Vai trò của báo chí TP. Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trần Văn Tài
Nguyễn Hoàng Khiết Tường
Nguyễn Minh Hùng
Trường Đại học An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có hoạt động báo chí sôi nổi nhất cả nước, chính vì vậy, báo chí TP. Hồ Chí Minh cần có những định hướng phát triển mang tính chiến lược và những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, giai đoạn bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ khóa: Báo chí TP. Hồ Chí Minh; kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

1. Những kết quả nổi bật của báo chí TP. Hồ Chí Minh thời gian qua

Với xu thế phát triển chung của báo chí cả nước, báo chí TP. Hồ Chí Minh đã và đang có những bước tiến bước bậc nhằm khẳng định vai trò to lớn của mình trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 19 cơ quan báo chí đặt dưới sự lãnh đạo và quản lý của TP. Hồ Chí Minh (trong đó có 16 báo in, 10 tạp chí, 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình). Báo chí ở TP. Hồ Chí Minh hoạt động với đầy đủ các loại hình, như: báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Một số sở, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp đều có tạp chí hoặc báo riêng. Nhiều tờ báo, tạp chí đã xây dựng trang báo điện tử riêng, thông tin nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của công chúng, bạn đọc.

Báo chí TP. Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thức và nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Báo chí TP. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng; cổ vũ kịp thời các phong trào hành động cách mạng và những tấm gương điển hình tiên tiến. Đặc biệt, báo chí Thành phố đã, đang và sẽ làm tốt chức năng phản biện xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và chính quyền với dân, dân với Đảng và chính quyền. Nhiều vấn đề báo chí TP. Hồ Chí Minh đưa ra đã được các cấp, các ngành có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết, như: công tác tuyên truyền chủ động rất hiệu quả việc triển khai Dự án Đường vành đai 3, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua chính sách hệ số điều chỉnh giá đất, công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, phòng chống tệ nạn xã hội, những mặt trái, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng và nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình xu thế hội nhập quốc tế.

Báo chí TP. Hồ Chí Minh bám sát nhiệm vụ chính trị của TP. Hồ Chí Minh, tham gia có hiệu quả trong định hướng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng đa dạng của Nhân dân. Báo chí TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức các phong trào xã hội, từ thiện và các hoạt động phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc. Báo chí với vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân, đã và đang là lực lượng tiên phong trong việc phát hiện, phản ánh các vấn đề tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ. Những bài báo điều tra sắc bén, các phóng sự công phu đã giúp phanh phui nhiều vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực, tham những. Không dừng lại ở việc phản ánh, báo chí còn là kênh thông tin quan trọng để truyền tải những giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.

Sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển vùng, hội nhập kinh tế trong nước và khu vực. Báo chí là nguồn lực, công cụ giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển, là cầu nối quảng bá hình ảnh, tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh ra khu vực và thế giới, tăng cường thu hút đầu tư, hợp tác, xây dựng và phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

2. Các mô hình hoạt động tiêu biểu của báo chí TP. Hồ Chí Minh

Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 nêu một trong số nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến”. Việc “phát hiện”, “nêu gương” bao hàm ý nhân rộng những cách làm hay, lan tỏa những thông tin tích cực trong xã hội1.

Giải Báo chí Thành phố được tổ chức hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,… là dịp để các cơ quan báo đài, cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Từ đó, động viên, khuyến khích ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc; khẳng định báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền để phòng ngừa, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, vừa tích cực đầu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, Giải Báo chí Thành phố cũng qua đó phát hiện những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; giới thiệu, biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những tấm gương sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị trên các lĩnh vực, tạo niềm tin cho Nhân dân trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Thành phố.

Các tác phẩm báo chí của Thành phố dành nhiều thời lượng giới thiệu, nhân rộng về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đồng thời ghi nhận, biểu dương, cổ vũ các gương đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Trong lĩnh lực bảo đảm an toàn giao thông, Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông có nội dung: biểu dương các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân có những giải pháp hay, cách làm tốt, mô hình điểm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và xây dựng văn hóa giao thông. Phát hiện và động viên kịp thời những gương người tốt, việc tốt về cứu hộ, cứu nạn, chia sẻ giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, để động viên tích cực việc phát hiện, giới thiệu và lan tỏa các điển hình tiên tiến trên báo chí, ở TP. Hồ Chí Minh có một số cuộc thi của các cơ quan báo chí thành phố, như “Thính giả với An toàn giao thông” của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố; cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi” và “Lòng tốt quanh ta” của Báo Người lao động, các cuộc thi phóng sự – ký sự báo chí với chủ đề “Người tốt – Việc tốt” và “Tỏa sáng giá trị Việt” của Báo Sài Gòn Giải phóng,…

Việc nhân rộng mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến không chỉ là nhiệm vụ của báo chí TP. Hồ Chí Minh nói riêng mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng báo chí đóng vai trò chủ lực, nòng cốt. Mỗi cơ quan báo chí, từng người làm báo cần tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc giới thiệu nhiều hơn nữa các mô hình, điển hình tiên tiến và có giải pháp lan tỏa rộng rãi cả bằng các công cụ của cơ quan báo chí. Để từ đó nhân rộng các mô hình ra quy mô cả nước góp phần đẩy mạnh phát triển các giá trị nhân văn, cá nhân tiêu biểu và các mặt tích cực trong xã hội.

