(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước thông qua các hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội hướng đến con người, vì con người, trong đó các hoạt động an sinh xã hội là điểm sáng, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế giúp đời”, nhất là trong lĩnh vực y tế của Phật giáo Việt Nam. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong lĩnh vực y tế, tác giả đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động xã hội trong lĩnh vực y tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Những kết quả đạt được của hoạt động xã hội trong lĩnh vực y tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Phật giáo là tôn giáo lấy con người làm trọng tâm, lấy sự hạnh phúc an lạc của con người là mục đích hướng tới. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, là tôn giáo có vai trò đóng góp đặc biệt quan trọng trong công tác chăm sóc, chữa bệnh, cứu người. Phật giáo đối với hoạt động y tế đang ngày một phát huy và ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống người dân, song hành cùng với những chính sách và chương trình an sinh xã hội của Nhà nước. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền của Phật giáo được xây dựng và hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng nhiều lượt thăm khám, chữa bệnh của người dân và hầu hết các cơ sở hoạt động là miễn phí. Điển hình, như: Hệ thống Tuệ Tĩnh đường là hệ thống phòng khám chuẩn trị y học dân tộc của giáo hội Phật giáo đang triển khai rộng khắp với tiêu chuẩn có phòng khám đa khoa và rất nhiều nhà thuốc nam, phòng châm cứu trị liệu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Cà Mau…).
Tại nhiều địa phương, Ban Trị sự Phật giáo cũng đã thành lập nhiều trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, bệnh phong,… Ngoài ra, ở các chùa cũng thành lập nhiều phòng khám chuẩn trị y học cổ truyền khám chữa cho người nghèo, như: Chùa Phước An (Cần Thơ) có thế mạnh chuyên điều trị về xương khớp, gan mật, tiểu đường. Các cơ sở y tế này đã thực hiện khám bệnh, tư vấn, chữa trị bằng phương pháp đặc trưng của y học dân tộc là châm cứu, bấm huyệt, phát thuốc nam cho người bệnh.
Hằng năm, Phật giáo đã giúp đỡ những trường hợp khó khăn, giúp họ giảm bớt gánh nặng do bệnh tật, Giáo hội Phật giáo đã vận động tăng, ni, phật tử, nhà hảo tâm trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài đóng góp. Tại các bệnh viện lớn trên cả nước Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, điển hình như: Bệnh viện K (Hà Nội); Bệnh viện An Bình (TP. Hồ Chí Minh); Bệnh viện Đa khoa Bình Phước; Viện Y học Cổ truyền Bình Phước; Bệnh viện Bà Rịa, Viện Lê Lợi (Vũng Tàu)1… Những suất ăn đơn giản nhưng đã thể hiện tấm lòng nhân đạo, yêu thương chia sẻ đối với mảnh đời khó khăn bất hạnh, nỗi buồn được san sẻ đã góp phần giúp bệnh nhân ở những nơi có ánh sáng Phật pháp lan tỏa thêm ý chí và nghị lực để tiếp tục điều trị tích cực. một phần hỗ trợ cuộc sống cho hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị; một phần nhân rộng tình cảm sâu sắc.
Tổng kết nhiệm kỳ VII (2012-2017), trong toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường và hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông – Tây y kết hợp đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng2.
Tổng kết nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) trong toàn Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 33 phòng khám Đông y châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu và 10 phòng khám Tây y, với 206 lương y, 40 bác sĩ đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.3
Bên cạnh đó, với tinh thần nhập thế, Phật giáo tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS một thời khiến nhiều người hoang mang, đa số bệnh nhân bị gia đình, bạn bè, người thân, cộng đồng kỳ thị, phải trải qua nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, từ sốc, sợ hãi ban đầu cho đến những tình trạng tái phát lo lắng, cảm thấy cô đơn và bị cô lập hoặc chán nản và tự ti. Sự kỳ thị họ gặp phải ngay từ bệnh viện, từ y bác sĩ. Phật giáo đã chung tay cùng Nhà nước trong phòng, chống bệnh dịch thế kỷ HIV/AIDS và xoa dịu nỗi đau của những người không may bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Phật giáo Việt Nam đã thành lập nhiều cơ sở nuôi người nhiễm HIV/AIDS cũng như thành lập các trung tâm tư vấn HIV/AIDS. Đa số người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, chăm sóc tại các cơ sở từ thiện của Phật giáo đều trở lại được tâm lý bình an, xác định chung sống cùng bệnh tật. Dưới sự hướng dẫn của những tình nguyện viên của trung tâm, người nhiễm HIV/AIDS biết cách tự chăm sóc bản thân, hòa nhập cộng đồng và phòng tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Bên cạnh các hoạt động mang tính thường xuyên tại các phòng khám, trung tâm tư vấn, Giáo hội Phật giáo hằng năm tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh từ thiện cho bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi… Đoàn đi do Giáo hội tổ chức gồm tăng, ni và y bác sĩ tại các bệnh viện, góp phần nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác blu trắng”. Nhiều tăng, ni bằng lòng từ bi đã không quản ngại xung phong vào vùng dịch cùng các y bác sĩ cứu chữa người bệnh tại các bệnh viện tuyến đầu trên toàn quốc; không ít tăng, ni nhiễm bệnh và chuyển sinh cõi Phật. Các chùa vận động tín đồ phật tử tích cực tham gia chung tay chia sẻ cùng bà con vùng dịch bằng chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men vào vùng dịch. Sự hiện diện của các tăng, ni sư bên cạnh những người không may qua đời do Covid-19 cầu siêu là niềm an ủi lớn lao với gia đình, người thân. Có thể thấy rằng, sự tham gia của tăng, ni trong đại dịch Covid – 19 có ý nghĩa lớn với người bệnh, gia đình bệnh nhân và cả y bác sĩ đang trong trận chiến chống Covid-19.
