Nguyễn Thị Nhàn
Trường Đại học Thành Đông
(Quanlynhanuoc.vn) – Với mục tiêu hướng đến một nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nghiên cứu về phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết nhằm làm rõ vai trò của công nghệ tài chính trong việc thúc đẩy tài chính xanh. Thông qua đánh giá thực trạng triển khai tại Việt Nam, phân tích những rào cản và thách thức đang tồn tại. Nghiên cứu đưa ra cơ sở lý thuyết và các kinh nghiệm của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới qua đó làm cơ sở đưa ra các hàm ý chính sách phù hợp với thực tiễn giúp thúc đẩy phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính nhằm khai thác tối đa tiềm năng của Fintech, thúc đẩy tài chính xanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Từ khoá: Tài chính xanh; Fintech; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và cam kết phát triển bền vững trở thành xu hướng toàn cầu, tài chính xanh nổi lên như một công cụ quan trọng để hướng dòng vốn vào các hoạt động thân thiện với môi trường. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải thúc đẩy hệ thống tài chính xanh nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng bền vững. Mặc dù vậy lĩnh vực này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, hoạt động manh nha với quy mô nhỏ, các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh hay tín dụng xanh vẫn còn hạn chế về số lượng, thiếu sự đa dạng và chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích tài chính xanh vẫn chưa hoàn thiện, thị trường chưa có nhiều công cụ hỗ trợ để đo lường và giám sát hiệu quả sử dụng vốn xanh. Hệ thống ngân hàng – nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu cho nền kinh tế vẫn gặp khó khăn trong việc đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, dẫn đến sự thận trọng nhất định trong việc cấp vốn cho các dự án xanh.
Trước những yêu cầu thực tiến đặt ra, sự bùng nổ của công nghệ tài chính (Fintech) mang lại cơ hội lớn để đẩy nhanh quá trình phát triển tài chính xanh. Fintech không chỉ giúp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các dự án bền vững mà còn tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và khả năng giám sát dòng vốn xanh. Các nền tảng blockchain có thể hỗ trợ xác minh tính hợp pháp và hiệu quả của các dự án xanh, giúp trái phiếu xanh và tín dụng xanh trở nên hấp dẫn hơn. Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể được sử dụng để phân tích rủi ro môi trường, dự báo tác động dài hạn của các dự án và hỗ trợ các tổ chức tài chính ra quyết định cấp vốn một cách chính xác hơn. Ngoài ra, công nghệ IoT (Internet of Things) còn cho phép theo dõi và đo lường tác động môi trường của các dự án theo thời gian thực, từ đó nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp nhận vốn xanh.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa tài chính xanh và công nghệ tài chính tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản khi khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình tài chính số, hệ thống dữ liệu về tài chính xanh vẫn phân tán, chưa có cơ chế kết nối liên thông để tạo ra một hệ sinh thái tài chính xanh toàn diện, cùng với đó nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích của tài chính xanh vẫn còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại khi tiếp cận các sản phẩm tài chính xanh ứng dụng công nghệ, các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư còn kém, các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống vẫn còn dè dặt với các mô hình tài chính mới. Chính vì vậy, nghiên cứu về phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết nhằm làm rõ vai trò của công nghệ tài chính trong việc thúc đẩy tài chính xanh, đánh giá thực trạng triển khai tại Việt Nam, phân tích những rào cản và thách thức đang tồn tại. Từ đó, đề xuất các hàm ý chính sách phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng của Fintech trong việc thúc đẩy tài chính xanh góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Tài chính xanh
Tài chính xanh (Green Finance) là một khái niệm bao trùm các hoạt động tài chính nhằm hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế có lợi cho môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Theo định nghĩa của UNEP, tài chính xanh bao gồm tất cả các quyết định tài chính và đầu tư giúp thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Trong bối cảnh toàn cầu, tài chính xanh đã trở thành xu hướng quan trọng, đặc biệt sau khi các quốc gia cam kết cắt giảm phát thải và hướng đến các mô hình tăng trưởng xanh. Theo Rakić và Mitić (2012) tài chính xanh là sự kết hợp các công nghệ mới, sản phẩm và dịch vụ tài chính với nâng cao hiệu quả năng lượng giảm phát thải và các chất gây ô nhiễm môi trường giúp tăng trưởng kinh tế xanh theo hướng carbon thấp. Lý Thị Thuý (2024) định nghĩa tài chính xanh là quá trình huy động và phân bổ nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân nhằm tài trợ cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, hướng tới phát triển bền vững.
