Tái cơ cấu thương mại ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp

TS. Nguyễn Thanh Bình
Học viện Ngân hàng

(Quanlynhanuoc.vn) – Quá trình tái cơ cấu thương mại đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức, bao gồm yêu cầu thay đổi cấu trúc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện năng lực nguồn nhân lực. Bài viết phân tích và đánh giá quá trình tái cơ cấu thương mại tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, cũng đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tối ưu hóa hiệu quả của quá trình tái cơ cấu thương mại, hướng tới việc duy trì sự phát triển bền vững và cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ khóa: Tái cơ cấu thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; xuất khẩu; năng lực cạnh tranh; Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tái cơ cấu thương mại đã trở thành một chiến lược quan trọng của Việt Nam. Quá trình này không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mà còn nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ hội nhập, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tái cơ cấu thương mại một cách hiệu quả, đồng thời phải chuẩn bị sách lược để đối mặt với những thách thức trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững.

2Các khái niệm liên quan đến tái cơ cấu thương mại 

Thứ nhất, về tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo David E. Vance (2010), tái cơ cấu doanh nghiệp thường được sử dụng khi công ty đang gặp khó khăn về tài chính, với mục tiêu là cải thiện hiệu suất hoạt động hoặc chuẩn bị cho các thay đổi lớn như bán công ty, sáp nhập hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu. Quá trình này có thể liên quan đến việc cắt giảm chi phí, loại bỏ các bộ phận không hiệu quả hoặc thậm chí thay đổi chiến lược kinh doanh để thích ứng với điều kiện mới1​.

Ngoài ra, theo Michael Hammer (2000), tái cơ cấu có nghĩa là bỏ đi cách thức kinh doanh truyền thống vẫn luôn được thực hiện một thời gian dài để thay vào đó là phát triển một hình thức kinh doanh mới tập trung vào quy trình để đạt được bước nhảy vọt về hiệu suất. Để đạt được thành công trong tái cơ cấu doanh nghiệp, cần có một góc nhìn và cách tiếp cận mới giống như một tờ giấy trắng được lấy ra để vẽ mới những hiểu biết của doanh nghiệp về khách hàng và sở thích của họ, từ đó xây lên một cách thức tổ chức mới và được doanh nghiệp tập trung phát triển từ sự tối ưu hóa quy trình nhằm tạo ra sự hài lòng từ khách hàng. Tái cơ cấu là cơ hội để phát triển các quy tắc mới mà doanh nghiệp buộc phải thực hiện trong tương lai thay vì bị buộc phải thực hiện theo quy tắc cũ do người khác áp đặt. Do đó, tái cơ cấu sẽ là cơ hội mới hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh thực sự trên thị trường2.

Thứ hai, về hoạt động thương mại.

Hoạt động thương mại được hiểu là những hoạt động liên quan đến việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các cá nhân hoặc tổ chức nhằm mục tiêu lợi nhuận. Các hoạt động này bao gồm mọi giao dịch thương mại, như: bán lẻ, bán buôn, xuất – nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến thương mại. Định nghĩa này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế thị trường3.

 John Kay (1995) mô tả các hoạt động thương mại là những hoạt động liên quan đến việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ để thu lợi nhuận nhấn mạnh rằng các giao dịch này thường diễn ra trên các thị trường cạnh tranh, nơi giá cả được xác định bởi quy luật cung và cầu4.

Philip Kotler (2006) định nghĩa hoạt động thương mại là bất kỳ nỗ lực kinh doanh nào hướng đến việc sản xuất, tiếp thị và bán các sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng để đổi lấy giá trị5.

Từ các khái niệm trên, tác giả rút ra quan điểm về tái cơ cấu thương mại là quá trình tổ chức lại các hoạt động thương mại nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả tài chính, hoạt động và khả năng thích ứng của doanh nghiệp với thị trường. Tái cơ cấu thương mại có thể bao gồm các thay đổi về cơ cấu tài sản, tái cấu trúc tài chính và điều chỉnh lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp để tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao giá trị của công ty. Mục tiêu của quá trình này thường là tăng cường ổn định tài chính, giảm thiểu rủi ro và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

3. Thực trạng tái cơ cấu thương mại tại Việt Nam

Một là, thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu theo ngành trong hoạt động thương mại.

Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cơ cấu xuất khẩu, từ việc tập trung vào các ngành truyền thống như nông sản và dệt may sang các ngành công nghiệp hiện đại, như: điện tử, máy tính và ô tô.

