PGS.TS. Nguyễn Thái Sơn
Trường Đại học Hải Phòng
ThS. Trần Hải Việt
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết tập trung vào vai trò của các trung tâm logistics quốc tế (ILC) đối với sự phát triển của vùng kinh tế động lực phía Bắc, đặc biệt là khu vực tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các ILC để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực. Thông qua các phương pháp tổng hợp và phân tích định tính, bài viết khẳng định việc xây dựng các ILC hiện đại tại Hải Phòng không chỉ hỗ trợ hoạt động xuất – nhập khẩu mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng, tạo cơ hội việc làm và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Từ khóa: Trung tâm logistics quốc tế, vùng kinh tế động lực, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, Hải Phòng.
1. Đặt vấn đề
Theo Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế. Vùng động lực phía Bắc được xác định từ việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, dọc theo các hành lang quốc lộ 5 và quốc lộ 18, trong đó Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế. Xây dựng vùng động lực phía Bắc trở thành trung tâm khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới.
2. Vùng kinh tế động lực và trung tâm logistics quốc tế cho vùng kinh tế
Vùng kinh tế động lực ở cấp quốc gia, có thể được định nghĩa là “những thành phố có sự liên kết chặt chẽ về kinh tế – xã hội với những khu vực lân cận, có vai trò là những trung tâm tăng trưởng, có khả năng tác động phát triển lan tỏa tới khu vực xung quanh” (Mustătea, 2013) hay “một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ được các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước” (Điều 3 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP). Ở cấp địa phương (cấp tỉnh), vùng kinh tế động lực (hay cực tăng trưởng) có thể được định nghĩa là “một khu vực tập trung công nghiệp hay một không gian đóng vai trò là công xưởng của vùng, có khả năng lan tỏa sự phát triển trong các khu vực lân cận” (Dawkins, 2003).
Trong nghiên cứu khoa học vùng, phát triển vùng kinh tế động lực được chú trọng cả về lý thuyết và thực tiễn để xây dựng cơ sở quy hoạch và chính sách phát triển. Các nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định vùng kinh tế động lực và thiết lập chính sách phát triển hiệu quả cho các khu vực này.
Vùng kinh tế là khu vực địa lý với đặc điểm kinh tế – xã hội và môi trường cụ thể, được định hướng phát triển bền vững và toàn diện. Các vùng này thường gồm nhiều tỉnh, thành phố hoặc quốc gia, thu hút đầu tư nhờ chính sách ưu đãi và hạ tầng phát triển. Việc đầu tư vào vùng kinh tế giúp tối ưu nguồn lực, phát triển công nghiệp, dịch vụ và tạo việc làm, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các địa phương và tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng.
Vùng kinh tế trọng điểm có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, thường có kết cấu hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, và chính sách ưu đãi. Các vùng này tập trung vào công nghiệp chủ lực, như: công nghệ cao, chế biến chế tạo và dịch vụ tài chính, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm.
Vùng kinh tế động lực, dù được định nghĩa khác nhau giữa các nước, có các đặc điểm chung: (1) Là khu vực địa lý xác định, có ranh giới thay đổi theo thời gian; (2) Hội tụ tiềm lực kinh tế và thu hút đầu tư; (3) Có khả năng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới; (4) Đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực hoặc cả nước. Vùng kinh tế động lực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, nhờ sự hiện diện của các trung tâm logistics quốc tế, giúp tối ưu chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập toàn cầu.
Bảng 1. Tăng trưởng GDP của 3 tỉnh, thành phố của vùng động lực
Năm | Hà Nội (tỷ VND) | Hải Phòng (tỷ VND) | Quảng Ninh (tỷ VND) | Tổng GDP 3 thành phố (tỷ VND) | Cả nước (tỷ VND) | Tỷ lệ % so với cả nước |
2013 | 663.000 | 140.000 | 92.000 | 895.000 | 3.584.000 | 24,98 |
2014 | 717.000 | 154.000 | 101.000 | 972.000 | 3.937.000 | 24,69 |
2015 | 785.000 | 172.000 | 112.000 | 1.069.000 | 4.192.000 | 25,5 |
2016 | 864.000 | 194.000 | 124.000 | 1.182.000 | 4.503.000 | 26,24 |
2017 | 945.000 | 215.000 | 137.000 | 1.297.000 | 5.006.000 | 25.9 |
2018 | 1.030.000 | 238.000 | 151.000 | 1.419.000 | 5.536.000 | 25,63 |
2019 | 1.125.000 | 262.000 | 167.000 | 1.554.000 | 6.036.000 | 25,74 |
2020 | 1.205.000 | 288.000 | 184.000 | 1.677.000 | 6.294.000 | 26,65 |
2021 | 1.280.000 | 315.000 | 203.000 | 1.798.000 | 6.805.000 | 26,42 |
2022 | 1.365.000 | 343.000 | 224.000 | 1.932.000 | 7.263.000 | 26,6 |
2023 | 1.460.000 | 374.000 | 247.000 | 2.081.000 | 7.712.000 | 26,98 |
Với điều kiện phát triển của Việt Nam, ILC được định nghĩa như sau: Trung tâm logistics quốc tế là một khu vực, nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics, thủ tục hải quan, thông quan và phân phối hàng hóa xuất, nhập khẩu, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, có khả năng kết nối chặt chẽ với các điểm nút logistics trong nội địa cũng như cảng cửa ngõ quốc tế trong một vùng địa lý kinh tế nhất định.
