Lê Văn Thái
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Học viên đào tạo chỉ huy tham mưu Không quân là thành phần quan trọng trong lực lượng Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra ngày càng cao hiện nay, đòi hỏi phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân về mọi mặt, trong đó, ý thức nghề nghiệp được coi là cơ sở nền tảng giúp cho đội ngũ học viên không ngừng hoàn thiện và phát triển nhân cách, tạo tiền đề hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Từ khóa: Học viên; chỉ huy tham mưu không quân; ý thức nghề nghiệp; Trường Sĩ quan không quân.
1. Đặt vấn đề
Ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân ở Trường Sĩ quan không quân có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Là tiền đề trong việc giáo dục, rèn luyện học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân trở thành những người sĩ quan vừa “hồng” vừa “chuyên”. Là yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần xây dựng và nâng cao bản lĩnh, niềm tin, tinh thần trách nhiệm của những người sĩ quan không quân tương lai, trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Lý luận và thực trạng về nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân ở Trường Sĩ quan Không quân
Ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân ở Trường Sĩ quan Không quân là tổng hợp cách thức, biện pháp tác động của chủ thể, của các lực lượng tham gia trong quá trình giáo dục, đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho học viên nhằm xây dựng, củng cố phát triển ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân trong thời gian học tập tại nhà trường, giúp học viên nâng cao nhận thức, có tình cảm, niềm tin, ý chí tốt đẹp gắn bó suốt đời binh nghiệp với nghề phi công quân sự trên cơ sở đó không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Trường Sĩ quan Không quân đã rất chú trọng tới việc bồi dưỡng, giáo dục và phát triển nâng cao nhân cách quân nhân nói chung, nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân nói riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động bay quân sự trong mọi tình huống. Theo đó, ý chí, quyết tâm nghề nghiệp chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và các cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tập trung vào bồi dưỡng tri thức thông qua việc chú trọng nội dung chương trình học tập kết hợp với việc tiến hành tốt các nội dung của công tác tư tưởng và công tác tổ chức.
Trong báo cáo tổng kết công tác huấn luyện và đào tạo năm 2022 – 2023 cho thấy, có đa số cán bộ, giảng viên được đánh giá về sự nỗ lực và cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; trong huấn luyện không nản chí, bỏ dở mục tiêu dù trong hoàn cảnh nào, vượt qua mọi khó khăn, để đạt được mục tiêu trở thành phi công quân sự. Đồng thời, quá trình học tập, rèn luyện luôn có tư duy tích cực để nắm bắt những cơ hội và tìm ra giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ. Thực tiễn trong công tác, chưa có học viên nào từ chối thực hiện nhiệm vụ, mặc dù có nhiều bài bay phức tạp, nguy hiểm. Điều đó chứng tỏ ý thức nghề nghiệp của học viên có sự phát triển vững chắc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Không quân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tinh thần chủ động, tích cực, Nhà trường đã chỉ đạo công tác đào tạo chỉ huy tham mưu không quân, đó là: “Bám sát phương châm, các quan điểm, nguyên tắc, kết hợp trong huấn luyện. Tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, đổi mới chương trình, quy trình giáo dục – đào tạo và hoàn thiện quy chế thi, kiểm tra phù hợp với thực tế huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, triển khai xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”1. Một số kết quả đã được thực hiện tốt, như: phân hướng đào tạo học viên phù hợp với quá trình đào tạo và năng lực thực tế của học viên; điều chỉnh chương trình đào tạo trên từng loại máy bay theo hướng tăng thực hành bay trên máy bay L39; bổ sung chương trình bay chuyển loại máy bay Su 22 và Su 30 sau khi tốt nghiệp, tạo cơ sở cho học viên nhanh chóng tiếp thu kỹ năng bay trong huấn luyện chiến đấu ở các đơn vị không quân…, qua đó, nâng cao hiệu quả hình thành kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo và ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân.
Cùng với việc hoàn thiện nội dung, phương pháp đào tạo, Trường Sĩ quan Không quân đã nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích cực và vững chắc, giữa tiến độ và chất lượng. Nhà trường đã tổ chức huấn luyện hợp lý, như: bay 2 ban trong một ngày, bay theo đợt, phân tốp… Từ đó, thường xuyên giữ được cường độ bay lớn, giờ bay cao, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đào tạo. Việc hướng dẫn truyền đạt kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng lái máy bay cho học viên được diễn ra theo phương thức chuyển giao dần dần kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng lái máy bay từ giảng viên sang học viên.
Trong quá trình chuyển giao, căn cứ vào tính chất, yêu cầu của từng bài bay, khoa mục bay, giảng viên sử dụng nhiều phương pháp truyền đạt, như: làm mẫu (làm mẫu toàn bộ, làm mẫu từng phần); cùng làm; “nhắc trước”; “thả tay” (thả tay thăm dò, thả tay từng phần, thả tay toàn bộ). Trên cơ sở đó, học viên từng bước lĩnh hội, hình thành kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng lái máy bay và tự tin trong quá trình thực hành luyện tập trên các chuyến bay thực tế, giảm bớt những căng thẳng trong khi bay.
