Quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp

ThS. Tài Lê Khanh
Trường Đại học Trà Vinh

(Quanlynhanuoc.vn) – Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống. Sự biến động của thị trường xăng dầu sẽ dẫn đến những thay đổi tiêu cực đối với kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu luôn cần sự quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. Để thực hiện bài viết, tác giả đã tiến hành khảo sát thực tiễn, đánh giá về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại khu vực.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, xăng dầu, kinh doanh xăng dầu, quản lý kinh doanh xăng dầu, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Mở đầu

Theo thống kê kinh tế tại Việt Nam, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành hàng hóa ở nhiều lĩnh vực, như: trong chi phí sản xuất, xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than1 (Nguyễn Bích Lâm, 2022). Chính vì tính phổ biến trong đời sống kinh tế, tầm quan trọng đối với quốc phòng, an ninh nên kinh doanh xăng dầu luôn phải có sự quản lý nhà nước chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm địa phận 13 tỉnh, thành phố là: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Toàn vùng có tổng diện tích 40.921,8 km², dân số là 17.463.300 người (Tổng cục Thống kê, 2023). Vùng có đường biên giới với Campuchia trên đất liền và đường biển.

Quyết định số 245/QĐ-TTg, ngày 12/2/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã xác định mục tiêu tổng quát là “xây dựng vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao”. Với vai trò quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long vừa giúp tạo lập các điều kiện thuận lợi để thị trường xăng dầu phát triển, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của toàn vùng.

2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Về tổng thể, có thể đánh giá, công tác kiểm tra quá trình kinh doanh xăng dầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện khá thường xuyên, có sự tham gia của liên ngành trong quá trình kiểm tra. Từ đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các chủ hộ, doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế các sai phạm trong quá trình kinh doanh xăng dầu.

Thứ nhất, công tác xây dựng và ban hành văn bản để cụ thể hóa các quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Trước khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2019), các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống kinh doanh xăng dầu tại địa phương. Các quyết định quy hoạch hệ thống kinh doanh xăng dầu của các tỉnh đã góp phần quan trọng trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đã cụ thể hóa các quy định trong quá trình kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, như: Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 22/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quy định thời gian bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng và quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tiếp theo đó, ngày 08/01/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Quyết định số 36/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra mặt hàng xăng dầu lưu thông trên thị trường tỉnh An Giang…

Việc ban hành và triển khai các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh mặt hàng xăng dầu đã góp phần quan trọng vào quá trình quản lý thị trường xăng dầu tại từng địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu của các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất: có địa phương sẽ chủ động ban hành các văn bản như đã dẫn, có địa phương chủ yếu thực hiện theo quy định văn bản của bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh các quyết định, các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có một số văn bản quy định đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, như: Kế hoạch số 2701/QĐ-UBND ngày 10/11/12023 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán năm 2024; Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 12/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Kế hoạch số 375/KH-SCT ngày 21/11/2024 của Sở Công Thương tỉnh An Giang về bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ngoài ra, các địa phương còn ban hành Công văn, chỉ thị riêng về lĩnh vực này đến các cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới, các chủ thể kinh doanh xăng dầu được biết và thực hiện. Số lượng các văn bản này khá lớn, phụ thuộc vào thực tiễn của từng địa phương.

Thứ hai, năng lực của đội ngũ công chức quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đội ngũ công chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố trong vùng có trình độ học vấn đáp ứng tốt yêu cầu vị trí công tác. Đó là: 70,1% công chức có trình độ đại học; 29,9% công có trình độ sau đại học. 74,7% công chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 18,3% cao cấp lý luận chính trị. Về trình độ ngoại ngữ, đa số công chức có ngoại ngữ trình độ B1 (61/87 công chức). Điều này đáp ứng tiêu chuẩn của công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, có 9,1% công chức có chứng chỉ ngôn ngữ dân tộc thiểu số (ngôn ngữ Khmer)2. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đội ngũ công chức quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu còn thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về lĩnh vực xăng dầu để thực hiện công tác chuyên môn tốt hơn, chiếm đến 68,9% công chức3.

Đồng thời, năng lực đội ngũ công chức qua kinh nghiệm công tác có thâm niên công tác trên 10 năm được phân công quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chiếm 81,6%; trong đó có 62,1% công chức có thâm niên công tác từ 15 năm trở lên4.

Thứ ba, công tác phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu ở các địa phương.

(1) Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước địa phương với cơ quan Trung ương (chủ yếu là Bộ Công Thương). Sự phối hợp diễn ra chủ yếu trong công tác thanh tra, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại khu vực; bên cạnh đó là công tác báo cáo các số liệu thống kê. Các địa phương chủ yếu báo cáo số liệu theo định kỳ hoặc đột xuất và tham gia với đoàn thanh tra của cơ quan bộ, ngành khi có kế hoạch.

(2) Sự phối hợp giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh). Phối hợp trong cung cấp thông tin; quá trình kiểm tra, thanh tra; phối hợp quản lý các chủ thể kinh doanh xăng dầu,… khá chặt chẽ, hiệu quả. Tuy nhiên, sự phối giữa cơ quan quản lý địa phương với các cơ quan bộ, ngành trung ương còn có những hạn chế, bất cập nhất định.

(3) Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên cùng một tỉnh thành được công chức đánh giá tích cực nhất (giá trị trung bình theo thang đo Likert là 4.0). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tham mưu từ Sở Công Thương) đã chủ động trong thực hiện quản lý kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương là đầu mối trong quá trình phối hợp với các cơ quan khác như Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Cục Thuế,… để cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý. Sự chủ động này giữ vai trò quan trọng, góp phần vào thành công của việc phối hợp trong quản lý kinh doanh xăng dầu.

Thứ tư, công tác kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua rất chú trọng đến công tác kiểm tra, đó là:

(1) Công tác kiểm tra đã được tiến hành thường xuyên với các kế hoạch được xây dựng cụ thể, hằng năm, 100% cửa hàng xăng dầu được thường xuyên kiểm tra toàn diện hoạt động bởi các cơ quan liên ngành của địa phương. Quá trình kiểm tra kinh doanh xăng dầu tại các địa phương, nếu phát hiện sai phạm đều đã có biện pháp xử lý. Các xử lý hành chính đã được đưa ra đối với một số sai phạm này. Tuy nhiên, số vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tại Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Ví dụ trong năm 2024, tại Thành phố Cần Thơ  đã tiến hành kiểm tra việc việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu đối với 7 doanh nghiệp. Kết quả có 3/7 đơn vị có sai phạm5 (Sở Công Thương TP. Cần Thơ, 2024). Tại tỉnh Kiên Giang thực hiện 1 cuộc kiểm tra hành chính, 3 cuộc thanh tra chuyên ngành, 4 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Kết quả có 3 trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng6 (Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, 2024). Tại tỉnh Cà Mau, số cuộc thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 9 cuộc; số cuộc kiểm tra đột xuất 4 cuộc. Kết quả có 3 trường hợp vi phạm. Tổng số tiền phạt là 100 triệu đồng7 (Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, 2024).

3. Một số giải pháp

Để công tác quản lý nhà nước kinh doanh xăng dầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long được hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu đến các chủ thể kinh doanh.

Công tác giáo dục, phổ biến pháp luật đến các chủ thể kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa, cụ thể: Về chủ thể thực hiện tuyên truyền pháp luật về kinh doanh xăng dầu, không nên chỉ dừng lại ở Ủy ban nhân dân hoặc các sở chuyên môn; cần có sự mở rộng sự tham gia của các ban, ngành khác trong hệ thống chính trị; đặc biệt, cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội. Quá trình phối hợp trong phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu sẽ gặp khó khăn về tài liệu tuyên truyền. Theo quy định thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc về Sở Tư pháp. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu cần chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiến hành biên soạn các nội dung phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Về hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, cần tiếp tục duy trì các hình thức phổ biến truyền thống, như: tờ rơi, hệ thống loa phát thanh, băng rôn, áp phích, tuyên truyền miệng,… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, chủ thể tuyên truyền pháp luật cần đẩy mạnh sử dụng các nền tảng mạng xã hội để truyền tải các thông tin đến chủ thể kinh doanh xăng dầu. Các cơ quan quản lý nhà nước có thể lập các kênh chính thức trên mạng xã hội để truyền đạt các thông tin, gia tăng lượt tương tác để các kênh này thật sự đến gần với đối tượng cần phổ biến pháp luật. Đặc biệt, ở những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, cơ quan quản lý nhà nước có thể lập các kênh mạng xã hội để tuyên truyền pháp luật bằng ngôn ngữ Khmer. Việc tuyên truyền bằng hình thức này có ý nghĩa lớn trong việc tiếp cận đồng bào cũng như là một phương thức giữ gìn và phát triển ngôn ngữ Khmer.

Hai là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng.

Các số liệu khảo sát và qua quá trình phỏng vấn chuyên gia cho thấy, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố được thực hiện khá tốt, nhưng sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng về kinh doanh xăng dầu vẫn đang gặp một số vấn đề bất cập. Do đó, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các địa phương về quản lý kinh doanh xăng dầu.

Giữa các địa phương giáp ranh trên sông, trên biển cần thành lập chung các tổ công tác để thực hiện thường xuyên hoạt động kiểm tra kinh doanh xăng dầu. Các tổ công tác này thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động kinh doanh xăng dầu ở các tuyến sông, biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố. Đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu có địa bàn hoạt động từ 2 tỉnh thành trở lên, sự phối hợp này càng giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý nhóm chủ thể kinh doanh này.

Các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cần xây dựng cơ chế trao đổi thông tin với nhau, cần thiết có thể xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các địa phương hoặc toàn khu vực. Khi triển khai thành công sẽ mở rộng sang các vùng khác. Hoạt động này sẽ giúp kiểm soát được các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có địa bàn hoạt động rộng. Thực tế cho thấy hiện có “lỗ hổng” trong quản lý các thương nhân kinh doanh xăng dầu là: Bộ Công Thương cấp giấy phép để các chủ thể này hoạt động trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành trở lên; khi trở về hoạt động tại các địa phương thì cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương sẽ không nắm hoàn toàn thông tin về các thương nhân này. Sự “đứt gãy” trong phối hợp quản lý có thể xảy ra giữa Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp này.

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cần đẩy mạnh công tác kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long. Với hai hình thức kiểm tra: kiểm tra nội bộ và kiểm tra chuyên ngành. Đầu năm, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn sẽ tiến hành lập kế hoạch kiểm tra, tuy nhiên, cần gia tăng số lượng các đợt kiểm tra. Quá trình kiểm tra cần đi vào thực chất hoạt động của chủ thể kinh doanh xăng dầu, hạn chế việc kiểm tra hình thức. Quá trình kiểm tra cần chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân (nếu có) để các chủ thể kinh doanh xăng dầu nhận thức rõ các sai phạm. Trong các trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể thực hiện công bố thông tin về quá trình kiểm tra cũng như những sai phạm để bảo đảm tính răn đe. Hoạt động này cần bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin công dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ kiểm tra. Công chức thực hiện kiểm tra cần được đào tạo chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến. Mỗi công chức thuộc các ngành khác nhau tham gia đoàn kiểm tra liên ngành cần phải nắm rõ quy định pháp luật liên quan để có thể giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Trong thành phần đoàn kiểm tra nên có một thành viên là công chức tại địa bàn để nắm rõ đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế – xã hội, từ đó, các đề xuất kiểm tra và kết luận sẽ phù hợp hơn. Đối với một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nên bố trí trong đoàn thanh tra có ít nhất 1 công chức có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ Khmer.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, sử dụng công nghệ, như phần mềm quản lý, hệ thống giám sát trực tuyến giúp giảm thiểu sai sót và đẩy nhanh tốc độ kiểm tra. Công nghệ cũng hỗ trợ lưu trữ thông tin kiểm tra một cách khoa học, dễ dàng truy xuất và thực hiện chế độ báo cáo thuận lợi hơn. Đối với các chủ thể kinh doanh xăng dầu hoạt động từ 2 địa phương trở lên, các địa phương nên xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm tra chung, để hạn chế tình trạng đơn vị, cá nhân kinh doanh xăng dầu có sai phạm ở địa phương này nhưng vẫn tiếp tục hoạt động ở địa phương khác.

4. Kết luận

Xăng dầu là loại nhiên liệu phổ biến trong đời sống và sản xuất. Sự phát triển mọi mặt của đời sông kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ dẫn đến nhu cầu xăng dầu tại khu vực này sẽ có sự gia tăng đáng kể trong những năm tới. Từ đây, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu phải được chú trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại khu vực này đã đạt những kết quả tích cực về năng lực đội ngũ công chức, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tồn tại một số vấn đề cần được xem xét, khắc phục; trong đó, nổi bật công tác phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Cần thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào quá trình phát triển thị trường xăng dầu, ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại địa phương.

Chú thích:
1. Ông Nguyễn Bích Lâm giá xăng dầu leo thang, áp lực lạm phát và vĩ mô rất lớn.https://vneconomy.vn/techconnect//ts-nguyen-bich-lam-gia-xang-dau-leo-thang-ap-luc-lam-phat-va-vi-mo-rat-lon.htm, truy cập ngày 08/9/2024.
2, 3, 4. Kết quả, số liệu do tác giả khảo sát, phân tích, đánh giá trong quá trình thực hiện Luận án Tiến sỹ chuyên ngành Quản lý công (tháng 10/2024).
5. Sở Công Thương Cần Thơ (2024). Kết luận kiểm tra số 1352/KL-SCT ngày 27/5/2024 về chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu đối với thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024.
6. Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang (2024). Báo cáo số 390/BC-SCT ngày 29/11/2024 về công tác thanh tra năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
7. Sở Công Thương tỉnh Cà Mau (2024). Báo cáo số 408/BC-SCT ngày 03/12/2024 về kết quả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý IV và năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê 2022.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (2020). Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra mặt hàng xăng dầu lưu thông trên thị trường tỉnh An Giang.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (2015). Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 22/4/2015 ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau (2017). Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 ban hành quy định thời gian bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng và quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
6. Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ (2023). Quyết định số 2701/QĐ-UBND ngày 10/11/12023 về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán năm 2024.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2024). Kế hoạch số 357/KH-UBND ngày 12/12/ 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
8. Sở Công Thương tỉnh An Giang (2024). Kế hoạch số 375/KH-SCT ngày 21/11/2024 về bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.