Giải pháp Marketing giáo dục nhằm định hướng chọn trường cho học sinh, sinh viên hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời đại phát triển nhanh chóng của xã hội, việc lựa chọn trường học đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không chỉ các trường đại học đăng tuyển sinh mà cả các cấp phổ thông từ mầm non, tiểu học tới trung học cơ sở, trung học phổ thông đều khiến phụ huynh đứng trước vô vàn sự lựa chọn khác nhau. Các trường học đang ngày càng phát triển và sẵn sàng chủ động đưa thông tin trực tiếp tới học sinh và phụ huynh thông qua các kênh truyền thông, trong đó Marketing giáo dục đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Những năm gần đây, marketing giáo dục đã trở thành một chủ đề được các nhà trường quan tâm và ứng dụng rộng rãi hơn. Nếu như trước đây, marketing vốn được biết đến trong lĩnh vực bán hàng và kinh doanh nhưng hiện nay, marketing đang phát huy vai trò trong lĩnh vực giáo dục và được sử dụng để tăng cường kết nối quan hệ giữa trường học với cộng đồng phụ huynh và người học.

Marketing chính là quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược quảng cáo và truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, tăng nhận diện thương hiệu và quảng bá hình ảnh tổ chức, bao gồm cả những hoạt động chuyên môn như phân tích thị trường, phát triển dịch vụ, bán hàng và chăm sóc khách hàng. 

Hình thức hội thảo tuyển sinh được các trường triển khai tới phụ huynh, học sinh thông qua các chiến dịch marketing giáo dục.
Tác động của Marketing trong giáo dục đến học sinh, sinh viên

Thuật ngữ “marketing” ít được sử dụng trước đây trong giáo dục, vì marketing thường liên quan đến việc bán hàng, tăng doanh số và lợi nhuận, trong khi giáo dục lại là một hoạt động có tính chất xã hội, tập trung vào việc giáo dục và phát triển con người.

Theo một số chuyên gia giáo dục, khi sử dụng nhiều thuật ngữ marketing có thể làm mất đi tính chân thực và tầm nhìn của giáo dục, tạo ra cảm giác giáo dục chỉ là một sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã truyền thông, quảng cáo của ngành Giáo dục tới gần hơn với phụ huynh và người học – những khách hàng mục tiêu của các chiến dịch tuyển sinh.

Marketing giáo dục đang dần trở thành thuật ngữ tiếp thị dành riêng cho lĩnh vực giáo dục nhằm giúp các trường tìm kiếm và thu hút học sinh, sinh viên biết và tìm đến nhà trường. Đây là một công cụ hiệu quả để giúp các trường học quảng bá về trường mình, tăng  nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của các đối tượng khách hàng mục tiêu.

Marketing giáo dục có thể giúp các trường học thu hút được những học sinh chất lượng cao, tăng sự ổn định trong lộ trình giáo dục và tăng cường quan hệ phụ huynh, học sinh, sinh viên. Thông qua kênh này, các trường sẽ tiếp tục tăng cường chất lượng giáo dục hơn nữa bằng cách phát triển các chương trình học tập mới và cải thiện cơ sở vật chất để phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Ngoài ra, marketing giáo dục cũng giúp các trường tăng cường tương tác với cộng đồng.

Tuy có rất nhiều lợi ích cũng như vai trò tác động đến quyết định chọn trường của học sinh và phụ huynh nhưng thực tế cũng cho thấy, các hoạt động tiếp thị này có thể thể tạo ra một hình ảnh hoàn mỹ nhưng chưa hoàn toàn chính xác về trường học hoặc làm nổi bật những ưu điểm giữa các trường học. Ngoài ra, marketing giáo dục còn có thể tạo ra áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc chọn trường học, khiến cho quyết định của họ bị chi phối bởi những yếu tố khác ngoài chất lượng giáo dục.

