ThS. Vũ Xuân Vịnh – ThS. Trần Văn Tuyên
Trường Đại học Giao thông Vận tải
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong thời đại số hiện nay mọi tri thức của nhân loại đều được số hóa giúp mọi đối tượng đều có thể tiếp cận được thông qua một số thiết bị công nghệ có kết nối internet. Đối với sinh viên để học tốt bậc đại học trong thời đại số hóa cần phát huy tính tích cực học tập, qua đó tiếp thu tri thức một cách toàn diện, hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, tính tích cực học tập của sinh viên là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đào tạo trong bối cảnh áp dụng phổ biến phương pháp học tập chủ động bậc đại học hiện nay. Nghiên cứu tập trung đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tính tích cực học tập của sinh viên trong thời đại số hiện nay.
Từ khóa: Tính tích cực học tập; sinh viên; thời đại số.
1. Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu tác động sâu sắc. Thị trường lao động hiện nay có sự thay đổi lớn thông qua việc hạn chế loại hình lao động bằng chân tay, thay vào đó là lao động có trình độ chuyên môn, hiểu biết liên ngành, có trình độ khoa học công nghệ. Để đáp ứng xu thế này, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi ngành giáo dục cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, trong đó giáo dục bậc đại học phải hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc thích ứng cao với sự biến đổi liên tục trong xã hội hiện đại.
Mặt khác, để đáp ứng với khối lượng kiến thức khổng lồ, liên tục biến đổi như hiện nay, cộng với những yêu cầu khắt khe đặt ra của nhà tuyển dụng đòi hỏi sinh viên phải tích cực hóa vai trò hoạt động cá nhân trong quá trình học tập. Sinh viên cần nuôi dưỡng khát vọng hiểu biết, độc lập suy nghĩ, nỗ lực tâm trí trong chiếm lĩnh tri thức khoa học, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, đây chính là yếu tố quyết định trực tiếp chất lượng học tập, nhất là hình thành năng lực tự học, tự bồi dưỡng suốt đời.
2. Vai trò của tính tích cực học tập
Đối với sinh viên đại học, tính tích cực học tập có vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả học tập, giúp sinh viên chiếm lĩnh khối lượng tri thức rộng lớn để phát triển toàn diện bản thân. Trong bối cảnh số hóa hiện nay, việc phát huy tính tích cực học tập giúp sinh viên chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp cho khối lượng tri thức rộng lớn của nhân loại được số hóa, việc tiếp cận những kiến thức của mọi ngành nghề, lĩnh vực,… trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Vấn đề là bản thân từng sinh viên phải tích cực, chủ động trong học tập, tự nghiên cứu để biến những tri thức của nhân loại thành kiến thức, kỹ năng của bản thân.
Tính tích cực học tập giúp sinh viên học tập một cách chủ động, tìm tòi tri thức có chủ đích, sáng tạo; đồng thời, tạo ra hứng thú giúp sinh viên tự học hiệu quả. Tính tích cực học tập tạo ra hứng thú ban đầu về việc học tập cho sinh viên; thúc đẩy sinh viên nỗ lực học tập; tăng hiệu quả của quá trình học tập; hình thành niềm tin vào bản thân, tính tự chủ và thói quen tự giải quyết công việc; giúp sinh viên đào sâu tri thức; tăng cường tính kiên trì của sinh viên trong vượt qua khó khăn khi học tập; giúp sinh viên thích ứng nhanh với những thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, tính tích cực học tập còn giúp sinh viên khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, thậm chí cả sự chán nản trong quá trình học tập.
3. Thực trạng tính tích cực học tập của sinh viên trong thời đại số hóa hiện nay
Tính tích cực học tập là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của sinh viên, do vậy việc đánh giá đúng thực trạng tính tích cực học tập của sinh viên sẽ có giá trị thiết thực trong đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Qua một số nghiên cứu có tiến hành khảo sát về tính tích cực học tập tại một số trường đại học trên cả nước cho thấy, nhìn chung đại đa số sinh viên đều nhận thức rõ về tầm quan trọng của tính tích cực học tập.