Quá trình phát triển của các mô hình trung tâm logistics trải qua 4 giai đoạn, với 4 mô hình theo cấp độ lớn dần. Xuất phát điểm của các trung tâm logistics chỉ là các kho, bãi hay còn gọi là các trung tâm vệ tinh. Sau đó trở thành các cảng cạn với chức năng bốc xếp container. Bước phát triển thứ 3 và thứ 4 là các cụm liên kết logistics và trung tâm logistics cửa ngõ.

Hệ thống trung tâm logistics được chia thành bốn cấp độ:
Cấp độ 1: Trung tâm logistics vệ tinh với quy mô nhỏ, cung cấp các dịch vụ logistics cơ bản như kho bãi và phân phối trong chuỗi cung ứng.
Cấp độ 2: Cảng cạn, kết nối với cảng biển chính qua đường sắt hoặc đường thủy nội địa, đóng vai trò gom và chia luồng hàng vận tải giữa cảng biển và đích đến cuối cùng.
Cấp độ 3: Cụm liên kết ngành logistics, bao gồm hạ tầng phục vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ hỗ trợ cho phép chia sẻ cơ sở vật chất giữa các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả giao nhận hàng hóa.
Cấp độ 4: Trung tâm logistics cửa ngõ, là điểm giao giữa vận tải nội địa và biển, xử lý lượng hàng lớn và kết nối toàn cầu. Đây là loại hình trung tâm lớn nhất đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và phát triển kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Theo Weigmans (1998), có thể phân loại trung tâm logistics như sau:
Bảng 2. Phân loại trung tâm logistics theo Weigmans
Trung tâm hạng XXL – trung tâm cửa ngõ quốc tế | Trung tâm có khả năng kết nối bằng đường biển, sắt, bộ, thủy nội địa xuyên suốt lục địa và kết nối với quốc tế. Trung tâm cung cấp |
Trung tâm hạng XL – trung tâm cửa ngõ lục địa | Trung tâm có khả năng kết nối với toàn lục địa bằng đường biển, sắt, bộ và thủy nội địa, đóng vai trò là một trung tâm phân phối quốc tế. |
Trung tâm hạng L – trung tâm cấp độ quốc gia | Trung tâm có khả năng kết nối thông qua đường sắt, thủy nội địa và đường bộ trong phạm vi quốc gia |
Trung tâm hạng M – trung tâm cấp độ vùng | Trung tâm cung cấp các dịch vụ chi phí thấp với công nghệ đơn giản cho khối lượng hàng hóa nhỏ. Trung tâm đóng vai trò phân phối phục vụ các khu vực sản xuất nhỏ trong phạm vi khu vực và quốc gia thông qua vận tải đường bộ, đường sắt và thủy nội địa |
Trung tâm hạng S – trung tâm cấp độ địa phương | Trung tâm chủ yếu kết nối thông qua đường bộ để nhận và giao hàng đến điểm đích cuối cùng. Các trung tâm này có thể kết nối thông qua đường sắt và đường thủy nội địa đơn giản. |
Theo đó, ILC hiện đại phục vụ cho vùng kinh tế là mô hình ILC cao cấp được thiết kế như trung tâm quốc tế cửa ngõ với đầy đủ các chức năng của logistics, có kết cấu hạ tầng hiện đại, hệ thống điều hành thông minh và khả năng kết nối liên vùng, liên quốc gia một cách nhanh chóng.
3. Vai trò của trung tâm logistics quốc tế với sự phát triển của vùng kinh tế động lực
ILC cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm. ILC không chỉ hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, kho bãi và vận tải mà còn kết nối vùng kinh tế với thị trường quốc tế qua vận tải biển, hàng không và đường sắt. Với các dịch vụ như thông quan, lưu trữ và vận chuyển hàng hóa, ILC giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả hơn, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế.
