Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng