Trung tá, ThS. Phạm Thị Thu
Trường Đại học An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích thực trạng đào tạo kỹ năng mềm đối với sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ khóa: Kỹ năng, kỹ năng mềm, sinh viên, đào tạo, Trường Đại học An ninh nhân dân.
1. Đặt vấn đề
Bàn về kỹ năng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tế”. Theo Từ điển Tâm lý học, “kỹ năng là năng lực vận dụng có kết quả những tri thức về hành động đã được chủ thể lĩnh hội để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng”. Dù ở cách tiếp cận nào kỹ năng cũng được hiểu là năng lực vận dụng tri thức đã được lĩnh hội để thực hiện có hiệu quả một hoạt động tương ứng trong những điều kiện cụ thể. Kỹ năng gồm có hai thành tố cơ bản đó là sự hiểu biết (tri thức) về một lĩnh vực, hoạt động và việc thực hiện thành thục các hoạt động để đạt kết quả như mong muốn.
Kỹ năng được chia thành hai nhóm lớn bao gồm kỹ năng cứng (hard skills) hay còn gọi là kỹ năng nghề và kỹ năng mềm (soft skills) hay còn gọi là kỹ năng sống. Kỹ năng “cứng” liên quan đến năng lực chuyên môn để làm việc, kỹ năng mềm giúp phát huy năng lực chuyên môn hiệu quả hơn.
Đối với giáo dục đại học, hiệu quả giáo dục đào tạo được đánh giá không chỉ ở việc trang bị kiến thức chuyên môn bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp mà còn ở việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm cho sinh viên.
Trường Đại học An ninh nhân dân là trường đại học độc lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và của ngành Công an với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành những sỹ quan an ninh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức pháp luật vững chắc và tinh thông nghiệp vụ. Theo đó, Nhà trường đã tổ chức đào tạo, trang bị cho sinh viên tri thức về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ một cách hệ thống. Đây là cơ sở để bồi dưỡng, hình thành kỹ năng nghề nghiệp (kỹ năng cứng) cho sinh viên an ninh. Tuy nhiên, để thành công trong nghề nghiệp, sinh viên an ninh cũng cần có những kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu đặc thù của hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA ngày 25/5/2022 của Đảng uỷ Công an Trung ương về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình tình mới, Trường Đại học An ninh nhân dân đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham mưu chiến lược với Bộ Công an. Đào tạo kỹ năng mềm là yêu cầu vô cùng cần thiết đối với sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân. Đây là nội dung quan trọng nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng người học đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo trong bối cảnh, tình hình mới.
2. Thực trạng đào tạo kỹ năng mềm đối với sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân
Thời gian qua, hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên bước đầu đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm. Đặc biệt, việc triển khai Đề án số 42/ĐA-T04- K11 ngày 10/01/2022 về đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, việc đào tạo kỹ năng mềm đã được đặt ra trong chương trình đào tạo, được xác định trong “Tầm nhìn – Sứ mạng – Văn hóa – Triết lý giáo dục của Trường Đại học An ninh nhân dân” đó là: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao của lực lượng Công an nhân dân” và “Thái độ chuẩn mực; kiến thức toàn diện; kỹ năng thuần thục; phụng sự Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, phục vụ Nhân dân”.
Hoạt động đào tạo kỹ năng mềm được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua hoạt động giảng của các khoa. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, bám sát thực tiễn được đội ngũ giảng viên chú trọng. Từ việc triển khai tổ chức học tập, thực hiện những nhiệm vụ giảng viên giao, sinh viên có điều kiện thực hành và rèn luyện hệ thống kỹ năng mềm, như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích ứng, kỹ năng tư duy phản biện…
Thông qua công tác quản lý học viên, với các hoạt động sinh hoạt, học tập và rèn luyện của sinh viên nhằm hình thành những phẩm chất nghề nghiệp của người sỹ quan an ninh, cán bộ quản lý thường xuyên theo sát và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Theo đó, cán bộ quản lý học viên vừa hướng dẫn, hỗ trợ vừa uốn nắn cách hành xử của sinh viên. Điều này góp phần hình thành, củng cố và hỗ trợ việc thực hành các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên an ninh.
Hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, câu lạc bộ, hội, nhóm sinh viên được Nhà trường khuyến khích nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, hỗ trợ hoạt động học tập và rèn luyện của sinh viên. Đây là môi trường thuận lợi để sinh viên rèn luyện và thực hành kỹ năng mềm. Đồng thời, Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trao đổi về kỹ năng, trong đó khách mời, báo cáo viên thường là những chuyên gia về kỹ năng mềm. Vì vậy, sinh viên an ninh tham gia hào hứng, tiếp thu được nhiều kiến thức và hình thành những kỹ năng mềm cần thiết.
Khuyến khích tinh thần tự học của sinh viên. Học tập là một quá trình lâu dài, bền bỉ đòi hỏi mỗi sinh viên phải luôn tích cực, nỗ lực. Sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân với sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ đôi khi chưa thỏa mãn với hoạt động đào tạo kỹ năng mềm của Trường đã đăng ký tham gia các buổi hội thảo, tập huấn kỹ năng mềm tại các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày nghỉ cuối tuần. Sinh viên cũng có thể tự tìm hiểu trên sách, báo, internet hoặc các khóa kỹ năng mềm online…
Đối với hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho học viên tại Trường Đại học An ninh nhân dân có những thuận lợi, như: được tiến hành với nhiều hình thức giáo dục phong phú; bản thân học viên là những người trẻ tuổi có nhiệt huyết, ham hiểu biết và cầu tiến; đồng thời được học tập và rèn luyện trong môi trường lực lượng vũ trang lành mạnh, có tính kỷ luật cao; đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, có năng lực… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiệu quả đem lại chưa thực sự đáp ứng được mong muốn về chất lượng đào tạo của Nhà trường, của ngành Công an.
Thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân về bản thân sinh viên, cán bộ, giảng viên và Nhà trường. Cụ thể: Học viên chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về kỹ năng mềm và yêu cầu, tầm quan trọng của kỹ năng mềm cần có của bản thân để bảo đảm cho sự phát triển trong công tác và cuộc sống. Hiện nay, vẫn có không ít cán bộ, giảng viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu kinh nghiệm để hướng dẫn, giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho học viên. Về phía Nhà trường chưa có định hướng xây dựng chương trình tổng thể về đào tạo kỹ năng mềm cho học viên; chưa có sự thống nhất về nội dung, cách thức tổ chức đào tạo kỹ năng mềm; chưa có cơ chế kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên…
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm đối với sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo và đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo kỹ năng mềm phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Thống nhất xây dựng chương trình khung đào tạo kỹ năng mềm, chương trình này bao quát toàn bộ quá trình học viên từ khi nhập học tại trường, huấn luyện tại K02, thực hành xã hội mùa hè xanh, thực tập tốt nghiệp đến khi ra trường. Tổ chức hội thảo, biên soạn tài liệu giảng dạy kỹ năng mềm theo hướng phù hợp với người học và môi trường học tập của Trường Đại học An ninh nhân dân.
Thứ hai, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo kỹ năng mềm. Tổ chức cho giảng viên tham gia các lớp chuyên sâu về giảng dạy kỹ năng mềm. Nguồn đào tạo giảng viên dạy kỹ năng mềm có thể lấy từ giảng viên các khoa, cán bộ quản lý học viên, cán bộ Đoàn có nhiệt huyết và lòng say mê và sự sáng tạo, cán bộ thực tế, giảng viên thỉnh giảng, giảng viên mời trong các chương trình hợp tác quốc tế…
Thứ ba, nâng cao nhận thức cho học viên, cán bộ, giảng viên về đào tạo kỹ năng mềm. Học viên là chủ thể của hoạt động đào tạo kỹ năng mềm, bản thân học viên phải nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu cần có những kỹ năng mềm đối với bản thân. Bên cạnh đó, muốn đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm cho học viên thì chính cán bộ, giảng viên, những người trực tiếp thực hiện hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cũng cần nhận thức sâu sắc về sự quan trọng, kỹ năng mềm không chỉ giúp cho mỗi học viên có điều kiện rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành trong cuộc sống mà còn là điều kiện không thể thiếu để tiếp thu, rèn luyện kỹ năng nghề, thiếu kỹ năng mềm sẽ gây cản trở việc hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó, nghiêm túc trong việc rèn luyện, làm mẫu, làm gương đối với học viên.