Hiểu một cách đơn giản, tài chính xanh chính là “dòng tiền vì tương lai bền vững”, trong đó ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, sản xuất sạch, bảo vệ rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu thay vì rót vốn vào những dự án gây ô nhiễm hoặc khai thác tài nguyên không bền vững. Theo Lê Mai Trang và cộng sự (2024) tài chính xanh hướng đến sự phát triển đồng bộ của ngành tài chính song song cải thiện môi trường và tăng trưởng kinh tế, là quá trình gia tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ các khu vực công, tư và phi lợi nhuận vào các ưu tiên phát triển bền vững.
2.2. Công nghệ tài chính (Fintech) và việc ứng dụng công nghệ tài chính phát triển tài chính xanh
Công nghệ tài chính (Fintech) là sự kết hợp giữa công nghệ và dịch vụ tài chính nhằm tối ưu hóa các quy trình cung cấp, quản lý và tiếp cận các sản phẩm tài chính. Đây là một tập hợp các đổi mới tài chính dựa trên công nghệ nhằm cải thiện hoặc thay thế các dịch vụ tài chính truyền thống (Schueffel, 2016). Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS, 2018) định nghĩa Fintech là các sáng tạo tài chính dựa trên nền tảng công nghệ tạo ra các mô hình kinh doanh, ứng dụng, quy trình, sản phẩm mới có tác động cụ thể đến các thị trƣờng và định chế tài chính, cũng như các dịch vụ tài chính.
Theo Thakor (2020) Fintech là sự áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn vào lĩnh vực tài chính nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa hoạt động ngân hàng và tạo ra các mô hình kinh doanh tài chính mới. Theo Lý Thị Thuý (2024) Fintech là các mô hình kinh doanh công nghệ tài chính sáng tạo, cung cấp nhiều loại dịch vụ tài chính theo cách tự động hóa thông qua việc sử dụng Internet, có tiềm năng thay đổi cơ bản ngành dịch vụ tài chính. Các ứng dụng Fintech phổ biến hiện nay bao gồm thanh toán điện tử, ngân hàng số, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), hợp đồng thông minh (Smart Contracts) và các nền tảng huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding).
Như vậy, Fintech không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và cá nhân trong việc tiếp cận các nguồn vốn và dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, nhanh chóng và minh bạch hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, quá trình huy động các nguồn lực tài chính xanh gặp rất nhiều thách thức, bởi các dự án thân thiện với môi trường thường có chi phí cao, thời gian vay vốn dài và tỷ suất lợi nhuận không cao. Bên cạnh đó, việc thẩm định các tác động của dự án xin vay vốn lên môi trường cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí do khan hiếm thông tin, khiến cho các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng thường không hào hứng tài trợ. Do đó, Fintech đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính xanh bằng cách nâng cao tính minh bạch, giảm chi phí giao dịch và tối ưu hóa dòng vốn đầu tư vào các dự án bền vững Fintech giúp ứng dụng linh hoạt và sáng tạo các công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực tài chính, thiết kế và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính số hóa. Sự ra đời của Fintech đã đem lại tác động đáng kể đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính từ tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng đến việc quản trị rủi ro tài chính.