Nhiều sinh viên chia sẻ, bậc học đại học khác hoàn toàn với bậc học phổ thông, sinh viên phải tiếp thu những tri thức cơ bản, có tính khoa học cao, khối lượng tri thức lớn. Mặt khác, hoạt động học tập diễn ra tương đối đa dạng cả về nội dung, hình thức, địa điểm học tập,… Điều này đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên về ý thức tự giác, trách nhiệm trong quá trình học tập, nghiên cứu. Hiện nay, nhiều sinh viên rất chủ động, tự giác trong tự học, tự nghiên cứu các kiến thức trên mạng, với kỹ năng tra cứu, tìm hiểu trên mạng internet nhiều sinh viên đã giữ vững và không ngừng cải thiện được kết quả học tập.
Đối với tính tích cực học tập của sinh viên, các nghiên cứu cho thấy các hoạt động học tập trên lớp sinh viên có tính tích cực học tập cao hơn thời gian ngoài giờ lên lớp. Điều này có thể do tác động của môi trường học tập, tâm lý và các yêu cầu, mục tiêu học tập mà giảng viên đặt ra. Thời gian ngoài giờ lên lớp sinh viên được tự do thoải mái nên nếu không tự lên kế hoạch và kiểm soát tốt thì nhiều sinh viên thường sao nhãng việc học tập.
Trong thực tiễn, với yêu cầu học tập ngày càng cao như hiện nay, nhiều sinh viên đã chủ động, tích cực trong tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, sinh viên đã biết cách khai thác hiệu quả các thiết bị công nghệ để tìm tòi, tiếp cận các kiến thức cần thiết, bổ sung thêm cho mình nhiều kiến thức ngoài những kiến thức được giảng viên trang bị trên lớp.
Quá trình học tập trên lớp nhiều sinh viên thể hiện rõ tính tích cực học tập, như: tham gia đầy đủ các giờ học trên lớp; thực hiện các yêu cầu của thầy cô trong lớp học; nghe và suy nghĩ theo bài giảng của thầy cô; tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài học trên lớp; hăng hái trao đổi, tranh luận với giảng viên làm rõ nội dung chưa sáng tỏ; tích cực trao đổi, tranh luận với bạn bè khi làm việc nhóm; kiên trì, trách nhiệm hoàn thành các bài tập được giao trên lớp.
Các biểu hiện về tính tích cực học tập của sinh viên trong thời gian học tập trên lớp thường khác nhau giữa các nhóm sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba và năm cuối. Những sinh viên năm đầu thường mất một khoảng thời gian một học kỳ hoặc cả năm học đầu tiên mới có thể thích nghi được với phương pháp học tập đại học.
Thời gian đầu chưa thích nghi được với phương pháp học tập mới, nhiều sinh viên có biểu hiện chán nản, thiếu tích cực cố gắng trong học tập. Càng về thời gian sau, do có kinh nghiệm và được giảng viên bồi dưỡng, hướng dẫn về phương pháp học tập bậc đại học nên sinh viên trở nên tích cực, chủ động hơn trong quá trình tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức. Tính tích cực trong học tập trên lớp của sinh viên thể hiện chủ yếu thông qua hành vi học tập của sinh viên từ khâu nghe giảng, thực hiện các yêu cầu của giảng viên, đến việc suy nghĩ, phát biểu thảo luận với bạn bè, thầy cô, đến việc giải quyết các bài tập được giao.
Đối với tính tích cực của sinh viên trong hoạt động học tập ngoài giờ lên lớp cho thấy, do không được ấn định và kiểm soát chặt chẽ từ phía giảng viên nên mức độ biểu hiện ở sinh viên thấp. Một số sinh viên chia sẻ rằng, họ thường xuyên truy cập internet phục vụ việc học tập; thường xuyên tìm kiếm các nguồn tài liệu học tập, chương trình học tập ngoài trường.
