Lại Thị Như Quỳnh
Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nêu thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính liên quan đến giấy phép lái xe của lực lượng cảnh sát giao thông công an TP. Hồ Chí Minh và đề xuất một số giải pháp.
Từ khóa: Xử lý vi phạm hành chính, giấy phép lái xe, lực lượng cảnh sát giao thông, công an TP. Hồ Chí Minh.
1. Thực tiễn công tác xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông công an TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, y tế, giáo dục, dịch vụ, du lịch của cả nước và là đầu mối giao thông, giao lưu quốc tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của Việt Nam và khu vực. Hiện nay, với dân số hơn 9 triệu người sinh sống và làm việc, số lượng phương tiện đạt gần 8,5 triệu xe cơ giới (với hơn 7,6 triệu xe mô tô và hơn 0,8 triệu xe ôtô; trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó xu hướng đăng ký xe ô tô ngày càng nhiều); chưa kể số người, phương tiện từ địa phương khác đến lưu trú, ra vào thành phố hoạt động hàng ngày (khoảng trên 01 triệu phương tiện các loại).
Với mật độ dân số và số lượng phương tiện lưu thông rất đông trên tất cả các tuyến đường nhất là vào các khung giờ cao điểm sáng, trưa, chiều nên tình trạng người dân vi phạm các quy định về quy tắc tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến nhất là các hành vi liên quan đến lưu thông không đúng phần đường, lưu thông ngược chiều, đường cấm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, lưu thông trên vỉa hè và các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán kinh doanh.
Để giảm áp lực giao thông, bên cạnh việc Thành phố triển khai nhiều giải pháp như bố trí lệch giờ làm việc, học tập tại một số địa bàn khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học, tổ chức giao thông một chiều trên một số tuyến đường, áp dụng biện pháp cấm lưu thông theo giờ đối với các phương tiện ô tô vận tải hàng hóa, xe 3, 4 bánh… thì Công an Thành phố xác định việc lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện tốt công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn Thành phố góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chấp hành quy tắc tham gia giao thông của người dân còn yếu, chủ quan dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra, như: các lỗi liên quan đến lưu thông không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, tránh vượt sai quy định, không nhường đường ưu tiên, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vi phạm tốc độ, tự gây tai nạn, không chú ý quan sát hoặc nguyên nhân bộ hành qua đường không đúng quy định. Điển hình trong 2 năm (2022, 2023) đã xảy ra 4.692 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 1.034 người, bị thương 3.079 người.
Hiện nay, Công an Thành phố đang tập trung chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng mở nhiều đợt cao điểm xử lý triệt để các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, như: chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia, chất kích thích, lưu thông ngược chiều, đường cấm, không đúng phần đường, chở hàng quá tải trọng, không đội mũ bảo hiểm, xử lý “xe mù, xe mờ”, xe 3 – 4 bánh vi phạm; áp dụng tối đa phương tiện kỹ thuật, tập trung quay phim ghi hình hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, tiến hành trích xuất và gửi thông báo vi phạm về địa phương để người dân chấp hành quyết định xử phạt.
Huy động các lực lượng Cảnh sát khác, như: Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phản ứng nhanh cùng phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, kiểm tra hành chính ban đêm; huy động lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tiến hành tuần tra trên các tuyến đường liên thôn, liên xã để kịp thời phát hiện, xử phạt và ngăn ngừa các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong việc kiểm tra, xử lý tại kho bãi, cảng hàng hóa, phối hợp với các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp vận tải, chủ các kho, cảng hàng hóa ký cam kết không chở hàng quá tải trọng cho phép; tổ chức các trạm cân cố định và lưu động trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp ô tô chở hàng quá tải trọng cho phép.