Công tác bảo đảm các điều kiện phương tiện huấn luyện, giáo dục, đào tạo của nhà trường trong những năm qua tương đối tốt. Qua tổng kết công tác huấn luyện hằng năm đã bảo đảm tốt các điều kiện phương tiện cho huấn luyện, đào tạo, thông số về hệ số máy bay luôn đạt cao Kt MB ≥ 0,73, Kt XM ≥ 0,9…, về xăng bay luôn bảo đảm đủ2.
Tuy nhiên, trước sự tác động của tình hình chính trị thế giới và trong nước; trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, Quân chủng Phòng không – Không quân trong giai đoạn mới, việc xây dựng và nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân còn bộc lộ những hạn chế, như: năng lực, trình độ bay còn hạn chế, tỷ lệ thải loại do kỹ thuật bay yếu còn cao; việc đầu tư đúng mức cho việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng ở một số cán bộ còn hạn chế; vấn đề tự tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận học viên phi công quân sự chưa nghiêm, thiếu tính tích cực, tự giác, cá biệt có học viên vi phạm kỷ luật… Quy trình đào tạo có đổi mới nhưng chưa hợp lý, chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Có nội dung giảng dạy còn lạc hậu, phương pháp dạy học vẫn mang tính truyền thụ một chiều.
Quá trình thực hành đã thu được kết quả tích cực, song xét về mặt phương pháp dạy học vẫn còn nhiều hạn chế. đã thu được. Việc chấp hành kỷ luật trên không của học viên có mặt còn hạn chế, như: thực hiện các động tác không hết nội dung theo yêu cầu của bài bay, thậm chí còn biểu hiện “thử sức mình”, “manh động trên không” dẫn đến uy hiếp an toàn bay. Thực tế không ít trường hợp do vi phạm kỷ luật trong học tập, trong huấn luyện bay đã buộc phải thải loại. Đây chính là biểu hiện sự non yếu về nhận thức và hành vi của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân, là biểu hiện của ý thức nghề nghiệp không vững vàng trong điều kiện làm việc khó khăn, phức tạp ở trên không.
3. Một số giải pháp
Việc giáo dục lý tưởng sống và trau dồi đạo đức, nhân cách nói chung, ý thức nghề nghiệp nói riêng cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu Không quân là vấn đề quan trọng hàng đầu, trong đó cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tính tất yếu, nội dung, yêu cầu về ý thức nghề nghiệp trong đào tạo chỉ huy tham mưu Không quân.
Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần nhận thức đầy đủ, thống nhất về tính tất yếu, nội dung, yêu cầu phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân hiện nay để thống nhất nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức rèn luyện học viên. Cần xây dựng cho học viên tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện, tự quản lý, tự giáo dục và rèn luyện, đây là khâu quan trọng quyết định kết quả hoàn thành mục tiêu đào tạo. Thực hiện tốt yêu cầu này nhằm phát huy nhân tố chủ động, tích cực của học viên hướng vào việc rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, có tinh thần đoàn kết thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, có phương pháp, tác phong công tác phù hợp, đủ năng lực, trình độ, kiến thức kỹ năng, kỹ xảo, nắm chắc tính năng của vũ khí trang bị của đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao.
Đồng thời, với học viên đào tạo chỉ huy tham mưu Không quân, phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu đào tạo; tích cực, chủ động trong học tập và rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với Nhân dân để luôn vững tay lái trong mọi điều kiện khó khăn, thử thách. Bên cạnh đó, học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân phải nắm vững quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin để hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học.
Thứ hai, xây dựng môi trường sư phạm quân sự thuận lợi cho học viên.
Trước hết, cần thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và chuẩn bị tâm lý cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân trong mọi hoạt động nghề nghiệp. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng nhằm giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, nâng cao nhận thức chính trị, khắc phục được những tác động tiêu cực của xã hội; có ý chí quyết tâm cao, có bản lĩnh và lòng tin yêu vào nghề nghiệp để có đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đối với học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục nhiệm vụ, nghề nghiệp phải được tiến hành toàn diện, thường xuyên, liên tục song trước hết là giáo dục về tình hình nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội, quân chủng và Nhà trường trong tình hình mới gắn với mục tiêu, yêu cầu đào tạo đề ra.
Bên cạnh đó, cần thực hiện có hiệu quả việc chuẩn bị tâm lý cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân trong các hoạt động nghề nghiệp. Điều này giúp cho học viên luôn có tính vững vàng và tính sẵn sàng nâng cao ý thức nghề nghiệp của học viên trong các hoạt động nghề nghiệp, trong mọi tình huống.
Trong chuyến bay, giảng viên và học viên phải luôn tập trung cao, xử lý nhiều thông tin, phải nhanh nhạy và có tính quyết đoán cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng huấn luyện và bảo đảm an toàn bay, công tác tổ chức phải chặt chẽ, khoa học lựa chọn nội dung, hình thức thực tập và học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp trong các hoạt động bay quân sự phù hợp với học viên là vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định.
