Vận dụng chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

ThS. NCS. Trần Văn Trung
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin ra đời năm 1921 nhằm đưa nước Nga ra khỏi khủng hoảng về kinh tế – chính trị, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển một cách toàn diện, đồng bộ trong toàn xã hội do V.I.Lênin lãnh đạo. Quan điểm, tư tưởng của V.I.Lênin về phát triển nông nghiệp được Đảng kế thừa, bổ sung và phát triển vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể cách mạng Việt Nam. Bài viết làm rõ một số nội dung cơ bản tư tưởng chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin, từ đó, định hướng vận dụng vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chính sách kinh tế mới, V.I.Lênin, phát triển nông nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nước Nga đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách bởi sự tàn phá của chiến tranh, sự bao vây, chống phá của các thế lực thù địch, phản động. V.I.Lênin đã tiến hành hàng loạt biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhằm củng cố, giữ vững thành quả cách mạng, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; từ đó, góp phần nâng cao năng xuất lao động, tạo tiền đề vững chắc cho chính quyền Xô Viết đối phó với các thế lực thù địch, phản động bên ngoài. Một trong những chính sách được V.I.Lênin triển khai đó là chính sách kinh tế mới (tháng 3/1921) đã vạch ra những phương hướng cơ bản về sự phát triển của các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế của nước Nga đã có bước phát triển đáng kể về mọi mặt, bước đầu tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân. Tư tưởng của V.I.Lênin về chính sách kinh tế mới đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng, linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam để phát triển nông nghiệp, bảo đảm là “trụ đỡ”, “bệ phóng” cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước hiện nay.

2. Những nội dung cơ bản chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin

Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin (NEP) ra đời trong bối cảnh lịch sử khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã giành thắng lợi; chính sách “Cộng sản thời chiến” không còn phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra, kìm hãm, cản trở sự phát triển đi lên của sản xuất, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, của người nông dân, chất lượng sản phẩm thấp, người dân thiếu đói, trong khi đó nhiều diện tích đất bỏ hoang. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, V.I.Lênin đã chủ trương xoá bỏ “Chính sách cộng sản thời chiến”, chuyển sang thực hiện “Chính sách kinh tế mới” nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. V.I.Lênin khẳng định: “Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa là thay chế độ trung thu lương thực bằng chế độ thu thuế, chuyển sang việc khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn. Tô nhượng cho những nhà tư bản ngoại quốc…, cho các nhà tư bản tư nhân thuê, việc đó chính là trực tiếp khôi phục lại chủ nghĩa tư bản và việc đó gắn liền với nguồn gốc của chính sách kinh tế mới”1.

Chính sách kinh tế mới do V.I.Lênin khởi xướng đã đề ra những chủ trương, biện pháp toàn diện, đồng bộ về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp; trong đó việc phát triển nông nghiệp được V.I.Lênin coi là cơ sở, nền móng để cung ứng cho phát triển công nghiệp, thương nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, V.I.Lênin đã thi hành biện pháp thu thuế lương thực một phần của người nông dân, mục đích của việc này là nhằm thể hiện tinh thần, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nông dân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Hơn nữa, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã giải phóng người nông dân khỏi chế độ áp bức, bóc lột, đem lại ruộng đất cho người nông dân; vì vậy, việc đóng góp một phần của cải của mình cho sự phát triển của xã hội được người nông dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp.

Đặc biệt, thực hiện chính sách kinh tế mới, người nông dân được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm mà không lo bị ngăn cấm, kiểm tra, kiểm soát như trước đây. Với quan điểm nhân văn, tiến bộ đó, người nông dân đã phấn khởi, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình để cải tạo đồng ruộng, nghiên cứu các giống cây lương thực, thực phẩm cho năng suất, chất lượng cao; người nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, sau thời gian ngắn, sản xuất nông nghiệp của Liên Xô đã tăng lên đáng kể, từ chỗ người dân bị thiếu đói đến việc bảo đảm lương thực cho toàn xã hội.

Chính sách kinh tế mới trong nông nghiệp cũng chỉ rõ, người nông dân được giao lưu buôn bán hàng hóa, sản phẩm làm ra, tạo thành chuỗi cung ứng cho sản xuất. V.I.Lênin chỉ rõ: “tất cả các đồng chí đều phải làm kinh tế. Bên cạnh các đồng chí sẽ có những nhà tư bản, cũng sẽ có những nhà tư bản nước ngoài… Họ sẽ làm giàu bên cạnh các đồng chí; cứ để cho họ làm giàu; còn các đồng chí sẽ học ở họ cách quản lý kinh tế, chỉ có như thế các đồng chí mới xây dựng được nước cộng hòa cộng sản chủ nghĩa”2. Và “xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho sự thắng lợi của xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại vì chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều”3.

