Trung tá, ThS. Đinh Văn Phúc
NCS của Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật, sự biến động về chính trị – xã hội rất nhanh chóng, phức tạp trên thế giới và trong nước, làm xuất hiện những giá trị, xu hướng đối lập nhau tác động hằng ngày đến đội ngũ sĩ quan trẻ – những người mà vốn sống thực tiễn, nhận thức và kinh nghiệm chưa nhiều. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi và thâm độc, nhất là trên lĩnh vực văn hóa nhằm chống phá, lật đổ chế độ ta. Vì vậy, trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng đất nước, quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, càng đòi hỏi phải phát huy vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Từ khóa: Lĩnh vực văn hóa; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái; sĩ quan trẻ; vai trò.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng xác định rõ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”1. Thực tế đã chứng minh trong nhiều thập kỷ qua, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó xác định lấy văn hóa làm trọng điểm tiến công nhằm làm băng hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước pha loãng và đi đến chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong quân đội hiện nay, lực lượng sĩ quan trẻ là những người trực tiếp quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực hiện các nhiệm vụ ở đơn vị. Đặc biệt, sĩ quan trẻ có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Do đó, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, trước hết là trên lĩnh vực văn hóa là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
2. Vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân…”2. Trong cuộc đấu tranh ấy, văn hóa là một lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng nhiều nhạy cảm, phức tạp. Từ đó, đòi hỏi trong đấu tranh phải phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức và lực lượng, trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam. Vai trò đó được biểu hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Một là, sĩ quan trẻ là lực lượng nòng cốt trực tiếp giáo dục, bồi dưỡng nhận thức, định hướng tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, giám sát quân nhân thuộc quyền đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Hai là, sĩ quan trẻ là lực lượng nòng cốt trong quan triệt, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Ba là, sĩ quan trẻ là lực lượng quan trọng, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Bốn là, sĩ quan trẻ là lực lượng quan trọng, trực tiếp tham gia đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Để tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Quân ủy Trung ương, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền vể chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng tích cực tham gia đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, nhất là vai trò của đội ngũ sĩ quan trẻ. Nhờ vậy, vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng được thể hiện sinh động, như: sĩ quan trẻ thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát quân nhân và đơn vị thuộc quyền trong tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và tiếp nhận, sử dụng các sản phẩm văn hóa.
Công tác tổ chức, quản lý hoạt động sử dụng Internet và mạng xã hội ở đơn vị một cách hiệu quả; hạn chế thấp nhất cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiếp xúc với các sản phẩm văn hóa độc hại và các thông tin sai lệch. Thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn và bảo mật thông tin của Đảng, Nhà nước; không để xảy ra tình trạng phát ngôn bừa bãi và lộ lọt thông tin quân sự, quốc gia. Tích cực nâng cao trình độ chuyên môn trong việc thực hiện pháp luật, kỷ luật quân đội góp phần nâng cao nhận thức và hành vi thực hiện pháp luật trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, thực hiện xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh đối với các sai phạm trong sử dụng Internet và mạng xã hội, trong phát ngôn và bảo mật thông tin, trong sử dụng các sản phẩm văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vai trò của trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn trên lĩnh vực văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Một số chủ thể chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Một số sĩ quan trẻ có phẩm chất và năng lực chưa đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Phương tiện, cơ sở vật chất để sĩ quan trẻ phát huy vai trò trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa ở một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm. Một số sĩ quan trẻ có tính tích cực, chủ động, sáng tạo chưa cao trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trong tình hình mới, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, việc phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan trẻ trong đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa cần phải được tiến hành thường xuyên hơn nữa với nhiều biện pháp mang tính đồng bộ.
3. Một số biện pháp phát huy vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Trong mọi hoạt động, nhận thức luôn là tiền đề cho thực hiện có hiệu quả các hoạt động thực tiễn. Trong đó, nhận thức đúng về vai trò của chủ thể thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Vì vậy, trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa các chủ thể, lực lượng trong quân đội rất cần thiết phải có nhận thức đúng đắn về vai trò của sĩ quan trẻ. Điều đó được thể hiện ở việc các chủ thể, lực lượng xác định sĩ quan trẻ có khả năng tham gia thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa và sẽ là đội ngũ kế cận xứng đáng cho lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Từ sự xác định rõ ràng, đúng đắn đó sẽ tránh tư tưởng xem nhẹ hoặc phủ nhận vai trò của sĩ quan trẻ trong quá trình đấu tranh. Thực tế hiện tượng này đã xảy ra khi có ý kiến cho rằng sĩ quan trẻ có tuổi đời, tuổi quân ít, kinh nghiệm chưa nhiều thì khó có thể tham gia đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Chính tư tưởng này đã làm giảm tích cực, nhiệt huyết của sĩ quan trẻ, dẫn đến, họ chỉ tham gia nhiệm vụ đấu tranh khi có sự phân công, chứ không chủ động tìm kiếm thông tin, chủ động nghiên cứu và chủ động đấu tranh.
