Tăng cường kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm an toàn thực phẩm chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của Nhân dân, là một nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân. Công tác quản lý giết mổ động vật có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh động vật lây lan, nhất là dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, ngăn ngừa tổn thất về kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
Ảnh minh họa (internet)
Tình trạng giết mổ động vật trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua

Thành phố Hà Nội có dân số đứng thứ 2 cả nước, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao nên các cơ sở giết mổ (CSGM) động vật trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng cường hoạt động. Với dân số khoảng 8,33 triệu người1, hằng ngày, thành phố Hà Nội tiêu thụ khoảng từ 900 – 1.000 tấn sản phẩm động vật, trong đó sản phẩm động vật từ lợn là trên 50%, tương đương khoảng trên 500 tấn/ngày. Lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày được cung cấp từ các CSGM gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố khoảng 420 tấn/ngày; ước tính nguồn thịt nhập vào thành phố Hà Nội có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát khoảng 520 tấn/ngày, đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu tiêu thụ thịt của thành phố; phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ, chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh. Để có nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố, góp phần phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phòng, chống bệnh lây từ gia súc gia cầm sang người, đòi hỏi phải quản lý tốt các khâu từ chăn nuôi, vận chuyển gia súc, tổ chức giết mổ, vận chuyển các sản phẩm động vật đi tiêu thụ. Tính đến thời điểm tháng 12/2022, trên địa bàn thành phố có 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ. Hiện tại, trên địa bàn vẫn còn số lượng rất lớn CSGM nhỏ lẻ. Tổng số 702 CSGM nhỏ lẻ thì chỉ có 80 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ (KSGM), chiếm khoảng 11%, còn lại gần 90% chưa có nhân viên thú y thực hiện công tác KSGM2.

Thực tế cho thấy, tại các CSGM gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, hoạt động giết mổ đều được tiến hành trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh thú y; hầu hết các CSGM được xây dựng ngay trong hoặc cận kề các khu dân cư, khu công nghiệp với mặt bằng nhỏ hẹp không đủ diện tích để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong giết mổ. Thiết kế mặt bằng hẹp, không chia được khu sạch với khu bẩn, gây nguy cơ ô nhiễm chéo rất lớn trong quá trình giết mổ; không có nơi  xử lý động vật không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để giết mổ và xử lý sản phẩm giết mổ không đủ tiêu chuẩn ATTP; các tiêu chí vệ sinh về nguồn chiếu sáng, độ lưu thông không khí, vệ sinh nguồn nước; kết cấu vật liệu xây dựng không được bảo đảm; hệ thống thu gom và xử lý nước thải còn nhiều bất cập, nước thải được xả thẳng vào môi trường sinh hoạt công cộng; trang thiết bị vật dụng sử dụng trong giết mổ rất đơn sơ, thủ công.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy trình KSGM động vật. Tuy nhiên, việc thực hiện KSGM theo quy trình này chỉ được thực hiện chủ yếu tại CSGM, còn tại hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ, do quy mô và thiết kế mặt bằng của các CSGM, điểm giết mổ quá nhỏ hẹp, trang thiết bị giết mổ thủ công, đơn sơ nên không thể thực hiện được đầy đủ, đúng trình tự các thao tác khám trước giết mổ và sau giết mổ theo đúng quy trình.

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm động vật đã được kiểm tra của cơ quan thú y, thịt xuất phát từ các CSGM có uy tín hoặc nơi bày bán hợp vệ sinh. Việc lựa chọn chỉ thông qua hình thức bên ngoài và thuận tiện khi mua sản phẩm… Đây là thói quen có khả năng vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian nữa, là một trong những yếu tố tác động gây trở ngại đến nỗ lực nâng cao chất lượng ATTP của các cơ quan chức năng. Do đó, để phù hợp với thói quen trên, việc bố trí CSGM không thể không gắn liền với thị trường kinh doanh và mạng lưới tiêu thụ. Tuy nhiên, cũng cần phải từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân để phù hợp với nếp sống văn minh đô thị thông qua việc cải tạo, nâng cấp các chợ đầu mối thực phẩm và phát triển hệ thống cửa hàng, siêu thị chuyên doanh thịt được trang bị hiện đại.