ILC đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp họ giảm chi phí logistics và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho thương hiệu. ILC cũng hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giảm tải cho hạ tầng giao thông, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và bảo đảm sử dụng tài nguyên hiệu quả. Với những lợi ích toàn diện này, việc xây dựng ILC là thiết yếu, mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Trên cơ sở các nghiên cứu và thực tiễn vận hành các trung tâm logistics quốc tế, có thể nhận thấy các vai trò quan trọng sau đối với sự phát triển của vùng kinh tế động lực, như:
(1) Thúc đẩy vận tải đa phương thức.
Một trong những chức năng của trung tâm logistics là thúc đẩy việc chuyển đổi hình thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và các hệ thống vận tải liên vùng tiến bộ khác. Trung tâm trong trường hợp này đóng vai trò như điểm kết nối cho các hệ thống vận tải giao nhận. Nhiều trung tâm được kết nối với nhau sẽ tạo nên một mạng lưới hiệu quả trong vận tải đa phương thức giúp nhà sản xuất, các bên cung ứng, chủ hàng… tận dụng được cơ sở hạ tầng vận tải đa phương thức để chuyên chở hàng hóa.
Các ILC được thiết kế để các nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL có thể tận dụng tối đa cơ sở vật chất cho vận tải đa phương thức với chi phí tối ưu, tiết kiệm thời gian, trong khi sự an toàn và sự tin cậy cao nhất. Với các trang thiết bị hiện đại, hàng rời hoặc hàng container sẽ được chuyển đổi phương tiện có năng lực vận tải thấp như đường bộ sang các phương tiện có năng lực vận tải cao như xà lan cho đường thủy nội địa và tàu hỏa cho đường sắt. Các ILC với chức năng là điểm kết nối vận tải đa phương sẽ giúp cho cả vùng kinh tế trở thành khu vực thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu nhờ vào khả năng tiếp cận và kết nối dễ dàng bằng nhiều phương thức vận tải. Các bên sản xuất dù ở các vùng địa lý xa, hạn chế về giao thông, thông qua ILC có thể nâng cao khả năng tiếp cận thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Lợi ích mà mô hình vận tải đa phương thức của ILC tạo ra cho các bên liên quan sẽ được thể hiện thông qua bảng tổng hợp sau:
Bảng 3. Lợi ích của vận tải đa phương thức trong ILC đối với các bên liên quan
Chi phí | Vận tải | Môi trường | |
Doanh nghiệp | |||
Bên gửi hàng | Giảm giá vận tải nội địa | Cần chuỗi vận tải đáng tin cậy | Thể thiện mối quan tâm đến sự phát triển bền vững |
Các hãng tàu | Cạnh tranh với các bên tổ chức vận tải khác để thu hút vận tải hàng hóa từ bên gửi hàng | Đưa ra chuỗi vận tải đáng tin cậy | |
Bên giao nhận | |||
Bên xử lý hàng vận tải | Tương tự như trên nếu bên xử lý hàng vận tải là người tổ chức vận tải | Độ tin cậy trong hoạt động của các bến cảng biển | Tính đến các chi phí về môi trường trong chi phí vận tải |
Chính quyền quản lý | |||
Quản lý cảng | Cạnh tranh giữa các cảng | Cạnh tranh giữa các cảng | Động lực tạo sự phát triển bền vững |
Các chính quyền của tỉnh, thành phố, vùng, quốc gia | Phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm | Kế hoạch phát triển của vùng | |
Cộng đồng | |||
Cư dân địa phương và tổ chức khác | Phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm | Giảm những tác động đến môi trường |
(2) Điểm kết nối trung gian giữa các đô thị trong vùng và cửa ngõ quốc tế.
Trước hết, hạ tầng logistics phát triển giúp kết nối cung cầu, làm tăng nhu cầu về hàng hóa và khai thông các dòng thương mại. Kết cấu hạ tầng logistics cải thiện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác nhanh hơn, cung ứng sản phẩm kịp thời hơn, nhanh chóng san bằng khoảng cách cung và cầu, nhờ đó các dòng thương mại hàng hóa được khai thông. Hệ thống logistics tạo ra các tiện ích về địa điểm, thời gian cho hàng hóa nên khi cơ sở hạ tầng logistics tốt hơn, nhu cầu của các loại hàng hóa sẽ được cải thiện đáng kể nhờ tính di động tăng lên, sự dịch chuyển thông suốt. Phạm vi thị trường phục vụ khách hàng rộng lớn hơn, nhờ đó, tổng doanh số bán sản phẩm tăng lên, kinh doanh mở rộng và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó các trung tâm này còn giúp giảm thời gian cung cấp nguyên liệu và phân phối hàng hóa, bảo đảm nguồn cung cấp quan trọng và đúng hạn. Các trung tâm logistics mang lại lợi ích trực tiếp cho sản xuất và phân phối do tiết kiệm thời gian dịch chuyển hàng hóa. Nhờ đó, các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường nguyên liệu và thị trường hàng hóa xa xôi, dòng vốn đầu tư được thu hút vào các khu vực rộng lớn hơn, kích thích sản xuất địa phương, giúp phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng miền đất nước.