(1) Ngành điện tử và máy tính. 

Ngành điện tử và máy tính là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành điện tử và máy tính đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2015-2023. Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm điện tử và máy tính của Việt Nam đã tăng từ 21 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 65 tỷ USD năm 20236. Sự gia tăng này phản ánh sự mở rộng của ngành công nghiệp điện tử và máy tính tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia và các dự án đầu tư quy mô lớn.

Các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng là từ: 

Đầu tư nước ngoài: trong đó là sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành điện tử và máy tính đã đóng góp vào sự phát triển nhanh của ngành. Nhiều tập đoàn toàn cầu, như: Samsung, Intel, LG đã thiết lập các nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam. Sự hiện diện của các tập đoàn điện tử lớn không chỉ tạo ra việc làm mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất của ngành.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Chính phủ Việt Nam đã áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư và cải cách môi trường kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử và máy tính. Các khu công nghiệp và khu chế xuất được thiết lập để hỗ trợ sự phát triển của ngành với cơ sở hạ tầng hiện đại và các ưu đãi thuế.

Nhu cầu toàn cầu gia tăng: Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm điện tử và máy tính, bao gồm: điện thoại thông minh, máy tính bảng và linh kiện điện tử đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để tăng cường sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Tuy nhiên, ngành điện tử và máy tính cũng phải đối mặt với những khó khăn, như: gia tăng cạnh tranh từ các quốc gia có thế mạnh về điện tử, như: Trung Quốc, Ấn Độ đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Hơn nữa, việc thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử cũng là một thách thức lớn và cần đầu tư thích đáng hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

(2) Ngành Dệt may và giày dép.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự cạnh tranh quốc tế và yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng, ngành Dệt may và giày dép vẫn duy trì được vị thế chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.Ngành Dệt may và giày dép của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong thập kỷ qua. Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may và giày dép đã tăng từ 28 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 47 tỷ USD vào năm 2023, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này phản ánh vị thế quan trọng của ngành trong nền kinh tế Việt Nam và thị trường xuất khẩu quốc tế7.

Để đạt được những kết quả trên là nhờ ngành Dệt may Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp đã duy trì được lợi thế cạnh tranh về giá cả. Sự chuyên môn hóa kinh nghiệm của lao động Việt Nam trong ngành cũng là yếu tố quan trọng góp phần và bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy ngành Dệt may và giày dép, gồm: thuế, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Kết quả đạt được của ngành Dệt may và giày dép là rất lớn, song những khó khăn mà ngành gặp phải cũng không ít, đó là: khó khăn đến từ sự cạnh tranh của các nước có các điều kiện tương đồng như: Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc…; áp lực từ các tiêu chuẩn môi trường lao động từ những nước có thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ và châu Âu đã và đang thách thức cũng như đòi hỏi các cách doanh nghiệp dệt may và giày dép cần đầu tư lớn vào công nghệ và quy trình sản xuất (điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận); khó khăn về việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô, như: bông, sợi, vải, da (rủi ro về giá cả cũng như nguồn cung).

(3) Ngành Nông sản.

Đây là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu người lao động. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động dồi dào, ngành Nông sản đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình tái cơ cấu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 48 tỷ USD, tăng trưởng mạnh so với mức 35 tỷ USD năm 20158.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính (giai đoạn 2015  2023)

NămGạo (tỷ USD)Cà phê (tỷ USD)Hạt điều (tỷ USD)Thủy sản (tỷ USD)Tổng kim ngạch nông sản (tỷ USD)
20152.83.42.46.535.0
20162.93.52.67.036.8
20173.03.82.88.340.2
20183.13.93.08.842.6
20193.24.03.29.445.0
20203.34.13.38.544.6
20213.54.23.59.046.7
20223.64.33.79.547.5
20233.74.43.89.748.0
Nguồn: Báo cáo xuất khẩu nông sản năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thị trường xuất khẩu rộng mở cùng với sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, gồm: chương trình phát triển nông sản quốc gia, hội chợ quốc tế về nông sản Việt Nam đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ tài chính cho nông dân… Song, vẫn có những khó khăn, trở ngại nhất định cho ngành Nông sản phát triển, như: ngành phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nên khi tình hình thế giới có biến động (giá cả, rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước…) sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít nhiều. Việc thiếu sự đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch đã làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố lớn gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam (hạn hán, lũ lụt, ngập mặn).

