Văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng

Thượng tá, ThS. Hoàng Gia Lân
NCS Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa ứng xử trên không gian mạng không đơn thuần là việc tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp cơ bản mà còn bao hàm cả những giá trị đạo đức, trách nhiệm và ý thức cộng đồng. Trong môi trường mạng, nơi các mối quan hệ được xây dựng và duy trì thông qua tương tác trực tuyến, văn hóa ứng xử thể hiện việc người dùng sử dụng ngôn từ, chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa ứng xử trên không gian mạng và đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng hiện nay. 

Từ khóa: Văn hóa ứng xử; không gian mạng; sĩ quan trẻ; Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của không gian mạng tạo thêm môi trường để chia sẻ, trao đổi thông tin trên phạm vi toàn cầu, thu hút nhiều người tham gia. Thực tiễn sử dụng mạng xã hội cho thấy, với sự phong phú và đa chiều về nội dung, hình thức giao tiếp, đòi hỏi mỗi chủ thể tham gia phải có trình độ nhận thức và kỹ năng nhất định, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trên không gian mạng, trong đó có văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội nhằm tạo nền tảng cho mọi tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng hiệu quả, tích cực góp phần xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Một số vấn đề cơ bản về văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trên không gian mạng

Văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạng là tổng hòa các quy tắc, chuẩn mực phù hợp với tự định hướng, điều chỉnh hành vi và cách giao tiếp khi tương tác trên các trang mạng xã hội, trang web và các ứng dụng khác. Việc duy trì và thực hiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng không chỉ phản ánh nhân cách của sĩ quan trẻ mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một xã hội văn minh trong thời đại công nghệ số. Mỗi hành vi, lời nói trên không gian mạng đều có thể tạo ra tác động lớn, không chỉ đối với cá nhân mà còn đối với cộng đồng và xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục”1. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa ứng xử trong việc bảo vệ an ninh, ổn định xã hội và xây dựng một cộng đồng mạng văn minh. Đồng thời, văn hóa ứng xử trên không gian mạng còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ danh dự, quyền lợi cá nhân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhân tố cơ bản quy định văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạng, bao gồm: chất lượng công tác giáo dục ở nhà trường và bồi dưỡng ở đơn vị; môi trường văn hóa ở đơn vị và nhân tố chủ quan của sĩ quan trẻ trong Quân đội quy định văn hóa ứng xử của họ trên không gian mạng. C.Mác đã chỉ rõ: “Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức”2. Những nhân tố này ảnh hưởng đến cách thức sĩ quan trẻ ứng xử trong đời sống thực tế, có vai trò quan trọng trong việc quy định văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên môi trường không gian mạng. Trong đó, chất lượng công tác giáo dục ở nhà trường và bồi dưỡng ở đơn vị quy định văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng. 

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với những người trẻ, trong đó có sĩ quan trẻ. Chất lượng công tác giáo dục tại các học viện, trường sĩ quan đóng vai trò nền tảng trong việc hình thành văn hóa ứng xử trên không gian mạng của sĩ quan trẻ trong quân đội. Nếu chất lượng giáo dục tại các học viện, trường sĩ quan được chú trọng và thực hiện đồng bộ, sĩ quan trẻ sẽ được trang bị nền tảng tri thức vững chắc, từ lý luận chính trị, tư tưởng đến pháp luật. Điều này tạo điều kiện để họ phát triển nhận thức đúng đắn, phẩm chất cách mạng và kỹ năng ứng xử văn hóa trong đời sống thực tế và trên không gian mạng. Đối với sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân tố chủ quan là những yếu tố thuộc về chính bản thân mỗi sĩ quan trẻ gồm: ý thức chính trị; tư duy chính trị; năng lực tự quản lý bản thân và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Những năm qua, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp trong toàn quân đã có nhiều giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về pháp luật, kỷ luật quân đội, trang bị kỹ năng sử dụng không gian mạng an toàn, hiệu quả. Hầu hết sĩ quan trẻ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trên không gian mạng, tích cực tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lan tỏa thông tin tích cực, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thái độ, hành vi ứng xử của đại đa số sĩ quan trẻ trên không gian mạng cơ bản phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Trong bối cảnh không gian mạng ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng, sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lan tỏa thông tin chính thống và nâng cao ý thức cộng đồng về văn hóa ứng xử trực tuyến. Họ không chỉ tham gia chia sẻ thông tin tích cực mà còn chủ động đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, phản động, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào lực lượng vũ trang. Đồng thời, sĩ quan trẻ còn là những người tiên phong trong việc tuân thủ quy tắc đạo đức, pháp luật khi sử dụng mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng lành mạnh và an toàn.

