Cao Quốc Khải
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Viên chức hành chính đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở giáo dục đại học. Họ là những người làm việc ở các vị trí không trực tiếp giảng dạy nhưng lại đóng góp rất lớn vào việc duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục và quản lý của tổ chức. Bài viết phân tích thực trạng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng viên chức hành chính tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Từ khóa: Chất lượng; viên chức hành chính; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Giáo dục đại học nhằm bồi dưỡng và phát triển tri thức, kỹ năng, giúp con người phát triển các giá trị đạo đức làm thay đổi cuộc sống. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của viên chức hành chính, cán bộ quản lý mặc dù không tham gia giảng dạy trực tiếp nhưng tham gia vào quản lý, điều hành được xem là đầu tàu, tạo nên thành công trong hệ thống giáo dục.
2. Chất lượng viên chức hành chính tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
a. Chất lượng đội ngũ viên chức hành chính hiện nay.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1995, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Với tổng số 5.992 viên chức, người lao động, gồm: 2.954 viên chức giảng dạy, 572 viên chức khoa học và công nghệ, 1.770 viên chức hành chính và 697 viên chức khác (giáo viên phổ thông, y bác sĩ, kế toán viên…)1. Tính đến hết 31/10/2023, số lượng viên chức là 6.205, bao gồm cả viên chức quản lý và viên chức thực hiện chuyên môn2. Tỷ lệ cơ cấu viên chức hành chính tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh theo độ tuổi dưới 30 tuổi và từ 31 – 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao với tổng 60,96%3. Điều này cho thấy, tỷ lệ viên chức hành chính của Trường ngày càng trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu về kế thừa và phát triển. Tỷ lệ theo giới tính có sự chênh lệch giữa nam và nữ theo từng độ tuổi, cụ thể:

Những năm qua, trình độ cũng như năng lực của viên chức hành chính Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang dần được nâng lên, tạo được sự tin tưởng đối với lãnh đạo, gây dựng được lòng tin của đồng nghiệp trong toàn cơ quan. Tỷ lệ cơ cấu viên chức hành chính có trình độ đại học chiếm 41,1%; trình độ trên đại học là 58,9% (6 phó giáo sư, 12 tiến sỹ, 68 thạc sỹ), đây là tỷ lệ phù hợp với tình hình thực tế tại văn phòng và các ban chức năng của Trường5.
Các viên chức hành chính luôn nỗ lực, có ý thức vươn lên trong học tập qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tiếp thu khoa học – công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn và kỹ năng nghiệp vụ, như: kỹ năng tổng hợp và xử lý thông tin, tư duy khoa học, tư duy logic, lập kế hoạch công tác và có khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong năm 2024, số viên chức hành chính được cử đi đào tạo sau đại học, gồm 8 nghiên cứu sinh, 10 học viên cao học; 34 viên chức tham gia bồi dưỡng các lớp, như: quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác đầu thầu, thẩm định giá, tiếng Anh, pháp luật,…6; 9 viên chứchành chính tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương7.
Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức hành chính tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn thể hiện tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có tác phong và lề lối làm việc nghiêm túc, chuẩn mực, sống là làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đúng quy định của Luật Viên chức về quyền và nghĩa vụ của viên chức, những điều viên chức không được làm, xây dựng mối quan hệ tốt, phối hợp trong thực hiện công việc với đồng nghiệp. Luôn có ý thức và nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, không có các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Đội ngũ viên chức hành chính luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong thực hiện công việc và trong đời sống, có tinh thần tự giác, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác.
b. Một số hạn chế, bất cập.
Một là, cơ cấu viên chức hành chính chưa cân đối về tỷ lệ độ tuổi để bảo đảm tính kế thừa; số lượng viên chức hành chính tại các phòng chức năng chưa phù hợp để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu tinh gọn trong bộ máy tổ chức, vừa đáp ứng được khối lượng công việc; vì vậy, chưa bảo đảm được thời gian học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ kế cận vẫn chưa được tổ chức thường xuyên mà luân chuyển từ các đối tượng viên chức là giảng viên, nghiên cứu viên, vì vậy, đã tác động một phần đến chất lượng chỉ đạo, thực hiện của viên chức hành chính.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức dẫn tới sự sắp xếp, phân công nhiệm vụ còn nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp, dẫn tới viên chức hành chính ở một số đơn vị có tăng lên về số lượng nhưng chưa bảo đảm về chất lượng và khối lượng công việc. Đồng thời, đội ngũ viên chức hành chính còn thiếu sự gắn bó và phối hợp trong thực hiện công việc. Các đơn vị còn hạn chế trong việc tổ chức các buổi họp đánh giá, giải đáp thắc mắc cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên môn.
Hai là, chính sách tiền lương cho viên chức hành chính chưa thực sự được quan tâm dẫn tới việc “chân trong, chân ngoài”, viên chức làm việc luôn trong tâm thế sẽ “nhảy việc” tìm những nơi tốt hơn. Chế độ tiền lương hiện tại chưa tạo được động lực làm việc, cống hiến, gắn bó lâu dài của viên chức hành chính với trường. Bên cạnh đó, hệ thống thang, bảng lương trong khối hành chính còn nặng về bằng cấp, chưa phản ánh được trình độ, chất lượng đáp ứng thực hiện công việc hoặc chức vụ đảm nhận.
