Vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ nhằm nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở 


ThS. Nguyễn Văn Xuân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Dân chủ là một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng để kích động, gây mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có quân đội. Việc nhận thức, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ vào nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở hiện nay có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ khóa: Chủ nghĩa Mác – Lênin; sĩ quan cấp phân đội; ý thức dân chủ; đơn vị cơ sở; nâng cao.

1. Đặt vấn đề

Chủ nghĩa Mác – Lênin là thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cung cấp cho con người công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới, chỉ ra quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy. Đồng thời, cũng chỉ ra con đường để giải phóng con người và phát triển của xã hội, quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ là một trong những nội dung thể hiện rõ điều đó. Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã trung thành và vận dụng quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin vào lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở chặt chẽ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, đã góp phần giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của quân nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật. Hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn mới đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức dân chủ của mỗi quân nhân, thực hành dân chủ rộng rãi, thực chất, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ

Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ “Bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”1. Ở đây, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã dùng khái niệm nền dân chủ với nghĩa là vấn đề chính quyền, nhà nước. Trong “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, để trả lời cho “Câu hỏi thứ 18: Cuộc cách mạng đó sẽ diễn biến như thế nào?”2 Ph.Ăng-ghen đã khẳng định “Trước hết, nó tạo ra một chế độ dân chủ và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị của giai cấp vô sản. Trực tiếp như ở Anh là nơi mà hiện nay vô sản đã chiếm đa số trong nhân dân; gián tiếp như ở Pháp và Đức là nơi mà đa số nhân dân không những gồm có vô sản mà còn gồm cả tiểu nông và tiểu tư sản thành thị là những người chỉ mới ở trong giai đoạn đang chuyển thành giai cấp vô sản”3. Theo đó, chế độ dân chủ là chế độ xã hội trong đó quyền thống trị chính trị, tức là chính quyền thuộc về Nhân dân. Như vậy, có thể thấy rằng, hoạt động tự giác đấu tranh cách mạng và tính giai cấp là những đặc trưng của dân chủ. 

Kế thừa và phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về dân chủ, V.I.Lênin đã tiếp tục luận giải vấn đề này trong nhiều tác phẩm quan trọng. V.I.Lênin khẳng định dứt khoát: “Dân chủ là tự do, là bình đẳng, là quyết định của đa số; còn có gì cao hơn tự do, bình đẳng, quyết định của đa số nữa”4 và “Dân chủ nói một cách cụ thể, là: 1) Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; 2) Tự do chính trị cho mọi công dân; 3) Quyết định theo đa số của mọi công dân; 4) Quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy”5. Quan niệm về dân chủ của V.I. Lê-nin không những không mâu thuẫn với các quan niệm tiến bộ về dân chủ trong lịch sử tư tưởng nhân loại mà còn là bước kế thừa và phát triển trong điều kiện mới, tức là trong điều kiện cần phải giáo dục cho giai cấp công nhân và đảng của nó hiểu được bản chất của dân chủ và nhiệm vụ của mình trong quá trình thiết lập một nền dân chủ mới, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, V.I.Lênin cũng yêu cầu: “Cần phải xây dựng ngay chế độ dân chủ, bắt đầu từ cơ sở, dựa vào sáng kiến của bản thân quần chúng, với sự tham gia thực sự của quần chúng vào tất cả đời sống của nhà nước”6 và  “Quần chúng càng chủ động, càng có nhiều ý kiến, càng mạnh dạn và càng có tinh thần sáng tạo khi tiến hành công việc đó thì lại càng tốt”7, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền về dân chủ, ban hành sắc lệnh về dân chủ, giao trách nhiệm thực hiện dân chủ ở các cơ quan đại biểu mà phải thực hiện dân chủ thực chất, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dân chủ phải được thực hiện từ cơ sở và thu hút sự tham gia rộng rãi của đông đảo quần chúng nhân dân.

Quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ có giá trị khoa học, cách mạng và thực tiễn to lớn, là những chỉ dẫn mang tính nguyên tắc trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói chung, trong thực hiện dân chủ ở các đơn vị cơ sở quân đội nói riêng. 

3. Vận dụng nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở hiện nay

Ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở là tổng hòa những tri thức, tình cảm, thái độ và niềm tin của đội ngũ sĩ quan cấp phân đội đối với thiết chế dân chủ, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, là ý chí, quyết tâm thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, điều lệnh và kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, vấn đề dân chủ là một trong những trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng nước ta, trong đó có Quân đội. Mặt khác, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại đòi hỏi phải khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dân chủ ở các đơn vị cơ sở quân đội. Do đó, việc quán triệt sâu sắc, vận dụng trung thành, sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ vào nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở hiện nay là vấn đề tất yếu khách quan. 