Thứ ba, phát huy tính tích cực của học viên.
Tính tích cực, chủ động của học viên phi công quân sự trong tự giáo dục, tự phát triển ý thức nghề nghiệp có vị trí quan trọng trong thực hiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nâng cao hiệu quả huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay. Trước hết, cần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho học viên về vị trí, ý nghĩa của hoạt động bay quân sự. Tiến hành giáo dục phải chủ động ngay từ khi học viên mới vào nhập học và trong suốt quá trình học viên học tập tại trường. Nội dung giáo dục cần làm rõ vị trí, ý nghĩa nghề nghiệp quân sự nói chung và hoạt động bay quân sự nói riêng; những thuận lợi, khó khăn mà học viên sẽ phải trải qua, gắn việc làm rõ sự cống hiến của học viên phi công với những chế độ, chính sách đãi ngộ mà họ được hưởng. Thông qua tuyên truyền, giáo dục trực tiếp của các lực lượng; gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục học viên. Qua đó, làm cho học viên mô hình hoá được nhân cách người phi công quân sự, những yêu cầu học tập, rèn luyện. Trên cơ sở đó, học viên có thái độ, động cơ, hành vi tích cực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng. Xây dựng tính tích cực, chủ động, tự giáo dục, tự rèn luyện cho học viên phi công quân sự là trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, của mọi lực lượng, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý ở đơn vị và giảng viên là lực lượng nòng cốt, trực tiếp.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để học viên xây dựng động cơ học tập, rèn luyện từ nhu cầu tự thân. Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trong đó đội ngũ cán bộ, giảng viên giữ vai trò quyết định. Vì cán bộ, giảng viên là người trực tiếp triển khai và tổ chức thực hiện các kế hoạch huấn luyện, rèn luyện.
Thứ tư, thường xuyên thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân.
Cần phải thực hiện tốt các tiêu chí, quy trình, cách thức kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạochỉ huy tham mưu không quân tại Nhà trường theo các bộ chuẩn tiêu chí mà Cục Khảo thí và bảo đảm chất lượng của Bộ Quốc phòng đã xây dựng mà Nhà trường đang áp dụng. Từng bước cụ thể hóa phù hợp với nhà trường mang tính đặc thù cao về đào tạo phi công. Cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, giáo dục, rèn luyện đối với học viên chỉ huy tham mưu không quân.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt quy trình kiểm định, đánh giá học viên theo “Quy chế giáo dục, đào tạo của Trường Sĩ quan không quân”. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng huấn luyện, đào tạo chỉ huy tham mưu không quân. Đánh giá sự phát triển động cơ nghề nghiệp lái máy bay của học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân.
Thường xuyên rút kinh nghiệm việc giáo dục nâng cao ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân. Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả giáo dục phát triển ý thức nghề nghiệp cho học viên phi công quân sự sau từng giai đoạn tập trung vào đánh giá việc chấp hành nề nếp chế độ quy định, chấp hành kỷ luật bay; đánh giá sự chuyên cần trong học tập, kết quả thực hành bay và bản lĩnh, tâm lý trong bay thông qua kỹ thuật điều khiển máy bay, sử dụng vô tuyến điện và xử lý tình huống trên không của mỗi học viên.
4. Kết luận
Xây dựng ý thức nghề nghiệp vững vàng cho quân nhân nói chung, học viên đào tạo chỉ huy tham mưu Không quân nói riêng luôn là nhiệm vụ thường xuyên của chuẩn bị hoạt động nghề nghiệp quân sự; từ đòi hỏi tất yếu của các hoạt động nghề nghiệp quân sự nói chung, hoạt động bay quân sự nói riêng, góp phần trực tiếp bảo đảm tính sẵn sàng, tính vững vàng tâm lý cho quân nhân, cũng như học viên đào tạo chỉ huy tham mưu không quân trong mọi hoạt động và trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chú thích:
1. Đảng ủy Trường Sĩ quan Không quân (2020). Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Không quân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr. 4.
2. Quân chủng Phòng không – Không quân (2004). Điều lệ bay. H. NXB Quân đội nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
2. Nguyễn Sĩ Hưng (1987). Một số vấn đề tâm lí trong bảo đảm an toàn bay. Thông tin Không quân, số 87(6), tr. 35 – 38.
3. Chu Thanh Phong (1999). Cơ sở tâm lý học của việc củng cố, phát triển xu hướng nghề nghiệp quân sự cho phi công tiêm kích thuộc lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam hiện nay. Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Học viện Chính trị quân sự.
4. Nguyễn Tài Công (2024). Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn lực sĩ quan chỉ huy, tham mưu phòng không cấp phân đội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/05/day-manh-hop-tac-quoc-te-trong-phat-trien-nguon-luc-si-quan-chi-huy-tham-muu-phong-khong-cap-phan-doi/