Phương án đề xuất phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông của ngành Nội vụ tại các địa phương

ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Những năm qua, vai trò của công tác truyền thông của ngành Nội vụ đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn về cung cấp thông tin và đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực cũng như định hướng tích cực đến dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về công tác của ngành Nội vụ. Để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông của ngành Nội vụ tại các địa phương, trước hết cần xác định rõ những mặt được, mặt chưa được, những hạn chế, tồn tại để từ đó tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch hoạt động truyền thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội vụ những năm tới.

Từ khóa: Truyền thông, mạng lưới thông tin, đề xuất phương án, ngành Nội vụ, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ, các địa phương.

1. Nội dung triển khai kế hoạch truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ

Trên cơ sở xây dựng các phương án, kế hoạch đối với các bộ, ngành, lĩnh vực đề đã đề ra, đặc biệt là thực hiện triển khai các quyết định, chỉ thị của trong thời gian qua, việc đẩy mạnh công tác truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, ngày 18/3/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 184/QĐ-BNV ban hành kế hoạch truyền thông về các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ năm 2024, trong đó nêu rõ mục đích và yêu cầu đối với công tác truyền thông, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, phản ánh kịp thời những nội dung, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ về các vấn đề được xã hội quan tâm; đồng thời, chủ động tiếp nhận thông tin phản hồi, phản biện từ người dân, doanh nghiệp để đề xuất xử lý kịp thời; tổ chức truyền tải thông tin về các chính sách có tác động lớn và trực tiếp đến xã hội, được thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo sự đồng thuận xã hội đối với những chính sách, về các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bên cạnh đó, đặt ra những yêu cầu đối với công tác truyền tải thông tin qua việc truyền thông về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ, trước tiên luôn bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát nội dung công tác của Bộ Nội vụ và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024; bảo đảm tính chính xác, chủ động, kịp thời trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận…

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách và Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với mục đích, yêu cầu, nội dung và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới đặt ra cho ngành Nội vụ được xác định cụ thể trong Quyết định số 184/QĐ-BNV ban hành kế hoạch truyền thông về các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ năm 2024, trong đó có 16 nhiệm vụ trọng tâm là:

(1) Đẩy mạnh công tác truyền thông về các sự kiện chính trị – thời sự quan trọng của Đảng, Nhà nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 gắn với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

(2) Tuyên truyền về chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó tập trung vào đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ; chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(3) Đẩy mạnh truyền thông về phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương; việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

(4) Tuyên truyền công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ (đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế); công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã.

(5) Tập trung tuyên truyền mạnh mẽ các văn bản, chính sách có tác động lớn đến xã hội góp phần xây dựng hệ thống pháp luật hiệu quả.

(6) Truyền thông về quá trình xây dựng thể chế, chính sách và các kết quả đạt được, tập trung vào tuyên truyền văn bản hướng dẫn thi hành; Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

(7) Đẩy mạnh cung cấp thông tin, tuyên truyền công tác cải cách công vụ, công chức, mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp, việc đổi mới thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương; các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh nhằm xây dựng chung một chế độ công vụ,…

(8) Tuyên truyền về quá trình triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt là việc hoàn thành toàn bộ dữ liệu chuyên ngành bảo đảm kết nối, liên thông các bộ, ngành, địa phương.

(9) Tăng cường cung cấp thông tin về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần; tiếp tục triển khai mạnh mẽ quy định về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số; việc kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính các bộ, ngành, địa phương.

(10) Tuyên truyền các quy định của pháp luật về văn thư – lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tài liệu điện tử làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ nhằm phát huy tốt giá trị của tài liệu lưu trữ lịch sử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; việc triển khai tích cực Luật Thi đua, khen thưởng; việc triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam; công tác cán bộ nữ; việc quản lý nhà nước về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ.

(12) Truyền thông về công tác đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức theo cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ của Bộ và ngành Nội vụ.

(13) Truyền thông về công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; truyền tải thông điệp, khơi dậy đến các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo tham gia tích cực phát triển kinh tế – xã hội và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo.

(14) Truyền thông về công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau thanh tra, kiểm tra.

(15) Cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước của Bộ.

(16) Tuyên truyền và phổ biến rộng rãi các hoạt động đối ngoại đa phương, mở rộng hợp tác quốc tế tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

Như vậy, các nội dung truyền thông được thực hiện thống nhất về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; tiếp cận thông tin; thông cáo báo chí, họp báo, tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ và lãnh đạo, công chức Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bài viết để đăng tải, phát sóng trên các phương tiện truyền thông,…

2. Đề xuất phát triển mạng lưới thông tin và truyền thông đối với các sở Nội vụ trên cả nước

Hiện nay, truyền thông kỹ thuật số và các thay đổi đột phá trong truyền thông công nghệ hiện đại đã trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, với nội dung phong phú, thông tin cập nhật được sử dụng linh hoạt bằng các hình thức trên nhiều kênh truyền thông. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông là một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Bám sát 16 nội dung triển khai kế hoạch truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ (theo Quyết định số 184/QĐ-BNV) nêu trên, các sở Nội vụ tại các địa phương cần xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, đặc biệt gắn với thực tiễn phù hợp về điều kiện của từng địa phương, trong đó:

a. Mở rộng mạng lưới thông tin – truyền thông của ngành Nội vụ ở các địa phương

Một là, chú trọng phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng xây dựng, phát triển và bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính, chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.