Tình hình hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác KSGM trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, duy trì kiểm tra, KSGM tại các lò mổ trên địa bàn thành phố; số lượng được kiểm dịch với trâu, bò khoảng 65.000 con, lợn khoảng 1 triệu con, gia cầm khoảng 16 triệu con. KSGM đối với trâu bò khoảng 40.000 con, lợn khoảng 800.000 con, gia cầm khoảng 11 triệu con3… Thành phố đã có Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 về việc phê duyệt mạng lưới CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, có 8 CSGM công nghiệp, 8 CSGM tập trung, 13 CSGM tập trung quy mô nhỏ.

Nhìn chung, công tác KSGM trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn:

Một , nguồn nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ thực hiện công tác KSGM.

Hai là, tập quán chăn nuôi phân tán trên địa bàn còn chiếm tỷ lệ cao kéo theo số hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều, phân bổ rộng trên địa bàn các quận, huyện.

Ba là, nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, không có nhân viên để thực hiện KSGM.

Bốn là, một số CSGM nhỏ lẻ giết mổ và bày bán ngay tại nhà, vỉa hè, gây khó khăn trong việc thực hiện đúng, đầy đủ quy trình kiểm tra, KSGM.

Năm, việc đầu tư và trình độ của chủ CSGM nhỏ lẻ còn hạn chế, vì vậy, các yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình giết mổ động vật chưa bảo đảm dẫn đến khu vực giết mổ, dụng cụ giết mổ, phương tiện vận chuyển sau khi giết mổ từ nhà ra chợ chưa bảo đảm vệ sinh thú y.

Sáu, việc giết mổ phân tán nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, thú y chỉ kiểm soát được số gia súc, gia cầm giết mổ tập trung trên địa bàn, còn lại nhỏ lẻ hầu như không kiểm soát.

Bảy là, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, các CSGM động vật nhỏ lẻ nhiều trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát, chủ yếu giao cho lực lượng thú y cơ sở đảm nhiệm thực hiện KSGM nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát.

Tám là, hiện nay, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại quận, huyện đang có nhiều xáo trộn do việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này đang gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý ATTP có nguồn gốc từ động vật. Từ tháng 01/2023, thành phố đã thực hiện thí điểm thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại 3 huyện: Chương Mỹ, Thanh Trì, Mê Linh trên cơ sở hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông.

Ngoài ra, qua thực tiễn một số tỉnh khác, khi hợp nhất cho thấy một số bất cập, nếu công tác quản lý nhà nước về thú y được giao cho phòng nông nghiệp thực hiện, tuy nhiên, các phòng nông nghiệp đa số còn thiếu đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y nên công tác quản lý nhà nước về thú y tại tuyến huyện hầu như không thực hiện. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí hoạt động, do đó, một số trung tâm không đủ kinh phí hợp đồng nhân viên KSGM, nên dẫn đến tình trạng đa số cơ sở nhỏ lẻ không có nhân viên KSGM.

Theo quy định của Luật Thú y năm 2015, không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh, đây cũng là khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm khi vào CSGM.

