Phạm Vân Anh
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn ) – Khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” lần đầu tiên xuất hiện ở các văn bản pháp luật của Việt nam là trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Mặc dù khái niệm”người tiêu dùng dễ bị tổn thương” chưa được thống nhất trên bình diện quốc tế, nhưng trên thế giới, các chính phủ đã xem xét hài hòa quy định quốc gia với quốc tế để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng trong môi trường giao thương quốc tế. Nghiên cứu lựa chọn phân tích bài học kinh nghiệm thành công từ một cách định nghĩa “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” – khái niệm của Liên minh châu Âu. Từ đó, đề xuất một số giải pháp xác định rõ ràng và toàn diện hơn khái niệm các nhóm dễ bị tổn thương, định nghĩa “người tiêu dùng bình thường” và “người tiêu dùng mục tiêu” để có cơ sở tham chiếu tốt hơn bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế.
Từ khóa: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương; người tiêu dùng mục tiêu; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Liên minh châu Âu.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam định nghĩa “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” bằng cách xác định đặc điểm và liệt kê những nhóm người cụ thể. Tuy cách tiếp cận này tạo ra sự rõ ràng nhưng tạo ra sự cứng nhắc khi áp dụng luật1. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra hướng dẫn chi tiết khắc phục hạn chế này. Để xây dựng văn bản pháp quy nhanh chóng, tham khảo những mô hình đã được áp dụng thành công trên thế giới là một cách thức hiệu quả vừa giúp Việt Nam hoàn thiện pháp luật quốc gia, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở cấp độ quốc tế.
Tính đến nay, trong số ít các văn bản quốc tế đưa cách xác định khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”, nổi bật nhất là định nghĩa của Liên minh châu Âu (EU) năm 2005. Định nghĩa của EU tiếp cận khái niệm này theo đặc tính của nhóm người giống như cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam và được đánh giá cao bởi các cơ quan, tòa án của quốc tế và quốc gia, các chuyên gia và học giả. Phân tích khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” của EU, cùng những bình luận xung quanh, rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng pháp luật Việt Nam trong tương lai gần.
2. Các cách tiếp cận khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trên thế giới
Khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” xuất hiện trong các văn bản quốc tế với thuật ngữ tiếng Anh “vulnerable consumer”. Hầu hết các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều đồng thuận về việc cần giành sự bảo vệ cao hơn cho “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” so với những tiêu chuẩn thông thường nhưng chưa có một sự nhất quán về cách xác định nhóm người này2. Liên hiệp quốc sử dụng thuật ngữ “vulnerable and disadvantaged consumer” trong Hướng dẫn về Bảo vệ người tiêu dùng năm 2015 chỉ để nêu ra sự cần thiết của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi, mà không định nghĩa khái niệm này3. Ở cấp độ khu vực, các văn bản pháp lý của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ đề cập đến cụm từ “vulnerable consumer” trong định hướng tăng cường bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương thay vì định nghĩa cụm từ này. Trong phần Từ điển (Phụ lục) của Cẩm nang Luật và Quy định Bảo vệ Người tiêu dùng ASEAN 2021, ASEAN cũng nhấn mạnh không có định nghĩa tiêu chuẩn nào cho thuật ngữ này4.
Thế giới hiện nay có hai cách tiếp cận chính với khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”5. Cách tiếp cận đầu tiên xác định và phân loại người tiêu dùng dễ bị tổn thương dựa đặc điểm chung của nhóm người cụ thể (class-based vulnerability)6. Về lý thuyết, một số đặc điểm nhất định của cá nhân (thu nhập thấp, sự hạn chế về ngôn ngữ hoặc tình trạng sức khỏe) có thể làm tăng hoặc tạo ra sự “dễ bị tổn thương” cho người tiêu dùng. Cách tiếp cận thứ hai cho rằng, tất cả người tiêu dùng trong những tình huống cụ thể đều có thể trở thành người tiêu dùng dễ bị tổn thương (state-based vulnerability)7.Theo đó, tính “dễ bị tổn thương” không phải là đặc tính cố định của người tiêu dùng mà có thể là tình trạng tạm thời, chỉ diễn ra trong thời gian phát sinh giao dịch gây tranh chấp. Vì vậy, cách tiếp cận này sẽ xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương dựa trên yếu tố cá nhân và tình tiết cụ thể của từng vụ việc.