Vai trò của công nghệ tài chính đối với sự phát triển tài chính xanh có thể kể đến là:
(1) Fintech giúp giảm chi phí giao dịch và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ tài chính giúp tối ưu hóa chi phí giao dịch, giảm thiểu chi phí thu thập và phân tích thông tin phục vụ quá trình cấp tín dụng và kết nối các nguồn lực liên quan. Nhờ Fintech, các giao dịch tài chính được xử lý nhanh chóng, hạn chế các thủ tục giấy tờ phức tạp, đồng thời cải thiện khả năng luân chuyển dòng vốn. Các nền tảng thanh toán số, hợp đồng thông minh và ứng dụng ngân hàng số giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu sai sót thủ công, từ đó tăng hiệu quả sử dụng vốn trong tài chính xanh.
(2) Fintech giảm sự bất cân xứng thông tin và nâng cao năng lực quản lý rủi ro. Một trong những thách thức lớn của tài chính xanh là sự thiếu minh bạch trong việc đánh giá mức độ “xanh” của các doanh nghiệp và dự án. Fintech giúp giải quyết vấn đề này bằng cách thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ các tổ chức tài chính trong việc đánh giá rủi ro môi trường của các khoản vay xanh. Các công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp ngân hàng và nhà đầu tư dễ dàng nhận diện các doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn phát triển bền vững, đồng thời phát hiện sớm các vi phạm về bảo vệ môi trường. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp vốn cho các dự án xanh.
(3) Fintech nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Công nghệ blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm tài chính xanh. Với khả năng lưu trữ dữ liệu không thể thay đổi, blockchain giúp bảo đảm các nguồn vốn xanh được sử dụng đúng mục đích, hạn chế gian lận và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, blockchain còn được ứng dụng trong phát hành và giao dịch trái phiếu xanh, chứng khoán hóa tài sản, cũng như phát triển các công cụ tài chính phái sinh giúp phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt, công nghệ này đang được áp dụng để tăng tính thanh khoản trên thị trường giao dịch tín chỉ carbon, góp phần tạo ra một hệ sinh thái tài chính xanh minh bạch và hiệu quả hơn.
(4) Fintech thúc đẩy tài chính xanh toàn diện hơn. Hiện nay, tài chính xanh chủ yếu tập trung vào các tổ chức lớn như chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình và cá nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh. Fintech giúp thu hẹp khoảng cách này bằng cách cung cấp các nền tảng tài chính số, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tài chính xanh như vay vốn cho dự án tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc tham gia thị trường tín chỉ carbon. Các nền tảng huy động vốn cộng đồng (Green Crowdfunding) cũng giúp kết nối các dự án môi trường với nhà đầu tư cá nhân, từ đó mở rộng sự tham gia của cộng đồng vào tài chính xanh.
(5) Fintech thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường tài chính xanh. Công nghệ tài chính làm thay đổi cấu trúc thị trường tài chính truyền thống, tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn. Nhờ các nền tảng Fintech, không chỉ các ngân hàng lớn mà ngay cả các công ty khởi nghiệp, tổ chức tài chính nhỏ cũng có thể tham gia cung cấp các sản phẩm tài chính xanh. Điều này giúp gia tăng sự đa dạng về nguồn vốn, giảm sự phụ thuộc vào một số ít tổ chức tài chính truyền thống và tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính xanh.
(6) Fintech mục tiêu tiến đến các nhà đầu tư tiềm năng. Fintech giúp các tổ chức tài chính và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến tài chính xanh thông qua các nền tảng giao dịch trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn. Các công cụ này giúp cá nhân hóa các đề xuất đầu tư, phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu tài chính của từng nhà đầu tư. Đồng thời, các nền tảng Fintech cũng giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin chi tiết hơn về các dự án xanh, qua đó tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào tài chính bền vững.
(7) Fintech thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng bền vững. Các ứng dụng công nghệ tài chính không chỉ thay đổi cách thức đầu tư mà còn tác động đến hành vi tiêu dùng của cá nhân. Các ứng dụng ngân hàng số có thể cung cấp thông tin về lượng khí thải carbon của mỗi giao dịch, giúp người dùng ý thức hơn về tác động môi trường của các quyết định tài chính của họ. Một số nền tảng cung cấp các ưu đãi tài chính, như lãi suất ưu đãi hoặc chương trình hoàn tiền cho các giao dịch thân thiện với môi trường, từ đó khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động tài chính xanh.