Để đạt được những kết quả này, sĩ quan trẻ đã triển khai nhiều phương thức linh hoạt và hiệu quả. Họ tận dụng các nền tảng mạng xã hội phổ biến, như: Facebook, Zalo, YouTube để truyền tải thông điệp; đồng thời, tham gia vào các diễn đàn chính trị – xã hội nhằm phản biện, đấu tranh với các thông tin sai lệch. Một số sĩ quan trẻ còn sử dụng công nghệ như video ngắn, infographic để tạo nội dung hấp dẫn, giúp truyền tải thông tin dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, còn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, hội thảo chuyên đề về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, từ đó nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm với đồng đội, tạo nên một môi trường tương tác trực tuyến chuyên nghiệp và trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhiều sĩ quan trẻ đã trở thành tấm gương trong việc hướng dẫn người thân, đồng nghiệp sử dụng mạng xã hội an toàn, góp phần ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung tiêu cực.

Nhờ những nỗ lực này, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Trước hết, sĩ quan trẻ đã góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Qua đó, họ giúp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại số được lan tỏa rộng rãi, nâng cao uy tín của Quân đội trong lòng Nhân dân. Họ cũng tạo ra môi trường văn hóa mạng tích cực trong nội bộ quân đội, giúp đồng đội nâng cao ý thức khi sử dụng internet và tránh xa các nội dung độc hại. Ngoài ra, quá trình tham gia các hoạt động trên không gian mạng còn giúp sĩ quan trẻ nâng cao tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và hiểu biết về công nghệ số, từ đó góp phần xây dựng đơn vị quân đội chính quy, hiện đại trong thời đại 4.0.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sĩ quan trẻ chưa nhận thức đầy đủ về tính phức tạp, nhạy cảm của thông tin trên không gian mạng, đôi khi chia sẻ, bình luận thiếu chọn lọc, vi phạm quy định của Quân đội và pháp luật của Nhà nước. Việc sử dụng mạng xã hội đôi khi còn lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến công việc. Kỹ năng ứng phó với các tình huống xấu trên không gian mạng của một số sĩ quan trẻ còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do chất lượng giáo dục, bồi dưỡng về văn hóa ứng xử cho sĩ quan trẻ chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả chưa cao; một số sĩ quan trẻ thiếu kiến thức về pháp luật và chưa nắm chắc các chuẩn mực văn hóa dẫn đến những ứng xử chưa đúng, chưa phù hợp. Những hạn chế trên nếu không kịp thời có biện pháp ngăn ngừa và khắc phục sẽ trực tiếp tác động tiêu cực đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng nhằm hạ thấp uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với lực lượng vũ trang. Vì vậy, vấn đề giáo dục, bồi dưỡng, phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho sĩ quan trẻ là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm bảo đảm cho mỗi sĩ quan trẻ không chỉ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật khi tham gia truy cập, sử dụng, trao đổi thông tin trên môi trường không gian mạng mà còn giúp họ củng cố, phát triển những phẩm chất, giá trị văn hóa quân sự trong thời đại kỹ thuật số; có các kỹ năng cần thiết để sĩ quan trẻ nhận diện và đấu tranh hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta thông qua các trang mạng xã hội.

3. Giải pháp phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trên không gian mạng hiện nay

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấpVới mỗi hoạt động của đơn vị nói chung, phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng nói riêng đều thông qua sự lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Trong giáo dục và đào tạo, đặc biệt, phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng hiện nay càng phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp.

Phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạng hiện nay phụ thuộc trực tiếp vào sự thống nhất trong định hướng, sự tác động đồng bộ, đồng thuận giữa các chủ thể. Phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạng thì tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấplà biện pháp hiệu quả nhất. Mọi hoạt động ở đơn vị đều có sự lãnh đạo của của cấp ủy, tổ chức đảng, muốn phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạng hiện nay thì công tác giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp đối với phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong quân đội trên không gian mạng hiện nay. 

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa tại đơn vị đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nhân cách của người quân nhân, trong đó nhận thức, thái độ và kỹ năng ứng xử trên không gian mạng của sĩ quan trẻ được hình thành và phát triển gắn liền với môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở. Môi trường văn hóa lành mạnh góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong đơn vị, giúp hình thành, phát triển những thói quen tốt, lành mạnh, giá trị tốt đẹp, chuẩn mực đúng đắn trong giao tiếp, ứng xử. Khi quan hệ văn hóa trong đơn vị được thiết lập chặt chẽ, sĩ quan trẻ có nền tảng vật chất, tinh thần để phát huy những giá trị này trên không gian mạng. Vì vậy, các đơn vị cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp sĩ quan trẻ nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hình ảnh, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” và Quân đội nhân dân Việt Nam trên không gian mạng, tạo ra những “đường dẫn” thuận lợi để sĩ quan trẻ rèn luyện, vận dụng các quy tắc ứng xử một cách linh hoạt, tự giác, sáng tạo. Trong xây dựng môi trường văn hóa, phải tập trung bảo đảm, duy trì sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong đơn vị, là cơ sở cho sĩ quan trẻ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về cách xử lý các tình huống thực tế trên không gian mạng.