Đa số các quốc gia đưa ra khái niệm người tiêu dùng dễ bị tổn thương đều chọn cách tiếp cận đầu tiên. Ưu điểm cách tiếp cận này là tính rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, cách tiếp cận dựa đặc điểm chung của nhóm người cụ thể thường không thể áp dụng cho những trường hợp đặc biệt ngoại lệ, giảm khả năng mang lại sự công bằng cho người tiêu dùng trong hoàn cảnh khó khăn. Do đó, các quốc gia chọn các tiếp cận đầu tiên cần có những giải pháp để nâng cao tính linh hoạt của khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”.
3. Khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trong pháp luật Việt Nam
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng dễ bị tổn thương được định nghĩa chung là “người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ” (Khoản 1 Điều 8). Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương được xác định trên ba yếu tố: (1) nhóm người có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi; (2) khía cạnh chịu bất lợi bao gồm tiếp cận thông tin; sức khỏe; tài sản và giải quyết tranh chấp; (3) tính dễ bị tổn thương được xác định tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ngoài yếu tố thứ ba về thời điểm xác định tính dễ bị tổn thương của người tiêu dùng hợp lý và bảo đảm sự bảo vệ toàn diện cho nhóm người yếu thế, hai yếu tố còn lại của định nghĩa đều tồn tại những hạn chế.
Trước hết, khái niệm xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi. Điều này đặt nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong sự so sánh với “người tiêu dùng bình thường” – những người không bị hạn chế về sức khỏe thể chất, tinh thần hay các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn chung. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có định nghĩa “người tiêu dùng bình thường” làm yếu tố tham chiếu, khiến cho sự so sánh này chưa được rõ ràng. Bên cạnh đó, luật cũng chỉ ra sự tác động bất lợi này chỉ cần ở mức độ “khả năng”, không nhất thiết “thực tế” diễn ra. Nghĩa là định nghĩa tồn tại trên cơ sở giả định đặc tính chung của nhóm người, không xem xét đến khác biệt về nhận thức cụ thể của từng cá nhân.
Hai là, các khía cạnh chịu bất lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm: tiếp cận thông tin; sức khỏe; tài sản và giải quyết tranh chấp. Những đặc điểm hạn chế này dù không đến mức ảnh hưởng năng lực hành vi dân sự của người tiêu dùng, và tính hợp pháp của giao dịch dân sự nhưng thực tế có thể biến họ trở thành nạn nhân của các giao dịch không công bằng. Tuy các khía cạnh định nghĩa nêu ra đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng khả năng đưa ra quyết định hợp lý của người tiêu dùng nhưng không phải là những khía cạnh duy nhất. Có những yếu tố như quốc tịch, văn hóa hay niềm tin tôn giáo… cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhóm người tiêu dùng trong hoàn cảnh nhất định. Việc liệt kê các khía cạnh này một cách cụ thể mà không kèm theo quy định mở đang hạn chế khả năng áp dụng khái niệm này một cách công bằng trong thực tế.
Bên cạnh đó, phần sau định nghĩa chọn liệt kê danh sách 7 nhóm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” như một phần của khái niệm. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 giới hạn định nghĩa “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trong khuông khổ 7 nhóm người, không kèm theo quy định mở cho các văn bản dưới luật hay cơ quan tư pháp có thể bổ sung thêm các trường hợp có thể chưa xuất hiện hoặc chưa được gọi tên tính đến thời điểm hiện tại.