Thứ tư, trên cơ sở nội dung, tài liệu đào tạo kỹ năng mềm, cần tổ chức các hoạt động phổ biến đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên viên bằng các hình thức khác nhau, như: tổ chức các buổi sinh hoạt, học tập đầu khóa để phổ biến, giới thiệu, định hướng chung về các kỹ năng mềm cần có cho sinh viên; lựa chọn một vài kỹ năng mềm cần thiết để giới thiệu cho sinh viên tiếp cận, thực hành ngay từ khi mới vào trường. Đặc biệt, cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên từng lớp học, khóa học.
Trong quá trình giảng dạy kỹ năng mềm, chú ý cập nhật nội dung, cách thức thực hành kỹ năng mềm, chú trọng thực hành, giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống, trong công việc để sinh viên giải quyết, thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm. Các đơn vị giảng dạy thông qua các hình thức tổ chức dạy học đưa nội dung, cách thức thực hành kỹ năng mềm vào từng môn học, bài giảng để sinh viên có cơ hội rèn luyện, thực hành. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, các câu lạc bộ trong đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân.
Đưa nội dung, hình thức phổ biến, rèn luyện kỹ năng mềm vào hoạt động trọng tâm của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các câu lạc bộ trong Nhà trường. Theo đó, các tổ chức, đoàn thể cần đổi mới hình thức sinh hoạt, tổ chức nhiều sân chơi, các buổi tập huấn, các cuộc thi về kỹ năng mềm nhằm thu hút sinh viên tham gia. Đây là cơ hội rất tốt để thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm. Đặc biệt, cần phát huy tính chủ động, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong các mô hình tự quản, tự rèn, các câu lạc bộ, các diễn đàn (như: Lá Trung quân, tham gia các lễ hội) của sinh viên, kết hợp với sự hướng dẫn của giảng viên, giáo viên chủ nhiệm các câu lạc bộ, cán bộ đoàn thể… tạo sự gắn kết tất cả các lực lượng tham gia đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên.
Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo kỹ năng mềm là khâu cuối cùng, có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo kỹ năng mềm. Do vậy, Ban Giám hiệu cần tập trung sự chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác này.
Trong chương trình tập huấn kỹ năng mềm cần có những bài tập đánh giá khách quan, chính xác kết quả của sinh viên. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra đánh giá việc tổ chức đào tạo kỹ năng mềm và sự tiếp thu, kết quả rèn luyện, hình thành kỹ năng của sinh viên. Theo đó, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể hoặc sinh viên có thể tự đánh giá bản thân thông qua các hoạt động thường nhật, các đợt thực hành chính trị – xã hội, thời gian đi thực tập tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung, chỉnh lý nội dung, chương trình đào tạo, hình thức tổ chức, kiểm tra đánh giá kết quả cho phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo kỹ năng mềm.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Vũ Dũng (2000). Từ điển Tâm lý học. H. NXB Khoa học xã hội.
3. Trường Đại học An ninh nhân dân (2020). “Tầm nhìn – Sứ mạng – Văn hóa – Triết lý giáo dục của Trường Đại học An ninh nhân dân” ban hành theo Quyết định số 1516/QĐ-T04-P4 ngày 09/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân.
4. Nguyễn Như Ý (2010). Đại từ điển Tiếng Việt. NXB Đại học quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.