Quan hệ văn hóa giữa các thành viên trong đơn vị là nền tảng quan trọng để xây dựng môi trường giao tiếp tích cực, hình thành các giá trị ứng xử văn hóa trong đời sống thực tế và trên không gian mạng. Quan hệ này gồm: mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đồng đội với nhau, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc tôn trọng, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên ở các đơn vị cần thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; đồng thời, thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên, hướng đến mục tiêu thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị.

Trong môi trường quân đội, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội không thể tách rời khỏi văn hóa ứng xử trong đơn vị. Mối quan hệ văn hóa vững chắc trong đơn vị sẽ là cơ sở để sĩ quan trẻ hình thành cách ứng xử chuẩn mực, phù hợp trên không gian mạng. Cần tập trung duy trì, giữ gìn các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Điều này tạo ra môi trường sống và làm việc tích cực, lan tỏa những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc lên mạng xã hội. Trong sinh hoạt tập thể, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm liên quan đến công tác và giao tiếp hằng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện khả năng ứng xử của sĩ quan trẻ. Những buổi thảo luận và chia sẻ giúp họ nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, thích nghi với các môi trường khác nhau, kể cả trên mạng xã hội. Qua đó, sĩ quan trẻ được bồi dưỡng khả năng tự kiểm soát cảm xúc, duy trì hành vi đúng mực và trách nhiệm trong mọi tương tác trực tuyến.

Hiện nay, sĩ quan trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nguy cơ từ các thông tin xấu độc, tranh luận không lành mạnh và các hành vi xuyên tạc, kích động. Để giải quyết những thách thức này, cần tập trung xây dựng và củng cố tốt các quan hệ văn hóa trong đơn vị, giúp sĩ quan trẻ có nền tảng tư tưởng vững chắc để đối mặt với các tình huống phức tạp trên không gian mạng. Việc duy trì các quan hệ văn hóa lành mạnh giúp sĩ quan trẻ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng, rèn luyện hành vi, cách ứng xử phù hợp với các chuẩn mực văn hóa quân sự. Từ đó, sĩ quan trẻ có khả năng tự kiểm soát tốt hơn, phản ứng phù hợp hơn trong các tình huống nhạy cảm, tránh được các hành vi không đúng trên mạng xã hội. Quan hệ văn hóa tích cực trong đơn vị góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp, hình ảnh người quân nhân mẫu mực lên không gian mạng, tạo hiệu ứng tích cực và lành mạnh trong cộng đồng trực tuyến.

Thứ ba, khơi dậy động cơ đúng đắn của sĩ quan trẻ trong phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay. Động cơ chính là nền tảng để sĩ quan trẻ tuân thủ các quy định và chuẩn mực, chủ động nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng xử và xây dựng hình ảnh cá nhân cũng như tập thể quân đội trên môi trường trực tuyến. Giải pháp góp phần quan trọng trong tạo động lực từ bên trong, giúp sĩ quan trẻ tự mình phát triển văn hóa ứng xử một cách bền vững, từ đó, góp phần bảo vệ uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam trong điều kiện không gian mạng ngày càng phức tạp. Khơi dậy động cơ đúng đắn giúp sĩ quan trẻ có ý thức hơn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trên không gian mạng, giúp sĩ quan trẻ đối phó với thách thức và cám dỗ từ các thế lực thù địch. 

Trong quá trình giáo dục, tổ chức quân đội cần bồi dưỡng và quán triệt cho sĩ quan trẻ những nội dung về chức trách, nhiệm vụ, các quy định giáo dục và đào tạo và những tác động hai mặt của không gian mạng. Cần có cơ chế khen thưởng, biểu dương, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa quân sự tốt đẹp và xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, tích cực, đáp ứng yêu cầu của quân đội trong thời kỳ mới.

4. Kết luận

Nghiên cứu, phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, góp phần bảo vệ hình ảnh, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát triển văn hóa ứng xử trên không gian mạng của sĩ quan trẻ là yêu cầu cấp thiết trong thời đại ngày nay, là biểu hiện của bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm quân nhân. Những giải pháp phát triển văn hóa ứng xử của sĩ quan trẻ trong Quân đội trên không gian mạngmang tính toàn diện, việc thực hiện giải pháp cần phải đồng bộ. Đây là nhiệm vụ không chỉ của mỗi cá nhân sĩ quan trẻ, mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành trong toàn quân nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời đại công nghệ số, đó cũng là nhiệm vụ cấp thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 146.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập (1995). Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 38.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tổng tham mưu. Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội, 2020.
2. Quân ủy Trung ương (2021). Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
3. Quân ủy Trung ương (2022). Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
4. Tổng cục Chính trị (2020). Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa ứng xử trên không gian mạng hiện nay.https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/04/09/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-van-hoa-ung-xu-tren-khong-gian-mang-hien-nay/
6.  Phát triển văn hoá ứng xử của giảng viên trẻ ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/03/23/phat-trien-van-hoa-ung-xu-cua-giang-vien-tre-o-cac-hoc-vien-truong-si-quan-quan-doi-hien-nay/