Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực ở Thành phố Hà Nội hiện nay

Bùi Văn Đồng
PGS.TS. Trần Hồng Hải
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá quan trọng quyết định sự phát triển của Thủ đô nhằm hướng tới mục tiêu 2030 trở thành thành phố phát triển năng động, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Bài viết phân tích những thành tựu và hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực của thành phố Hà Nội, từ đó đề ra những giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn Thủ đô.

Từ khoá: Nguồn nhân lực, thành phố Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, đó là nguồn tài nguyên vô tận và quý báu để các quốc gia, dân tộc có thể đầu tư, khai thác và sử dụng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, sự ra đời của nhiều ngành công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo, tự động hóa… đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn đối với người lao động, đòi hỏi kỹ năng, trình độ nhân lực phải không ngừng nâng lên đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

2. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tại thành phố Hà Nội trong thời gian qua

Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước. Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội có diện tích tự nhiên hơn 334,470 ha, bằng 1% diện tích quốc gia; có 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã; 584 phường, thị trấn và dân số trên 8 triệu người1.

Những năm gần đây kinh tế Thủ đô tăng trưởng mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) tăng khoảng 7,39%, bình quân đầu người ước đạt 5.420 đô la (USD). Hà Nội có nhiều thuận lợi trong thu hút nguồn nhân lực của từ các địa phương khác, thậm chí cả khu vực và trên thế giới.

Thời gian qua thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố. Sau 4 năm triển khai Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 28/6/2016 về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt:

(1) Về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác quy hoạch lãnh đạo các cấp được triển khai đồng bộ, tiến hành bổ sung các chức danh còn thiếu, hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ các cấp.

Thành phố đã ban hành “Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020” qua đó bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, ý thức tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố. Thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn; tổ chức và tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với các thủ khoa xuất sắc, các chuyên gia trong các lĩnh vực có nhiều kinh nghiệm công tác cho 493 trường hợp trong giai đoạn 2015 – 20202.

(2) Về công tác giáo dục, đào tạo.

Công tác giáo dục và đào tạo không ngừng được nâng cao, Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II năm 2015. Chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập và đạt các chỉ tiêu về năng lực và phẩm chất đều đạt cao. Giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông tiếp tục duy trì và giữ vững, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18 – 21 hoàn thành phổ cập bậc giáo dục trung học đạt 91% vào năm 2016, so với chỉ tiêu quốc gia Hà Nội đã hoàn thành và vượt 20%.

(3) Công tác đào tạo, dạy nghề cho người lao động.

Công tác đào tạo nghề được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng qua các năm. Thành phố đã tập trung rà soát, đánh giá tình hình, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Toàn thành phố hiện nay có 376 đơn vị giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với đa dạng loại hình của nhiều thành phần kinh tế, sắp xếp lại hệ thống các trường hướng đến chuẩn quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực; từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; hoàn thành tốt việc xây dựng các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, giáo viên các trường nghề: hiện nay có 9.869 nhà giáo, hoạt động giáo dục nghề nghiệp tăng so với năm 2015 là 5.615 người3. Công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được quan tâm chú trọng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,25% năm 2020; tỷ lệ lao động chất lượng cao (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 48%; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%4.  

(4) Công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển thể lực cho Nhân dân.

Thành phố quan tâm chú trọng phát triển thể trạng, tầm vóc Nhân dân. Chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ suy sinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung các hoạt động nhằm giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Công tác phát triển thể thao được quan tâm, chú trọng, lắp đặt các dụng cụ luyện tập ngoài trời phục vụ miễn phí cho người dân. Tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia luyện tập, nâng cao sức khỏe, thể chất.

Tuy nhiên, bên cạnh đó phát triển nguồn nhân lực tại thành phố Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như:

Một là, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế; số lượng công chức được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước từ nguồn thủ khoa, sinh viên xuất sắc, các chuyên gia trên các lĩnh vực còn thấp, chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Hai là, chất lượng đào tạo nghề, nhất là lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, một bộ phận lao động vẫn chưa đáp ứng được các kỹ năng mềm, như: tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm và thao tác vận hành trên dây chuyền công nghệ. Sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp phải đào tạo lại nguồn nhân lực.

Ba là, việc huy động, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chưa đạt được kết quả như mong muốn; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thể chế, cơ chế đãi ngộ đối với lĩnh vực thu hút tài năng đặc biệt. Chất lượng nguồn nhân lực chưa được toàn diện về thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng sống…Tầm vóc thể lực, sức lực, cân nặng của người lao động còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình sử dụng, vận hành các máy móc, thiết bị hiện đại cỡ lớn và môi trường làm việc có cường độ cao.

3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực Thành phố Hà Nội hiện nay

Trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội trở thành phố phát triển năng động, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và năm 2045 trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, về phát triển nguồn nhân lực đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của Thành phố.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”5.