(3) Tạo thành các cụm liên kết ngành và hiệu ứng liên kết.
Sự phát triển của các ILC không chỉ đóng góp vào ngành logistics mà còn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, và phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại cho địa phương. Tham gia vào ILC và chuỗi giá trị tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp đa dạng, từ tư nhân đến doanh nghiệp nước ngoài, với sự liên kết chặt chẽ trong việc chia sẻ cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ, và xây dựng thương hiệu chung.
Các doanh nghiệp trong ILC liên kết thông qua hai dạng chính:
Liên kết đầu vào: Giữa các nhà cung cấp logistics trong cùng khu vực để cân bằng cung-cầu, ổn định giá và tối ưu hóa nguồn lực.
Liên kết đầu ra: Tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm và liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước, từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
(4) Tạo thành mối liên kết giữa các hoạt động kinh tế trong vùng.
ILC đóng vai trò then chốt trong việc tối ưu hóa vận tải đa phương thức, kết nối các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, từ đó giảm chi phí và thời gian giao hàng. ILC không chỉ giúp tăng hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua thu hút đầu tư vào hạ tầng và công nghệ logistics, tạo việc làm và nâng cao kỹ năng lao động.
Ngoài ra, ILC tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua chia sẻ cơ sở hạ tầng, thiết bị và hệ thống thông tin, đồng thời hỗ trợ hình thành các cụm công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Nhờ vậy, ILC giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hệ sinh thái kinh tế bền vững và đóng góp vào sự phát triển bền vững của vùng kinh tế trọng điểm.
(5) Quản lý hệ thống vận tải trong vùng.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong logistics, thông qua Hệ thống quản lý vận tải (TMS) và Hệ thống quản lý kho bãi (WMS), mang lại nhiều lợi ích. TMS giúp theo dõi, tối ưu hóa hoạt động vận tải, từ lập kế hoạch lộ trình đến quản lý đội xe và theo dõi giao hàng. WMS quản lý nhập kho, lưu trữ và tồn kho, tăng cường hiệu quả quản lý và theo dõi hàng hóa, bảo đảm quá trình vận chuyển diễn ra suôn sẻ.
ILC tích hợp các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, giảm chi phí và thời gian giao hàng, tối ưu hóa luồng hàng giữa các khu vực. Đồng thời, ILC thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, chia sẻ cơ sở hạ tầng, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. ILC còn phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm tuân thủ quy định, giúp quá trình vận tải hiệu quả và đáng tin cậy.
(6) Kết nối cung cầu giữa các vùng và quốc tế.
ILC đóng vai trò quan trọng trong kết nối cung cầu nội vùng, liên vùng và quốc tế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bên trong nội vùng, ILC điều phối hàng hóa giữa các khu công nghiệp và thị trường nội địa, đảm bảo quá trình sản xuất, phân phối diễn ra kịp thời và hiệu quả. Liên vùng, ILC kết nối các vùng kinh tế trên toàn quốc, cân bằng cung cầu hàng hóa và giảm chi phí vận chuyển. Trên thị trường quốc tế, ILC hỗ trợ xuất nhập khẩu, cung cấp dịch vụ hải quan và phân phối, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới và mở rộng quy mô kinh doanh. Sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, ILC bảo đảm quản lý chuỗi cung ứng minh bạch, hiệu quả và bền vững.
(7) Thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Các tỉnh miền Bắc Việt Nam sở hữu hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ với các tuyến đường cao tốc, cảng biển Hải Phòng, sân bay quốc tế Nội Bài và nhiều khu công nghiệp lớn. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với thị trường quốc tế và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và chiến lược phát triển logistics đến năm 2025, tầm nhìn 2030 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, thương mại điện tử và các hiệp định thương mại tự do đã tăng nhu cầu dịch vụ logistics. Hợp tác quốc tế với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung và Toyota đã tạo nhu cầu lớn về logistics, giúp kết nối vùng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Các ILC tại miền Bắc không chỉ thu hút đầu tư mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm.