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ sĩ quan cấp phân đội hiểu sâu sắc quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ; ý nghĩa, nội dung thực hiện dân chủ ở đơn vị cơ sở.

Nội dung giáo dục, bồi dưỡng cần tập trung vào quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin , tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ về dân chủ; tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở đơn vị cơ sở; Kết luận số 120 KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng Quy chế dân chủ cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sởnăm 2022, Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31/12/2024 của Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là làm rõ tính khoa học, cách mạng trong quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ; những nội dung, biện pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kết hợp đa dạng các hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng, như: tập huấn cán bộ, học tập chuyên đề của sĩ quan, sinh hoạt chuyên đề, hội thi… Để thực hiện tốt điều này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, tổ chức tiến hành giáo dục, bồi dưỡng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và đối tượng sĩ quan phân đội.

Hai là, tăng cường bồi đắp tình cảm, niềm tin, ý chí và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan phân đội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh trình độ tri thức thì tình cảm, niềm tin, ý chí là những nhân tố có vai trò quan trọng, cấu thành ý thức của chủ thể. Vì vậy, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ vào nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng nâng cao nhận thức về dân chủ với tăng cường giáo dục, củng cố, bồi đắp tình cảm, niềm tin, ý chí cho đội ngũ sĩ quan cấp phân đội. Bảo đảm tốt “các quyền dân chủ về quân sự – chuyên môn, chính trị, kinh tế – đời sống và các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật có liên quan; được thụ hưởng thành quả của cơ quan đơn vị”8 và “được tạo điều kiện để tham gia học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác”9. Đó cũng là cơ sở quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân phát huy tốt tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ đó góp phần nâng cao ý thức dân chủ, đấu tranh phòng chống các biểu hiện vi phạm dân chủ trong đơn vị. 

Ba là, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái, quan điểm thù địch trong nâng cao ý thức dân chủ của sĩ quan cấp phân đội.

Trên cơ sở quán triệt, vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát huy dân chủ ở cơ sở, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn, quyết định, quy chế, quy định trên các mặt, các lĩnh vực công tác, nhằm cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Đối với đội ngũ sĩ quan cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở thời gian qua, ý thức dân chủ và trình độ làm chủ không ngừng được nâng cao; sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ được tăng cường; tình cảm, niềm tin vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”. Tuy nhiên, cá biệt một số sĩ quan cấp phân đội ở đơn vị cơ sở nhận thức chưa thực sự toàn diện về vai trò, nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thậm chí có biểu hiện dân chủ hình thức, mất đoàn kết, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động ngày càng điên cuồng chống phá cách mạng nước ta trên các phương diện, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu các cấp tiến đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó có vấn đề dân chủ nói chung, thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nói riêng. Để khắc phục những vấn đề đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho sĩ quan cấp phân đội các nghị quyết, chỉ thị, văn bản về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, cùng với làm rõ sự cần thiết phải thực hiện tốt mặt công tác này trong đơn vị. Qua đó, làm cho đội ngũ này nhận thức đúng việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng ý chí, quyết tâm, nâng cao trách nhiệm trong đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, biểu hiện sai trái, quan điểm phản động đối với việc thực hiện dân chủ ở đơn vị cơ sở. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ; kiên quyết loại bỏ các biểu hiện dân chủ hình thức, tự do, vô kỷ luật, vi phạm dân chủ, các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch.

4. Kết luận

Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ là những chỉ dẫn mang tính nguyên tắc trong nâng cao ý thức dân chủ cho đội ngũ sĩ quan cấp phân đội ở đơn vị cơ sở quân đội hiện nay, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”10. Đội ngũ sĩ quan cấp phân đội là những người trực tiếp quán triệt, tổ chức thực hiện dân chủ ở các đơn vị cơ sở. Vì vậy, tất yếu phải quán triệt, vận dụng trung thành chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ vào nâng cao ý thức dân chủ cho đội ngũ này mới bảo đảm phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật ở đơn vị cơ sở, tạo nền tảng vững chắc góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chú thích:
1, 2, 3. C.Mác và Ph.Ăng-ghen toàn tập (1995). Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 626, 469, 469 – 470 .
4. V.I. Lênin toàn tập (2005). Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 414.
5. V.I. Lênin toàn tập (2005). Tập 39. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 515 – 517.
6, 7. V.I. Lênin toàn tập (2005). Tập 31. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 337.
10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 289.
8, 9. Bộ Quốc phòng (2024). Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31/12/2024 quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, tr. 3.