Nguyễn Bá Tú
Học viện An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu (và đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động này đã góp phần giúp kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn Thủ đô vẫn còn hạn chế, bất cập trong đó có phối hợp lực lượng. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng phối hợp trong quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội và để xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Từ khóa: Tội phạm buôn lậu, phối hợp quản lý nhà nước, phòng, chống tội phạm buôn lậu, thành phố Hà Nội.
1. Tình hình tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội
Hà Nội với dân số đông, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân ngày càng cao nhưng chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong khi đó, hàng hóa tại thị trường các nước khác với hình thức, mẫu mã, chất lượng khá tốt, giá cả thị trường thấp hơn hoặc chỉ ngang bằng hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước nên hàng nhập lậu có giá thấp hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, hàng hóa do nước ngoài sản xuất có xu hướng cạnh tranh và tìm cách xâm nhập vào thị trường nước ta bằng con đường buôn lậu. Ngày 26/9/2024, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội thông tin, chỉ tính trong tháng 9/2024, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 đã thanh tra, kiểm tra 1.706 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý 1.432 vụ vi phạm buôn lậu và gian lận thương mại, khởi tố 8 vụ1.
Tại địa bàn thành phố Hà Nội mặt hàng buôn lậu được tập trung về hết sức đa dạng, từ ngoại tệ, vàng, hàng hóa như thuốc lá, rượu mạnh, điện thoại di động, phụ kiện điện tử, thực phẩm (thịt, cá, rau củ…) không rõ nguồn gốc, bánh kẹo, mứt, quần áo… dược phẩm và đặc biệt là các sản phẩm có mục đích sử dụng liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh Sars-CoV-2 như khẩu trang, kit test Covid- 19… Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao như: rượu, bia, thuốc lá, quần áo, giày dép, các sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược. Trong đó, mặt hàng ma túy được giấu trong hàng hóa gửi về Hà Nội bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, các cảng ICD Mỹ Đình, Gia Lâm…
Tình hình tội phạm lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất để buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, hàng hóa tập trung nhiều vào các loại hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng, thuốc lá, rượu, thuốc tân dược. Thủ đoạn buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua, như sau:
(1) Lợi dụng những lỗ hổng trong các quy định pháp luật, chính sách, cơ chế của Nhà nước ta về quản lý kinh tế, về quản lý hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu, tìm ra những cách thức luồn lách, tận dụng những kẽ hở trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để buôn lậu và đối phó với lực lượng chức năng khi bị thanh tra, kiểm tra, điều tra1, điển hình như vụ việc ngày 05/01/2023, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cơ quan Hải quan đã kiểm tra, hành lý của một hành khách trên chuyến bay khởi hành từ sân bay quốc tế Nội Bài đi Incheon (Hàn Quốc) bắt giữ tang vật vi phạm gồm 86.300.000 won tương đương 1,6 tỷ đồng3.
(2) Gian dối trong việc khai hải quan, trong việc thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, gia công hàng hóa xuất khẩu, đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài.
(3) Chia tách nhỏ hàng hoá buôn lậu. Trong những năm gần đây, với việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các phương tiện vận tải, các đối tượng đã hướng đến việc chia nhỏ, xé lẻ các lô hàng, vận chuyển cùng với những mặt hàng hợp pháp thành nhiều đợt để làm vỏ bọc bên ngoài, sau đó tập kết tại các kho bí mật tại Hà Nội. Hàng lậu được vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện: ô tô, xe máy, xe chở khách, xe bus, xe tải…
(4) Lợi dụng chính sách, những sơ hở trong quản lý hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa hàng lậu. Ngoài ra, còn nhiều thủ đoạn khác được đối tượng sử dụng như: thuê xe vận chuyển, thu mua các các phương tiện thanh lý của cơ quan Nhà nước nhưng không làm thủ tục chuyển đổi đăng ký, giữ nguyên biển số xe công vụ, sử dụng biển số giả nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng… 4.
2. Thực trạng phối hợp trong quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội
Trước tình hình trên, công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, trong đó chính quyền Thành phố cũng tập trung thực hiện các hoạt động quản lý, đặc biệt là công tác phối hợp lực lượng với những kết quả cụ thể như sau:
Một là, phối hợp tham mưu xây dựng văn bản pháp luật có liên quan. Thời gian qua các lực lượng chức năng đã phối hợp tham gia, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Thương mại (năm 2005); Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 về Luật Thuế xuất khẩu, Luật Thuế nhập khẩu; Luật số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2023 về Luật Hải quan; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương; Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về quy định xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực Hải quan; Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu…trên tinh thần cải cách, bám sát các cải cách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg cũng như qua thực tiễn triển khai thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai và hướng dẫn thực hiện đối với hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật hiện. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị chức năng còn chủ động rà soát các quy định pháp luật để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung.