Để phân tích tác động và tìm giải pháp cho marketing giáo dục và việc quyết định tuyển sinh trong nhà trường, nhóm nghiên cứu đã khảo sát với hơn 1.000 học sinh và phụ huynh tham dự các hội thảo tuyển sinh của các trường đại học, trường phổ thông liên cấp tại Hà Nội vào tháng 3/2023, cho thấy: hầu hết các đối tượng khảo sát đều biết đến các hoạt động tiếp thị của các trường học và thấy hữu ích với các thông tin tuyển sinh của các nhà trường. Phần lớn họ cho rằng, marketing giáo dục ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của mình và thấy đây là kênh thông tin hữu ích để tìm hiểu nhanh hơn, thuận tiện và chính xác hơn về các trường. Có khoảng 30% các đối tượng khảo sát thừa nhận rằng marketing giáo dục chưa phải là yếu tố quan trọng trong quyết định chọn trường của họ. Thay vào đó, họ cho rằng, chất lượng giáo dục và môi trường học tập là hai yếu tố quan trọng nhất khi chọn trường1.

Còn lại, đa số đối tượng khảo sát cho rằng, các thông tin liên quan đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học phí cũng rất quan trọng đối với quyết định của họ. Từ thực tiễn này cho thấy, marketing giáo dục đang dần trở thành yếu tố quyết định tuyển sinh và là yếu tố bổ trợ thông tin cần thiết trong việc lựa chọn trường học, hệ đào tạo.

Giải pháp Marketing giáo dục

Để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất trong hoạt động truyền thông này, các trường học cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

(1) Tạo ra một chiến lược marketing toàn diện

Trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động marketing nào, các trường cần phải xác định mục tiêu và đối tượng khách hàng cụ thể. Sau đó, đưa ra một chiến lược marketing toàn diện với các hoạt động, như: quảng cáo trực tuyến và ngoại tuyến, xây dựng website và mạng xã hội, thực hiện các sự kiện, tạo ra nội dung chất lượng cao,…

Hiện nay, các trường học đang sử dụng đa dạng các chiến lược truyền thông nhằm xây dựng thương hiệu và cung cấp tối ưu thông tin nhất tới học sinh và phụ huynh thông qua sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông điện tử khác, như: website, email marketing, SMS và quảng cáo trên Google hoặc các kênh xã hội khác, như: Facebook; Youtube; coccoc; Zalo; Tiktok; Instagram;… Ngoài ra, nhiều trường tư thục cũng đầu tư vào các hoạt động xây dựng cộng đồng và các chương trình hoạt động giáo dục bổ ích để tạo ra các giá trị và thu hút sự quan tâm của đối tượng khách hàng mục tiêu.

(2) Sử dụng công cụ SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm).

SEO một phương pháp hiệu quả để đưa trang web của trường học lên đầu trang kết quả tìm kiếm. Trường học có thể sử dụng các từ khóa liên quan đến chương trình giảng dạy, khoa học, tên trường và các thông tin liên quan khác để cải thiện việc tìm kiếm trên các trang web.

(3) Tăng tương tác trên mạng xã hội.

Mạng xã hội là một công cụ quan trọng để tiếp cận học sinh, sinh viên tiềm năng và tăng cường thương hiệu của trường học. Trường học có thể đưa các nội dung bài đăng về các hoạt động trong trường, những thành tích nổi bật của học sinh, sinh viên, thông tin hỗ trợ học tập và tư vấn cho họ. Sử dụng phương tiện truyền thông để tiếp cận đến đối tượng học sinh, sinh viên và phụ huynh tiềm năng. Điều này bao gồm các kênh truyền thông truyền thống, như: truyền hình, báo chí và các kênh truyền thông kỹ thuật số, như: email, SMS và ứng dụng di động. Sử dụng các kênh này kết hợp với nội dung hấp dẫn và chất lượng cao sẽ giúp thu hút được sự chú ý của người học.