Một hạn chế nữa trong danh sách 7 nhóm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” là cách pháp luật Việt Nam miêu tả các nhóm người này. Trừ nhóm “phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi”, việc xác định các nhóm người tiêu dùng khác đều phải quy chiếu đến quy định của các luật khác liên quan: “người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật…” (Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023) Một số trường hợp, văn bản tham chiếu chỉ dừng ở cấp độ Luật và đủ rõ ràng để áp dụng như nhóm người tiêu dùng là trẻ em. Tuy nhiên, việc xác định một số nhóm người tiêu dùng khác cần tham chiếu đến văn bản dưới luật, như: người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số… Đặc biệt, trường hợp người tiêu dùng sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn văn bản hướng dẫn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và khó lựa chọn văn bản chính thức để tham chiếu8. Điều này hạn chế khả năng người tiêu dùng xác định được họ có thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hay không và có những quyền lợi hợp pháp gì trong giao dịch tiêu dùng. Riêng trường hợp nhóm người cao tuổi, sự hài hòa giữa quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng là một vấn đề cần xem xét. Người cao tuổi theo quy định của điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 “là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Theo đó, người tiêu dùng là người nước ngoài từ đủ 60 tuổi trở lên không thuộc khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” theo luật Việt Nam. Đây là sự không nhất quán khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 không quy định hạn chế quốc tịch của người tiêu dùng được bảo vệ ở những phần khác của luật
Vấn đề nữa cần được bàn tới là việc thiếu cơ chế linh hoạt xác định nhóm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trong pháp luật Việt Nam. Việc xác định nhóm người tiêu dùng tiếp cận dựa trên những đặc tính cụ thể có thể loại bỏ những trường hợp hoàn cảnh cụ thể của vụ việc tạo nên tính dễ bị tổn thương cho người tiêu dùng, đặc biệt khi sự phát triển của công nghệ đang thường xuyên tạo ra những tình huống pháp lý mới trên thị trường số. Ví dụ, người tiêu dùng không biết tiếng Việt bị hạn chế về khả năng tiếp nhận thông tin khi mua hàng hóa, dịch vụ tại các website của Việt Nam. Khi khái niệm không đủ độ bao quát, tòa án và các cơ quan hành pháp sẽ thiếu cơ sở pháp lý dể bảo vệ người tiêu dùng trong hoàn cảnh cụ thể.
4. Khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” theo pháp luật Liên minh châu Âu
EU sử dụng thống nhất thuật ngữ “vulnerable consumer” trong các văn bản pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: Chỉ thị 2005/29/EC về Hành vi thương mại không lành mạnh (The Unfair Commercial Practices Directive), Chỉ thị 2011/83/EU về Quyền của người tiêu dùng (the Consumer Rights Directive), Chỉ thị trong lĩnh vực năng lượng9, tài chính10 và thực phẩm11. Trong số đó, Chỉ thị 2005/29/EC và Chỉ thị 2011/83/EU dù chưa đưa ra một khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” thống nhất nhưng đã quy định rõ các yếu tố xác định nhóm người này. Khoản 3 điều 5 của Chỉ thị 2005/29/EC và mục 34 phần mở đầu của Chỉ thị 2011/83/EU đã đề cập đến “một nhóm người xác định dễ bị tổn thương bởi hành vi hay sản phẩm cơ bản do sự yếu đuối của họ về tinh thần và thể chất, tuổi tác và sự cả tin; và thương nhân, một cách hợp lý, có thể thấy trước được điều đó (tính dễ bị tổn thương của nhóm người này)”12. Như vậy, khái niệm EU tập trung vào ba yếu tố miêu tả: (1) nhóm người xác định được (identifiable); (2) sự hạn chế về tinh thần và thể chất, tuổi tác và năng lực đánh giá; và (3) thương nhân có thể thấy trước tính dễ bị tổn thương của người tiêu dùng.
Thứ nhất, nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cần có sự xác định rõ ràng. Ví dụ, trong một vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch từ xa qua điện thoại năm 2012, Tòa án Hành chính Tối cao của Bulgari tuyên bố người tiêu dùng trên 75 tuổi trở lên là nhóm người dễ bị tổn thương có tiêu chí xác định rõ ràng13. Qua đó, cho thấy EU chú trọng giảm thiểu sự mơ hồ và đa nghĩa trong việc định nghĩa nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, giúp tăng hiệu quả áp dụng của pháp luật.