Nhờ thực hiện chính sách kinh tế mới mà nước Nga đã vượt ra khủng hoảng về kinh tế, chính trị, bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bước đầu hình thành, phát triển các hợp tác xã ở các vùng nông thôn, sản xuất nông nghiệp được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, trồng đan xen các loại cây trồng, vật nuôi. Phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của nước Nga. V.I.Lênin đã xác định có 5 thành phần kinh tế tiểu nông ở nước Nga bao gồm: (1) “Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là phần lớn có tính chất tự nhiên. (2) Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán bánh mỳ). (3) Chủ nghĩa tư bản tư nhân. (4) Chủ nghĩa tư bản nhà nước. (5) Chủ nghĩa xã hội”4.

3. Vận dụng chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin để phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa lý phát triển nông nghiệp, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, trải qua chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng đã kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đảng khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững tích hợp theo hướng nâng cao giá trị, tăng năng lực cạnh tranh gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước”5.

Thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển nông nghiệp những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ứng dụng khoa học – công nghệ được đẩy mạnh vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ gia đình phát triển nông nghiệp theo mô hình kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, thực hiện quy trình khép kín; nhiều giống cây trồng, vật nuôi được thực hiện thí điểm ở nhiều địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.

Các hợp tác xã nông nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định, bền vững là nơi thu mua sản phẩm nông nghiệp của người nông dân, cũng là nơi định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và đặc biệt là duy trì thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước cho ngành nông nghiệp một cách lâu dài. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xuất khẩu sang nước ngoài và có vị trí nhất định trong thị trường tiêu thụ, như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp…

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Tăng trường GDP trong nông nghiệp chiếm khoảng 12% tổng GDP của nền kinh tế (năm 2024). Xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan. Xuất khẩu hồ tiêu đứng thứ nhất trên thế giới với lợi nhuận đạt 1,3 tỷ USD, năm 2024 xuất khẩu 220,3 nghìn tấn hồ tiêu. Đảng đánh giá: “Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới”6.

Bên cạnh kết quả đạt được phát triển nông nghiệp ở Việt Nam còn một số hạn chế, như: sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trình độ canh tác, kỹ thuật chăm sóc cây trồng vật nuôi của một bộ phận nông dân còn nhiều hạn chế; một số mặt hàng sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống do năng xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Việc ứng dụng mạnh mẽ, tích cực khoa học – công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất nông nghiệp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Đảng ta chỉ rõ: “nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao”7. Trong thời gian tới, để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững cần tập trung vào một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp để kích thích, tạo động lực cho người nông dân yên tâm sản xuất.

Cơ chế, chính sách có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp, tạo động lực, niềm tin, khí thế mới để người nông dân yên tâm sản xuất, mở rộng kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách mới phù hợp với thị trường trong và ngoài nước để tìm đầu ra sản phẩm cho người nông dân một cách ổn định, bền vững, tránh tình trạng được mùa nhưng mất giá và ngược lại giá cao nhưng lại mất mùa. Có những quy định, hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong sản xuất cây trồng, vật nuôi, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, không chạy theo giá cả thị trường, kinh doanh bất chấp văn hóa đạo đức của dân tộc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, làm giàu bằng mọi cách.

Phân công cán bộ nông nghiệp xuống các địa phương khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp của người nông dân, khả năng tiêu thụ ra thị trường để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương có phương pháp, cách thức, biện pháp phối kết hợp giải quyết một cách phù hợp, hiệu quả; không để người nông dân lo lắng, bất an khi tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Các cơ chế, chính sách phải kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, ép giá của các thương lái, doanh nghiệp đối với người nông dân. Lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, kiên quyết đối với những bộ phận, lực lượng chấp hành không nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước trong phát triển nông nghiệp, như: gian rối, dùng các mánh khoé, thủ đoạn để găm hàng của người nông dân, khi giá cao bắt đầu đưa ra thị trường. Các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp cụ thể đối với các ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản và bảo đảm tuổi thọ của những cơ chế, chính sách đó. Đảng chỉ rõ: “phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản”8.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định: “Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”9. Với tinh thần này, người nông dân mạnh dạn đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến hiện đại vào từng ngành sản xuất nông nghiệp; mời các kỹ sư trẻ giỏi về khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số hướng dẫn người nông dân cách sử dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp một cách phổ biến, rộng rãi thị trường trong và ngoài nước.

Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải môi trường, chống biến đổi khí hậu, hạn chế những thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết gây ra, ảnh hưởng đến mùa màng, lợi nhuận của người nông dân và doanh nghiệp. Các thiết bị công nghệ tiên tiến hiện đại của thế giới cần được người nông dân sử dụng thành thạo vào quy trình sản xuất – kinh doanh từ đó, mở rộng quy mô sản xuất, giảm thiểu sự phụ thuộc của con người vào máy móc, để máy móc, công nghệ hiện đại tự động điều khiển những quy trình của sản xuất theo ý muốn của người nông dân.

Đối với ngành nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thuỷ hải sản cần áp dụng công nghệ mới hiện đại để kích thích sự trưởng thành, phát triển cho mẫu mã sản phẩm đẹp có như vậy, mới chiếm lĩnh được thị trường thế giới, nhất là thị trường khó tính, như: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Điều quan trọng người nông dân phải làm chủ được khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, có như vậy mới chủ động trong công việc, chủ động trong nhân giống, lai tạo, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi. Muốn vậy, mở những lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết về khoa học – công nghệ, thực hiện chuyển đổi số cho người nông dân; phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội đến những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp để hướng dẫn cách sử dụng.

Đẩy mạnh việc mở rộng các chuyên mục về ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp trên đài truyền hình của địa phương. Mỗi địa phương, nhất là cấp cơ sở (xã, phường) có cán bộ, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư về công nghệ thông tin đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, sẵn sàng có mặt hỗ trợ, giúp đỡ về mặt kỹ thuật để bảo đảm cho mọi người dân, nhất là hộ gia đình kinh doanh, sản xuất nông nghiệp sử dụng được tốt nhất khoa học – công nghệ.

Ba là, tập trung sản phẩm nông nghiệp chuyên canh, có chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đảng xác định: “Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa”10. Các địa phương căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh để tập trung sản xuất những sản phẩm đặc trưng, mang tính thương hiệu không những ở phạm vi trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Những sản phẩm đặc sản của địa phương trước hết phục vụ cho người dân trong nước, giá thành sản phẩm phù hợp với thu nhập, mức sống của người dân; bảo đảm mọi người dân đều được thưởng thức những đặc sản của địa phương, có như vậy, giá trị nhân văn của sản xuất nông nghiệp mới lâu bền, hướng đến người tiêu dùng với các mức sống, thu nhập khác nhau. Nhân rộng những mô hình sản xuất chuyên canh của các địa phương cho nhân dân để nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ đó cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác; hướng đến chăm sóc sức khoẻ, giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp thu nhập GDP vào địa phương, vào các hoạt động từ thiện, công ích xã hội.

Đối với các vùng sản xuất chuyên canh là thế mạnh của địa phương, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác định hướng, quản lý đầu ra của sản phẩm, không để thương lái, người dân tự do tuỳ tiện buôn bán, đẩy giá, ép giá, tạo chênh lệch, khoảng cách quá lớn ảnh hướng đến tâm lý, điều kiện của nhà tiêu dùng, tức là người dân phải chi phí giá quá lớn để dùng những đặc sản của ngành sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương cần làm tốt công tác định hướng cho người dân và doanh nghiệp luôn theo sát diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, điều kiện thời tiết để tập trung đầu tư, sản xuất các phẩm nông nghiệp phù hợp, hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao; tránh trồng hàng loạt, nuôi trồng hàng loạt các loại cây trồng, vật nuôi những thị trường tiêu thụ không kịp dẫn đến bị hư hỏng không xuất khẩu được; từ đó, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tạo tâm lý chán nản, bi quan, không có động lực sản xuất cho vụ sau. Vì vậy, cần gắn chặt chẽ giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu, từng bước, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, phát triển nông nghiệp xanh.

4. Kết luận

Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin ra đời cách đây hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, mang tính thời sự nóng hổi trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là với phát triển nông nghiệp. Những quan điểm, tư tưởng của V.I.Lênin chỉ dẫn cho phát triển nông nghiệp được Đảng kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam trong điều kiện cả hệ thống chính trị đang tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, sánh vai cường quốc năm châu thế giới. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, mỗi chủ thể, lực lượng quán triệt và thực hiện sâu sắc quan điểm của Đảng “bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo”11.

Chú thích:
1, 2. V.I.Lênin toàn tập (2005). Tập 44. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 200, 209.
3. V.I.Lênin toàn tập (2005). Tập 39. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 54.
4. V.I.Lênin toàn tập (2005). Tập 43. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 54, 218.
5, 6, 7, 8, 10, 11. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) (2022). Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, định hướng năm 2045.
9. Bộ Chính trị (2024). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.