Hai là, sự đóng góp của FTA.

Các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu thương mại. Các hiệp định này giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thuế quan và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng đáng kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2023, tăng 20% so với năm 20209. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép và nông sản đều được hưởng lợi từ việc giảm thuế quan, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Việc tham gia vào các FTA đã thúc đẩy Việt Nam phải thực hiện những cải cách quan trọng về thể chế, luật pháp và chính sách kinh tế. Thúc đẩy Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng nội địa; mở ra cơ hội tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, công nghệ và phát triển bền vững, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

4. Các thách thức trong quá trình tái cơ cấu thương mại

Thứ nhất, phụ thuộc cao vào nguyên liệu nhập khẩu.

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình tái cơ cấu thương mại là sự phụ thuộc cao vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chủ lực, như:dệt may, điện tử và da giày. Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu mà còn khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước biến động giá cả và nguồn cung trên thị trường quốc tế.

Bảng 2: Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu trong ngành dệt may và điện tử (năm 2023)

Ngành Công nghiệpTỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu (%)Nguồn nhập khẩu chính
Dệt may80%Trung Quốc, Hàn Quốc
Điện tử85%Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc
Nguồn: Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Báo cáo thường niên 2023, trang 12 – 14; Tổng cục Thống kê, Báo cáo xuất nhập khẩu 2023, trang 18 – 21.

Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn trong quá trình tái cơ cấu thương mại là sự phụ thuộc cao vào nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm, như: dệt may, da giày, điện tử và ô tô. Mức độ phụ thuộc này không chỉ ảnh hưởng đến tính tự chủ của nền kinh tế mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc này là do các ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh về công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng tự cung cấp nguyên liệu và linh kiện cần thiết cho sản xuất, buộc họ phải nhập khẩu từ các quốc gia có nền công nghiệp phụ trợ phát triển hơn, như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thứ hai, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước. 

Một thách thức khác là sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Sự thiếu liên kết này dẫn đến sự phân tán trong chuỗi giá trị và giảm hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu.

Một trong những thách thức lớn đối với quá trình tái cơ cấu thương mại tại Việt Nam là sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) với các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sự thiếu liên kết này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn hạn chế khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc thiếu sự liên kết này bắt nguồn từ khác biệt về quy mô và năng lực sản xuất; thiếu thông tin và niềm tin giữa các doanh nghiệp; hạn chế về khung pháp lý và chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ. Những nguyên nhân này dẫn đến hệ lụy là làm giảm hiệu quả sản xuất do các doanh nghiệp không tận dụng được các lợi thế của nhau; khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI…

Thứ ba, hạn chế trong năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt trong quá trình tái cơ cấu thương mại là sự hạn chế về năng lực công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo. Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nhưng so với các quốc gia phát triển, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc áp dụng công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguyên nhân của những hạn chế này xuất phát từ việc đầu tư chưa tương xứng vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cả về quy mô tài chính lẫn nguồn lực. Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cơ sở hạ tầng công nghệ chưa phát triển, đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và mạng lưới thông tin chưa đồng bộ.

Những nguyên nhân trên sẽ gây ra hệ quả cho công nghệ và đổi mới sáng tạo những vấn đề, như: sản phẩm của Việt Nam khi ra thị trường chỉ nằm ở phân khúc giá trị gia tăng thấp, hạn chế lợi nhuận và giá trị thương mại. Khả năng cạnh tranh quốc tế bị suy giảm do không bắt kịp các xu hướng công nghệ mới và không tạo ra các sản phẩm đổi mới khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó duy trì vị thế. Khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (thiết kế, nghiên cứu phát triển và marketing…, mà chỉ dừng lại ở các khâu có giá trị thấp như lắp ráp).

Thứ tư, khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu chủ lực, như: nông sản, thủy sản và dệt may. Các quy định khắt khe từ các thị trường lớn, như: EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phải liên tục cải thiện quy trình sản xuất và quản lý chất lượng.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001 và HACCP đã tăng lên, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thâm nhập và duy trì thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, thường gặp khó khăn trong việc áp dụng và duy trì các tiêu chuẩn này.

Thứ năm, cạnh tranh quốc tế gia tăng.  