(8) Fintech cải thiện kiến thức tài chính về tài chính xanh. Công nghệ tài chính không chỉ giúp cung cấp các sản phẩm tài chính xanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức tài chính của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các nền tảng Fintech có thể cung cấp các khóa học trực tuyến, công cụ mô phỏng đầu tư xanh và thông tin chi tiết về tác động môi trường của các quyết định tài chính. Nhờ đó, cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đều có thể hiểu rõ hơn về lợi ích và cơ hội của tài chính xanh, từ đó đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại việc ứng dụng công nghệ tài chính vào phát triển tài chính xanh vẫn còn gặp nhiều khó khan, như: hạn chế về khung pháp lý và chính sách hỗ trợ: Hệ thống pháp lý và quy định đối với tài chính xanh và Fintech ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn chưa hoàn thiện. Các quy định về công nhận, đánh giá và kiểm soát rủi ro đối với các sản phẩm tài chính xanh ứng dụng công nghệ còn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc triển khai trên thực tế. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, khuyến khích đầu tư vào các công nghệ tài chính xanh vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Việc sử dụng công nghệ tài chính trong tài chính xanh đồng nghĩa với việc phụ thuộc nhiều vào nền tảng số, dữ liệu lớn và các hệ thống giao dịch tự động. Điều này đặt ra nguy cơ về tấn công mạng, rò rỉ thông tin cá nhân và lạm dụng dữ liệu tài chính. Nếu không có các cơ chế bảo mật chặt chẽ, các giao dịch tài chính xanh có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và người dùng.
Mặc dù công nghệ như blockchain có thể giúp tăng cường minh bạch, nhưng trên thực tế, việc xác định và đánh giá một dự án có thực sự “xanh” hay không vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiện nay, chưa có một hệ thống tiêu chuẩn chung để xác định mức độ “xanh” của các doanh nghiệp và dự án, dẫn đến nguy cơ greenwashing (đánh bóng xanh), tức là các doanh nghiệp tuyên bố thân thiện với môi trường nhưng thực tế không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phát triển bền vững.
Mặc dù Fintech có tiềm năng thu hút vốn đầu tư cho tài chính xanh, nhưng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn do rủi ro cao, lợi nhuận chưa rõ ràng và thời gian hoàn vốn dài. Hơn nữa, các tổ chức tài chính truyền thống vẫn còn dè dặt trong việc tài trợ cho các dự án Fintech xanh do chưa có nhiều dữ liệu về hiệu quả tài chính trong dài hạn.
Việc ứng dụng Fintech vào tài chính xanh đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng có kiến thức về công nghệ tài chính cũng như hiểu biết về các sản phẩm tài chính xanh. Tuy nhiên, mức độ nhận thức về tài chính xanh và khả năng tiếp cận công nghệ tài chính của nhiều cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, còn hạn chế. Điều này gây cản trở trong việc mở rộng thị trường và thu hút sự tham gia rộng rãi vào hệ sinh thái tài chính xanh.
Các sản phẩm tài chính xanh ứng dụng công nghệ Fintech như giao dịch tín chỉ carbon, trái phiếu xanh hoặc đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới mẻ và dễ chịu tác động bởi biến động kinh tế, chính trị và thay đổi chính sách. Nếu không có các cơ chế quản lý rủi ro phù hợp, nhà đầu tư có thể mất niềm tin vào các sản phẩm tài chính xanh, dẫn đến sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp nhằm xây dựng nền tảng lý thuyết và cơ sở khoa học về công nghệ tài chính (Fintech) trong việc phát triển các hoạt động tài chính xanh thông qua thu thập và tổng hợp từ các bài báo khoa học, sách chuyên khảo, các nghiên cứu trước đây về công nghệ tài chính và tài chính xanh.
Đồng thời, sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình để lựa chọn và phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới về phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính. Qua đó, làm cơ sở đưa ra một số hàm ý chính sách thúc đẩy việc ứng dụng Fintech vào phát triển tài chính xanh tại Việt Nam.
4. Kết quả nghiên cứu
a. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính
(1) Hệ thống quản lý tín dụng xanh tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Hồ Châu đã triển khai hệ thống quản lý tín dụng xanh dựa trên việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) để cung cấp các khoản tín dụng thân thiện với môi trường. Hệ thống này sử dụng AI và công nghệ học máy để đánh giá mức độ “xanh” của một dự án dựa trên các tiêu chuẩn môi trường hiện hành. Đồng thời, hệ thống còn xây dựng mô hình ước tính lợi ích môi trường của dự án, với các thông số đầu vào được cập nhật liên tục theo thời gian thực, giúp theo dõi và đánh giá tác động môi trường một cách chính xác.
Ngoài ra, nhờ ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và công nghệ nhận dạng thông minh, hệ thống còn có khả năng quản lý rủi ro môi trường. Cụ thể, hệ thống có thể tự động thu thập và trích xuất dữ liệu quan trọng như giấy phép xả thải hay giấy phép sản xuất an toàn của khách hàng vay vốn. Khi phát hiện giấy phép hết hiệu lực hoặc có dấu hiệu vi phạm quy định môi trường, hệ thống sẽ ngay lập tức đưa ra cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, hệ thống cũng tự động cập nhật các vi phạm môi trường của doanh nghiệp vay vốn, từ đó cung cấp đánh giá rủi ro và cảnh báo về những tác động tiềm tàng đối với môi trường.
(2) Nền tảng công nghệ bảo hiểm rủi ro thời tiết tại Mỹ
Arbol, một công ty công nghệ bảo hiểm có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, tiên phong trong việc xây dựng thị trường bảo hiểm tham số thời tiết (parametric insurance). Bằng cách kết hợp công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh (smart contracts) và dữ liệu công khai, Arbol cung cấp các giải pháp bảo hiểm cho nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo và hàng hải. Một trong những điểm đột phá của Arbol là loại bỏ quy trình yêu cầu bồi thường truyền thống – vốn thường gây ra tình trạng chậm trễ, tranh chấp và gian lận. Thay vào đó, các hợp đồng bảo hiểm trên nền tảng này được thực hiện tự động và chi trả minh bạch, nhanh chóng khi xảy ra các rủi ro thời tiết bất thường.
Hợp đồng bảo hiểm của Arbol được mã hóa, đảm bảo tính minh bạch và tối ưu hóa chi phí. Khi một chỉ số thời tiết đạt đến ngưỡng xác định, hệ thống Oracle sẽ tự động xác nhận và kích hoạt việc chi trả bảo hiểm mà không cần sự can thiệp của con người, nhờ ứng dụng blockchain. Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và blockchain cũng giúp kết nối các bên tham gia thị trường một cách nhanh chóng, nâng cao hiệu quả giao dịch. Đặc biệt, các hợp đồng bảo hiểm Arbol có thể được mua bán trên thị trường thứ cấp, giúp tăng tính thanh khoản và thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng hơn vào thị trường bảo hiểm tham số.
Với những lợi ích vượt trội về tốc độ xử lý, minh bạch và khả năng giao dịch linh hoạt, mô hình bảo hiểm của Arbol đang mở ra hướng đi mới cho ngành bảo hiểm rủi ro thời tiết, góp phần thúc đẩy tài chính xanh và nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.
(3) Hệ sinh thái Fintech xanh và sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Singapore
Singapore đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong khu vực châu Á về phát triển hệ sinh thái Fintech xanh, nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và việc triển khai các nền tảng công nghệ tiên tiến. Một trong những sáng kiến nổi bật là Climate Impact X (CIX), sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu đặt tại Singapore. CIX sử dụng công nghệ blockchain để tạo ra một thị trường tín chỉ carbon minh bạch và hiệu quả, giúp các doanh nghiệp mua bán tín chỉ carbon một cách minh bạch và giảm thiểu nguy cơ thao túng thị trường.
Ngoài CIX, Singapore còn chứng kiến sự phát triển của nhiều doanh nghiệp Fintech xanh khác, như CO2 Connect, MetaVerse Green Exchange và STACS, góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái Fintech xanh của quốc gia. Chính phủ Singapore cũng đã thiết lập Mạng lưới Tài chính và Công nghệ toàn cầu (GFTN) nhằm củng cố vị thế của quốc gia như một trung tâm Fintech và cải thiện kết nối với các quốc gia khác. Những nỗ lực này không chỉ giúp Singapore trở thành trung tâm Fintech của ASEAN mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào các dự án xanh một cách hiệu quả và minh bạch hơn.
(4) Mô hình Peer-to-Peer (P2P) thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Nhật Bản
Nhật Bản đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng truyền thống và đa dạng hóa các kênh tài chính xanh. Một trong những mô hình nổi bật là cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer – P2P) dành riêng cho tài chính xanh, cho phép cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào các dự án năng lượng mặt trời, điện gió hoặc hạ tầng bền vững. Các nền tảng P2P tại Nhật Bản kết nối nhà đầu tư với các dự án năng lượng tái tạo, giúp huy động vốn một cách hiệu quả và minh bạch. Nhà đầu tư có thể lựa chọn dự án phù hợp với tiêu chí và mức độ rủi ro chấp nhận được, trong khi các doanh nghiệp triển khai dự án có thêm kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống.
(5) Công nghệ AI trong đánh giá rủi ro tín dụng xanh tại Anh
Vương quốc Anh đã tiên phong trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn vào việc đánh giá rủi ro tín dụng xanh, nhằm thúc đẩy tài chính bền vững và giảm thiểu tác động môi trường. Các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Anh đã triển khai các thuật toán học máy để phân tích mức độ bền vững của doanh nghiệp, dự đoán khả năng hoàn vốn và đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư. Việc ứng dụng AI giúp các tổ chức tài chính xử lý một lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc từ nhiều nguồn khác nhau, như báo cáo tài chính, thông tin thị trường và dữ liệu môi trường. Nhờ đó, họ có thể đánh giá chính xác hơn về rủi ro tín dụng và mức độ tuân thủ các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện hiệu suất bền vững của mình.
Với các nền tảng Fintech tại Anh việc kết nối nhà đầu tư với các dự án năng lượng tái tạo trở nên tích cực. Bằng cách sử dụng AI và phân tích dữ liệu, các nền tảng này có thể đánh giá tiềm năng và rủi ro của các dự án xanh, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này dẫn đến việc cung cấp các khoản vay xanh với chi phí thấp hơn, nhờ vào đánh giá rủi ro chính xác và minh bạch hơn.
b. Một số hàm ý chính sách thúc đẩy phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam
Để tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ tài chính (Fintech) trong phát triển tài chính xanh, Việt Nam cần có những chính sách đồng bộ và phù hợp giúp tháo gỡ rào cản, tạo động lực cho khu vực tư nhân và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính xanh và đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và bền vững trong dài hạn. Sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh, hướng đến một nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dựa trên cơ sở lý thuyết và các kinh nghiệm của một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới, một số hàm ý chính sách giúp thúc đẩy phát triển tài chính xanh dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam được đưa ra như sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý tài chính xanh ứng dụng Fintech.
Xây dựng các quy định riêng, cụ thể cho Fintech xanh, thiết lập khung pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nền tảng cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, các giao dịch tín chỉ carbon và thanh toán kỹ thuật số xanh. Bên cạnh đó, chính phủ cần ban hành bộ tiêu chí xác định “độ xanh” của các sản phẩm tài chính theo chuẩn quốc tế, tránh tình trạng greenwashing (đánh bóng xanh). Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các tổ chức tài chính cung cấp tín dụng xanh, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Khuyến khích các công ty Fintech tham gia vào tài chính xanh thông qua các biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm phí giao dịch hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Fintech hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hai là, phát triển hạ tầng công nghệ và dữ liệu phục vụ tài chính xanh.
Chính phủ cần phát triển một nền tảng dữ liệu tập trung, kết nối giữa các ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để đảm bảo dòng vốn xanh được giám sát minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro. Ứng dụng công nghệ blockchain vào giám sát tài chính xanh, giúp theo dõi và xác thực các giao dịch tài chính, đảm bảo rằng nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hạn chế gian lận. Ngoài ra, công nghệ này cũng có thể hỗ trợ phát triển hợp đồng thông minh để tự động hóa các quy trình phê duyệt và giải ngân tín dụng xanh. Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để đánh giá mức độ bền vững của doanh nghiệp và dự án, phân tích rủi ro môi trường một cách chính xác hơn. Việc ứng dụng AI vào quản lý tín dụng xanh có thể giúp tự động xếp hạng tín dụng ESG, hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ba là, đổi mới kênh huy động vốn xanh thông qua Fintech.
Chính phủ cần khuyến khích phát hành trái phiếu xanh điện tử trên các nền tảng blockchain, giúp tăng tính thanh khoản và thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia phát hành trái phiếu xanh. Đồng thời, Việt Nam có thể học hỏi mô hình của Singapore trong việc phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon số hóa, giúp các doanh nghiệp dễ dàng mua bán tín chỉ carbon một cách minh bạch. Công nghệ blockchain có thể đảm bảo tính chính xác và khả năng truy xuất nguồn gốc của tín chỉ carbon, giúp thị trường vận hành hiệu quả hơn. Chú trọng phát triển các nền tảng huy động vốn cộng đồng giúp kết nối các doanh nghiệp xanh với nhà đầu tư cá nhân, tạo điều kiện cho các dự án bền vững có thể huy động vốn dễ dàng hơn.
Bốn là, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong Fintech xanh.
Xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách cho Fintech xanh, triển khai các cơ chế quản lí thử nghiệm có kiểm soát dành riêng cho các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực tài chính xanh. Điều này giúp doanh nghiệp thử nghiệm mô hình mới trong môi trường kiểm soát rủi ro trước khi triển khai rộng rãi. Chính phủ có thể thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) để giúp các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech xanh phát triển công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, blockchain và IoT, tạo điều kiện để các ngân hàng truyền thống, công ty Fintech và tổ chức tài chính hợp tác trong việc triển khai các giải pháp tài chính xanh, từ đó mở rộng quy mô thị trường và nâng cao khả năng tiếp cận tài chính bền vững.
Năm là, nâng cao nhận thức và năng lực tài chính xanh trong xã hội.
Chính phủ và các tổ chức tài chính có thể phát triển các nền tảng giáo dục trực tuyến, cung cấp khóa học về tài chính xanh và công nghệ tài chính, giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về lợi ích của tài chính bền vững. Các ngân hàng và tổ chức Fintech có thể triển khai chương trình hoàn tiền hoặc lãi suất ưu đãi cho các giao dịch tài chính thân thiện với môi trường, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi hành vi theo hướng bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mai Trang & cộng sự. (2024). Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo Online. https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-tai-chinh-xanh-o-viet-nam-28179.html
2. Lý Thị Thuý. (2024). Ứng dụng công nghệ tài chính nhằm phát triển tài chính xanh ở một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc tế Sự phát triển của Fintech và những tác động về mặt xã hội – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam, 1110–1122.
3. Basel Committee on Banking Supervision. (2018). Basel III monitoring report. Bank for International Settlements.
4. Rakić, S., & Mitić, P. (2012). Green banking: Green financial products with special emphasis on retail banking products. Proceedings of CCEDEP – 2nd Climate Change, Economic Development, Environmental and People, 54–60.
5. Schueffel, P. (2016). Taming the beast: A scientific definition of fintech. Journal of Innovation Management, 4(4), 32–54.
6. Thakor, A. V. (2020). Fintech and banking: What do we know? Journal of Financial Intermediation, 41, 100833.