Kết quả, trong 2 năm (2022, 2023) lực lượng Công an Thành phố đã kiểm tra, xử lý hơn 1,1 triệu trường hợp vi phạm, thu nộp kho bạc hơn 677 tỷ đồng, trong đó xử lý 93.483 trường hợp vi phạm tốc độ, 66.912 trường hợp sử dụng rượu bia khi lái xe; 42.434 trường hợp lưu thông đường cấm, 46.867 trường hợp lưu thông ngược chiều, vượt đèn đỏ, 145.490 trường hợp lưu thông không đúng phần đường, 3.265 trường hợp xe ô tô chở hàng quá tải, 10.327 trường hợp tránh vượt không đúng quy định, 18.258 trường hợp đổi hướng sai quy định, 24.052 trường hợp không có Giấy phép lái xe, 145.490 trường hợp dừng, đỗ xe không đúng quy định; tước Giấy phép lái xe 99.542 trường hợp, tạm giữ 129.057 phương tiện các loại.
Thực tế thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ nhận thấy ngoài các yếu tố chủ quan, cố tình không chấp hành các quy tắc tham gia giao thông, hiệu lệnh của biển báo hiệu đường bộ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia, không có giấy phép lái xe thì còn rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông không hiểu rõ quy định về các biển báo hiệu, các quy tắc về khoảng cách an toàn, chuyển hướng, tránh vượt là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Nguyên nhân của thực tiễn trên có lý do từ việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhất là việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đối với hạng A1 dành cho việc điều khiển phương tiện có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 có tỷ lệ các trường hợp điều khiển phương tiện xe mô tô, gắn máy vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với các trường hợp điều khiển phương tiện ô tô (trong 2 năm (2020, 2021) có hơn 800.000 trường hợp xe mô tô, gắn máy vi phạm trong tổng số hơn 1,1 triệu trường hợp vi phạm bị xử lý). Bên cạnh đó, các trường hợp bị tước giấy phép lái xe từ 03 tháng trở lên không còn áp dụng việc tổ chức học và kiểm tra lại kiến thức Luật Giao thông đường bộ cũng dẫn đến nhiều trường hợp người dân không được học lại các kiến thức liên quan đến hiệu lệnh biển báo hiệu đường bộ (có sự thay đổi theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ từ năm 2016 đến 2019 đã có 02 lần thay đổi), các quy tắc khi tham gia giao thông.
2. Một số giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông công an TP. Hồ Chí Minh
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế kéo giảm tai nạn giao thông thì việc nâng cao ý thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý tình huống của người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông thì cũng kiến nghị Bộ Công an quan tâm một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe hiện đang được Bộ Giao thông vận tải quản lý để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đảm bảo người dân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, hiểu các chỉ dẫn của biển báo hiệu đường bộ, các quy tắc tham gia giao thông an toàn, kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống bất ngờ như sau:
Một là, tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó tập trung sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (là cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) nghiên cứu, ban hành lại quy định về việc phải tổ chức học và kiểm tra lại kiến thức liên quan đến Luật Giao thông đường bộ đối với các trường hợp bị tước Giấy phép lái xe từ 03 tháng trở lên.
Hai là, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, điều chỉnh giáo trình đào tạo kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện theo hướng chuyên sâu hơn (ví dụ như phải đạt số km nhất định thực hành điều khiển phương tiện trên đường mới tiến hành sát hạch và cấp Giấy phép lái xe) do hiện nay rất nhiều trường hợp đã được cấp Giấy phép lái xe tuy nhiên kỹ năng lái xe còn yếu, không đủ khả năng xử lý tình huống phát sinh, sự cố khi lưu thông trên đường. Nghiên cứu quy định về việc quy định thời hạn sử dụng đối với Giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, gắn máy (hạng A1, A2) tương tự như Giấy phép lái xe điều khiển xe ô tô (hiện nay đang quy định có thời hạn sử dụng là 10 năm).
Ba là, Bộ Công an phối hợp Bộ Giao thông vận tải tiến hành kết nối chia sẻ tất cả các dữ liệu dùng chung liên quan đến giấy phép lái xe vào dữ liệu cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe giả và các trường hợp đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe và áp dụng vào quá trình thực hiện các dịch vụ công Quốc gia liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cấp, quản lý giấy phép lái xe./.