Đối với sĩ quan trẻ khi nhận thức đúng đắn về vai trò của bản thân là cơ sở để họ xây dựng niềm tin, mạnh dạn nhận nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu, trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện tư duy phản bác, đấu tranh. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm cần nâng cao nhận thức về vai trò của họ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa; thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt, kèm cặp để họ nhận thức và phát huy tốt vai trò của mình, thể hiện là lực lượng kế cận xứng đáng trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Thứ hai, tích cực bồi dưỡng phẩm chất và năng lực của đội ngũ sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Phẩm chất và năng lực (đức và tài) là hai thành phần chủ yếu cấu thành nhân cách con người, đồng thời cũng là cơ sở nền tảng để phát huy vai trò của chủ thể. Nói cách khác, muốn phát huy được vai trò trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ phải có phẩm chất và năng lực tốt. Về phẩm chất, họ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, có ý thức giữ giàn và phát huy bản sản sắc văn hóa dân tộc. Về năng lực, sĩ quan trẻ cần phải có năng lực nhận thức và năng lực tư duy; năng lực xây dựng kế hoạch và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến “… khả năng chủ động đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, biết khai thác, sử dụng Internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh”3.
Các chủ thể, các lực lượng ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và “tự giáo dục”, bồi dưỡng và “tự bồi dưỡng” để sĩ quan trẻ có đầy đủ tri thức, thái độ, bản lĩnh, kinh nghiệm và các kỹ năng trong giải quyết vấn đề này. Một khi có tri thức soi đường, kinh nghiệm được bồi dưỡng kết hợp với bản lĩnh chính trị của người sĩ quan, người đảng viên, khi đó sĩ quan trẻ sẽ nhận thức chính xác đâu là vấn đề cần bảo vệ, phát triển và đâu là vấn đề cần đấu tranh, phê phản, phủ nhận. Đặc biệt, trong vấn đề bồi dưỡng năng lực đấu tranh cho sĩ quan trẻ, cần phát huy cao nhất sự kèm cặp, bồi dưỡng, định hướng của những cán bộ, nhà khoa học có trình độ, có kinh nghiệm và uy tín trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Thứ ba, tạo mọi điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất để sĩ quan trẻ phát huy vai trò trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất là những yếu tố có vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa nói chung và phát huy vai trò của sĩ quan trẻ trong hoạt động này nói riêng. Do đó, đòi hỏi các chủ thể, đặc biệt là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hơn nữa điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách tốt nhất cho sĩ quan trẻ ngày càng thể hiện tốt hơn nữa trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần nhất quán về mặt nhận thức rằng sĩ quan trẻ là đội ngũ kế cận, tiếp nối và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh trong thực hiện mọi nhiệm vụ nói chung, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa nói riêng. Từ đó, thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và định hướng họ vào thực hiện nhiệm vụ này. Có cơ chế, chính sách, tạo động lực để sĩ quan trẻ tích cực tham gia đấu tranh. Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần đặt niềm tin nơi sĩ quan trẻ, mạnh dạn phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, các chủ thể, lực lượng cần phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về phương tiện, cơ sở vật chất. Đó chính là hệ thống tài liệu, máy tính, mạng internet… góp phần bảo đảm cho sĩ quan trẻ có cơ sở, điều kiện tốt nhất để tham gia đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, cần cung cấp đầy đủ, kịp thời cho sĩ quan trẻ nguồn tài liệu cả chính thống lẫn tài liệu không chính thống và có sự định hướng đấu tranh.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ sĩ quan trẻ trong đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Đây là nội dung biện pháp rất quan trọng nhằm phát huy vai trò của sĩ quan trẻ trong đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của sĩ quan trẻ về vị trí, vai trò của nhiệm vụ đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ này. Sĩ quan trẻ cần nhận thức nhất quán rằng: đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và giữ gìn, phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, góp phần vạch rõ bản chất phản động, phản khoa học, phản văn hóa của các quan điểm, tư tưởng văn hóa tư sản.
Đội ngũ sĩ quan trẻ cần chủ động, tích cực học hỏi, nghiên cứu, trau dồi tri thức, tiếp thu kinh nghiệm, mạnh dạn tham gia đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa thông qua nhiều hình thức khác nhau. Chỉ có tích cực tham gia vào thực tiễn đấu tranh, người sĩ quan trẻ mới thể hiện được đầy đủ và rõ nét vai trò của mình. Vì vậy, ngay từ khi mới ra trường, sĩ quan trẻ cần nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của quân đội, đơn vị và xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của bản thân. Tích cực, thường xuyên học hỏi để ngày càng nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa.
Cùng với đó, sĩ quan trẻ cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phải tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn”4.
4. Kết luận
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc… Văn hóa còn thì Dân tộc còn”5. Đây là quan điểm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng đất nước, nhất là khi giao lưu văn hóa phát triển mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế hiện nay. Chính từ vai trò hết sức quan trọng của lĩnh vực văn hóa, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị có nhiều âm mưu, thủ đoạn để tấn công vào lĩnh vực nay. Do đó, đấu tranh bảo vệ nền văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong tình hình hiện nay. Để đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, vấn đề quan trọng hàng đầu là phát huyvai trò của các tổ chức, các lực lượng trong tham gia đấu tranh, trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chú thích:
1. Bộ Chính trị (2020). Kết luận số 76/KL/TW ngày 04/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2, 3. Bộ Chính trị (2018). Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
4. Bộ Chính trị (2019). Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 về “Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
5. Nguyễn Phú Trọng (2022). “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 157.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Duy Bắc (chủ biên, 2022). Phát triển văn hóa và con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh phát triển đất nước. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Hà Minh Đức (2022). Sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
4. Vũ Thị Phương Hậu (2023). Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. H. NXB Lý luận Chính trị.
5. Lý Tùng Hiếu (2019). Giao lưu tiếp biến văn hoá và sự biến đổi văn hoá Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội.