(Quanlynhanuoc.vn) – Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “… Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”1. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ta đề ra yêu cầu “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”2. Thực hiện yêu cầu của Đảng, để xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp cần thực hiện tốt một số quy định của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong bối cảnh đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Quy định của Nhà nước về mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp trong bối cảnh đổi mới
Mục tiêu chung
Một là, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước3.
Hai là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả ĐTBD, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế4.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Tăng cường biện pháp triển khai thực hiện các chương trình cải cách. Phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Công khai, minh bạch hoạt của các cơ quan hành chính nhà nước. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội5.
Bốn là, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức và tổ chức bộ máy của các cơ sở ĐTBD trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn về tổ chức, bộ máy, cơ cấu hợp lý; có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; không ngừng nâng cao chất lượng bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả6.
Năm là, tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 – 20307.
Một số mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2023 – 2025. Tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài cho khoảng 180 – 200 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ (dưới 45 tuổi) và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương, cụ thể: mỗi năm tổ chức khoảng 4 khóa bồi dưỡng, mỗi khóa có khoảng từ 15 – 17 cán bộ, công chức thuộc đối tượng của Đề án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025”8.
Đến năm 2025. Xây dựng được đội ngũ CBCCVC có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030. Xây dựng được đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% – 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% – 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc9.
Quy định của Nhà nước về nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Nhóm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động ĐTBD; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng CBCCVC trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD). Không ngừng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC là giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước. Quán triệt và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: “học để làm việc”, “làm việc gì thì học để làm việc ấy cho tốt”. Đề cao tinh thần học và tự học; tăng cường nhận thức về trách nhiệm học tập suốt đời, không ngừng nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ CBCCVC. Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội tạo điều kiện và hỗ trợ CBCCVC được cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm làm việc để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.Tất cả các cơ sở ĐTBD có đủ năng lực đều được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia tổ chức bồi dưỡng; CBCCVC được lựa chọn những chương trình bồi dưỡng cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc, vị trí việc làm đang đảm nhận.
Hai là, xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, khoa học. Xây dựng nghị định về ĐTBD CBCCVC phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức và hội nhập quốc tế. Xây dựng thông tư hướng dẫn điều kiện, tiêu chí để các cơ sở ĐTBD tham gia bồi dưỡng CBCCVC. Xây dựng cơ chế đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sử dụng CBCCVC trong việc xác định nhu cầu và cử CBCCVC tham dự các khóa ĐTBD, bảo đảm hiệu quả gắn với yêu cầu công việc; cơ chế khuyến khích CBCCVC học và tự học để đáp ứng yêu cầu trình độ theo quy định, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực làm việc.
Ba là, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống các cơ sở ĐTBD. Nghiên cứu sắp xếp hệ thống các cơ sở ĐTBD CBCCVC theo hướng tinh gọn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quy mô, hình thức ĐTBD,không nhất thiết bộ, ngành nào cũng có cơ sở ĐTBD CBCCVC. Giảng viên các cơ sở ĐTBD phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động thực tiễn quản lý và có năng lực sư phạm. Cơ sở ĐTBD phải xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; bảo đảm sau năm 2020, giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm từ 50% trở lên thời lượng của các chương trình ĐTBD mà cơ sở thực hiện. Có kế hoạch thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm cho giảng viên các cơ sở ĐTBD. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế quy định trách nhiệm đối với ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia giảng dạy cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng, phương pháp và trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ phù hợp với bộ, ngành, địa phương. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng. Xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia trở thành những trung tâm ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực.
Bốn là, biên soạn mới, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng. Quy định các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh CBCCVC về lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng – an ninh bảo đảm tính hệ thống, tính thứ bậc và sự phù hợp với vị trí công tác. Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước hiện đang sử dụng; tiến hành cập nhật, biên soạn lại (nếu cần thiết) bảo đảm tính khoa học, tính ứng dụng của các chương trình; hạn chế tối thiểu sự trùng lặp. Tổ chức biên soạn các chương trình bồi dưỡng về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường, khuyến khích biên soạn những chương trình bồi dưỡng ngắn ngày cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu; kỹ năng theo hướng “cầm tay chỉ việc”.
Năm là, nâng cao năng lực quản lý công tác ĐTBD. Quán triệt nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị sử dụng CBCCVC đối với hoạt động ĐTBD. Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng và phương pháp quản lý cho công chức, viên chức tham mưu quản lý công tác ĐTBD của các bộ, ngành, địa phương.
Sáu là, thực hiện quản lý chất lượng ĐTBD. Nghiên cứu xây dựng và ban hành bộ tiêu chí bảo đảm và đánh giá chất lượng ĐTBD CBCCVC phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đáp ứng thông lệ quốc tế sau năm 2020. Tổ chức đánh giá chất lượng ĐTBD với nhiều, hình thức khác nhau như: đánh giá trong, đánh giá ngoài hoặc thuê cơ quan đánh giá độc lập. Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở ĐTBD CBCCVC thực hiện quản lý chất lượng ĐTBD từ sau năm 2020.
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế. Có cơ chế huy động các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín nước ngoài tham gia giảng dạy cho các khóa ĐTBD CBCCVC, đặc biệt đối với các khóa cập nhật kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nâng cao năng lực hội nhập. Hàng năm, lựa chọn và cử khoảng 500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và giảng viên các cơ sở ĐTBD tham gia các khóa học ở nước ngoài phù hợp với chức danh và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực ĐTBD CBCCVC, như: du học, du học tại chỗ, kết hợp ĐTBD trong nước với học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Tám là, áp dụng các hình thức bồi dưỡng: tập trung, bán tập trung, vừa làm vừa học, bồi dưỡng từ xa phù hợp với mục tiêu, chương trình, nội dung bồi dưỡng. Kinh phí cho ĐTBD CBCCVC được sử dụng theo quy định của pháp luật. Thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động ĐTBD. Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí ĐTBD phù hợp với tình hình, bảo đảm sự chủ động của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng CBCCVC, nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ĐTBD10.
Nhóm nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBCCVC trong việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC và người lao động về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ đối với việc sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, cơ sở ĐTBD nói riêng. Tuyên truyền, quán triệt về sự cần thiết, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu của việc sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới hoạt động của các cơ sở ĐTBD là để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức; chất lượng, hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng, đáp ứng lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị và của chính đội ngũ CBCCVC, người lao động trong cơ sở ĐTBD. Đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị quán triệt cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở ĐTBD.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại hệ thống các cơ sở ĐTBD, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các cơ sở ĐTBD. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản về ĐTBD CBCCVC thống nhất giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
(1) Đối với các cơ sở ĐTBD thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương. Tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu bồi dưỡng của các cơ sở ĐTBD thuộc thẩm quyền quản lý, kể cả các cơ sở ĐTBD của cơ quan, đơn vị trực thuộc. Xác định những nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo trong lĩnh vực bồi dưỡng CBCCVC. Làm rõ nguyên nhân, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí pháp lý đối với các cơ sở ĐTBD CBCCVC trực thuộc đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội. Xây dựng đề án giải thể hoặc sáp nhập, tổ chức lại đối với những đơn vị hoạt động không hiệu quả, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Trường hợp cần thiết, mỗi bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội chỉ thành lập hoặc duy trì tối đa 1 cơ sở ĐTBD (Học viện hoặc trường hoặc trung tâm bồi dưỡng). Đối với những bộ, ngành tổ chức theo ngành dọc; có quy mô bồi dưỡng rộng, đối tượng bồi dưỡng lớn có thể thành lập phân hiệu hoặc phân viện hoặc đơn vị trực thuộc cơ sở ĐTBD tại các khu vực khác nhau, bảo đảm hoạt động hiệu quả, tinh gọn về tổ chức, bộ máy, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.
(2) Đối với các cơ sở ĐTBD thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở ĐTBD trên địa bàn tỉnh, thành phố. Làm rõ những trùng lắp, chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị về chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng CBCCVC; sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Kiện toàn tổ chức và hoạt động của trường chính trị tỉnh, thành phố; sáp nhập hoặc chuyển nhiệm vụ của các cơ sở ĐTBD khác (nếu có) về trường chính trị tỉnh, thành phố. Thống nhất ở cấp tỉnh chỉ có một cơ sở ĐTBD CBCCVC là trường chính trị. Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng việc sắp xếp, tổ chức lại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; rà soát, đề xuất chuyển một số nhiệm vụ bồi dưỡng của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về trường chính trị tỉnh thực hiện.
Ba là, tổ chức lại bộ máy bên trong của các cơ sở ĐTBD.
(1) Đối với cơ sở ĐTBD thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội: đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy; đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị thuộc cơ sở ĐTBD hoạt động không hiệu quả, những đơn vị còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Hạn chế tối thiểu việc thành lập các khoa, bộ môn. Đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, những thuận lợi, khó khăn của cơ sở ĐTBD của từng bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội; đánh giá chính xác mức độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp trong thời gian tiếp theo của cơ sở ĐTBD của từng bộ, ngành.