Thứ hai, những đặc điểm tạo nên tính dễ bị tổn thương của người tiêu dùng, bao gồm: vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần, độ tuổi và năng lực đánh giá. Hướng dẫn áp dụng Chỉ thị về Hành vi thương mại không lành mạnh của Ủy ban EU năm 2021 (Hướng dẫn Chỉ thị) tạo ra cơ sở pháp lý áp dụng linh hoạt những đặc điểm vào vụ việc cụ thể. Ví dụ, hạn chế sức khỏe của người tiêu dùng không nhất thiết chỉ nói tới người khuyết tật, người có bệnh lý mãn tính hoặc bệnh lý nghiêm trọng. Trong một vụ việc thực tế năm 2013, Tòa án Hành chính Tối cao của Czech phán quyết người bị bệnh cúm hoặc cảm lạnh cũng có thể xác định là nhóm người dễ bị tổn thương trong một vụ việc liên quan đến sản phẩm chức năng được quảng cáo để nâng cao hệ miễn dịch. Tòa án Cezch cho rằng quảng cáo này tập trung vào nhóm người đang bị ốm với khả năng đánh giá tình huống kém hơn và cả tin hơn những người khỏe mạnh14. Đặc biệt, đặc điểm thứ ba – “sự cả tin” – được đánh giá là “tham vọng”15 và tạo ra cơ chế mở để xác định nhóm người tiêu dùng yếu thế. Hướng dẫn Chỉ thị xác định “sự cả tin” xuất hiện khi một nhóm người, do các trải nghiệm cá nhân (nghề nghiệp, thu nhập, khu vực địa lý,..) và trong những hoàn cảnh cụ thể16, dễ bị thuyết phục tham gia một giao dịch tiêu dùng bất lợi cho họ và trở nên yếu thế hơn so với thông thường17.
Thứ ba, tính “dễ bị tổn thương” của người tiêu dùng phải là yếu tố nhận diện được khi thương nhân thực hiện hành vi thương mại. Nếu người tiêu dùng cả tin hoặc thiếu hiểu biết hơn so với tiêu chuẩn chung thì dù người tiêu dùng tham gia giao dịch tiêu dùng do nhận thức hạn chế của họ thì thương nhân sẽ không phải chịu trách nhiệm18. Điều này mang lại tính công bằng cho cả thương nhân trong quan hệ pháp luật với người tiêu dùng.
Như vậy, Hướng dẫn Chỉ thị đã khắc phục được một phần không nhỏ những hạn chế trong cách tiếp cận khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” thông qua đặc diểm của nhóm người. Bên cạnh đó, để giúp tòa án quốc gia và cơ quan hành pháp có thể linh hoạt khái niệm này trong những trường hợp đặc biệt, EU hoàn thiện khái niệm “người tiêu dùng bình thường” và “người tiêu dùng (bình thường) mục tiêu” làm cơ sở tham chiếu. “Người tiêu dùng bình thường” là những người “thông thường được thông tin đầy đủ, có sự quan sát và thận trọng” trong quan hệ tiêu dùng, xem xét đến các yếu tố về văn hóa, xã hội và ngôn ngữ (mục 18 Phần mở đầu Chỉ thị 2005/29/EC)19. Từ đó, những nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương hơn “người tiêu dùng bình thường” sẽ có cơ chế bảo vệ cao hơn. Còn khái niệm “người tiêu dùng mục tiêu”20 xuất hiện trong trường hợp hành vi thương mại của thương nhân hướng tới một nhóm người tiêu dùng cụ thể. Khi đó, tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng mục tiêu sẽ dựa trên các đặc điểm cụ thể của nhóm người này, không dùng tiêu chuẩn chung cho “người tiêu dùng bình thường”. Khái niệm này tăng khả năng bảo vệ người tiêu dùng trong nhiều hoàn cảnh cụ thể và chứng minh tính hiệu quả trên thực tế. Báo cáo của Ủy ban EU cho thấy cơ quan hành pháp và tư pháp của các quốc gia áp dụng khái niệm “người tiêu dùng mục tiêu” thường xuyên” trong các vụ việc liên quan người tiêu dùng yếu thế21.
Trong 20 năm áp dụng, nhờ sự linh hoạt trong cách giải thích và việc áp dụng song song khái niệm “người tiêu dùng bình thường” và “người tiêu dùng mục tiêu,” Ủy ban cho rằng khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” vẫn đảm bảo hiệu quả thi hành và chưa cần thiết phải thay đổi22.