Về đầu tư xây dựng CSGM tập trung, hiện nay có rất ít nhà đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật do: (1) Hoạt động kinh doanh dịch vụ CSGM gia súc, gia cầm tập trung đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, phải thường xuyên khắc phục sửa chữa, nâng cấp, việc xử lý chất thải có nhiều khó khăn nên tính rủi ro cao, các doanh nghiệp còn e ngại bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Một số quận, huyện, nhu cầu giết mổ thấp, số lượng gia súc đưa vào CSGM tập trung ít, vì vậy, không thu hút được nhà đầu tư; (2) Địa điểm quy hoạch chưa phù hợp với phân bố dân cư dẫn tới việc vận chuyển thực phẩm từ khu quy hoạch đến nơi tiêu thụ còn xa nên các hộ kinh doanh còn e ngại. Thủ tục thuê đất tại nhiều địa phương quá trình phê duyệt quá phức tạp, mất nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn, qua nhiều cơ quan thẩm định gây khó khăn cho các nhà đầu tư; (3) Nhiều nhà đầu tư muốn bỏ vốn đầu tư xây dựng CSGM tập trung, nhưng e ngại cơ chế tại địa phương không quản lý chặt chẽ đối với CSGM nhỏ lẻ, không có giấy phép và không có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm thịt được kiểm soát và không kiểm soát đã làm nhiều nhà đầu tư lo ngại không bảo đảm công suất của cơ sở, tăng chi phí sản xuất; (4) Tại một số quận, huyện, hệ thống hạ tầng, trang thiết bị CSGM hiện nay bị xuống cấp, không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa; mạng lưới CSGM động vật tập trung chưa hoàn thiện, chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ.

Giải pháp trong kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng các CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố (bao gồm chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng CSGM, chế biến gia súc, gia cầm tập trung). Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ các CSGM gia súc, gia cầm tập trung.

Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả theo Luật Thú y năm 2015, Luật Quy hoạch năm 2017 và Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt mạng lưới CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn. Phấn đấu đưa các CSGM đã được thành phố phê duyệt vào hoạt động, giảm các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ.

Thứ ba, tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng các CSGM tập trung công nghiệp sử dụng dây chuyền giết mổ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với chế biến. Tăng cường thu hút, giới thiệu và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào xây dựng các CSGM gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch; hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ và thẩm định dự án đầu tư, lựa chọn dây chuyền công nghệ giết mổ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố và khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc triển khai xây dựng các CSGM gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch. Tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án giết mổ gia súc, gia cầm.

Thứ tư, rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ trên thế giới; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của thành phố và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Thứ năm, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan chuyên ngành Thú y. Cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa chi cục chăn nuôi và thú y với các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý các CSGM động vật.

Thứ sáu, tăng cường các biện pháp quản lý CSGM nhỏ lẻ. Quản lý chặt số lượng, nguồn gốc của động vật khi vào CSGM và ghi vào sổ nhật ký giết mổ, phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nếu ngoài tỉnh. Thực hiện KSGM theo quy định đối với các CSGM có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác KSGM và quy trình KSGM của cán bộ thú y được giao nhiệm vụ tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật. Kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra/vào địa bàn thành phố. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm, chốt kiểm dịch động vật và đội kiểm dịch động vật lưu động. Quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề thú y, bảo đảm việc hành nghề đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về hành nghề thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc hành nghề trái phép.

Tăng cường quản lý nguồn gốc gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố bằng hệ thống thông tin điện tử. Tăng cường thanh, kiểm tra. Hằng năm, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các CSGM; thường xuyên nhắc nhở các CSGM duy trì liên tục việc thực hiện các điều kiện về ATTP, như: khu vực giết mổ, các trang thiết bị và dụng cụ, con người tham gia giết mổ, quy trình giết mổ…, chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ tám, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, về các cơ chế, chính sách của trung ương và thành phố trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh ATTP, vệ sinh thú y, xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình. Tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các CSGM gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Làm tốt công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng để từng bước thay đổi tập quán, thói quen sử dụng thực phẩm qua kiểm soát, thực phẩm cần bảo quản mát, bảo đảm ATTP.

Thứ chín, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, KSGM động vật, sản phẩm động vật; xây dựng và sớm đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm trực tuyến để quản lý CSGM động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Thứ mười, xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho nhân viên thú y về nâng cao trình độ công tác quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của đề án vị trí việc làm nhất là trong công tác KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm; đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh phí cho công tác kiểm dịch, KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2021. H. NXB Thống kê, 2022, tr. 92.
2, 3.  Báo cáo số 12/BC-CCCN ngày 15/01/2021 của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 18/BC-CCCN ngày 20/01/2022 của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và phương nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
2. Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thú y năm 2015.
3. Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
4. Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
5. Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT- NNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.
ThS. Lưu Văn Ba
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn