Đại úy Đặng Quang Đạo
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Tôn giáo được xem như một nguồn lực quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, bao gồm cả vật chất và tinh thần, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, trong đó có nguồn lực tôn giáo tại tỉnh Thái Bình. Các hoạt động của Phật giáo, Thiên Chúa giáo tại Thái Bình không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương, trách nhiệm xã hội. Đồng thời, các lễ hội, cơ sở thờ tự còn là di sản văn hóa, thúc đẩy bảo tồn giá trị truyền thống, góp phần xây dựng môi trường văn hóa phát triển bền vững. Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của nguồn lực tôn giáo đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại tỉnh Thái Bình, từ đó đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bền vững.
Từ khóa: Ảnh hưởng; đoàn kết; đời sống văn hóa; nguồn lực tôn giáo; tỉnh Thái Bình.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển bền vững cộng đồng. Tại Việt Nam, đời sống văn hóa cơ sở không chỉ gắn liền với các hoạt động xã hội mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nguồn lực tôn giáo. Tại tỉnh Thái Bình – một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và tôn giáo, các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo đã và đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, việc khai thác và phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề nhận thức đến sự phối hợp giữa các tổ chức tôn giáo và chính quyền địa phương. Do đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của nguồn lực tôn giáo đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh Thái Bình hiện nay không chỉ có ý nghĩa thực tiễn mà còn đóng góp vào việc định hướng phát triển bền vững và bảo tồn các giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập.
2. Quan niệm và đặc trưng của nguồn lực tôn giáo
Nguồn lực là toàn bộ tài sản, tài nguyên, sức mạnh vốn có sẵn sàng đưa vào sử dụng hoặc dự trữ để phục vụ cho sản xuất và đời sống con người. Đối với một quốc gia, một địa phương, hoặc một doanh nghiệp, nguồn lực được hiểu là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia, vị trí địa lý, quy mô thị trường, vốn, trình độ khoa học – công nghệ, sức mạnh văn hóa, con người, thể chế chính trị… tạo lợi thế, sức cạnh tranh của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp trong quản lý và phát triển1.
Có nhiều cách phân loại nguồn lực, như: nguồn lực con người, nguồn lực vật chất, nguồn lực tinh thần, nguồn lực kinh tế, văn hóa – xã hội… Các nguồn lực đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động đến xã hội thông qua nhiều cách khác nhau, tác động tích cực thúc đẩy xã hội phát triển tiến bộ. Nguồn lực tồn tại cả ở dạng hiện hữu và tiềm năng. Nguồn lực của một quốc gia hay của một địa phương bao gồm nhiều nguồn lực, càng phát hiện nhiều nguồn lực, đánh giá đúng và phát huy tối đa các nguồn lực sẽ góp phần xây dựng và phát triển đất nước và địa phương. Những yếu tố, có tác động tích cực, có đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì đó là nguồn lực cần phải phát huy.
Theo cách hiểu trên thì tôn giáo cũng là một nguồn lực, gồm: nguồn lực về vật chất, tinh thần của tôn giáo được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những gì mà tôn giáo tác động tích cực, có ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều được coi là nguồn lực tôn giáo.
Khi bàn về nguồn lực tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”2; “Lâu nay, đồng bào đã ghi nhớ lời dạy của Đức Chúa và lời kêu gọi của Tổ quốc, đã đoàn kết và kháng chiến”3.
Tiếp cận những nội dung trên, có thể rút ra quan niệm: nguồn lực tôn giáo là tổng thể các yếu tố vật chất và tinh thần của các tôn giáo có thể khai thác, sử dụng, phát huy tạo nguồn sức mạnh, động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Nguồn lực của các tôn giáo rất đa dạng và phong phú, gồm:
(1) Nguồn lực tôn giáo là nguồn lực con người có tôn giáo đã, đang và sẽ được huy động vào góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
(2) Nguồn lực tôn giáo là những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo của người có tôn giáo và những giá trị tôn giáo đã, đang và sẽ lan tỏa đến con người không theo tôn giáo góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
(3) Nguồn lực tôn giáo là các cơ sở vật chất và nguồn tài chính của tôn giáo đã, đang và sẽ được huy động góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay bởi nói đến văn hóa là nói đến con người, xã hội và trình độ phát triển của họ. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của công tác văn hóa là hình thành, bồi dưỡng, đào tạo và xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiệm vụ này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta coi trọng con người là nguồn lực cơ bản, quyết định sự phát triển của xã hội, đồng thời là mục tiêu nhằm đạt tới của các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
3. Ảnh hưởng của nguồn lực tôn giáo đến xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở tỉnh Thái Bình
Một là, nguồn lực tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành, bồi đắp nên ý thức văn hóa của Nhân dân.
Tỉnh Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, không chỉ được biết đến với những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là nơi mà tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc góp phầnhình thành và bồi đắp ý thức văn hóa của Nhân dân và được biểu hiện rõ nét ở nguồn lực vật chất nguồn lực tinh thần của các tổ chức tôn giáo.
Nguồn lực tinh thần của tôn giáo thể hiện qua những giá trị đạo đức và nhân văn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo mang lại. Thái Bình là vùng đất có sự hiện diện mạnh mẽ của Phật giáo với nhiều ngôi chùa cổ kính, đây không chỉ là nơi hành lễ mà còn truyền bá những giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống. Từ lâu, Phật giáo đã góp phần nâng cao ý thức sống có đạo đức, từ bi, vị tha và lòng yêu thương đối với con người và vạn vật trong tự nhiên. Những giá trị này hình thành nên ý thức văn hóa của cộng đồng, đóng góp một phần xây dựng một xã hội hài hòa, nơi con người biết tôn trọng lẫn nhau và sống hòa thuận. Thiên Chúa giáo tại Thái Bình cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng ý thức văn hóa của Nhân dân. Với các giáo lý yêu thương và tha thứ, Thiên Chúa giáo khuyến khích tín đồ sống gắn bó với cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Từ đó, Thiên Chúa giáo đã làm phong phú thêm ý thức văn hóa của người dân Thái Bình, khuyến khích sự chia sẻ và lòng nhân ái trong xã hội.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, giáo dục của tôn giáo cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng ý thức văn hóa cho Nhân dân. Các trường học, cơ sở giáo dục do các tổ chức tôn giáo bảo trợ đã đóng góp tích cực trong việc giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, trách nhiệm với xã hội và lòng yêu nước: “Nhiều người con của quê hương Thái Bình đã ghi những dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng tinh thần yêu nước, quả cảm, sẵn sàng xả thân hy sinh cho Tổ quốc. Ngày nay, tình yêu nước đó được chuyển hóa thành sự tự hào, khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp. Người Thái Bình mang trong mình dòng máu đó, khát vọng đó, tới khắp mọi miền Tổ quốc”4.
Hai là, nguồn lực tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng thiết chế văn hóa.
Tôn giáo, với nguồn lực vật chất và tinh thần sâu sắc, đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa ở tỉnh Thái Bình, góp phần tạo nên những thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng và quốc gia. Phật giáo, Thiên Chúa giáo đều có những triết lý và giá trị nhân văn, giúp hình thành các chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong cộng đồng. Giáo lý từ bi, bác ái, hòa hợp của các tôn giáo đã thấm nhuần trong đời sống của người dân Thái Bình, từ đó là cơ sở để xây dựng các thiết chế văn hóa. Tôn giáo không chỉ giúp định hướng lối sống, cách ứng xử của con người mà còn khuyến khích Nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển văn hóa của địa phương.
Phật giáo, với sự hiện diện sâu rộng ở Thái Bình, tại chùa Keo nơi hành lễ mà còn là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là lễ hội chùa Keo một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Bình. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương tham gia: “các giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo cùng vẻ đẹp về mảnh đất, con người Vũ Thư trong tiến trình đổi mới, hội nhập, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương”5. Qua đó, chùa Keo đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng vừa tham gia phát triển quảng bá du lịch vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương. Thiên Chúa giáo cũng có vai trò tích cực trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở Thái Bình. Các nhà thờ không chỉ là nơi hành lễ của tín đồ mà còn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động từ thiện, giáo dục và văn hóa như nhà thờ Bác Trạch (Vân Trường, Tiền Hải) là một điển hình diễn ra nhiều hoạt động tôn giáo cũng như văn hóa, góp phần kết nối cộng đồng và xây dựng lối sống lành mạnh, gắn kết giữa các thành viên trong xã hội. Nguồn lực vật chất của tôn giáo tại Thái Bình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa. Nhiều cơ sở tôn giáo ở Thái Bình còn là điểm đến du lịch văn hóa, góp phần giới thiệu và lan tỏa các giá trị văn hóa của tỉnh ra khắp cả nước.
Ba là, nguồn lực tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng chuẩn mực văn hóa.
Tôn giáo với các nguồn lực vật chất và tinh thần phong phú đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố các chuẩn mực văn hóa trong xã hội. Hàng nghìn năm qua, tôn giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến cách con người sống, suy nghĩ và hành động, góp phần hình thành các giá trị đạo đức, quy tắc ứng xử và những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp. Sự giao thoa giữa tôn giáo và văn hóa đã làm cho các nền văn hóa phong phú hơn, đa dạng hơn, đồng thời giúp tạo nên một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng chuẩn mực xã hội.
Nguồn lực tinh thần của tôn giáo chủ yếu thể hiện qua các giá trị đạo đức và triết lý sống mà tôn giáo mang lại. Phật giáo, Thiên Chúa giáo đều nhấn mạnh vào việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, từ bi, bác ái, nhân ái và lòng yêu thương đồng loại. Những giá trị này trở thành những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản mà xã hội mong muốn mọi người tuân thủ, như: Phật giáo với triết lý từ bi, không sát sinh và lòng vị tha đã góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa về tình yêu thương đối với con người và thiên nhiên; Thiên Chúa giáo với giáo lý “yêu người như yêu mình” đã thúc đẩy những giá trị như khoan dung, tha thứ và sự công bằng trong quan hệ giữa con người với nhau. Từ đó, tôn giáo không chỉ giúp định hình các giá trị văn hóa cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cách xã hội xây dựng các chuẩn mực tập thể. Việc duy trì và truyền bá các truyền thống văn hóa qua các nghi lễ, tập quán, phong tục tôn giáo. Các lễ hội tôn giáo như lễ Vu Lan của Phật giáo hay lễ Giáng sinh của Thiên Chúa giáo không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn trở thành những sự kiện văn hóa quan trọng, kết nối cộng đồng và củng cố các giá trị văn hóa truyền thống. Qua thời gian, những giá trị này đã trở thành chuẩn mực văn hóa ăn sâu, bám rễ vào đời sống của các cộng đồng, góp phần duy trì và phát huy bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, nguồn lực vật chất của tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chuẩn mực văn hóa: “Tỉnh Thái Bình có nhiều nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nổi tiếng, toàn tỉnh có: 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 117 di tích quốc gia, 577 di tích cấp tỉnh. Tỉnh còn có 483 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có 8 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”6. Đó là nguồn tiềm năng phát triển nổi trội của tỉnh Thái Bình trong phát huy nguồn lực tôn giáo so với nhiều địa phương trên cả nước.
Bốn là, nguồn lực tôn giáo ảnh hưởng tích cực đến việc xây khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôn giáo là một thành tố quan trọng trong văn hóa dân tộc, mang lại những giá trị cả về mặt vật chất và tinh thần, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn lực tinh thần của tôn giáo là yếu tố dễ nhận thấy nhất trong việc củng cố khối đại đoàn kết: “Mặt trận Tổ quốc các cấp thực sự là ngôi nhà chung tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các đồng bào không theo tôn giáo và theo các tôn giáo lại với nhau. Song song với việc tuyên truyền để đồng bào Công giáo hiểu và chấp hành đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc các cấp còn kịp thời phối hợp giải quyết nhiều đề xuất, nguyện vọng chính đáng của bà con giáo dân; phát huy tốt vai trò của bà con giáo dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tham gia bảo vệ môi trường, xã hội hóa hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo”7. Bên cạnh nguồn lực tinh thần, nguồn lực vật chất của tôn giáo có những đóng góp tích cực, những cơ sở thờ tự như chùa, nhà thờ, thánh đường không chỉ là nơi linh thiêng để tín đồ hành lễ mà còn trở thành những trung tâm văn hóa, nơi diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng, góp phần củng cố tình đoàn kết trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và những ảnh hưởng tích cực trong quá trình phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng văn hóa cơ sở thì vẫn còn một số tồn tại và một số ảnh hưởng tiêu cực đang diễn ra tại tỉnh Thái Bình. Một số cơ sở tôn giáo phát triển quá mức, dẫn đến việc sử dụng tài chính chủ yếu để xây dựng các công trình thờ tự vượt nhu cầu thực tế, thay vì phân bổ cho các thiết chế văn hóa khác như trường học, thư viện. Sự mất cân đối này làm hạn chế khả năng phát triển văn hóa toàn diện và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân.
