Thiếu tá Hoàng Ngọc Dương
NCS của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nói về đại thắng mùa Xuân 1975, Đại hội IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc”1. Đất nước ta không những phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội mà còn phải đối mặt với những đòn chiến tranh tâm ý hết sức thâm hiểm của đế quốc Mỹ và tay sai. Vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt, Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trước “chiến tranh tâm lý” của địch, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975; thắng lợi vẫn còn nguyên giá trị, nhất là vận dụng trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: “Chiến tranh tâm lý”; đại thắng mùa Xuân năm 1975; “diễn biến hòa bình”; Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. “Chiến tranh tâm lý” của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam
Thuật ngữ “chiến tranh tâm lý” được nhà phân tích lịch sử quân sự người Anh J.F.C.Fuller đưa ra từ năm 1920 trong một phân tích về những bài học của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông đã dự đoán những phương tiện tác chiến truyền thống có thể sẽ bị thay thế bằng “chiến tranh tâm lý”.
Theo Từ điển Tâm lý học quân sự: “chiến tranh tâm lý” là hệ thống các biện pháp, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc hoạt động phá hoại trạng thái chính trị – tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang đối phương”2. “Chiến tranh tâm lý” trở thành một công cụ quan trọng mà đế quốc Mỹ sử dụng để tác động đến tinh thần và ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Đế quốc Mỹ tin rằng việc thay đổi tâm lý của ta sẽ giúp giảm thiểu sự kháng cự và tạo ra sự chia rẽ trong xã hội, từ đó hỗ trợ cho các mục tiêu quân sự và chính trị của họ. Mỹ đã tiến hành các hoạt động tình báo và “chiến tranh tâm lý” trên lãnh thổ Việt Nam dưới vỏ bọc công khai là các phòng thông tin Mỹ đặt trụ sở trong vùng thực dân Pháp chiếm đóng ngay từ năm 1946. Các đơn vị này có nhiệm vụ vừa thu thập tình báo, vừa công khai tuyên truyền chống chủ nghĩa cộng sản, tuyên truyền gây tâm lý phục Mỹ, thích Mỹ cho người dân và chính binh lính ngụy. Tuy nhiên, chỉ đến khi Edward Lansdale (1908 – 1987) trực tiếp chỉ huy công tác tâm lý chiến, cuộc “chiến tranh tâm lý” mới thực sự trở thành một bộ phận quan trọng đóng vai trò đắc lực trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Ngày 18/8/1954, Lansdale trở thành cố vấn cho Ngô Đình Diệm và dàn dựng một chiến dịch “chiến tranh tâm lý” có quy mô lớn. Trong đó, đã nghiên cứu kỹ về văn hóa Việt Nam để nắm được những yếu tố tâm lý, lịch sử của người dân để có thể lợi dụng: vấn đề Thiên chúa giáo, tâm lý mê tín dị đoan. Chúng thực hiện âm mưu gieo rắc những thông tin nhảm, xấu, độc làm cho các tín đồ Thiên chúa giáo hoang mang. Những thủ đoạn dùng thần quyền giáo lý làm “chiến tranh tâm lý” đã làm cho hàng trăm nghìn người dân miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954, trong đó phần lớn là giáo dân. Chính những phần từ này đã giúp đế quốc Mỹ làm nguồn hỗ trợ cho cuộc bầu cử của Ngô Đình Diệm tại miền Nam.
Sau khi dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm, Mỹ đã đặt tổ chức Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn, chi nhánh của Hãng Thông tin Hoa Kỳ USIS (viết tắt của từ United States Information Service, đến năm 1970 đổi tên thành JUSPAO) chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. USIS không chỉ làm chức năng thông tin báo chí, đây còn là đầu mối chỉ đạo các hoạt động chiến tranh tâm tý và phá hoại tư tưởng, tất cả hoạt động của nó đều nhằm phục vụ cho chính sách đối ngoại của Mỹ, tuyên truyền cái gọi là sức mạnh Mỹ, lối sống Mỹ, tư tưởng Mỹ ở Việt Nam. Bằng cách chỉ đạo hàng chục cơ quan văn hóa thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn và các tỉnh, thành phố miền Nam Việt Nam, chúng đã công khai tuyên truyền cho đường lối chiến tranh và văn hóa Mỹ, trợ giúp và chỉ đạo hoạt động của bộ máy “chiến tranh tâm lý” của ngụy quyền Sài Gòn.
