TS. Lê Thị Hoa
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Ở Việt Nam hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhận thức ngày càng rõ hơn, thực hiện với quyết tâm ngày càng cao. Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực “từ xa” trong hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Từ khóa: Liêm chính; giáo dục liêm chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
1. Quan niệm về liêm chính
Theo Từ điển tiếng Việt thì “liêm” là “không tham lam, trong sạch”1, “Chính” là “ngay thẳng, đúng đắn, trái với tà”2. “Liêm chính” là “trong sạch và ngay thẳng”3.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng đưa ra khái niệm “Liêm chính” là những ứng xử và hành động theo các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức hoặc đạo lý được các cá nhân cũng như tổ chức chấp nhận nhằm ngăn chặn tham nhũng4.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Liêm là trong sạch, không tham lam”5, “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”6. Liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với cán bộ, công chức, viên chức trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày, bởi: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”7.
Kế thừa và phát triển quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm đến liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính. Liêm chính được Đảng đặt ra trực tiếp trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được thực hiện quyết liệt. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”8. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói về liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính: “thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất, vì “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”9.
Liêm chính, về bản chất là phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người, thể hiện sự trong sạch, ngay thẳng trước mọi cám dỗ, luôn gìn giữ phẩm chất đạo đức cao đẹp. Đó là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sáng; là chính trực, khẳng khái, không quỵ lụy, luồn cúi. Liêm chính với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị nhân văn cao đẹp. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy, trung thành với mục tiêu, lý tưởng.
Ngược với liêm chính là chạy theo danh vị, tiền tài, vì lợi ích vật chất, nể nang, né tránh, tham vọng cá nhân, vụ lợi… đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị đạo đức tốt đẹp, đi ngược lại lý tưởng, mục tiêu cao đẹp mà cá nhân, xã hội đặt ra; chà đạp lên lợi ích cộng đồng, tập thể; làm tổn hại đến uy tín, hình ảnh cơ quan, tổ chức. Vì không giữ được liêm chính, một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách để trục lợi.
2. Giáo dục liêm chính
Có thể thấy, liêm chính và tham nhũng, tiêu cực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng, tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực… Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”10.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Đảng; sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở trung ương và địa phương, góp phần quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.
Mặt dù vậy, theo Thông báo tại Phiên họp thứ 2 ngày 01/02/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022), trong đó thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm; đã phát hiện, chuyển 660 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng 18% so với năm 2022). Các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can (tăng 46% về số vụ án so với năm 2022) về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ/2.446 bị can (tăng gần 02 lần về số vụ; tăng hơn 02 lần về số bị can so với năm 2022)11. Đây là những con số nhức nhối về sự “bất liêm”, “bất chính” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Xuất phát từ thực tế đó, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực “từ sớm, từ xa”, “cả gốc lẫn ngọn”, cần phải giáo dục liêm chính, xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp.
Giáo dục liêm chính nhằm hình thành, phát triển nhân cách trong sạch, trung thực, ngay thẳng, ý thức tự tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, giúp họ có những hành vi, ứng xử đúng mực trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội và với chính bản thân mình.
Giáo dục liêm chính giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nhận ra rằng, người có đức “Liêm” là tự trọng, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi trót làm điều xấu; biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong sáng. Không có đức “Liêm” thì con người sẽ bị tha hóa trầm trọng về nhân cách. Người có đức “Chính” là người ngay thẳng, công tâm, luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh để bảo vệ lẽ phải; hành động quang minh chính đại, trong lòng không có chút tư lợi nào, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.
Với tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài”12, liêm chính sẽ là thước đo về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tạo sức đề kháng đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính, bởi vì, có giữ liêm chính mới tránh được sai phạm khác. Liêm chính là mục tiêu phấn đấu, đồng thời là “hòn đá thử vàng” về sự trong sạch cần phải có của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời cũng là yếu tố kiểm soát từ bên trong để cán bộ, công chức, viên chức “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mục tiêu của nước ta hiện nay. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tất yếu phải được xây dựng trên một nền chính trị liêm khiết vàmột nền công vụ liêm chính. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nền công vụ hiện hành, không chỉ trên phương diện cải cách hành chính, tổ chức bộ máy hay hiện đại hóa nền hành chính mà nhất thiết phải bắt nguồn từ việc “liêm – chính hóa” đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Liêm chính được thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, sự tự nguyện, tự giác của cán bộ, công chức, viên chức. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những tư tưởng tích cực, lối sống đẹp là những khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vị… vì vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, có lý tưởng và khát vọng cống hiến; có ý chí, nghị lực; giữ vững danh dự và nhân cách trong sáng, kiên trì thực hành liêm chính.
Để phát huy hiệu quả giáo dục liêm chính góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, một số vấn đề cần quan tâm như sau:
Một là, quán triệt mục tiêu của giáo dục liêm chính là nâng cao nhận thức về liêm chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhận ra rằng: liêm chính là phẩm chất “gốc”, là chuẩn mực, thước đo để đánh giá phẩm chất đạo đức lối sống, bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, viên chức. Giúp cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức vững vàng trước những cám dỗ tiền tài vật chất mà ở đó người cán bộ, công chức, viên chức nếu không giữ vững đạo đức cách mạng, không rèn luyện phẩm chất liêm chính sẽ rất dễ đánh mất mình, dễ tha hóa biến chất, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” xa rời lý tưởng “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, xây dựng các nội dung về liêm chính để giáo dục cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức công vụ phù hợp từng cơ quan, đơn vị, sát chức năng, nhiệm vụ được giao; ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ đánh giá. Trong đó coi liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường; tích cực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì lợi ích chung.
Ba là, cần đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức; phát huy tốt vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, xây dựng văn hóa liêm chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Phát huy tốt vai trò các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng intenet để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, phù hợp với từng đối tượng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, công chức, viên chức về liêm chính và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng về liêm chính vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho cán bộ, công chức, viên chức để liêm chính được thể hiện thành văn hóa, ý thức, ứng xử, hành động trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Để liêm chính được hình thành, bồi đắp và thực hiện mỗi ngày một cách tự nhiên như mọi hành vi ứng xử văn hóa và những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Năm là, chú trọng công tác tự kiểm tra việc thực hành liêm chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực liêm chính để chấn chỉnh. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng nhân rộng những tấm gương điển hình về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, liêm chính.
4. Kết luận
Giáo dục liêm chính có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Bởi, giáo dục liêm chính không chỉ là giải pháp “chìa khóa” nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị mà còn là cơ sở, là nền tảng để lan tỏa văn hóa liêm chính và cách hành xử, lối ứng xử theo tinh thần, văn hóa liêm chính. Từ đó, góp phần dựng xây “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”13 như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Chú thích:
1, 2, 3. Nguyễn Như Ý (1998). Đại từ điển tiếng Việt. H. NXB Văn hóa thông tin, 1998, tr. 1018, 367, 1018.
4. Tài liệu hướng dẫn Ngôn ngữ đơn giản của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. 2009.
5, 6, 7, 13. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 126, 129, 117, 115-131.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 194.
9. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. https://vietnamnet.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-hoi-nghi-toan-quoc-cac-co-quan-noi-chinh-775144.html, ngày 15/9/2021.
10, 12. Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 21.
11. Thông báo Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. https://noichinh.vn, ngày 01/02/2024.