5. Một số kiến nghị hoàn thiện khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trong pháp luật Việt Nam
Từ những hạn chế được chỉ ra và học tập từ kinh nghiệm của EU, khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cần được nhận diện rõ ràng và bao quát hơn bảo đảm khả năng áp dụng linh hoạt trong nhiều trường hợp cụ thể.
Các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cần làm rõ các đặc điểm xác định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định của luật. Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, giảm thiểu sự tham chiếu từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 tới các văn bản pháp luật khác là cần thiết. Những trường hợp một khái niệm cần tham chiếu đến nhiều hơn hai văn bản pháp luật thì cần hợp nhất và đồng bộ những quy định đó trong một văn bản hướng dẫn duy nhất sẽ tạo điều kiện người tiêu dùng hiểu và áp dụng luật tốt hơn. Đặc biệt với những khái niệm “người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn” thì nên có văn bản hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những trường hợp khác nếu cần thiết tham chiếu đến những văn bản chuyên ngành, Chính phủ và các cơ quan hành pháp cần có hướng dẫn giúp người tiêu dùng và các bên liên quan lựa chọn văn bản tham chiếu phù hợp, thống nhất cách hiểu trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” cần được quy định linh hoạt hơn, để đảm bảo không bỏ sót những đối tượng cần được bảo vệ trong thực tế. Đầu tiên, luật nên bổ sung quy định mở liệt kê thêm bên cạnh 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương: “Người tiêu dùng khác có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật”. Điều này trao thêm quyền quy định những trường hợp người tiêu dùng dễ bị tổn thương cho Chính phủ và cơ quan hành pháp, tạo điều kiện pháp luật nhanh chóng bắt kịp với những thay đổi của thị trường. Thêm vào đó, với việc công nhận án lệ như một nguồn quan trọng của pháp luật Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 cũng cần xem xét vai trò giải thích của Tòa án trong các vụ việc cụ thể liên quan đến những khái niệm phức tạp như “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”.
Mặt khác, văn bản hướng dẫn luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bổ sung những khái niệm “người tiêu dùng bình thường” và “người tiêu dùng mục tiêu.” Khái niệm “người tiêu dùng bình thường” cần được xác định dựa trên khả năng nhóm người này thông thường được thông tin đầy đủ, có khả năng phân tích và đưa ra quyết định hợp lý trong quan hệ tiêu dùng. Khái niệm này là cơ sở tham chiếu giúp làm rõ thêm khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương,” giúp xác định đúng và linh hoạt trường hợp người tiêu dùng yếu thế nhưng chưa có cơ chế bảo vệ riêng trong luật. Trong khi đó, khái niệm “người tiêu dùng mục tiêu” xuất hiện khi thương nhân thực hiện một hay một loạt hành vi thương mại hướng tới một nhóm đối tượng người tiêu dùng cụ thể. Người tiêu dùng mục tiêu thường sẽ xuất hiện trong một hoặc một số loại giao dịch cụ thể. Họ không chịu nhiều bất lợi như nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhưng gặp nhiều bất lợi hơn người tiêu dùng bình thường. Với vị trí vốn yếu thế trong quan hệ tiêu dùng, nhóm khách hàng mục tiêu dễ bị dẫn dắt bởi các thông tin sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thương nhân thiết kế mời gọi họ và đưa ra những quyết định tiêu dùng không sáng suốt. Do vậy, khái niệm “người tiêu dùng mục tiêu” không nhằm đặt ra một tiêu chuẩn bảo vệ cao hơn cho nhóm người này (ví dụ như giảm yêu cầu về nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng), mà hướng tới điều chỉnh hành vi của thương nhân. Từ đó, việc quy định thêm tiêu chuẩn cho thương nhân trong quan hệ với người tiêu dùng mục tiêu góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn tại Việt Nam. Tóm lại, nếu bổ sung hai khái niệm “người tiêu dùng bình thường” và “người tiêu dùng mục tiêu” sẽ giúp hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương và yếu thế, bảo đảm tính khái quát và áp dụng linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
6. Kết luận
Thuật ngữ “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” được đưa vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngnăm 2023 ở Việt Nam được đánh giá như một bước tiến lớn trong nhận thức và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thiếu những hướng dẫn cụ thể, việc áp dụng khái niệm này vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cần sớm đưa ra hướng dẫn thích hợp cho khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” để tạo sự linh hoạt và công bằng trong việc áp dụng luật. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phạm vi khái niệm “người tiêu dùng dễ bị tổn thương” ngày càng mở rộng và trở nên khó xác định. Do đó, các quy định pháp luật và nghiên cứu pháp lý trong tương lai về nhóm đối tượng này cần cập nhật và dự đoán các thay đổi thường xuyên của khoa học, công nghệ để đưa ra một khái niệm hoàn thiện và tạo ra một cơ chế bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Chú thích:
1. Nhận diện rõ hơn, sát hơn nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76254, ngày 20/12/2023
2. Kaprou, E. (2019). The current legal definition of vulnerable consumers in the UCPD: benefits and limitations of a focus on personal attributes’, tr.1, truy cập tại https://bura.brunel.ac.uk/bitstream/2438/19635/5/FullText.pdf ngày 18/12/2023
3. Shivani Sothi, R., Lee, H., & Gledhill, A. (2019). Identifying and Responding to Consumer Vulnerability. Intergovernmental Group of Experts on Consumer Law and Policy (IGE Consumer).