Ba là, một số viên chức hành chính bộc lộ những hạn chế, thiếu sót trong việc chủ động thực hiện giải quyết công việc về nghiệp vụ hành chính…; đặc biệt, đối với một số viên chức trên 50 tuổi là những người có nhiều kinh nghiệm công tác nhưng còn bộc lộ sức ỳ khá lớn, chậm tiếp thu những kiến thức công nghệ thông tin trong việc xử lý các văn bản trên môi trường điện tử, chưa bắt kịp với yêu cầu của công việc. Công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các đơn vị chưa hiệu quả dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc trong nội bộ.
Bốn là, công tác quản lý còn lúng túng, thiếu quyết đoán, chưa linh hoạt trong giải quyết công việc; còn cả nể trước những sai phạm về thực hiện quy định, quy chế của cơ quan. Công tác tham mưu, giúp việc cho cấp trên chưa được phát huy, hiệu quả công việc chưa cao.
Năm là, trình độ đào tạo sau đại học ngày càng đáp ứng yêu cầu đặt ra của trường. Tuy nhiên, chuyên ngành đào tạo còn chưa đúng với vị trí việc làm của viên chức hành chính tại các đơn vị, điều này làm tăng tính đa dạng, linh hoạt trong xử lý công việc nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng viên chức hành chính tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chất lượng viên chức hành chính.
Đây là giải pháp quan trọng để hoạt động quản lý, điều hành hiệu quả, thực hiện mục tiêu của đơn vị và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát triển bền vững. Đồng thời, hình thành nền tảng nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thành viên nhằm có được sự đồng thuận, đồng lòng trong toàn hệ thống cho sự phát triển viên chức hành chính gắn với mục tiêu phát triển của tổ chức.
Đa dạng hóa cách thức phổ biến, quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo về nâng cao chất lượng viên chức hành chính nhằm tác động về mặt ý thức, giúp mọi người tiếp cận, nhận biết, hiểu và cùng tham gia công tác nâng cao chất lượng viên chức hành chính theo lộ tình, phù hợp; bảo đảm viên chức hành chính gia tăng về chất lượng đáp ứng yêu cầu của công việc, phục vụ hiệu quả mục tiêu của tổ chức. Thường xuyên tổ chức các hoạt động, như: tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, giao ban giữa các phòng ban,… nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng viên chức hành chính, từ đó hình thành thái độ của mỗi cá nhân.
Thứ hai, rà soát hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp lý về quản lý chất lượng viên chức hành chính.
Căn cứ các quy định của Luật Viên chức năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần có kế hoạch rà soát các văn bản luật để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định đối với viên chức hành chính nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế; từ đó, có những kiến nghị, đề xuất với các cấp để có biện pháp khắc phục những vướng mắc trong công tác quản lý đối với viên chức ngành Giáo dục.
Hoàn thiện cơ chế, quy định về công tác bố trí, tuyển dụng, đánh giá và bổ nhiệm viên chức hành chính, từ đó làm thước đo để tuyển dụng, thu hút, giữ chân nhân tài. Hoàn thiện mô tả vị trí việc làm viên chức hành chính, gồm những yêu cầu về phẩm chất, khung năng lực, bộ chỉ số đo lường mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ viên chức hành chính phát triển. Đồng thời, việc tuyển dụng viên chức hành chính có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức hành chính, cụ thể: hoàn thiện quy chế tuyển dụng viên chức hành chính bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đúng với vị trí việc làm đã được phê duyệt; hoàn thiện chế độ xét tuyển, tiếp nhận viên chức theo đặc thù; ban hành chính sách thu hút nhân tài.
Bên cạnh đó, xây dựng các quy định, hình thức, chế độ khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật của Nhà nước; những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp để việc quản lý viên chức hành chính được nghiêm minh, kỷ cương, nề nếp trong môi trường giáo dục.
Thứ ba, đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý viên chức hành chính.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng và phát triển viên chức nhằm thu hút nhân tài, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Theo đó, cần thực hiện việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công việc, từ đó phân tích những nguyên nhân, yếu tố tác động để tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng viên chức hành chính phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị.
Đổi mới hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt mục tiêu cải thiện năng lực công tác, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao thông qua công tác xây dựng tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, từ đó có kế hoạch xây dựng, đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng với các kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tin học văn phòng và kỹ năng thực thi nhiệm vụ đáp ứng với lĩnh vực công tác. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho nhóm đối tượng đang trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý, trình độ lý luận chính trị… bảo đảm đúng đối tượng, đúng kiến thức, đúng nhu cầu và hạn chế việc chạy theo bằng cấp, chứng chỉ.