Như vậy, hoạt động xã hội trong lĩnh vực y tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang ngày càng mở rộng về quy mô, số lượng các cơ sở khám, chữa bệnh, mô hình đa dạng và linh hoạt, đổi mới trong cách thức tiến hành. Hoạt động y tế của Phật giáo không ngừng đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng người dân, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh thiện nguyện miễn phí cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, những người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Hoạt động y tế của Phật giáo được tổ chức dựa trên sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể chính trị – xã hội; bảo đảm hoạt động theo đúng quan điểm, chủ trương của Phật giáo và đúng theo quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường hiệu hoạt động xã hội trong lĩnh vực giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới
Một là, tăng cường mở các lớp đào tạo cho những người làm công tác y tế (tăng, ni, phật tử) đáp ứng quy định của Nhà nước và nhu cầu của Nhân dân. Đây là nội dung có tính đặc thù của các cơ sở y tế thuộc Giáo hội. Các cơ sở y tế công và tư có điều kiện tuyển dụng đội ngũ nhân sự. Hoạt động của các cơ sở y tế công và tư trên tinh thần trả lương với các mức lương khác nhau. Cho dù có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa hệ thống y tế công và hệ thống y tế tư nhân, nhưng các cơ sở y tế này có quyền yêu cầu về trình độ chuyên môn khi tuyển dụng. Trong khi tại các cơ sở y tế của Giáo hội, đội ngũ nhân sự là các tăng, ni sư được cử theo học tại các trường đào tạo y, dược, đông y nhưng số lượng có bằng cấp chính thống về y, dược còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Do đó, tại một số cơ ở y tế của Giáo hội vẫn còn có nhân lực làm việc nhưng chưa được đào tạo chính thống về nghề y, dược học, các tăng, ni làm việc trên tinh thần tự nguyện. Do đó, việc có thêm các khóa đào tạo giảng sư chuyên môn về y, dược, đông y cho các tăng, ni trong ngắn hạn, chuyên sâu, cho đội ngũ đang hoạt động tình nguyện tham gia đóng góp công sức tại các phòng khám, chữa bệnh của cơ sở y tế Phật giáo là cần thiết để tăng cường đội ngũ nhân sự cho hoạt động y tế cơ sở của Phật giáo.
Hai là, cần đẩy mạnh mở rộng nhiều cơ sở hoạt động y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, hỗ trợ và tư vấn cho người dân. Giáo hội cần nghiên cứu để xây dựng nhiều trung tâm, bệnh viện Phật giáo với đầy đủ phòng khám chuyên khoa, đa khoa, đầy đủ đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất và máy móc hiện đại cùng với phương pháp chữa trị Tây y kết hợp với Đông y; theo đó, cần xác định khung pháp lý rõ ràng, cụ thể, thủ tục pháp lý, chính sách đất đai, chính sách thuế… theo quy định chung của pháp luật.
Ba là, đẩy mạnh huy động tài chính và sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động là biện pháp quan trọng để ổn định và phát triển hoạt động y tế của Giáo hội.
Mặc dù hiện nay việc điều trị chủ yếu dùng phương pháp và chữa trị bằng thuốc y học cổ truyền, nguồn thuốc nam tự trồng do phương pháp này ít tốn kém, nhưng với nhu cầu tăng nhanh của người bệnh, đòi hỏi các cơ sở cần phải có nguồn lực ổn định và bảo đảm để giúp duy trì và phát huy hiệu quả cao nhất.
Hoạt động y tế của Giáo hội là hoạt động từ thiện nên lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính huy động. Vì thế, sự tham gia vào cuộc để hỗ trợ xây dựng nguồn lực tài chính để duy trì ổn định và nâng cao hiệu quả cho các cơ khám bệnh là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Sự quan tâm, tạo điều kiện của các ban, ngành cùng các tổ chức xã hội, các “mạnh thường quân” không chỉ là những hành động chia sẻ thiết thực vì một xã hội chung mà còn là hành động làm đẹp bản sắc văn hóa dân tộc “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.