4. Secretariat, A. S. E. A. N. Handbook on ASEAN Consumer Protection Laws and Regulations. Second Edi. Jakarta: The ASEAN Secretariat Community Relations Division (CRD), 2021.
5. Kaprou, E. (2019). The current legal definition of vulnerable consumers in the UCPD: benefits and limitations of a focus on personal attributes’, tr.5 truy cập tại https://bura.brunel.ac.uk/bitstream/2438/19635/5/FullText.pdf ngày 18/12/2023.
6. G.Moschis, J Mosteller, C Kwai Fatt, ‘Research Frontiers on Older Consumers’ Vulnerability’, (2011) 45(3) The Journal of Consumer Affairs 467 – 491.
7. Baker, S. M., Gentry, J. W., & Rittenburg, T. L. (2005). Building Understanding of the Domain of Consumer Vulnerability. Journal of Macromarketing, 25(2), 128-139. https://doi.org/10.1177/0276146705280622
8. Một số văn bản như: Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025…
9. Directive (EU) 2019/944 on common rules for the internal market for electricity; Directive 2009/73/EC concerning common rules for the internal market in natural gas; Directive (EU) 2018/2001 on the promotion of the use of energy from renewable sources.
10. Directive 2014/92/EU on the comparability of fees related to payment accounts, payment account switching and access to payment accounts; Directive 2008/48/EC on credit agreements for consumers; Directive 2014/17/EU on credit agreements for consumers relating to residential immovable property; Directive 2002/65/EC concerning the distance marketing of consumer financial services.
11. Regulation (EC) No 1334/2008 on flavourings and certain food ingredients with flavouring properties for use in and on foods; Regulation (EC) No 1924/2006 on nutrition and health claims made on foods
12. “…a clearly identifiable group of consumers who are particularly vulnerable to the practice or the underlying product because of their mental or physical infirmity, age or credulity in a way which the trader could reasonably be expected to foresee…”
13. Case 1483/2012, Bulgarian Consumer Protection Commission v Bulgarian Telecommunication Company, [2012], Supreme Administrative Court.
14. Case 4 As 98/2013 – 88, Rada pro rozhlasové a televizní vysílání v Omega Pharma, (2013) Nejvyšší správní soud.
15. “… the most ambiguous of the criteria used in the definition of the vulnerable consumer”. Kaprou, E. (2019). The current legal definition of vulnerable consumers in the UCPD: benefits and limitations of a focus on personal attributes’.
16, 17, 18. European Commission, Guidance on the interpretation and application of Directive 2005/29/EC of the European Parliament and of the Council concerning unfair business-to-consumer commercial practices in the internal market, 2021/C 526/01, truy cập tại https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52021XC1229(05) ngày 18/12/2023.
19. “…the average consumer, who is reasonably well-informed and reasonably observant and circumspect, taking into account social, cultural and linguistic factors…”
20, 21,22. European Commission, Commission staff working document – Report of the Fitness Check on EU consumer and marketing law, SWD(2017) 209 final.