Hệ thống tổ chức bộ máy “chiến tranh tâm lý” của ngụy quyền Sài Gòn bao gồm 3 bộ phận:
(1) Hành chính dân sự với nhiều tên gọi khác nhau, như: Ủy ban Điều hợp tâm lý chiến, Ủy ban Động viên chính trị, Ủy ban Thông tin đại chúng, ngoài ra còn có cơ quan đặc trách về “chiến tranh tâm lý” như Bộ Thông tin chiêu hồi.
(2) Mỹ trực tiếp phụ trách bao gồm hệ thống đài phát thanh do Mỹ tổ chức và trực tiếp điều hành (Đài phát thanh Tự do, Đài phát thanh Mẹ Việt Nam, Đài Phát thanh Gươm thiêng Ái quốc, Đài phát thanh Giải phóng Nam Bộ…).
(3) Bộ phận “chiến tranh tâm lý” của ngụy quân Sài Gòn được tổ chức theo hệ thống dọc từ cấp trung ương tới cấp trung đội dân vệ do Mỹ chỉ huy, có sự cộng tác của chuyên gia “chiến tranh tâm lý”. Năm 1955, ngụy Sài Gòn quyền đã thành lập Nha “chiến tranh tâm lý”, có đài phát sóng riêng, có cơ sở in truyền đơn, báo chí và tài liệu cho “chiến tranh tâm lý”, các cục nghiệp vụ, trường đào tạo cán bộ “chiến tranh tâm lý” (Trường Đại học Chiến tranh chính trị Đà Lạt, Trung tâm Huấn luyện cán bộ tâm lý chiến), các Nha tuyên úy Công giáo, các tiểu đoàn chiến tranh chính trị, các đại đội dân sự vệ, Biệt đoàn văn nghệ trung ương. Các Bộ tư lệnh Không quân, Hải quân, Lục quân, các quân khu, binh chủng, sư đoàn, quân trường, trung đoàn, liên đoàn, tiểu khu và cấp tương đương đều có khối “chiến tranh tâm lý”. Cấp tiểu đoàn có sĩ quan phụ tá “chiến tranh tâm lý” và một số ủy viên “chiến tranh tâm lý” giúp việc. Đến năm 1970 quân số làm “chiến tranh tâm lý” đã chiếm 1/5 quân lực của ngụy quân Sài Gòn3.
Năm 1972, Mỹ đã thực hiện chiến dịch “chiến tranh tâm lý” quy mô lớn ra Miền Bắc Việt Nam. Mỹ đã cho rải truyền đơn quy mô lớn với hơn 46 triệu tờ rơi được thả trong 10 ngày tại Hà Nội và Hải Phòng4. Chúng còn làm giả các tài liệu, mạo danh, tạo tin đồn, tin giả, thuê phóng viên viết tin sai lệch để làm lung lay ý chí chiến đấu của quân và dân ta, tuyên truyền sai lệch trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Kẻ địch muốn khiến Quân đội ta mất niềm tin vào khả năng chiến thắng, gây hoang mang và hoài nghi trong hàng ngũ, tạo ra sự chia rẽ tinh thần đoàn kết quân dân, gieo rắc sự lo lắng và sợ hãi trong lòng dân, làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Phòng, chống “chiến tranh tâm lý” góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975
Sớm nhận rõ bản chất xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, ngày 14/02/1959, Ban Bí thư đã Ban hành Chỉ thị số 127-CT/TW về việc tăng cường công tác đấu tranh chống các luận điệu phản tuyên truyền, phao đồn tin nhảm. Chỉ thị đã đánh giá “kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt để tiến hành “chiến tranh tâm lý” “tác động tinh thần”, hàng ngày thông qua đài phát thanh miền Nam và sử dụng một số cơ sở tay chân của chúng ở miền Bắc, gieo rắc những luận điệu lừa bịp, xuyên tạc, vu khống chế độ miền Bắc, để kích động bọn phản động tiến hành phá hoại”5.
Ngày 20/01/1962, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đảng chỉ rõ, cuộc đấu tranh chống những hành động phản tuyên truyền, phao đồn tin nhảm là một cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chính trị, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa góp phần ổn định tư tưởng quần chúng, nâng cao cảnh giác với kẻ địch. Đồng thời, đó là một cuộc truy tìm, đả kích những phần tử phản cách mạng hoạt động “chiến tranh tâm lý”, kích động quần chúng chống lại chủ nghĩa xã hội. Do đó, giáo dục quần chúng phải thật cụ thể và sắc bén, kịp thời, thường xuyên và liên tục.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc truy tìm bọn phao tin nhảm, tuyên truyền xuyên tạc được quân và dân ta tiến hành tích cực, đi sâu điều tra nghiên cứu về phương thức, quy luật hoạt động của bọn phao tin nhảm. Các đơn vị trong toàn quân đã đưa ra các cách thức phòng, chống “chiến tranh tâm lý”. Đối với kẻ không có ý thức chính trị phản động, chỉ vì giác ngộ kém, chưa thông suốt chủ trương, chính sách, hoặc đối với những lời nói không đúng mức, vô tình truyền đi các tin không đúng chính sách của ta thì giải thích, giáo dục. Với những phần tử xấu, lợi dụng cơ hội, thổi phồng và khoét sâu những thiếu sót của cán bộ, kích động quần chúng gây rối trật tự thì phải thẩm tra, phát hiện để cô lập chúng, chú trọng giáo dục quần chúng thấy rõ đúng, sai và đồng tình với ta trong việc xử trí những phần tử xấu này. Còn đối với những kẻ phản tuyên truyền ,xuyên tạc có hệ thống, có ý thức chính trị chống đối chế độ rõ rệt phải cảnh cáo, vạch mặt chúng trước quần chúng nhân dân hoặc bắt và trừng trị theo pháp luật.
Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn quân khẩn trương tiến hành công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách. Công tác tuyên truyền hướng vào quyết tâm chống Mỹ, cứu nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng ở sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa có Đảng quang vinh lãnh đạo, gắn với chống hữu khuynh, dao động, cầu an, khiếp nhược trước bom đạn Mỹ, thoái thác nhiệm vụ chiến đấu. Ngày 31/3/1965, Quân ủy Trung ương phát động phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong các lực lượng vũ trang. Ở miền Nam, từng đơn vị đều thi đua giành danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt cơ giới, diệt máy bay”.
Trước những thủ đoạn đánh phá dã man của không quân Mỹ vào mọi mục tiêu, bất kể quân sự hay dân sự, Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân phát động cuộc đấu tranh chống tư tưởng tiêu cực, nêu cao khẩu hiệu: “muốn bắn rơi máy bay Mỹ, trước hết phải bắn rơi tư tưởng tiêu cực”. Sau đợt sinh hoạt chính trị, giải quyết tư tưởng bi quan vào cách đánh và trang bị hiện có, các đơn vị phòng không đã sôi sục khí thế quyết đánh, quyết thắng máy bay địch, thực hiện khẩu lệnh tiến công của chính trị viên đại đội Nguyễn Viết Xuân “nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Công tác tư tưởng trong toàn quân đã góp phần quan trọng xây dựng yếu tố chính trị tinh thần của bộ đội, chống lại “chiến tranh tâm lý” của địch, không chỉ quyết đánh mà còn sáng tạo biết đánh, biết thắng giặc Mỹ.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm, các đơn vị coi trọng giáo dục bộ đội đề cao cảnh giác, phòng gian, giữ gìn bí mật, có những biện pháp quản lý con người, phòng ngừa địch móc nối, cài cắm tay sai làm nội gián, chống phá ta từ bên trong. Công tác dân vận được tiến hành thường xuyên, bộ đội vừa chiến đấu dũng cảm vừa tận tụy vì dân, được dân tin yêu và đùm bọc, giúp đỡ. Công tác địch vận được chỉ đạo chặt chẽ, các đơn vị kết hợp nhịp nhàng giữa tiến công quân sự với tiến công về chính trị làm rệu rã tinh thần chiến đấu của địch. Ngay từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo cơ quan địch vận hướng dẫn bộ đội cách gọi hàng, bắt giặc lái Mỹ, in truyền đơn và những bản hướng dẫn bằng tiếng Anh – Việt; Hàn – Việt để quân và dân ta sử dụng trong chiến đấu; đồng thời, tổ chức những buổi phát thanh vận động binh lính ngụy và nước ngoài trên đài tiếng nói Việt Nam.
