(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 29/7/2024 tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; PGS. TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo, về phía khách mời có các vị đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương, địa phương, gồm: PGS.TS. Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Đặng Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; TS. Trần Thanh Bình, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ; các đại biểu đến từ Bộ Nội vụ, gồm: TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; đồng chí Phạm Hùng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; TS. Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức; GS.TS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên đến từ một số viện nghiên cứu, học viện, trường đại học.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có TS. Đặng Xuân Hoan; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh; TS. Vũ Thanh Xuân; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo cán bộ, giảng viên của Khoa Quản trị nhân lực.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện khẳng định nhân tài là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Do đó, việc phát hiện, tiến cử, thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa khu vực công và khu vực tư, việc đặt ra những chính sách kịp thời, phù hợp hơn để thu hút và trọng dụng nhân tài là vô cùng quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo mong được nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung về lĩnh vực thu hút và trọng dụng nhân tài, như: (1) Thực tiễn thu hút và trọng dụng nhân tài tại các bộ ngành, địa phương ở Việt Nam hiện nay; (2) Các rào cản chính sách hiện nay về thu hút, trọng dụng nhân tài; (3) Kinh nghiệm thu hút, trọng dụng nhân tài của các quốc gia trên thế giới và giá trị tham chiếu cho Việt Nam trong bối cảnh mới; (4) Đề xuất giải pháp để thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công với các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Mai cho biết, thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công luôn là chủ đề được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Mục đích của Hội thảo là nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng và khuyến nghị hàm ý chính sách cùng các giải pháp nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, mong các nhà khoa học, các vị đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, gợi mở những giải pháp khoa học, hàm ý chính sách để tăng cường hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Vũ Thanh Xuân trình bày nội dung liên quan đến “Thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công hiện nay”. Theo ông, thu hút trọng dụng nhân tài là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, thực tài, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Trên cơ sở phân tích sự cần thiết của thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay, TS. Vũ Thanh Xuân đề xuất một số giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài, như: (1) Cần phải đổi mới tư duy về nhân tài, cần có nhận thức đúng về nhân tài, không nên tuyệt đối hóa nhân tài; (2) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhân tài; (3) Xây dựng chính sách vượt trội về nhân tài; (4) Tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp đủ sức hấp dẫn nhân tài; (5) Khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm với đất nước của mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, trong đó lưu ý đến nhân tài.
Với tham luận: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay”, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, người tài là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn lực đặc biệt của mỗi cơ quan. Nếu sử dụng, trọng dụng đúng nhân tài sẽ phát huy được sự năng động, sáng tạo, say mê, khát vọng cống hiến và năng lực vượt trội của người tài năng đem lại kết quả to lớn, là động lực phát triển của đất nước. TS. Nguyễn Tiến Dĩnh đưa ra các giải pháp để thu hút và trọng dụng nhân tài hiện nay, như: (1) Cần phải có sự thống nhất cao về nhận thức trong nhận diện người tài, hiền tài, thu hút và trọng dụng nhân tài trong khu vực công; (2) Cần có chiến lược và thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; (3) Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng người tài.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: nên gọi là “giới tinh hoa”, không nên gọi là “nhân tài” vì sẽ gây áp lực cho người đi tìm và người được tìm; đồng thời, không nên thần thánh hóa khái niệm “nhân tài”. Muốn thu hút được người giỏi chuyên môn, trung thành với sự nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, quy trình làm việc của bộ máy hành chính quan liêu, cồng kềnh, đúng quy trình, rườm rà, phức tạp. GS.TS. Lê Minh Thông đề xuất một số giải pháp tạo sức đột phá để thu hút và trọng dụng người tài, như: (1) Tạo cơ chế thông thoáng, không nên bó hẹp bởi các tiêu chuẩn cứng nhắc; (2) Mức thu nhập phải bảo đảm để người tài toàn tâm, toàn ý cho công việc; (3) Tinh giản biên chế những người không đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc nhằm “giải phóng chỗ” để thu hút người tài; (4) Thay đổi thủ tục hành chính rườm rà, đơn giản thủ tục tiếp nhận người tài; (5) Đa dạng hóa các nguồn thu hút người tài, tạo sự liên thông giữa khu vực công và khu vực tư, dựa vào Nhân dân để phát hiện, thu hút người tài vào khu vực công
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc cho rằng, thực tiễn vẫn còn nhiều rào cản, làm ảnh hưởng đến vấn đề thu hút và trọng dụng người tài, như: rào cản về chính sách, về tâm lý; trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa cao; tính hấp dẫn của khu vực công còn thấp; đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc chia sẻ 3 nhóm giải pháp: cần xem chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài không phải là công việc riêng của bộ, ban, ngành nào mà đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan; xây dựng cơ chế chính sách bổ nhiệm người tài vào vị trí chuyên gia, lãnh đạo quản lý; có cơ chế quản lý linh hoạt, như: không bắt buộc người tài phải tham gia vào khu vực công mà tận dụng người tài khu vực tư thông qua hình thức ký hợp đồng, vụ việc, đặt hàng.
Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về thu hút và trọng dụng nhân tài vào khu vực công. Các ý kiến tập trung vào một số nội dung, như: (1) Muốn thu hút nhân tài cần phải cải thiện môi trường làm việc, tránh gò bó, ràng buộc kiểu hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tài thăng hoa, sáng tạo; (2) Tiêu chí nhân tài không nhất thiết phải đủ hết các tiêu chuẩn vì sẽ bỏ lỡ mất đội ngũ nhân tài khu vực tư; (3) Xây dựng tiêu chí người tài ở mỗi cấp (trung ương, địa phương) sẽ khác nhau; đồng thời, căn cứ vào lĩnh vực đặc thù của mỗi ngành, nghề, lĩnh vực để xây dựng tiêu chí về thu hút và trọng dụng nhân tài; (4) Cần thiết phải ban hành Luật nhân tài; (5) Thu hút nhân tài không chỉ dựa vào bằng cấp (xuất sắc, giỏi, TS, PGS, GS) để tuyển dụng mà cần căn cứ vào năng lực (tính bằng sản phẩm, hiệu quả công việc) để xác định người có tài năng.
Bên cạnh các ý kiến tham luận về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài ở trong nước, Hội thảo còn được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học về kinh nghiệm thu hút, trọng dụng nhân tài ở một số quốc gia trên thế giới.
Tham luận “Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam” do PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày. Trên cơ sở phân tích chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao tại 3 nước: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, PGS. TS. Hoàng Văn Nghĩa rút ra các giải pháp về thu hút, trọng dụng nhân tài cho Việt Nam, như: (1) Thay đổi tư duy về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ công chức và nguồn nhân lực khu vực công; (2) Sửa đổi và ban hành luật, chính sách, các quy định mới về đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ…; (3) Cải cách hệ thống đánh giá thứ bậc và hạng chú trọng dựa trên thành tích và tài năng; (4) Xây dựng nền đạo đức công chức chuẩn mực quốc tế, bản sắc quốc gia, hiện đại, hội nhập và phát triển, cạnh tranh với khu vực khác (khu vực tư, quốc tế,…); (5) Chế độ tuyển dụng khách quan, độc lập, công bằng, thống nhất; (6) Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và đạo đức công vụ;…
Tham luận: “Ba đột phá để thu hút nhân tài từ kinh nghiệm quốc tế” do GS.TS. Trần Ngọc Anh, Trường Đại học Indiana, Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ trình bày. Theo GS.TS. Trần Ngọc Anh cần phải thực hiện đột phá 3 điều kiện, như: thu nhập, giải trình, pháp lý thì mới thu hút được nhân tài. Ba điều kiện trên cũng đồng thời là 3 thách thức lớn để Nhà nước cần phải tìm và xây dựng, thiết kế các giải pháp để thu hút người tài.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã có tham luận và bài viết tham gia Hội thảo. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm góp phần phục vụ tốt hơn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho giảng viên Học viện; đồng thời, sẽ có giá trị tham khảo để vận dụng vào công tác tham vấn, tư vấn chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài trong bối cảnh mới ở Việt Nam.
Nguyễn Thùy, Tuấn Anh