Thời đại số hóa, cộng với khối lượng kiến thức nhiều, để hoàn thành nhiệm vụ học tập đòi hỏi sinh viên phải tích cực học tập để cập nhật thêm những kiến thức mới. Internet chính là một trong những kênh hiệu quả giúp sinh viên cập nhật, bổ sung kiến thức, làm giàu kiến thức cho bản thân. Cùng với đó, nhiều sinh viên chủ động tham gia vào các câu lạc bộ học tập, qua đó phát triển kỹ năng giao tiếp, tạo ra môi trường học tập năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa thực sự tích cực trong hoạt động tự học, chưa tích cực, tự giác trong tự bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Nhìn chung, sinh viên đại học hiện nay đã có biểu hiện tính tích cực trong hoạt động học tập cả hoạt động học tập trên lớp và ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, về mức độ tính tích cực học tập mới ở mức trung bình, điều này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với khối lượng kiến thức cần trang bị ở bậc đại học. Trên thực tế, học đại học là bậc học yêu cầu tính tích cực tự giác cao ở sinh viên, mặt khác bậc học đại học là một dạng hoạt động trí óc diễn ra khá phức tạp và căng thẳng. Do đó, đòi hỏi cao ở tính tích cực, tự giác và trách nhiệm của sinh viên với hoạt động học tập. Chính vì vậy, cần có những phương hướng, giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy hơn nữa tính tích cực học tập của sinh viên trong hoạt động học tập, đáp ứng xu thế đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo trong thời đại số hóa hiện nay.
4. Đề xuất giải pháp
Thứ nhất, đối với nhà trường
Dưới góc độ của nhà quản lý, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để phát huy tính tích cực học tập của sinh viên. Bản chất của dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của sinh viên phải xuất phát từ nhu cầu, động cơ và điều kiện của bản thân người học.
Đối với sinh viên cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học, nhất là cần chú ý đến trình độ tư duy của sinh viên để tạo ra môi trường học tập tích cực nhất. Chính vì vậy, nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, cung cấp đầy đủ các trang thiết bị cho việc dạy và học của giảng viên, sinh viên. Chú trọng đầu tư xây dựng thư viện số của trường theo hướng hiện đại, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về sách báo, tạp chí… cho sinh viên đọc tham khảo, nghiên cứu.
Để đạt kết quả tốt nhất trong học tập, đòi hỏi sinh viên không những nghiên cứu nội dung sách giáo khoa của môn học mà cần nghiên cứu thêm các tài liệu, các sách báo, tạp chí có liên quan đến môn học. Chính vì vậy, việc trang bị đầy đủ các sách báo, tạp chí… trong thư viện trường cho sinh viên mượn đọc tham khảo là cần thiết. Việc đọc các tài liệu tham khảo, sách báo… không những giúp sinh viên mở rộng thêm kiến thức mà còn giúp sinh viên thấy được ý nghĩa thực tiễn của môn học, từ đó góp phần nâng cao hứng thú và tính tích cực học tập của họ.
Thứ hai, đối với giảng viên
Giảng viên có vai trò rất quan trọng trong khích lệ, phát huy tính tích cực học tập của sinh viên trong quá trình học tập, nhất là thời gian học tập trên lớp. Nếu giảng viên thực hiện tốt các hoạt động giảng dạy, quan tâm thường xuyên tới việc học tập của sinh viên sẽ giúp sinh viên chú trọng và có trách nhiệm cao trong nhiệm vụ học tập. Do vậy, để phát huy tính tích cực học tập của sinh viên trong thời đại số hóa hiện nay giảng viên cần tích cực hóa các hoạt động giảng dạy của bản thân, truyền cảm hứng, động lực học tập cho người học.
Trước hết, giảng viên phải giúp sinh viên xác định và xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Giảng viên cần chuẩn bị giáo án chu đáo trước khi đến lớp. Tăng cường các hình thức dạy học nhóm, trao đổi thảo luận nêu chính kiến của bản thân, điều này sẽ buộc sinh viên phải nghiên cứu tài liệu, phân tích, mổ sẻ các vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể tham gia đóng góp hoặc tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình.