Sự gia tăng cạnh tranh quốc tế là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các tổ chức quốc tế mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng cạnh tranh quốc tế, do: mở của thị trường và giảm thuế quan; sự xuất hiện của các đối thủ mạnh từ quốc tế với nền kinh tế phát triển và công nghệ tiên tiến; tốc độ đổi mới và sự thay đổi trong công nghệ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó theo kịp tốc độ đổi mới của các đối thủ cạnh tranh quốc tế.

5. Các giải pháp tái cơ cấu thương mại 

Một là, đẩy mạnh sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. 

Để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, Việt Nam cần tăng cường sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chủ lực, như: dệt may, điện tử và da giày. Việc phát triển các nguồn cung ứng nội địa sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro từ sự biến động trên thị trường quốc tế.

Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất nguyên liệu sẽ giúp Việt Nam tự chủ hơn trong nguồn cung ứng, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Hai là, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước. 

Việc tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp FDI không chỉ giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI cần được đẩy mạnh. Chính phủ có thể xem xét các biện pháp, như: ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn và tư vấn kỹ thuật để thúc đẩy các SMEs tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việc đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích và hỗ trợ trong việc nghiên cứu và phát triển (R&D), áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý.

Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích đầu tư vào R&D, chẳng hạn: ưu đãi thuế, tài trợ trực tiếp và xây dựng các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam.

Bốn là, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đạt được và duy trì các chứng nhận quốc tế, như: ISO 9001, HACCP và các tiêu chuẩn khác của từng quốc gia quy định.

Việc đào tạo và tư vấn kỹ thuật cho các SMEs trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về mặt tài chính và kỹ thuật để các doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn, như: EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Năm là, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. 

Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua việc cải thiện các yếu tố cơ bản, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh. Các chính sách cải cách về giáo dục, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi với các quy định đơn giản hóa, minh bạch và công bằng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.

Sáu là, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật.

Để thúc đẩy tái cơ cấu thương mại, việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng là rất quan trọng. Các tuyến đường giao thông, cảng biển, sân bay và hệ thống logistics hiện đại sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả xuất – nhập khẩu.

Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và logistics sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và giảm chi phí thương mại. Đồng thời, các dự án phát triển hạ tầng cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

6. Kết luận

Quá trình tái cơ cấu thương mại tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Để nâng cao hiệu quả của quá trình tái cơ cấu thương mại, cần thực hiện một số biện pháp liên quan đến việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, trong đó chú trọng vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động cũng như cải thiện hạ tầng giáo dục và đào tạo.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu thương mại. Đồng thời, việc đối mặt và vượt qua các thách thức hiện tại sẽ là yếu tố quyết định để không chỉ tăng cường xuất khẩu mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế, bảo đảm sự phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai.

Chú thích:
1. David Vance (2010). Corporate Restructuring, From Cause Analysis to Execution. https://link.springer.com/book/10.1007/978-3-642-01786-5, pp. 1.
2. Michael Hammer & James Champy (2000). Reengineering the corporation, A Manifesto For Business Revolution. https://sohailumar.wordpress.com/wp-content/uploads/2014/03/reengineering_the_corporation-clean.pdf
3. Springer Link (2017). Commercialization of Science, Higher Education.https://link.springer.com/referenceworkentry/10.1007/978-94-017-9553-1_124-1#Sec1, pp. 1 – 6.
4. Kay, J. (1995). Foundations of Corporate Success: How Business Strategies Add Value. Oxford University Press, 20 April 1995, https://doi.org/10.1093/019828988X.001.0001
5. Kotler, P. & Kevin Lane Keller (2016). Marketing Management (Global Edition 15). https://www.edugonist.com/wp-content/uploads/2021/09/Marketing-Management-by-Philip-Kotler-15th-Edition.pdf, pp. 17.
6. Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo thường niên năm 2023, tr. 45 – 47.
7, 9. Bộ Công thương (2023). Báo cáo xuất khẩu năm 2023, tr. 12 – 15, 22 – 25.
8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023). Báo cáo xuất khẩu nông sản năm 2023, tr. 18 – 20.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Quang Anh (2023). Phân tích tác động của các hiệp định thương mại tự do đến ngành Công nghiệp Việt NamTạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 58(1), 10 – 20.
2. Tổng cục Thống kê (2024). Báo cáo kinh tế – xã hội. H. NXB Thống kê Việt Nam.
3. Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (2023). Báo cáo về việc áp dụng tiêu chuẩn ISO và các chứng nhận quốc tế trong ngành Công nghiệp.