Hà Nội với đặc thù là một trong những trung tâm kinh tế năng động sôi nổi với nhiều trường đại học, cao đẳng và các trung tâm dạy nghề, cùng với số lượng lớn các tập đoàn, công ty đa quốc gia nằm trên địa bàn thành phố, đó là điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương, các nước trong khu vực và thế giới đến làm việc. Tuy nhiên, về lâu dài Hà Nội cần có chính sách thu hẹp khoảng cách về trình độ nguồn nhân lực giữa các vùng; phát triển chất lượng nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khác trong khu vực, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố phải xây dựng các kế hoạch, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm của thành phố; khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nguồn nhân lực.

Thứ hai, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới.

Với truyền thống 1000 năm Thăng Long – Văn hiến, Thành phố Hà Nội cần tận dụng tối đa mọi nguồn lực để xây dựng thành phố trở thành một trung tâm tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung tiến trình đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng tiến bộ, hiện đại, xây dựng hệ thống các trường học thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học uy tín quốc tế. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển “hệ sinh thái học tập sáng tạo” ở các cấp học, trình độ đào tạo.

Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô và hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khu vực nông thôn. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trường nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp quốc tế; giáo dục, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng huyện. Tập trung vào phát triển các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, khoa học, máy tính, trí tuệ nhân tạo luôn bám sát thị trường lao động thế giới. Quan tâm phát triển các chương trình dạy nghề, đặc biệt ở khu vực nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Chú trọng phát triển ngoại ngữ, trình độ công nghệ thông tin, bên cạnh chuyên môn đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, cần tạo ra một thị trường lao động lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước và sẵn sàng tham gia vào quá trình cạnh tranh toàn cầu.

Thứ ba, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quan tâm việc xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố. Cùng với đó bảo đảm chế độ đãi ngộ về lương thưởng, nhà ở… để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bảo đảm điều kiện, mức sống tốt hơn.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cần xây dựng các chiến lược, đề án, chính sách, thu hút trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đưa Hà Nội xứng đáng với vị trí trung tâm “hội tụ” anh tài của Thủ đô văn hiến. Chú trọng thu hút nguồn nhân lực từ các sinh viên xuất sắc, thủ khoa, các nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực; tuyển chọn đào tạo và gửi đào tạo ở các quốc gia tiên tiến, sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý thuộc nhiều lĩnh vực. Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ quốc tế và khu vực góp phần xây dựng Thủ đô thực hiện mục tiêu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người có năng lực, trình độ thăng tiến và cống hiến. Sắp xếp phù hợp với chuyên môn, tránh để tình trạng lãng phí nhân tài. Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác, như: xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.

Thứ tư, đẩy mạnh các biện pháp nâng cao thể lực, tầm vóc người lao động.

Đặc trưng thể lực con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có tầm vóc, sức bền, thấp bé hơn so với nhiều các quốc gia trên thế giới và kể cả một số quốc gia trong khu vực. Đây sẽ là những bất lợi trong quá trình hội nhập quốc tế khi người lao động không đáp ứng được trong các môi trường làm việc đòi hỏi sức khỏe cao, sức bền lớn. Do đó, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân Thủ đô bằng các biện pháp, như: phát huy hiệu lực, hiệu quả cơ chế quản lý, bảo đảm hệ thống y tế công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nâng cao năng lực hạ tầng y tế, chăm sóc tốt sức khỏe cộng đồng; phấn đấu sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân Thành phố. Đẩy mạnh các chương trình cải thiện dinh dưỡng, đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm. Tiếp tục thúc đẩy chương trình “Sữa học đường” nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Quan tâm hơn nữa công tác phát triển thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ.

4. Kết luận

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển của Thành phố Hà Nội. Những năm qua thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và đạt được những kết quả to lớn. Trong thời gian tới, Hà Nội vẫn cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế và mục tiêu trở thành thành phố kết nối toàn cầu mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII xác định.

Chú thích:
1, 2, 3. Thành ủy Hà Nội (2020). Báo cáo số 02-BC của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 ngày 21/9/2020 tổng kết Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố vềPhát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”.
4. Thành ủy Hà Nội (2021). Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Chương trình phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 203 – 204, 232 – 233.
Tài liệu tham khảo:
1. Minh Minh (2020). Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thanh-pho-ha-noi/-/2018/860302/ha-noi-day-manh-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao%C2%A0trong-tien-trinh-hoi-nhap-quoc-te-toan-dien%2C-sau-rong.aspx.
2. Ngọc Sơn (2020). Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/824636/ha-noi-day-manh-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao.aspx.
3. Hoàng Thị Ngân (2024). Phát triển nguồn nhân lực thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. https://lyluanchinhtri.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-thanh-pho-ha-noi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-va-hoi-nhap-quoc-te-4270.html.
4. GS.TS. Trần Văn Phòng – TS Lê Thị Hạnh (2023). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827302/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx.
5. Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/01/19/phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-nen-kinh-te-so-o-viet-nam.