Bước vào những năm chiến đấu ác liệt (1965 – 1972), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tâm đánh bại mọi hoạt động gián điệp và “chiến tranh tâm lý” của địch”6, Quân ủy Trung ương tiếp tục nhấn mạnh việc đấu tranh chống “chiến tranh tâm lý” của địch phải phát huy mạnh mẽ, kịp thời ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng tiêu cực, lạc hậu, hữu khuynh dao động, lỏng lẻo mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, ảo tưởng hòa bình. Mọi đơn vị đều tăng cường giáo dục bộ đội chấp hành nghiêm chính sách thương, bệnh binh và kỷ luật dân vận.
Những chỉ đạo kịp thời của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đã làm nên chiến thắng của những trận đánh quan trọng, như: Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1971); Chiến dịch Trị – Thiên (1972); Chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1972); Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972); Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (1972), đặc biệt là Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (1972)… Thắng lợi oanh liệt của quân và dân ta đã buộc Đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973). Ngày 29/3/1973, đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu đã phải rút khỏi miền Nam. Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ để lại gần 2 vạn nhân viên quân sự trá hình làm nhân viên dân sự, tăng cường viện trợ về quân sự.
Ngày 16/3/1973, Quân ủy Trung ương đã họp ra nghị quyết về tình hình mới, nêu rõ: “tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ quân đội; hết sức coi trọng công tác đấu tranh chống “chiến tranh tâm lý”, chiến tranh gián điệp của địch, đề phòng mọi sơ hở để địch lợi dụng phá hoại”7, các đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng giáp ranh đã tích cực đấu tranh với thủ đoạn tâm lý chiến của địch, tuyên truyền vận động binh sĩ địch nhận rõ tinh thần dân tộc, rời bỏ hàng ngũ quân ngụy trở về với gia đình, chung sức với Nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ở Trị – Thiên và Khu V các mũi tấn công “chiến tranh tâm lý” đã có những hình thức phong phú, như: dựng nhà thông tin, nhà hòa hợp, mắc loa phóng thanh, tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ giữa khu vực tiếp giáp để binh sĩ được nghe. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được lệnh tìm cách tiếp xúc, nói chuyện giác ngộ binh sĩ ngụy trong nhà hòa hợp. Khu ủy Khu 9 phát động phong trào xóa bỏ dứt điểm “gia đình đau khổ”, hướng dẫn, tổ chức mọi gia đình tìm cách kêu gọi con em bị địch bắt lính trở về với gia đình hoặc trở về với cách mạng. Với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, quân và dân ta đã đập tan “chiến tranh tâm lý” của địch ở từng vùng giải phóng.
Từ ngày 18/12/1974 – 08/01/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng, nhận định tình hình thế giới và nội bộ nước Mỹ tạo đã nên thời cơ lớn cho dân tộc “một ngày bằng 20 năm”. Ngay sau hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, ngày 09/01/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp thống nhất chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, trong đó Buôn Ma Thuột làm mục tiêu tấn công đầu tiên. Chỉ sau 33 giờ chiến đấu kiên cường, 10 giờ ngày 11/3/1975 trận then chốt thứ nhất của chiến dịch đã thành công, quân ta đã làm chủ Buôn Ma Thuột. Đến ngày 24/3/1975 vùng chiến lược Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Ngày 26/3/1975 quân ta giải phóng Trị – Thiên – Huế, ngày 29/3/1975 giải phóng Đà Nẵng.