Một số tôn giáo vẫn duy trì các quan niệm, lễ nghi không phù hợp với sự phát triển xã hội: “Lối sống phô trương, thực dụng, coi thường các giá trị nhân văn có cơ hội để hình thành và tồn tại trong nhiều mặt biểu hiện của văn hóa làng, len lỏi vào các công việc hiếu, hỷ của từng gia đình khi ở những cương vị khác nhau; len lỏi vào hội hè, đình đám và các sự kiện của thôn làng ở từng địa phương khác nhau…”8. Hoạt động tôn giáo trái phép và mê tín như “cúng sao giải hạn”, “cầu tài lộc” vẫn diễn ra ở một vài nơi, làm ảnh hưởng đến việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Một số giải pháp phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Thái Bình
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vai trò của nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Thái Bình.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa. Một trong những vai trò quan trọng của tôn giáo là bồi đắp, truyền giảng những giá trị đạo đức và nhân văn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng một nền tảng chung về đạo đức và cách sống đúng đắn cho người dân, khuyến khích người dân thực hiện những lối sống, hành động mang tính nhân văn, vị tha, công bằng với mọi người. Ngoài những đóng góp về giá trị đạo đức và tạo dựng cộng đồng, các tôn giáo còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn bằng các hoạt động từ thiện và bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo còn đóng vai trò quan trọng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Thông qua sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã hướng dẫn tín đồ cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, đời sống vật chất từng bước được cải thiện, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường, chung sức đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo.
Đây là giải pháp cơ bản, góp phần tăng cường vai trò của nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Thái Bình. Theo đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện các nội dung trong Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 24/9/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo với 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm; đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Công văn số 1325-CV/TU ngày 14/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo và công tác nhân quyền các cấp và Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 30/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Khuyến khích các cơ sở tôn giáo, chức sắc, tín đồ tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, chương trình nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người khó khăn theo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoạt động tôn giáo thuận lợi theo quy định của hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và đúng pháp luật.
Thứ ba, đẩy lùi mê tín dị đoan trong đồng bào có đạo và quần chúng nhân dân.
Cùng với sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tín ngưỡng do được địa phương tuyên truyền là cơ bản thì những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường vào đời sống văn hóa – xã hội cũng không hề nhỏ, biểu hiện ở các hoạt động mê tín dị đoan có xu hướng gia tăng. Đặc biệt những năm gần đây, xu hướng phát triển của các tôn giáo lạ thường mang theo những tín ngưỡng và quan điểm xa lạ, đôi khi trái ngược với các giá trị truyền thống và pháp luật, gây ra mâu thuẫn tăng lên, như: dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng ma, trừ tà, bói toán… những hoạt động trên đã được các cơ quan, chính quyền và Nhân dân ở các địa phương đẩy lùi, song nay lại có chiều hướng phát triển trở lại và ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn. Vì vậy, để phát huy vai trò nguồn lực tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Thái Bình hiện nay cần tăng cường các hoạt động, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong đẩy lùi các hoạt động mê tín dị đoan núp bóng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào có đạo.
Đây là giải pháp hữu hiệu củng cố niềm tin của đồng bào có đạo với Đảng, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào có đạo; tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào có đạo, giúp cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống mọi mặt cả về vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo trong tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm giúp đỡ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho chức sắc, tín đồ, đồng bào có đạo thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Khuyến khích các cơ sở tôn giáo, chức sắc, tín đồ tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, giúp đỡ người khó khăn theo đúng quy định của pháp luật.
4. Kết luận
Nguồn lực tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở tại tỉnh Thái Bình. Những giá trị nhân văn, đạo đức và văn hóa từ các tôn giáo đã góp phần định hình lối sống, thúc đẩy tinh thần đoàn kết và gìn giữ các giá trị truyền thống của cộng đồng. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động xã hội, từ thiện và giáo dục đã tạo nên những tác động tích cực, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tôn giáo, cần vận dụng đồng bộ các giải pháp đã nêu, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức tôn giáo nhằm tăng cường nhận thức, xây dựng cơ chế hợp tác và định hướng phát triển phù hợp. Điều này không chỉ giúp phát huy tiềm năng của tôn giáo mà còn góp phần xây dựng một đời sống văn hóa cơ sở bền vững, hòa hợp và đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện đại.
Chú thích:
1. Nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn – Nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh. https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nguon-luc-va-dong-luc-cho-thuc-day-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-trong-dieu-kien-thich-ung-an-toan-nhin-tu-thuc-tien-tinh-quang-ninh
2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 454, 515.
4. Phát huy nguồn lực văn hóa tỉnh Thái Bình trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.http://www.vanhoanghethuat.vn/phat-huy-nguon-luc-van-hoa-tinh-thai-binh-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dia-phuong.htm
5. Thái Bình: Khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu ở huyện Vũ Thư. https://www.vietnamplus.vn/thai-binh-khai-mac-le-hoi-chua-keo-mua-thu-o-huyen-vu-thu-post982944.vnp
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình (2021). Báo cáo thực hiện nhiệm vụ trong triển khai, lập quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tr. 2 – 3.
7. Xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/0/116327/xay-dung-vung-chac-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc
8. Mấy vấn đề về xây dựng hệ giá trị văn hóa ở Thái Bình. https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/trao-doi-nghiep-vu/may-van-de-ve-xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-o-thai-binh.html