Trong quá trình giảng bài phải kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy cả truyền thống lẫn hiện đại giúp sinh viên tiếp thu bài học hiệu quả nhất. Thường xuyên đưa ra các tình huống có vấn đề để lôi cuốn và tạo hứng thú cho sinh viên trong học tập. Giảng viên chú ý bồi dưỡng phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên, nhất là phương pháp tự học, tự nghiên cứu qua internet trong thời đại số hóa hiện nay.
Trong quá trình giảng dạy trên lớp giảng viên cần làm chủ lớp học, thiết lập bầu không khí thân thiện, tích cực, chủ động giải quyết các tình huống phát sinh bảo đảm phù hợp. Đồng thời, giảng viên cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học nhằm tăng tính trực quan, tạo hấp dẫn cho sinh viên.
Thường xuyên giao bài tập về nhà cho sinh viên để nâng cao ý thức học tập, phát huy khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức trên internet của sinh viên. Ngoài ra, giảng viên cần chú trọng hướng dẫn sinh viên biết cách vận dụng, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày của bản thân, qua đó góp phần tăng hứng thú cho sinh viên trong học tập.
Thứ ba, đối với sinh viên
Sinh viên chính là chủ thể chính trong phát huy tính tích cực học tập, đồng thời cũng là người quyết định tới kết quả học tập của bản thân trong thời gian học bậc đại học. Do đó, từng sinh viên cần chủ động trong rèn luyện tính tự học, đây là yếu tố quan trọng mang tính cốt lõi của tính tích cực học tập. Thời gian đầu mới bước vào học đại học, sinh viên có thể còn nhiều lúng túng, khó khăn về phương pháp, song đây cũng chính là động lực giúp người học tư duy để thoát khỏi những khó khăn, lúng đúng, từng bước thành thạo làm chủ được quá trình chiếm lĩnh tri thức của mình.
Quá trình tự học, tự nghiên cứu của mình, từng sinh viên cần chú trọng đúng mức tới việc đọc sách, cần đọc sách một cách thường xuyên, thông minh để tăng khả năng tiêp thu tri thức, phát triển phương pháp tự học hiệu quả. Đặc biệt, từng sinh viên phải xác định đúng đắn động cơ, thái độ học tập ngay từ đầu, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương pháp học tập khoa học, phù hợp. Sinh viên phải xác định rõ được rằng, trong thời đại số hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, nếu không có vốn kiến thức rộng và kỹ năng tốt thì rất khó để lập nghiệp, do đó phải tích cực hóa hoạt động học tập của bản thân. Thường xuyên tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm về tự học, tự nghiên cứu trên internet của giảng viên và bạn bè để hình thành cho mình năng lực tự học trong thời đại số.
5. Kết luận
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã tác động sâu sắc tới ngành Giáo dục, đòi hỏi các trường đại học nói chung và bản thân sinh viên nói riêng phải tích cực, chủ động trong quá trình học tập để chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực học tập của sinh viên được thể hiện thông qua nhận thức, hành vi của sinh viên trong các hoạt động học tập trên lớp và ngoài lớp học.
Nhìn chung, sinh viên đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của tính tích cực học tập trong nâng cao hiệu quả học tập. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa thực sự chủ động, tích cực và tự giác trong học tập khi không có sự hướng dẫn, quản lý của giảng viên và nhà trường. Thực hiện tốt các giải pháp đề xuất ở trên sẽ giúp sinh viên cải thiện được đáng kể kết quả học tập của bản thân, từng bước hình thành được sự chủ động, tự giác và bản lĩnh học tập, làm việc trước yêu cầu biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. I.F.Khalarmop. Phát huy tính tích cực học tập của học sinh như thế nào. H. NXB Hà Nội, 1978.
3. Nguyễn Thạc. Tâm lý học sư phạm đại học. H. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.
4. Một số giải pháp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/30/mot-so-giai-phap-nang-cao-nang-luc-doi-moi-sang-tao-cua-sinh-vien-hoc-vien-hanh-chinh-quoc-gia/, ngày 30/4/2024.