Trên cơ sở tổng hợp tình hình chung, ngày 18/4/1975, Tổng cục Chính trị đã gửi Hướng dẫn số 134/CT-H về một số kinh nghiệm công tác sau giải phóng, nhấn mạnh lệnh cho binh sĩ ngụy ra trình diện và đem nộp ngay vũ khí, chất nổ, tài liệu, tài sản cho chính quyền cách mạng; kêu gọi Nhân dân tham gia truy quét tàn binh địch; tổ chức những người ra trình diện (số sĩ quan ác ôn phải giam giữ ngay), binh lính đăng ký xong giao lại cho địa phương quản lý; sử dụng lực lượng chiến đấu phối hợp với an ninh và cơ sở cách mạng, đoàn thể quần chúng ở địa phương, bố trí lực lượng giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ những nơi quan trọng, tổ chức cho Nhân dân phát hiện, tố giác bọn sĩ quan ác ôn, bọn tâm lý chiến, bọn gián điệp đang lẩn trốn, khai thác sĩ quan và binh lính tố cáo đồng bọn còn trốn tránh…
Với sức mạnh quân sự và chính trị, trên cơ sở kết quả việc đập tan “tâm lý chiến” của địch góp phần tạo nên thời cơ chín muồi. 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn – Gia Định trên 4 hướng kết hợp với nổi dậy của quần chúng nhân dân. Trưa ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng của bộ đội ta đã đồng thời kéo lên ở ba mục tiêu then chốt trong thành phố Sài Gòn là: Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu Ngụy và sân bay Tân Sân Nhất, đánh dấu thời khắc thành phố mang tên Bác được giải phóng hoàn toàn. Đến ngày 02/5/1975, toàn miền Nam sạch bóng quân thù. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta toàn thắng.
3. Vận dụng kinh nghiệm phòng, chống “chiến tranh tâm lý” vào nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay
Những kinh nghiệm quý báu của ông cha ta trong phòng, chống “chiến tranh tâm lý” của Mỹ vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là trong nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ ra: “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; chủ động phòng ngừa; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”8.
Hiện nay “diễn biến hòa bình” đã có nhiều hình thái mới, tuy nhiên bản chất vẫn không thay đổi, mục đích của nó vẫn là từng bước chuyển hóa, đẩy lùi, đi đến xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, chúng vẫn sử dụng “chiến tranh tâm lý” làm mũi tiến công chủ yếu, nhất là trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Phòng, chống “chiến tranh tâm lý” là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Những kinh nghiệm quý giá đấu tranh với tâm lý chiến của địch trong kháng chiến là cơ sở để đưa ra các biện pháp phòng, chống “chiến tranh tâm lý” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về “chiến tranh tâm lý” của các thế lực thù địch. Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về âm mưu, thủ đoạn, phương thức “chiến tranh tâm lý” của các thế lực thù địch. Tổ chức tốt các buổi thông tin thời sự, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt học tập, giao ban hội ý để thông báo tình hình, cung cấp những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ theo cương vị, chức trách được giao.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội, tập trung thực hiện tốt Quy chế số 775/QC-CT ngày 12/5/2022 của Tổng cục Chính trị về công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, bồi dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Tăng cường đấu tranh vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn “chiến tranh tâm lý”, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Từ đó, giúp mỗi quân nhân nhận rõ tính chất thâm độc, xảo quyệt của “chiến tranh tâm lý”, nêu cao cảnh giác, nhận rõ thực, hư trước các âm mưu, thủ đoạn của địch, không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ hai, chủ động hơn nữa về thông tin và định hướng dư luận và ngăn cản các tin đồn tiêu cực.Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, cổ động trong đơn vị, bảo đảm nội dung thông tin kịp thời, chính xác, mang tính tư tưởng, tính giáo dục, tính thời sự, tính khánh quan cao. Duy trì chặt chẽ chế độ thông báo thời sự, đọc báo, nghe tin ở đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhạy bén, đánh giá, nhận định, có thái độ đúng đắn trước các sự kiện, hiện tượng xảy ra để kịp thời định hướng dư luận trong đơn vị. Chống lại tình trạng nhiễu tin, loạn tin, tránh sự thao túng nhận thức, tình cảm của cá nhân trong việc lĩnh hội xử lý thông tin của cá nhân và tập thể.