Hai là, phát triển hạ tầng số toàn diện bao gồm hạ tầng băng rộng và các nền tảng, như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử, trong đó hạ tầng di động băng rộng 4G/5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ba là, tiếp tục hoàn thành xây dựng trạm cập bờ của các tuyến cáp viễn thông trên biển và kết nối quốc tế (đối với các tỉnh, thành phố có đường giao thông biển). Xây dựng và nâng cấp tuyến truyền dẫn quang liên tỉnh (bao gồm cả tuyến truyền dẫn dự phòng) thuộc các tuyến… Xây dựng tuyến truyền dẫn quang nội tỉnh bảo đảm dung lượng cao, kết nối liên tỉnh/thành phố, huyện, liên vùng.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng, phát triển Trung tâm chuyển đổi số và Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng, cấp quốc gia nhằm triển khai thí điểm các cơ chế đặc thù về tích hợp dữ liệu, triển khai thống nhất và trên diện rộng các nền tảng số (sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI, IoT…, thúc đẩy kinh tế số các ngành, lĩnh vực.

Năm là, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo hướng sử dụng nền tảng điện toán đám mây, kết nối với nền tảng điện toán đám mây; đồng thời phát triển hạ tầng phục vụ lưu trữ, tính toán và dự phòng, bảo đảm năng lực phục vụ 24/7 cho các ứng dụng dùng chung của chính quyền số, đô thị thông minh. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ công tác điều hành, quản lý và khai thác trực tiếp.

Sáu là, triển khai xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC), quản lý và xử lý tập trung, đa nhiệm để kết nối và phân tích dữ liệu liên ngành, thiết bị đầu cuối IoT.

Bảy là, xây dựng lộ trình giao quyền tự chủ tài chính đối với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hoàn thành chuyển đổi số các cơ quan báo chí nòng cốt theo mô hình tòa soạn hội tụ cơ quan truyền thông đa phương tiện. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh – truyền hình theo công nghệ số bảo đảm thực hiện liên tục các nhiệm vụ chính trị.

Tám là, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số gắn với hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng kinh tế số và xã hội số. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã.

b. Đề xuất nội dung triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông của ngành Nội vụ

 Một, cần tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông vừa cải tiến chất lượng, vừa bảo đảm theo định hướng chung của ngành. Tăng cường truyền thông, cần phải nắm bắt những vấn đề mới phát sinh để bổ sung trong hoạt động truyền thông của từng địa phương. 

Hai là, đầu tư nguồn lực phát triển các phương tiện và công cụ truyền thông cần thiết; xây dựng trang thông tin điện tử, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, thường xuyên được cập nhật thông tin, đăng ký kết nối với Cổng thông tin điện tử của ngành Nội vụ và có chuyên mục trích dẫn các thông báo và thông tin mới của sở Nội vụ các tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh các ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong công tác truyền thông hướng đến mục tiêu chuyển tải thông điệp đến đối tượng truyền thông một cách hiệu quả nhất.

Ba, định kỳ hằng tháng hay hằng quý, chọn lọc các chủ đề truyền thông tương ứng với những vấn đề ưu tiên liên quan. Xác định các mặt còn hạn chế và tìm nguyên nhân của hạn chế, đề xuất lãnh đạo đơn vị cho phép triển khai các giải pháp cải tiến chất lượng giúp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Bốn, khuyến khích đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong hoạt động truyền thông hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả truyền thông đến người dân. Tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các sở Nội vụ của các tỉnh, thành phố. 

Năm, xây dựng quy chế và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị là người phát ngôn chính thức của đơn vị, chỉ ủy quyền phát ngôn cho cấp phó trong trường hợp bận đột xuất, việc ủy quyền được thực hiện bằng văn bản, áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định. Các cá nhân của đơn vị không là người được giao nhiệm vụ phát ngôn vẫn được quyền cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định pháp luật nhưng không được nhân danh đơn vị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Sáu là, chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí liên quan đến vấn đề phức tạp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nội vụ; kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Nội vụ trả lời, giải đáp các phản ánh của xã hội thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí.

Khi cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí phải bảo đảm tính chính xác, toàn diện và kịp thời. Cân nhắc, xem xét việc cung cấp thông tin khi nhận được yêu cầu từ các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên để vừa bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí; vừa bảo đảm thực hiện các quy định tại Luật Báo chí năm 2016 về việc cơ quan, đơn vị có thể xem xét và từ chối cung cấp thông tin đối với các vấn đề cơ quan báo chí đặt ra vượt quá chức năng, thẩm quyền và không phù hợp với tôn chỉ, mục đích.

Bảy là, xây dựng các kịch bản về khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra, đồng thời xây dựng các quy trình xử lý khi xảy ra khủng hoảng truyền thông tương ứng với các kịch bản để thống nhất khi áp dụng. Bên cạnh việc áp dụng các quy trình xử lý khủng hoảng, kịp thời báo cáo về Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các sở có liên quan để phối hợp cùng giải quyết…

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ (2019). Quyết định số 678/QĐ-BNV ngày 27/8/2019 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Nội vụ.
2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ (2024). Quyết định số 184/QĐ-BNV ngày 18/3/2024 ban hành kế hoạch truyền thông về các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ năm 2024
3. Quốc hội (2016). Luật Báo chí năm 2016.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
5. Thủ tướng Chính phủ (2023). Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách.
6. Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
7. Tạp chí Quản lý nhà nước điện tử. Hội thảo: “Hoạt động truyền thông – Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ”. https://quanlynhanuoc.vn, ngày 28/3/2024.