Nâng cao nhận thức về y đức của đội ngũ cán bộ y tế góp phần quan trọng trong khám, chữa bệnh 

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong mỗi con người, có hai yếu tố cơ bản để thể hiện, ứng xử với xã hội là tài năng và đạo đức. Đối với ngành Y tế, ngoài tài năng (y thuật) cơ bản cần phải có thì y đức là yếu tố không thể thiếu, tạo nên giá trị và phẩm chất tốt đẹp, cao quý, bền vững của một cán bộ y tế. Y đức được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận tụy với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, đồng cảm với người bệnh. Trong phạm vi bài viết, tác giả làm rõ thực trạng vấn đề nhận thức về y đức và những kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức về y đức của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Thái Bình hiện nay.
Ảnh minh họa (benhvienvietduc.org).
Đặt vấn đề

Y đức là phẩm chất cao quý nhất của người làm nghề y; là yếu tố nền tảng tạo nên nhân cách của đội ngũ cán bộ y tế (CBYT); đồng thời là kim chỉ nam cho mọi hành động. Y đức của đội ngũ CBYT được bổ sung, hoàn thiện cùng với sự phát triển của y học và xã hội. Đội ngũ CBYT có y đức và chuyên môn tốt sẽ góp phần quan trọng đem lại sức khỏe, sự sống cho con người, ngược lại nếu CBYT có chuyên môn tốt nhưng yếu kém, hạn chế về y đức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh làm suy giảm uy tín của bản thân và những người làm nghề y. Để làm tròn bổn phận của mình, đòi hỏi đội ngũ CBYT tất yếu phải được tiếp tục bồi dưỡng y đức, xác định rõ vai trò của mình đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân – đây là vấn đề cấp bách, quan trọng, cần thiết đặt ra. Những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh Thái bình luôn quan tâm vấn đề nâng cao nhận thức y đức cho đội ngũ CBYT của tỉnh.

Nhận thức về y đức của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Thái Bình

Khi nói về y đức ở nước ta, câu nói được trích dẫn nhiều nhất là “Lương y như từ mẫu”. Từ lâu, “lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi đạo đức của nghề y, bởi vì nghề y là nghề rất đặc biệt. Chính vì vậy, “lương y như từ mẫu” hay “thầy thuốc giỏi phải giống như mẹ hiền” chính để nhấn mạnh điều kiện phải có của người thầy thuốc. Thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, họ phải sự tận tụy và lòng thương người mới xứng đáng được gọi là thầy thuốc. Một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách, nhất là vô cảm  có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp được cho thân nhân người bệnh.

Để nắm được thực trạng vấn đề nhận thức về y đức của đội ngũ CBYT của tỉnh, tác giả đã tiến hành khảo sát đối với 860 CBYT của tỉnh Thái Bình (qua phiếu khảo sát, phiếu hỏi) về các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, mức độ nhận thức về sở thích của đội ngũ CBYT đối với một số nghề.

Với câu hỏi: “Sở thích của anh/chị về một số nghề?” dành cho 860 CBYT được điều  tra. Kết quả “yêu thíchrất yêu thích”cho một số nghề như sau: bác sỹ, y sỹ: 60%; điều dưỡng viên, hộ sinh: 51,5%; kỹ thuật viên: 51,9%; kế toán: 30,3%; kinh doanh: 33,9%; công an: 44,2%; quân đội: 32,7%; dạy học: 29,3%; nghề khác: 7,73%. Từ kết quả này cho thấy: trong 860 CBYT được điều  tra, CBYT thích nghề thầy thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất là 60%. Kết quả này là điều đáng mừng, cho thấy phần lớn CBYT đã chọn và có sự nhìn nhận đúng về nghề. Lựa chọn đó hoàn toàn phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội hiện nay. Với sự lựa chọn đúng đắn đó, mỗi CBYT của tỉnh Thái Bình đã xây dựng cho mình hoài bão, ước mơ, lý tưởng nghề nghiệp, có ý chí, nỗ lực vươn tới lối sống đẹp, sống có ích. Bằng ý chí và nghị lực trên, đội ngũ CBYT đã đạt thành tích cao trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực sự trở thành tấm gương sáng về y đức, về chuyên môn tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Thứ hai, mức độ hiểu biết của đội ngũ CBYT về y đức.

Một nội dung quan trọng chính là sự hiểu biết của đội ngũ CBYT về y đức. Qua phiếu khảo sát với câu hỏi: “Theo anh/chị nói đến y đức là nói đến nội dung nào?“, kết quả ý kiến đồng ý với các nội dung như sau: tinh thần trách nhiệm trong công việc (89,6%); lương tâm nghề nghiệp (86,8%); lòng nhân ái và sự đồng cảm (84,2%); kỹ năng nghề nghiệp (83,2%); thái độ ứng xử (81,4%) và trình độ chuyên môn (80,2%). Kết quả này cho thấy, ý kiến về tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp được đánh giá cao. Điều này chứng tỏ, đối với đội ngũ CBYT khi tham gia thăm khám, điều trị cho người bệnh thì tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là rất quan trọng.