Hình ảnh thông tin tuyển sinh của các trường trên các kênh Social Media.

(4) Tạo ra các chương trình giới thiệu và tư vấn.

Trường học có thể tổ chức các chương trình giới thiệu về chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và các hoạt động ngoại khóa trong trường. Đồng thời, tư vấn về các chương trình học, chi phí và các khoản hỗ trợ tài chính cũng rất quan trọng để tạo sự thu hút đối với sinh viên tiềm năng.

Việc thu hút phụ huynh tới tham gia các buổi tham quan trường học giúp phụ huynh và học sinh có cơ hội trực tiếp trải nghiệm môi trường học tập, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình đào tạo của nhà trường. Ngoài ra, các trường tư thục cũng thường xuyên tham gia các triển lãm giáo dục và tổ chức các sự kiện, hội thảo liên quan đến giáo dục để quảng bá thương hiệu và tìm kiếm học sinh mới.

(5) Xây dựng các hệ thống hỗ trợ và chăm sóc phụ huynh, học sinh.

Sự hài lòng của phụ huynh, học sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng số lượng đăng ký tuyển sinh của trường học. Do đó, trường học cần tạo ra các hệ thống hỗ trợ và chăm sóc khách hàng trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp, bao gồm: các chương trình tư vấn học tập, hỗ trợ tài chính và các hoạt động ngoại khóa. Điều này sẽ giúp tạo sự tin tưởng và thân thiện với học sinh, sinh viên, từ đó tăng khả năng học sinh giới thiệu cho những người khác.

(6) Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Để tăng cường thương hiệu và tạo sự khác biệt nổi trội so với các trường học khác, mỗi trường cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Điều này bao gồm các hoạt động, như: đưa ra các chương trình đào tạo mới, phát triển các ứng dụng công nghệ và nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiên tiến. Sự phát triển liên tục sẽ giúp trường học giữ được sự cạnh tranh và tạo ra những giá trị mới cho học sinh, sinh viên.

Việc xây dựng một môi trường học tập tốt, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo ra những giá trị đặc biệt cho học sinh và phụ huynh cũng như truyền thông qua các kênh marketing thông minh, chính xác sẽ giúp các trường học tạo ra một hình ảnh tích cực và thu hút được sự quan tâm của đối tượng khách hàng mục tiêu. Chỉ khi đạt được điều này, marketing giáo dục mới có thể thực sự góp phần trong việc xây dựng một môi trường học tập tốt cho học sinh.

Kết luận

Marketing là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và tăng số lượng học sinh đăng ký vào trường học. Để đạt được mục tiêu này, trường học cần có một chiến lược marketing giáo dục toàn diện và sử dụng các công cụ và kênh truyền thông đa dạng để tiếp cận đến đối tượng học sinh, phụ huynh tiềm năng. Đồng thời, tạo sự hài lòng trong công tác chăm sóc học sinh, coi học sinh và phụ huynh như những khách hàng của mình và đó sẽ là yếu tố quan trọng để duy trì và tăng cường thương hiệu của mỗi trường học.

Chú thích:
1. Theo khảo sát của tác giả với 1.000 phụ huynh học sinh trường phổ thông tư thục và sinh viên 3 trường đại học tại Hà Nội, năm học 2022 – 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Quang Hiếu. Vận dụng marketing vào lĩnh vực giáo dục đại học.  Tạp chí Đại học Hồng Đức, số 37 (2018).
2. Đỗ Minh Ngọc. Marketing giáo dục đại học – góc nhìn từ quan điểm hướng về khách hàng. Tạp chí Tài chính – Quản trị kinh doanh, số 22/06-2021.
3. Tim Mazzarol  (1998). Critical success factors for international education marketing.
4. Richard M. Canterbury (2008). Higher Education Marketing: A Challenge.
ThS. Vũ Thị Bích Ngọc
Khoa Quản trị kinh doanh – Học viện Phụ nữ Việt Nam