Khi có dấu hiệu xuất hiện tin đồn xấu, độc cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân nguồn phát tin, người đưa tin ban đầu, ngăn chặn không cho lan truyền trong đơn vị. Ngoài ra, cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn sự tác động của các thông tin sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, nhất là internet. Có sự quản lý chặt chẽ đối với quân nhân trong việc sử dụng internet và mạng xã hội; quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, hạn chế sự tác động của các thông tin sai trái, thù địch xâm nhập vào đơn vị.
Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa lành mạnh chính là nơi nuôi dưỡng và hoàn thiện những giá trị văn hóa trong mỗi quân nhân, tạo ra sức đề kháng ngăn chặn sự thâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc cùng những tác động khác của chiến tranh tâm lý. Đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm giúp mỗi quân nhân biết giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; tích cực đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, những yếu tố phản giá trị văn hóa xâm nhập vào đơn vị. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, thực hiện tốt phương châm: “đơn vị là nhà, cán bộ, chiến sĩ đều là anh em”, tạo môi trường gần gũi, gắn kết để cùng nhau xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên huấn vững mạnh toàn diện. Cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ trì các cấp cần thường xuyên nắm bắt, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan tuyên huấn và đội ngũ cán bộ tuyên huấn để kịp thời thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên huấn gắn với xây dựng đội ngũ cấp ủy viên Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 khi có biến động; bảo đảm tiêu biểu nhất, toàn diện “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Tin tưởng và giao nhiệm vụ mới, khó, cần kíp về phòng, chống “chiến tranh tâm lý” trong chiến lược “diễn biến hòa bình”; đồng thời, chăm lo tốt về cơ chế, chính sách và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đội ngũ này.
4. Kết luận
Với ý chí kiên cường, khát vọng giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Đây là cuộc kháng chiến có quy mô lớn, dài ngày và ác liệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là thử thách lớn nhất đối với dân tộc và sự lãnh đạo của Đảng ta. Dân tộc Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ không chỉ bằng sức mạnh vật chất mà còn bởi sức mạnh tinh thần, sức mạnh của ý chí, niềm tin, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc… Bằng sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự mưu trí, sáng tạo, đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta, việc đập tan “chiến tranh tâm lý” của địch đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu để Quân đội nhân dân Việt Nam vận dụng sáng tạo vào đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” hiện nay.
Chú thích:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 471.
2. Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự (2006). Từ điển Tâm lý học quân sự. H. NXB Quân đội nhân dân, tr. 66 – 67.
3. Hồ sơ mật: Cuộc “chiến tranh tâm lý” 20 năm của Mỹ tại Việt Nam: Tiền tỷ dã tràng. https://cand.com.vn/Ho-so-mat/Cuoc-chien-tranh-tam-ly-20-nam-cua-My-tai-Viet-Nam-Tien-ti-da-trang-i302780/
4. Tài liệu giải mật: Chiến dịch “chiến tranh tâm lý” của Mỹ tại miền Bắc Việt Nam năm 1972. https://ordi.vn/tai-lieu-giai-mat-chien-dich-chien-tranh-tam-ly-cua-my-tai-mien-bac-viet-nam-nam-1972.html.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2004). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 166.
6. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 168.
7. Tổng cục Chính trị (2002). Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 2000). H. NXB Quân đội nhân dân, tr. 554.
8. Ban Tuyên giáo Trung ương (2023). Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 303.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Chính trị (2022). Quy chế số 775/QC-CT ngày 12/5/2022 về công tác quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/11/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dan-chu-trong-xay-dung-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-vung-manh.