Thứ ba, mức độ nhận thức của đội ngũ CBYT về học tập, phổ biến và quán triệt y đức.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc được học tập, phổ biến và quán triệt y đức đối với đội ngũ , như sau: thường xuyên (68,5%); rất thường xuyên (3,5%); các mức độ khác “thỉnh thoảng”, “hiếm khi”, “không bao giờ” cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao, khoảng 28,0% cho cả 3 nội dung. Như vậy, có thể thấy việc học tập, phổ biến và quán triệt về y đức cho đội ngũ CBYT đã khá cao (trên 70%). Tuy vậy, còn lượng không nhỏ chưa nhận thức đầy đủ và được học tập, phổ biến, quán triệt về y đức. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo chưa thực sự quan tâm; hình thức học tập, phổ biến và quán triệt về y đức chưa đa dạng, phong phú, chủ yếu quán triệt thông qua các văn bản mà chưa thực hiện một cách bài bản, khoa học. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhận thức đúng đắn về vai trò của y đức đối với đội ngũ CBYT.

Thứ tư, mức độ nhận thức về vai trò của y đức đối với đội ngũ CBYT.

Vai trò của y đức đối với CBYT nói chung và đội ngũ CBYT tỉnh Thái Bình nói riêng là hết sức quan trọng, mục tiêu hiện nay của Đảng và Nhà nước là nâng cao y đức phải toàn diện, không chỉ ở thái độ, tinh thần phục vụ, mà còn ở cả trình độ của cán bộ, nhân viên y tế, giúp bệnh nhân cảm thấy yên tâm, thoải mái khi đến khám, chữa bệnh. Y đức của CBYT góp phần quan trọng đối với việc tạo ra niềm tin đối với người bệnh, xây dựng được uy tín của cơ sở y tế, tạo ra mối quan hệ thân thiện, chuyên nghiệp; nâng cao vị thế vai trò nghề nghiệp; giữ gìn phẩm giá, danh dự, lương tâm và nâng cao ý thức trách nhiệm của CBYT. Đối với đội ngũ CBYT tỉnh Thái bình, mức độ nhận thức về vai trò của y đức được thể hiện qua những nội dung cụ thể với kết quả tại bảng 1 như sau:

Kết quả cho thấy: có 90,2% CBYT đồng ý và hoàn toàn đồng ý về vai trò của y đức là góp phần giữ gìn phẩm giá, danh dự, lương tâm và nâng cao ý thức trách nhiệm của CBYT, tạo ra niềm tin đối với người bệnh và toàn xã hội đối với đội ngũ CBYT; có 87,2% CBYT đồng ý và hoàn toàn đồng ý cho rằng, y đức là yếu tố nền tảng trong nhân cách của người CBYT; có 85,0% CBYT đồng ý và hoàn toàn đồng ý cho rằng y đức góp phần nhân đạo hóa đội ngũ CBYT và 83,6% CBYT đồng ý và hoàn toàn đồng ý với vai trò của y đức là nội lực quan trọng để giúp đội ngũ CBYT tự hoàn thiện đức và tài để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Một số tồn tại, hạn chế

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý của lãnh đạo ngành Y tế của tỉnh Thái Bình còn có sự nhận thức chưa đầy đủ và thống nhất về vấn đề y đức. Hoặc là chỉ chú trọng đến phát triển đến chuyên môn mà bỏ qua vấn đề y đức; hoặc là chỉ quan tâm đến y đức của người CBYT mà chưa có sự đầu tư thích đáng. Còn hiện tượng lạm dụng chính sách xã hội hóa y tế trong khám chữa bệnh. Đơn cử: trang thiết bị của bệnh viện, như: máy chụp, chiếu… đầu tư bằng ngân sách nhà nước được sử dụng thường xuyên, ổn định nhưng từ khi máy móc tư nhân đưa vào dưới hình thức xã hội hóa thì máy móc của Nhà nước thường xuyên xảy ra tình trạng hỏng hóc, sửa chữa, bắt buộc người bệnh phải sử dụng máy móc của tư nhân và gánh nặng tài chính đè nặng lên người bệnh và gia đình họ. Điều này, cũng làm cho y đức của đội ngũ CBYT tỉnh Thái Bình được xã hội nhìn nhận méo mó đi. Một số cơ sở y tế công lập quá chú trọng đến việc mở các loại hình dịch vụ tự nguyện góp phần nâng cao doanh thu giúp các cơ sở y tế có thể đầu tư nhiều hơn để xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao thu nhập cho đội ngũ CBYT. Nhưng mặt hạn chế đó là dẫn đến tình trạng xao nhãng, không tận tâm trong công việc, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân khám bảo hiểm y tế, bệnh nhân nghèo, với bệnh nhân khám tự nguyện.