Công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật là hoạt động quan trọng trong việc quản lý đội ngũ viên chức hành chính, đây là những công tác được xem là hệ thống kết quả thực hiện nhiệm vụ, từ đó bố trí sắp xếp đội ngũ nhân sự cho phù hợp với thực tiễn. Xác định đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và các chính sách tạo động lực để phát triển chất lượng viên chức hành chính.
Thứ tư, tạo động lực làm việc cho viên chức hành chính.
Tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, năng động, chuyên nghiệp, hiện đại để thu hút, kích thích nhu cầu tự học tập, phát triển, hoàn thiện bản thân của viên chức hành chính. Đa dạng hóa các hoạt động để tạo động lực làm việc, sự cống hiến, gắn bó của viên chức hành chính với mục tiêu phát triển tổ chức. Đồng thời, xây dựng quy định, các hình thức về thi đua khen thưởng nhằm tôn vinh, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của viên chức trong sự phát triển chung của trường.
Xây dựng chế độ tiền lương, thưởng phù hợp với vị trí việc làm nhằm phản ánh đầy đủ năng lực của viên chức hành chính và kết quả công việc. Tiền lương được chi trả gắn liền với thành tích, mức độ đóng góp, năng lực cá nhân sẽ phản ánh đầy đủ tính chất, đặc thù, độ phức tạp của công việc, vị trí việc làm nhằm hướng tới sự công bằng, qua đó bảo đảm khả năng thu hút, giữ chân và tạo động lực làm việc cho viên chức hành chính.
Xây dựng và công khai lộ trình phát triển chuyên môn, thăng tiến nghề nghiệp của viên chức hành chính và các chương trình hỗ trợ phát triển, trong đó chú ý xác định rõ những điểm chung, điểm giao nhau giữa các vị trí, cũng như đặc thù của từng vị trí viên chức hành chính phụ trách các công việc khác nhau.
Thứ năm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ viên chức hành chính.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho viên chức hành chính đáp ứng yêu cầu của đơn vị, của công việc, nhu cầu cá nhân và kết quả thực hiện công việc. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cho viên chức hành chính, như: bồi dưỡng tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề; kỹ năng tham mưu; kỹ năng phối hợp làm việc nhóm; kỹ năng quản trị thời gian; kỹ năng giao tiếp để thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc; kỹ năng sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu,…
Hoàn thiện bảng mô tả vị trí việc làm đối với viên chức hành chính nhằm xác định, đánh giá đúng yêu cầu cần thiết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với tính chất, yêu cầu công việc. Xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu thực hiện công việc, được phản ánh trên bảng mô tả công việc tương ứng, gồm các năng lực và kỹ năng cần có để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó nêu rõ những năng lực chung, năng lực cụ thể.
Thứ sáu, nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của viên chức hành chính.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, cần tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc và không vi phạm những việc viên chức không được làm được quy định tại Điều 19 Luật Viên chức năm 2010. Những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là những yêu cầu cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm, lương tâm và hành động trong quá trình thực thi công việc.
Hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử, quy định về văn hóa công sở trong hệ thống của trường, từ đó hình thành các chuẩn mực, tác phong của viên chức hành chính trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền những quy định pháp luật của Nhà nước, cũng như những quy định của cơ quan nhằm nâng cao ý thức của viên chức hành chính trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp của viên chức hành chính.
Trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản giáo dục hiện nay, thì yêu cầu cần phải cải cách chế độ công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả”. Xây dựng đội ngũ viên chức hành chính giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, thái độ với nghề nghiệp, tinh thần phục vụ tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xây dựng tổ chức ngày một tốt đẹp hơn, nỗ lực cống hiến, góp phần xây dựng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.
4. Kết luận
Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay về quản trị hiệu quả, các cấp lãnh đạo rất cần có đội ngũ tham mưu có kiến thức, trình độ chuyên môn vững, năng lực để giúp điều hành, thực hiện các nhiệm vụ trong tổ chức đạt hiệu quả. Vì vậy, phát triển viên chức hành chính bảo đảm chất lượng, có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là rất quan trọng và cần thiết. Các nhà quản lý và các bên liên quan cần tiếp tục quan tâm và đầu tư vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức hành chính để bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Chú thích:
1. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2021). Báo cáo thường niên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
2. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2023). Số liệu được cung cấp từ Ban Tổ chức – cán bộ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
3, 4, 5. Số liệu cung cấp từ các phỏng vấn sâu của Phòng Tổ chức – Hành chính, Văn phòng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
6. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2024). Quyết định số 1211/QĐ-ĐHQG ngày 30/8/2024 về việc cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ học phí cho viên chức cơ quan Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
7. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2024). Quyết định số 546/QĐ-ĐHQG ngày 28/5/2024 về việc cử viên chức tham gia lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2013). Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 về Đại học quốc gia.
2. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024.
3. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2022). Quyết định số 699/QĐ-ĐHQG về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các ban chức năng.
4. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2023). Quyết định số 1064/QĐ-ĐHQG về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các ban chức năng ban hành kèm theo Quyết định số 699/QĐ-ĐHQG ngày 22/6/2022.
5. Quốc hội (2019). Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
6. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26/3/2014 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.