Việc nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến đối với báo chí trong kỷ nguyên mới hiện nay là một nhu cầu cấp thiết phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa hiện nay. Điều này không chỉ mang lại lợi ích tích cực cho báo chí nói chung và chính cơ quan báo chí nói riêng nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tạo nên giá trị của báo chí cách mạng Việt Nam trong việc xây dựng xã hội, xây dựng con người mới.

3. Một số giải pháp góp phần phát huy vai trò của báo chí TP. Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên được hiểu là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi các đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội – văn hóa – chính trị – tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học công nghệ, môi trường.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn mang ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là kỷ nguyên đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của nội lực và ngoại lực để vượt qua chính mình vươn tới mục tiêu và đạt được những thành tựu vĩ đại.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo đó: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh2.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một kỷ nguyên được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những đặc trưng cơ bản đã đặt ra nhằm xây dựng con người xã hội  chủ nghĩa với những bản chất đặc trưng là đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta có những thuận lợi và cơ hội mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, đồng thời Việt Nam là một nước có dân số trẻ, đang trên đà phát triển cao và là một thị trường đầy tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nguy cơ lớn nhất là tình trạng suy thoát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gây ảnh hưởng lớn đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng như đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là phải khắc phục khó khăn ở hiện tại. Đặc biệt là tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực chính phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm tinh thần tự chủ, tự tin, tự cường và tự hào dân tộc. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, nền báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò và nhiệm vụ hết sức to lớn. Báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ tuyên truyền nội dung, giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền nhân dân.

Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí TP. Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một số giải pháp cần thực hiện như sau:

Một là, báo chí TP. Hồ Chí Minh cần tập trung đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực báo chí. Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số của báo chí TP. Hồ Chí Minh mở ra nhiều giải pháp đột phá, nâng cao hiệu quả và tính tương tác của truyền thông. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng cùng với việc phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp báo chí nắm bắt xu hướng, phân tích thị hiếu và hành vi của độc giả theo thời gian thực, từ đó tối ưu hóa nội dung và hình thức truyền tải. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain giúp bảo vệ bản quyền, chống tin giả và minh bạch hóa nguồn gốc thông tin, bảo đảm sự tin cậy.

Ngoài ra, việc ứng dụng một số nền tảng số hóa, như: báo điện tử, podcast và video ngắn giúp đa dạng hóa kênh thông tin báo chí và thu hút nhóm độc giả khác nhau. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tạo nên sự sính động và hấp dẫn cho độc giả. Như vậy, việc chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng thông tin mà còn giúp báo chí phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo, phóng viên đặc biệt là về tư tưởng – đạo đức – lối sống và công tác chuyên môn. Trong bối cảnh xã hội đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số vào các lĩnh vực trong đời sống, vai trò của con người được đề cao tối đa và đóng vai trò là nhân tố quyết định nhất. Trong đó, cần thực hiện tốt các khâu của công tác cán bộ nhằm tạo nên đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản và đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, từng cán bộ, nhà báo có phẩm chất, năng lực và uy tín thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; cũng cần có nguồn cán bộ dự bị dồi dào, có chất lượng tốt để đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản. Đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà báo một cách bài bản, chặt chẽ để đội ngũ này xứng đáng là linh hồn, sức sống của báo chí, xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh.

Ba là, để phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân, báo chí chính là kênh thông tin quan trọng, là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với Nhân dân để kịp thời có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giải quyết triệt đề các vấn đề còn tồn đọng trong xã hội. Báo chí TP. Hồ Chí Minh cũng cần tiếp cận các vấn đề nóng của xã hội, góp phần tích cực trong việc điều chỉnh, ban hành nhiều quyết sách lớn phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Bốn là, báo chí phải bảo đảm tính đảng, tính chính trị, báo chí phải luôn mang bản chất của báo chí cách mạng, là công cụ tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân. Từ lý luận cũng như thực tiễn, khi báo chí có sự lãnh đạo của Đảng thì hoạt động báo chí mới có thể bảo đảm được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn và mới phục vụ tốt nhất quần chúng nhân dân, phục vụ đất nước.

Năm là, để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, các cơ quan báo chí cần nỗ lực thực hiện 6 tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo. Đó là, nêu cao phẩm cách đẹp, ứng xử văn minh của người làm báo và coi trọng tính nhân văn trong tác phẩm báo chí; tiếp xúc với bạn đọc, bạn xem – nghe đài và công chúng theo phong cách văn minh, lịch sự, cân nhắc thấu đáo mỗi khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh trên không gian mạng3

4. Kết luận

Báo chí TP. Hồ Chí Minh đã luôn thực hiện tốt chức năng thông tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam từ xưa đến nay luôn là công cụ sắc bén góp phần quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế, đóng vai trò to lớn trong công tác đối nội và đối ngoại.

Chú thích:
1. Góp thêm một số giải pháp để nhân rộng điển hình tiên tiến trên báo chí. https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/gop-them-mot-so-giai-phap-de-nhan-rong-dien-hinh-tien-tien-tren-bao-chi-1491896954.
2. “Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIV) (Lớp 3)”. https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html.
3. Báo chí TP. Hồ Chí Minh: Phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. https://www.xaydungdang.org.vn/thanh-pho-ho-chi-minh/bao-chi-tp-ho-chi-minh-phat-huy-hon-nua-vai-tro-la-cong-cu-truyen-thong-sac-ben-cua-dang-nha-nuoc-va-nhan-20822.