(2) Đối với cơ sở ĐTBD thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ và thực trạng về tổ chức bộ máy của trường chính trị. Tổ chức lại bộ máy của trường chính trị theo hướng giảm các phòng, ban chức năng; tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng của các khoa chuyên môn hiện có. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển bộ môn giảng dạy về quản lý nhà nước, hành chính công, khoa học lãnh đạo, quản lý trong các trường chính trị tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ và thực trạng về tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Bốn là, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của cơ sở ĐTBD. Rà soát, hoàn thiện đề án hệ thống vị trí việc làm trên cơ sở đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu người làm việc của cơ sở ĐTBD; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo hướng tập trung xây dựng đội ngũ công chức, viên chức quản lý, hạn chế việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu. Lập phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động dôi dư trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm lợi ích tối đa cho người lao động. Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ đội ngũ CBCCVC lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Xây dựng và thực hiện quy định trách nhiệm tham gia giảng dạy các chương trình bồi dưỡng CBCCVC của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Năm là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho cơ sở ĐTBD. Bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng; sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở, vật chất sau khi tổ chức, sắp xếp lại. Nghiên cứu cơ chế quản lý, sử dụng chung cơ sở vật chất hiện có của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cho các cơ quan thuộc cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Sáu là, đổi mới cơ chế hoạt động của cơ sở ĐTBD. Nghiên cứu, đánh giá, xác định nhu cầu bồi dưỡng tổng thể hằng năm và giai đoạn 3 năm, 5 năm của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội. Xác định rõ hình thức, nội dung bồi dưỡng do cơ sở ĐTBD thực hiện hoặc thực hiện xã hội hóa. Xác định và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ; đề xuất chuyển sang tự trang trải kinh phí từ một phần đến toàn bộ theo lộ trình, bảo đảm không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách, kinh phí do Nhà nước cấp.Tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cho các cơ sở ĐTBD trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính. Tăng cường cơ chế phân công, phân cấp và phối hợp trong bồi dưỡng CBCCVC. Có cơ chế, chính sách thu hút các cơ sở giáo dục – đào tạo, viện nghiên cứu tham gia bồi dưỡng CBCCVC.
Bảy là, đổi mới cơ chế tài chính. Nghiên cứu thực hiện giao dự toán ngân sách cho các cơ sở ĐTBD theo phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu bồi dưỡng và chất lượng dịch vụ, trong đó ưu tiên cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nghiên cứu xây dựng đơn giá, định mức chi ĐTBD CBCCVC theo hướng tính đủ chi phí theo lộ trình hợp lý, trên cơ sở đó, từng bước thực hiện chuyển đổi cơ chế phân bổ, giao dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên từ các cơ sở ĐTBD sang các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng CBCCVC. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ do cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng CBCCVC quyết định. Xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, thiết lập môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng trong việc tổ chức bồi dưỡng CBCCVC cho các đối tượng tham gia ĐTBD kể cả các thành phần ngoài nhà nước.
Quy định của Nhà nước về một số trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp
Thứ nhất, Bộ Nội vụ. Đôn đốc, tổng hợp, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD CBCCVC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật thuộc lĩnh vực dịch vụ công theo thẩm quyền, trong đó có lĩnh vực bồi dưỡng CBCCVC. Xây dựng khung giá dịch vụ đối với hoạt động bồi dưỡng CBCCVC theo hướng tính đủ các chi phí trong giá dịch vụ theo lộ trình hợp lý. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quản lý về ĐTBD CBCCVC.
Thứ hai, Bộ Tài chính. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng khung giá dịch vụ đối với hoạt động bồi dưỡng CBCCVC. Nghiên cứu giao dự toán ngân sách theo phương thức giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng và chuyển đổi cơ chế cấp kinh phí ĐTBD cho cơ sở ĐTBD sang cấp cho cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng CBCCVC.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rà soát, đánh giá, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có nhiệm vụ bồi dưỡng CBCCVC.
Thứ tư, các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng đề án tổ chức và hoạt động của cơ sở ĐTBD thuộc thẩm quyền quản lý hoặc đưa nội dung này vào đề án sắp xếp tổ chức của bộ, ngành mình (nếu có) và gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc.
Tổ chức rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ sở ĐTBD đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD CBCCVC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030.
Tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD CBCCVC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, đề xuất với tỉnh ủy, thành ủy. Phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại cơ sở ĐTBD trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Tổ chức rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ sở ĐTBD.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở ĐTBD CBCCVC. Đồng thời, tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD CBCCVC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ sáu, các cơ sở ĐTBD. Đề cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội trong quá trình thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở ĐTBD CBCCVC thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 203011.