Mặt khác, lãnh đạo một số cơ sở y tế mới chỉ chú trọng đến việc thực hành, giữ vững y đức mà chưa thực sự coi trọng đến lợi ích của đội ngũ CBYT, trong cơ sở y tế. Chưa thực sự tìm ra những giải pháp tích cực nhằm nâng cao thu nhập cho CBYT một cách chính đáng. Chính điều này, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế tư nhân có điều kiện kinh tế tốt hơn, mặt khác chế độ đãi ngộ thấp làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong thời gian qua.

Việc ban hành những văn bản về y đức mặc dù đã được xây dựng nhưng nhiều nội dung còn chưa phù hợp, chưa kịp thời bổ sung những điểm mới cho phù hợp với thực tiễn đất nước và quy tắc về y đức của một số tổ chức y tế trên thế giới, như: quy ước đạo đức ngành Y của Hiệp hội Y khoa thế giới, nguyên tắc đạo đức y khoa (Hội Y học Hoa Kỳ), Tuyên ngôn Genevo, Tuyên ngôn Helsinky…

Nhận thức của một số CBYT còn chưa thật sâu sắc về vai trò của y đức đối với hoạt động nghề nghiệp của mình. Từ hạn chế về nhận thức như trên, dẫn đến trong hoạt động chuyên môn họ chưa thực hiện đúng các nguyên tắc, quy tắc về y đức, các quy trình kỹ thuật và quy chế chuyên môn. Hành vi y đức và quan hệ y đức ở họ bị lệch chuẩn.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.

Sở dĩ còn những tồn tại, hạn chế nhiều về nhận thức về vai trò của y đức và việc thực hiện y đức trong đội ngũ CBYT của tỉnh như phân tích ở trên là do một số nguyên nhân, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về y đức đối với đội ngũ CBYT còn yếu kém; một bộ phận CBYT chưa thấy rõ được vai trò tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện y đức; hình thức, phương pháp nhằm nâng cao y đức cho đội ngũ CBYT hiện nay chưa phong phú, đa dạng, tồn tại nhiều nhược điểm.

Một số kiến nghị, đề xuất

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên y tế nhận thức một cách sâu sắc về ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, từ đó nâng cao trách nhiệm và tình yêu thương, chia sẻ với các đối tượng bệnh nhân. Luôn có tinh thần học hỏi nâng cao chuyên môn, trau dồi đạo đức, lối sống, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Đối với người bệnh và người dân, cần tuyên truyền sâu rộng về những chế độ chính sách, những quy định của ngành Y tế… để người dân hiểu, thông cảm và hợp tác với nhân viên y tế khi tham gia khám, chữa bệnh…

Hai là, tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, nâng chất lượng cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; phát triển các bệnh viện chuyên khoa hiện có và hoàn thiện hệ thống bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; tập trung phát triển một số kỹ thuật mới và hiện đại tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bảo đảm nguồn nhân lực đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng,… Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu; mở rộng liên doanh liên kết, tranh thủ sự giúp đỡ nhân đạo của các tổ chức quốc tế và chuẩn bị cho quá trình hội nhập.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế, thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh; huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để cùng đầu tư mua sắm trang thiết bị; hình thành hệ thống cơ sở y tế tư nhân… Đồng thời, tǎng cường công tác thanh tra và kiểm tra về khám, chữa bệnh; xây dựng các quy trình, quy phạm trong quản lý chuyên môn, đặc biệt đối với những khâu liên quan trực tiếp tới sinh mạng bệnh nhân…

Bốn là, chǎm lo tốt đời sống cán bộ, nhân viên về tinh thần và vật chất, bảo đảm nhà ở tập thể để họ yên tâm tận tình phục vụ người bệnh; xây dựng môi trường bệnh viện lành mạnh, an toàn cho thầy thuốc và bệnh nhân; có chính sách cải thiện chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, chính sách đặc thù nghề nghiệp phải tiếp xúc với bệnh tật dễ bị lây truyền, bị bệnh nghề nghiệp; có chế độ khuyến khích, thu hút đối với nguồn nhân lực cao… Làm tốt công tác thi đua – khen thưởng, kịp thời động viên những tấm gương tận tụy phục vụ người bệnh; đồng thời, xử lý nghiêm minh những biểu hiện thiếu trách nhiệm và gây phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Kết luận

Y đức được coi là yếu tố nền tảng hình thành nên nhân cách của đội ngũ CBYT, là động lực,nội lực quan trọng để giúp họ tự hoàn thiện đức và tài trong sự nghiệp của mình. Nâng cao nhận thức về vai trò y đức đối với đội ngũ CBYT là đòi hỏi khách quan. Vì thế, nhận thức vai trò y đức của đội ngũ CBYT góp phần quan trọng nhằm tạo ra niềm tin đối với người bệnh, xây dựng được uy tín của cơ sở y tế, tạo ra mối quan hệ thân thiện, chuyên nghiệp; nâng cao vị thế, vai trò nghề nghiệp; giữ gìn phẩm giá, danh dự, lương tâm và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ CBYT.

Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khoẻ. H. NXB Chính trị quốc gia, 1997.
2. Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ Y tế ban hành quy định về y đức.
3. Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.
ThS. Hà Kim Hoành
Trường Đại học Y Dược Thái Bình