Hai là, phối hợp trong công tác tham mưu, trong đó: (1) Chủ động tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai các chương trình, kế hoạch về quản lý nhà nước đối với phòng, chống tội phạm buôn lậu; (2) Tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố, các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản, như: các kế hoạch của UBND Thành phố, của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, kế hoạch triển khai cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; (3) Tham mưu trực tiếp cho Ban Chỉ đạo 389 xây dựng các quy chế phối hợp trong phòng, chống hoạt động buôn lậu giữa các lực lượng.
Ba là, phối hợp trong thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra các địa bàn trọng điểm tập kết, buôn bán hàng hóa, như: chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, Ga Hà Nội, ga Giáp Bát, Sân bay quốc tế Nội Bài, cảng ICD Mỹ Đình… Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận xuất xứ, thông qua xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các đơn vị chức năng có liên quan, như: Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Công an Thành phố thường xuyên phối hợp giải quyết các vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, điển hình như phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22 đã kiểm tra 5 gian hàng kinh doanh và phát hiện hơn 50.000 sản phẩm với tổng khối lượng hơn 20 tấn hàng hóa bao gồm mỹ phẩm, dầu gội và kem đánh răng…5
Bốn là, phối hợp phòng, chống tội phạm buôn lậu trên không gian mạng. Các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh các mặt hàng không bảo đảm chất lượng, hàng không có hóa đơn chứng từ trên không gian mạng. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu vẫn gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Việc kiểm soát kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội, như: facebook, zalo, tiktok… đang là vấn đề khó khăn đối với lực lượng chức năng do các đối tượng thường sử dụng nơi bán hàng, chốt đơn và kho hàng đặt tại các khu vực khác nhau, các đối tượng không có địa điểm đăng ký kinh doanh cố định, các đối tượng vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm cho người có nhu cầu nhưng không ghi địa chỉ, thông tin người gửi gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Chính vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự thuận lợi của thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, thương mại điện tử trên nền tảng facebook, google, youtube… để buôn bán, kinh doanh hàng hóa với các mặt hàng đa dạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các đối tượng rao bán các mặt hàng với các tên miền, các website, mạng xã hội, thậm chí sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử với hình thức online. Các đối tượng thông qua kho bãi, địa điểm tập kết, cơ sở kinh doanh những dịch vụ gắn kết với thương mại điện tử như kho hàng của bưu chính, chuyển phát nhanh, logistics… để tàng trữ và kinh doanh hàng lậu.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, chính quyền thành phố Hà Nội cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố là đầu mối để các cơ quan chức năng, trong đó có Công an thành phố Hà Nội trao đổi về thông tin, tài liệu liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường phối hợp liên ngành, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và liên ngành. Ban Chỉ đạo cần tạo ra một cơ chế hợp tác mạnh mẽ giữa các đơn vị, như: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an… Qua đó chia sẻ thông tin, tài nguyên và kinh nghiệm tăng cường hiệu quả trong việc phát hiện, điều tra và truy cứu các hoạt động buôn lậu.
Hai là, tăng cường trao đổi thông tin, phối kết hợp, giữa các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội với các lực lượng chức năng ở trung ương và các địa phương lân cận để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu. Tiếp tục phối hợp lực lượng tăng cường kiểm tra các địa bàn trọng điểm tập kết, buôn bán hàng hóa,…
Ba là, tăng cường phối hợp lực lượng kiểm tra và giám sát các cửa khẩu: Cửa khẩu là nơi tiếp giáp trực tiếp các vùng biên giới, và do đó cần tăng cường kiểm tra và giám sát tại các cửa khẩu để ngăn chặn hoạt động buôn lậu. Các biện pháp kiểm soát và quản lý nhà nước tại các cửa khẩu cần được nâng cao, đồng thời sử dụng công nghệ hiện đại như máy quét, camera giám sát và hệ thống thông tin để nâng cao khả năng phát hiện các hàng hóa buôn lậu.
Bốn là, đẩy mạnh phối hợp quản lý đối với các khu vực thương mại. Các khu vực thương mại, nhất là các chợ, cần được kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn việc buôn bán hoàng hóa lậu. Cần thực hiện kiểm tra định kỳ, nghiêm ngặt và không định kỳ tại các khu vực này để xác định và xử lý nhanh chóng những trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm chia sẻ thông tin tình báo, đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các hoạt động chung.
4. Kết luận
Thời gian tới, tội phạm buôn lậu có chiều hướng phức tạp. Việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đang từng bước hoàn thiện do vậy hoạt động thương mại điện tử được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh khi người dân và doanh nghiệp đã thích nghi với hình thức mua bán trực tuyến. Chính vì vậy, tăng cường phối hợp lực lượng trên cả không gian thực tiễn và không gian mạng là giải pháp trọng yếu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
2, 4. Hà Nội xử lý 1432 vụ buôn lậu gian lận thương mại hàng giả. https://kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-ly-1-432-vu-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-hang-gia.html.
3, 5. Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tăng cường chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả. https://tapchicongthuong.vn/ban-chi-dao-389-ha-noi-tang-cuong-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-103495.htm.