(8) Thu hút nguồn nhân lực và tạo việc làm.
Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics ngày càng tăng, với nhiều vị trí cần tuyển dụng từ quản lý cấp cao đến nhân lực vận hành, điều phối và bảo trì. Ngoài ra, các công việc hỗ trợ như kế toán, nhân sự và marketing cũng quan trọng. Sự phát triển của các ILC tạo ra nhiều cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ như bảo trì, an ninh và dịch vụ kinh doanh như nhà hàng, khách sạn.
Các ILC cung cấp mức lương cạnh tranh, phúc lợi hấp dẫn và đầu tư vào đào tạo nhân viên, tạo môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp. Sự phát triển của ILC không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, mà còn giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. ILC đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
4. Một số hàm ý nhằm hỗ trợ xây dựng và khai thác các vai trò của trung tâm logistics quốc tế ở vùng kinh tế động lực phía Bắc
Thứ nhất, phát triển hạ tầng giao thông và logistics hiện đại. Đầu tư vào hạ tầng giao thông đa phương thức như đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa để kết nối hiệu quả các ILC với các vùng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Hệ thống này cần được thiết kế đồng bộ để giảm chi phí logistics và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ hai, khuyến khích hợp tác công – tư. Việc phát triển các ILC đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự phối hợp từ nhiều bên liên quan. Chính phủ nên khuyến khích mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong xây dựng và vận hành các ILC để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và đảm bảo sự bền vững về mặt tài chính.
Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics, tập trung vào kỹ năng quản lý, vận hành và sử dụng các công nghệ hiện đại. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ILC mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương.
Thứ tư, tăng cường kết nối quốc tế. Phát triển các ILC theo mô hình cửa ngõ quốc tế, nơi mà các trung tâm này có thể kết nối trực tiếp với mạng lưới vận tải toàn cầu. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng hội nhập của vùng kinh tế động lực phía Bắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ và quản lý hiện đại. Sử dụng các hệ thống quản lý vận tải (TMS) và quản lý kho bãi (WMS) tiên tiến để tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của chuỗi cung ứng. Công nghệ thông tin cũng cần được ứng dụng mạnh mẽ trong việc giám sát và điều phối các hoạt động logistics tại ILC.
5. Kết luận
Việc xây dựng và phát triển các ILC tại vùng kinh tế động lực phía Bắc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Các ILC không chỉ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí logistics, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thu hút đầu tư trong và ngoài nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Bằng việc tập trung vào phát triển hạ tầng, khuyến khích hợp tác công tư, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại, các ILC sẽ trở thành động lực chính cho sự phát triển bền vững của vùng kinh tế động lực phía Bắc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Trong vùng động lực, Hải Phòng là thành phố cảng biển có truyền thống lâu đời, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Việc nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics quốc tế tại Hải Phòng là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng, cần thiết để phục vụ phát triển của vùng động lực phía Bắc, bởi vai trò quan trọng của nó trong đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, giao thương và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế của vùng và cả nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Chính phủ (2022). Nghị quyết số 138/NQ-CP về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
3. B. Wiegmans et al (1998). Intermodal Freight Terminals – An Analysis of the Terminal Market. Transportation Planning and Technology 23(0055), DOI:10.1080/03081069908717643.
4. C.J. Dawkins. Regional Development Theory: Conceptual Foundations, Classic Works, and Recent Developments. J. Plan. Lit. 18(2) (2003) 131-172.
5. Christopher D Higgins et al (2012). Varieties of Logistics Centers: Developing Standardized Typology and Hierarchy. Transportation Research Record Journal of the Transportation Research Board 2288(2288):9-18, DOI:10.3141/2288-02.
6. Fechner I. (2010). Role of Logisties Centres In National Logisties System. LogForum 2010 Vol.6 Issue 2, No 2. www.logforum.net.
7. Karayun, I., Aydin, H. I., Gulmez, M. (2012). Proceedings of the International Scientific, in The role of logistics in regional development. Taargu Jiu: House Publisher Academica.
8. Nicoleta Monica Mustătea (2013). Growth poles – an alterntive to reduce regional disparitites. Case study– Iasi growth pole. Romanian review of regional studies. Volume IX, number 1, 2013.
9. Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/14/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-logistics-o-viet-nam.
10. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Logistics Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/10/05/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-logistics-viet-nam.
11. Phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam: Vai trò của năng lượng tái tạo. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/09/phat-trien-kinh-te-ben-vung-o-viet-nam-vai-tro-cua-nang-luong-tai-tao.